Vén màn bí mật của những “đại gia” cao hổ
Những sản phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác… luôn là thứ được dân “sành điệu” săn đón, việc buôn bán thu được những món lợi nhuận kếch xù, không thua gì ma túy. Chính vì thế, các đối tượng không từ một thủ đoạn nào để tổ chức buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã qua biên giới.
Cơ quan chức năng đã có những biện pháp mạnh để triệt phá, tuy nhiên cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng…
1. Từ nhiều năm nay, Nguyễn Mậu Chiến (Chiến “hổ”) được giới “sành điệu” ở Hà Nội nhắc đến với vẻ kính nể. Do bị cấm nên các sản phẩm từ động vật hoang dã như sừng tê giác, ngà voi, da hổ, cao hổ… đều thuộc loại hiếm có khó tìm. Ngay cả người có tiền song nếu không có “quan hệ” thì cũng khó mà mua được. Nhưng nếu biết và “gõ” đúng cửa Nguyễn Mậu Chiến thì người mua sẽ luôn được dùng hàng “chuẩn”, “xịn”! Hàng chục năm nay Nguyễn Mậu Chiến nổi danh về hổ và các sản phẩm từ loài động vật thuộc “sách đỏ” này nên mới có biệt danh là “Chiến hổ”.
Người ta đồn nhau, muốn mua cao xịn, nanh xịn, da xịn… thì phải tìm đến y. Ngoài ra Chiến cũng có “mối” để mua được sừng tê giác, ngà voi từ châu Phi về để các “đại gia” trưng tủ hoặc làm “thuốc” chữa bách bệnh…
Thực ra việc Nguyễn Mậu Chiến có những chế phẩm từ hổ không phải là điều khó hiểu. Cách đây đúng 11 năm, chúng tôi từng về tận nhà bố đẻ của Nguyễn Mậu Chiến tại xã Xuân Tín (Thọ Xuân, Thanh Hóa) và tận mắt chứng kiến đàn hổ 10 con được nuôi như nuôi… gà.
Số sừng tê giác cơ quan Công an thu giữ trong đường dây của Nguyễn Mậu Chiến.
Thời điểm đó, Nguyễn Mậu Chiến cho biết mục đích nuôi hổ là để “bảo vệ loài động vật quý hiếm, đồng thời có ý định “nhân giống” nên Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã đồng ý để Chiến tiếp tục nuôi (sau khi đã xử phạt hành chính 30 triệu đồng).
Mặc dù vậy, theo thông tin chúng tôi có được thì cũng trong năm 2007, Nguyễn Mậu Chiến từng bị bắt giữ ở châu Phi và bị xử phạt hành chính do vận chuyển một số sản phẩm từ động vật hoang dã. Và cho đến tháng 4-2017 thì bộ mặt của ông trùm chuyên buôn bán động vật hoang dã đã bị lật tẩy.
Theo tài liệu từ Cơ quan công an, sáng ngày 27-4-2017, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm, Công an quận Hà Đông đã bất ngờ kiểm tra hành chính đối với đối tượng Nguyễn Văn Tùng (35 tuổi, trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Qua kiểm tra một valy và một thùng các tông, Cơ quan công an đã phát hiện có 15 sừng động vật (sau đó được giám định là sừng tê giác).
10 giờ cùng ngày, cơ quan điều tra tiếp tục kiểm tra hành chính đối tượng Trần Thị Lành (36 tuổi, trú tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) đang vận chuyển 2 bao tải dứa từ nhà Chiến về nhà Lành. Trong các bao tải chứa rất nhiều sản phẩm động vật hoang dã như: 6 khúc ngà động vật (ngà voi), 8 khúc sừng động vật (sừng tê giác), 16 gói cao động vật và nhiều chế phẩm khác. Ngày 10-5-2017, Nguyễn Mậu Chiến đã đến Cơ quan công an đầu thú.
Sau một thời gian điều tra, đường dây buôn bán vận chuyển động vật hoang dã thuộc loại lớn do Nguyễn Mậu Chiến cầm đầu đã được Cơ quan công an làm rõ. Khoảng cuối năm 2016, Chiến đi Trung Quốc và có quen biết đối tượng Xieng Xieng (người Trung Quốc).
Xieng Xieng đã thuê Chiến vận chuyển 15 chiếc sừng tê giác có trọng lượng 34kg từ TP HCM về Hà Nội, với tiền công là 340 triệu đồng, hẹn tháng 4-2017 sẽ có hàng. Chiến gọi điện nhờ Nguyễn Văn Tùng đi TP HCM để nhận sừng tê giác mang về cho Chiến.
Ngày 24-4-2017 Xieng Xieng gọi điện thông báo cho Chiến hàng đã ở TP HCM và nói Chiến liên hệ với một đối tượng là Nguyễn Mạnh Chiến (SN 1974, trú tại phường 12, quận Tân Bình, TP HCM) để lấy hàng. Thông qua Nguyễn Mậu Thuận (là nhân viên tàu Bắc – Nam), số hàng đã được đưa cho Tùng để mang về Hà Nội. Cho đến ngày 25-4, khi Tùng đang vận chuyển valy và thùng các tông đựng sừng tê giác ra xe ô tô thì bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.
Video đang HOT
Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, Chiến gọi điện thoại cho Tùng nhưng không được. Y chột dạ nghĩ đã bị lộ liền gọi điện chỉ đạo vợ là Lê Thị Hồng tẩu tán những thứ hàng cấm đi. Hồng vội thu dọn sừng tê giác, ngà voi, nhiều chế phẩm từ động vật hoang dã khác cho vào 2 bao tải dứa gửi nhờ tại nhà của Trần Thị Lành. Khi Lành đang chở 2 bao tải về nhà thì bị lực lượng công an kiểm tra, thu giữ.
Hành vi của Chiến và đồng bọn đã phạm vào tội “Tàng trữ và vận chuyển trái phép hàng cấm”. Tháng 10-2017, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên do một số bị cáo vắng mặt và đại diện VKS bị ốm nên phiên tòa đã bị hoãn.
Tháng 11-2017, phiên xử được mở lại song do lời khai của bị cáo tại tòa có sự mâu thuẫn nên HĐXX sơ thẩm quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ “ông trùm” sản phẩm động vật quý hiếm. Vụ án sẽ được mở lại trong tháng 1-2018.
Nguyễn Mậu Chiến từng nuôi hàng chục con hổ tại quê nhà.
2. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, năm 2017 tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tiếp tục có diễn biến phức tạp, trên cả 3 tuyến đường biển, đường bộ và đường hàng không.
Chỉ tính từ ngày 1-10-2016 đến 30-9-2017, toàn ngành hải quan Việt Nam đã phát hiện và bắt giữ 62 vụ, khởi tố 15 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã qua biên giới. Còn nếu tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, toàn ngành đã bắt giữ 42 vụ, trong đó có 4 vụ ngà voi, 6 vụ sừng tê giác, 10 vụ tê tê sống và vảy tê tê.
Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở Hà Nội có cả chục đường dây chuyên buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã. Một trong số ấy là đường dây của H “hói” – được coi là một trong những ông trùm về cao hổ cốt ở Hà Nội. Vốn H. có quán bia hơi lớn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đây cũng là một vỏ bọc hoàn hảo để H. tiếp tục hành nghề buôn bán hàng cấm mà không lo bị phát hiện.
Qua một số mối quan hệ, chúng tôi có mặt trong một cuộc nhậu với H. “hói” và khơi được câu chuyện về những đường dây chuyên buôn bán động vật hoang dã từ nước ngoài về Việt Nam. Từ khoảng 20 năm trước, H. tình cờ được rủ sang một nước phía nam châu Phi chơi. Thời điểm đó, chuyện săn bắn động vật hoang dã ở đây còn chưa được quản lý chặt nên chỉ cần “quan hệ” với quan chức địa phương là có thể đưa các loại sừng tê giác, ngà voi ra khỏi biên giới.
Thậm chí khi bắn được một chú hổ, thì toàn bộ da, xương cũng được “cho không”. Bằng những cách khác nhau, các chế phẩm này sẽ được mang về Việt Nam trót lọt.
Những năm gần đây, việc buôn bán những thứ hàng này ngày một bị siết chặt. Tuy nhiên do nhu cầu về sừng tê, ngà voi và đặc biệt là cao hổ luôn vượt cung nên H. vẫn thường xuyên đánh hàng về Việt Nam. Sừng tê, ngà voi thì phải ngụy trang rất kỹ và gửi theo đường chuyển phát nhanh.
Còn cao hổ, thay vì mang xương về nấu như trước, ông trùm thường cho người nấu luôn ở nước bạn, sau đó mới mang cao về. “Cao của em là hổ xịn, hổ rừng nên được đánh giá tốt nhất thị trường. Cứ về lô nào là hết lô ấy, không dưới 1.000 đô/lạng” – H. cao hứng tuyên bố.
Ngoài con đường từ các nước châu Phi, thì các chế phẩm từ động vật hoang dã có thể theo ngả từ các quốc gia Đông Nam Á về Việt Nam. Không ít lần do nguồn hàng từ châu Phi về không đủ, H. đã phải nhập hổ đông lạnh từ Lào, dùng xe ôtô loại 9 chỗ vận chuyển về Việt Nam rồi rã đông, lấy xương nấu cao. Thời gian gần đây, H. còn thường xuyên phục vụ một nhóm khách VIP.
Nhóm khách hàng toàn loại có tiền, rất chuộng cao hổ. Và có lẽ vì nghi ngờ chất lượng cao trên thị trường nên nhóm đại gia này đề nghị H. cho tham gia nấu cùng.
Mỗi đại gia “cốp” vào khoảng vài trăm triệu để H. thiết lập đường dây khuân 1 chú hổ đông lạnh từ nước ngoài, qua một tỉnh miền Trung ra Hà Nội. Tập kết tại nơi kín đáo, H. thuê người xẻ thịt, lọc xương để nấu cao. Các đại gia sẽ nhậu thâu đêm để canh nồi cao. Khi cao đã cô đặc sẽ được chia đều cho nhóm.
3. Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc phụ trách chương trình Chính sách – Pháp luật của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), hiện vẫn còn khá nhiều “đại gia” tin rằng sừng tê giác có thể giúp giảm sốt, cân bằng “âm – dương” trong cơ thể, thải độc tố, ngoài ra còn giúp điều trị nhiều bệnh khác. Thậm chí một số người còn cho rằng sừng tê giác chữa được cả bệnh ung thư.
Tuy nhiên, trong một điều tra gần đây của ENV, nhiều bác sỹ, gồm cả bác sỹ Đông y và nhà khoa học đã khẳng định sừng tê giác không có tác dụng chữa ung thư.
Bên cạnh đó, với lợi nhuận được đánh giá ngang bằng với buôn lậu vũ khí, ma túy và buôn bán người, vấn nạn buôn bán động vật hoang dã đang ngày càng diễn biến phức tạp. Việt Nam không chỉ bị coi là một quốc gia tiêu thụ động vật hoang dã mà còn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới trung chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên quốc gia. Nhiều công dân Việt Nam đã bị bắt giữ ở trong và ngoài nước vì có liên quan đến loại hình tội phạm rất nghiêm trọng này.
Nguyễn Mậu Chiến và các đồng phạm tại phiên xử sơ thẩm.
Cũng theo tài liệu từ cơ quan chức năng, các loại sản phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác… được các đối tượng chủ yếu mua tại châu Phi, sau đó vận chuyển bằng đường hàng không về Việt Nam rồi tiếp tục được vận chuyển trái phép sang các nước lân cận. Phương thức chủ yếu là đựng trong hành lý không có người nhận, gửi trong hàng hóa qua đường chuyển phát nhanh và đựng trong hành lý xách tay của hành khách xuất nhập khẩu, tên hàng khai báo chung chung.
Trên tuyến đường bộ, động vật hoang dã từ châu Phi và một số quốc gia khác được vận chuyển qua Lào, Campuchia sau đó vận chuyển vào Việt Nam bằng đường bộ. Từ Việt Nam, động vật hoang dã tiếp tục được vận chuyển lậu qua đường mòn, đường tắt sang Trung Quốc. Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là chia nhỏ, cất giấu động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã như ngà voi, vảy tê tê, xương hổ, rắn, rùa, cầy, cáo các loại… trong hàng hóa nông sản xuất khẩu, trong hành lý, trong người hoặc trên phương tiện vận tải để vận chuyển qua cửa khẩu, lối mở, đường mòn biên giới.
Đặc biệt, một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách quản lý đối với các loại hình kinh doanh trong hoạt động xuất nhập khẩu như tạm nhập – tái xuất, quá cảnh… để buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này.
Trên tuyến đường biển, thủ đoạn phổ biến được dùng là lợi dụng các ưu đãi trong chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa, lợi dụng việc chuyển tải tại cảng trung chuyển nước ngoài để tạo mới chứng từ, che giấu cảng xếp hàng gốc.
Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo các lực lượng chuyên trách tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và đã phối hợp bắt giữ được nhiều vụ việc lớn, phức tạp.
Còn theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) mỗi năm có khoảng 4.000 – 4.500 tấn động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã vận chuyển bất hợp pháp. Cuộc chiến với tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã đang diễn ra hết sức phức tạp.
Tuy nhiên hiện nay hành lang pháp lý về quản lý cũng như hình thức xử lý vi phạm về bảo vệ động, thực vật hoang dã chưa đồng bộ, thống nhất, còn nhẹ, làm giảm tính răn đe của pháp luật đối với người phạm tội khiến cho tình trạng buôn bán động vật hoang dã ngày càng “ nóng”.
Ngoài việc tham mưu các văn bản, lực lượng công an đã có nhiều giải pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong việc buôn bán, sử dụng động vật hoang dã, bảo vệ đa dạng sinh học.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và đấu tranh phòng, chống sự suy kiệt tài nguyên đa dạng sinh học. Ngoài việc bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp lý thì việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học; đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế là việc làm quan trọng.
Theo Yên Chi
An ninh thế giới
Lời kể rợn người của nhân chứng vụ hổ vồ bé trai 13 tuổi
Sau vụ việc cậu bé 13 tuổi bị hổ vồ tại Thanh Hóa, phóng viên Dân Việt đã về xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) tìm hiểu và nghe lời kể rợn người từ cậu bé Phạm Văn Trung (người đi cùng với em Mai Văn Chiến bị hổ vồ).
Mấy ngày qua, thông tin về cậu bé Mai Văn Chiến (13 tuổi, trú xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) bị hổ vồ vào chân gây trọng thương được đông đảo người dân quan tâm. Trong vụ tai nạn hy hữu này, cậu bé Mai Văn Chiến bị hổ vồ mất một bắp chân, còn một người bạn của Chiến may mắn thoát nạn khi cả hai cùng trèo lên tường xem hổ là em Phạm Văn Trung (trú cùng xã với Chiến).
Dù sự việc đã trải qua hơn chục ngày, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi chuyện bị hổ vồ mất bắp chân của bạn, cậu bé Phạm Văn Trung thi thoảng vẫn rùng mình.
Em Phạm Văn Trung đang kể lại chuyện hổ vô mất bắp chân của Mai Văn Chiến.
Trung kể: "Hôm ấy (tức 28.5), sau khi đi dự lễ tổng kết năm học xong, con và anh Chiến về nhà ăn cơm trưa xong thì xin phép bố anh Chiến lấy xe đạp đi chơi. Trên đường đi, con và anh Chiến bàn với nhau đi qua xã Xuân Tín xem hổ.
Lúc đó, khoảng 11h trưa, anh em con đèo nhau bằng xe đạp đi men theo bờ đê rồi qua khu trại hổ. Do bức tường và hàng rào thép cao quá nên hai anh em con trèo theo cây cột điện sát với bức tường rào để leo lên xem hổ.
Trong lúc con đang đứng xem, bỗng nhiên thấy có một con hổ từ đằng xa chạy lại, rồi trong tích tắc, đã thấy nó leo lên đến mặt tường nơi chúng con đang đứng rồi thò chân trước ra cào vào chân anh Chiến. Lúc đó, con chỉ nghe anh Chiến kêu "á" lên một tiếng, còn con hổ kia đã tụt xuống đất.
Anh Chiến và con cùng nhảy ngay xuống đất. Lúc đó, con thấy chân phải của anh Chiến chảy máu rất nhiều nên vội vàng cởi cáo của anh Chiến ra quấn vào chân anh ấy, rồi chở anh về nhà, báo cho người lớn biết".
Địa điểm hai cháu Phạm Văn Trung và Mai Văn Chiến trèo lên xem hổ. Ảnh: Hồng Đức
Ngồi cạnh Trung, anh Mai Văn Khắc (38 tuổi, bố của em Mai Văn Chiến) tiếp lời: "Lúc chúng nó xin phép đi chơi xong, tôi lên giường ngủ trưa. Đang nằm ngủ, bỗng nghe cháu Trung hớt hải gọi: "Bác, bác ơi, anh Chiến bị... hổ vồ. Con xin lỗi bác". Tôi bật dậy thấy tay và áo của cháu Trung loang lổ máu. Tôi chạy ra sân thì thấy chân phải con trai mình đang quấn một cái áo đầy máu. Khi tôi gỡ cái áo ra, toàn bộ phần bắp thịt chân phải đã bị hổ lấy mất".
"Tôi quấn ngay chiếc áo lại rồi bế con cho mẹ nó chở xe máy chạy hộc tốc qua Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân cấp cứu cho con. Khi qua đến bệnh viện, các bác sĩ sơ cứu cho cháu rồi yêu cầu chuyển đi ngay xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì vết thương quá nặng. Sau đó, cháu được chuyển đi ra Hà Nội" - anh Khắc kể lại.
Theo Danviet
Nghịch lý: Buôn bán hổ trái phép lại được cấp phép nuôi hổ bảo tồn Đầu năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa từng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi nuôi nhốt 12 cá thể hổ trái phép của ông Nguyễn Mậu Chiến. Song điều bất ngờ là sau đó chính quyền lại giao ông này nuôi thí điểm 12 cá thể hổ trên vì mục đích... nghiên cứu bảo tồn. Ngay sau...