Vé xem tuyển Việt Nam đấu Nhật Bản cao nhất 1,2 triệu đồng
VFF phát hành bốn mệnh giá vé cho hai trận đấu sân nhà của tuyển Việt Nam tháng 11, cao nhất 1,2 triệu đồng, thấp nhất 500.000 đồng.
Sân Mỹ Đình sẽ đón khoảng 12.000 CĐV khi tuyển Việt Nam đấu với Nhật Bản và Saudi Arabia ở vòng loại cuối World Cup 2022 tháng 11. Ảnh: Đương Phạm
Bốn mệnh giá vé xem tuyển Việt Nam thi đấu với Nhật Bản và Saudi Arabia trên sân Mỹ Đình ở vòng loại World Cup 2022 gồm 1.200.000 đồng, 900.000 đồng, 700.000 đồng và 500.000 đồng. VFF cho biết toàn bộ vé được phát hành online. Cổ động viên (CĐV) có thể thanh toán qua thẻ ATM hoặc ví điện tử. Mỗi người chỉ được mua tối đa hai vé trong một lần đặt lệnh (tương ứng một trận).
Trước đó, kế hoạch đón khán giả vào sân cổ vũ tuyển Việt Nam trong hai trận đấu này được UBND thành phố Hà Nội và các Bộ, Ngành phê duyệt sau nhiều lần VFF phải chỉnh sửa. Theo đó, khoảng 12.000 CĐV (tương đương 30% sức chứa sân Mỹ Đình) sẽ được vào sân mỗi trận, thay vì 20.000 khán giả như đề xuất ban đầu của VFF.
Để được vào sân, CĐV phải tiêm đủ hai mũi vaccine (mũi hai đã qua từ 14 ngày trở lên), hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng sáu tháng và có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính trong thời gian 72h trước khi trận đấu diễn ra. Bên cạnh đó, khán giả phải thực hiện nghiêm túc yêu cầu của ban tổ chức về việc ngồi giãn cách, đeo khẩu trang suốt thời gian có mặt trên sân.
Theo lịch thi đấu, trận Việt Nam – Nhật Bản diễn ra lúc 19h ngày 11/6. Sau đó, ngày 16/6, thầy trò Park Hang-seo đối đầu với Saudi Arabia cũng vào khung giờ trên. Đây là lần đầu tiên tuyển Việt Nam vào vòng loại cuối World Cup. Sau bốn lượt trận, đội quân của HLV Park ở cuối bảng B với 0 điểm và hiệu số -6.
Tuyển Việt Nam vừa thực hiện xong một tuần cách ly tập trung hôm 21/10 sau chuyến thi đấu ở UAE và Oman. Các cầu thủ có ba ngày nghỉ ngơi bên gia đình trước khi hội quân trở lại vào ngày 25/10 để chuẩn bị cho hai trận đấu tới.
Video đang HOT
Thua liền 5 trận, tuyển Việt Nam đang ảo tưởng hay thầy Park sai lầm giống Kiatisuk thuở nào?
Thái Lan của Kiatisuk từng phải chờ đến 4 trận thua mới kiếm được trận hòa đầu tiên ở vòng loại cuối World Cup trong lần đầu tham dự. Còn đội tuyển Việt Nam của thầy Park?
Chạm đáy ở cột mốc lịch sử
Câu trả lời là rất khó, thậm chí là bất khả thi khi phía trước đang là hai đối thủ cực kỳ nặng ký: Nhật Bản và Saudi Arabia - một là đội bóng được xem là mạnh nhất châu Á, đội còn lại đang xếp đầu bảng B với 4 trận toàn thắng. Nhưng trở lực lớn nhất của thầy trò HLV Park Hang-seo giờ đây hẳn không phải từ các đối thủ mạnh, mà có lẽ đến từ chính họ, với tinh thần đang "chạm đáy" sau trận thua "mất mặt" trước Oman.
Đúng 6 năm về trước, ngay trên sân Mỹ Đình, đội tuyển Thái Lan của Kiatisuk đã "làm gỏi" đội tuyển Việt Nam của HLV Miura với tỷ số đậm đà 3-0 bằng lối chơi "thêu hoa dệt gấm" cực kỳ đẳng cấp. Ngày ấy, vượt mặt cả Iraq, khiến đội tuyển Việt Nam phải "hít bụi", đoàn quân của HLV Kiatisuk hùng dũng lập cột mốc lịch sử cho bóng đá Thái Lan, tiến vào vòng loại cuối World Cup 2018 với "giấc mơ World Cup" cháy rừng rực trong lòng người hâm mộ.
Đến với vòng loại cuối World Cup 2018 khu vực châu Á, Kiatisuk đem nguyên lối chơi tấn công theo kiểu tiqui-taca, háo hức tìm trận thắng đầu tay ở đấu trường lịch sử, để rồi nhận 4 trận thua liên tiếp. Trận thứ năm, Thái Lan chơi một trận tấn công cực hay trước Australia. Đội bóng đến từ châu Đại dương là đội ghi bàn sớm, song Thái Lan mới là đội khiến đối thủ phải may mắn khi có được trận hòa.
Chính trận hòa ấy đã khiến Kiatisuk quyết định trung thành với lựa chọn của mình, để "Voi chiến" chơi tấn công trước các đối thủ mạnh châu Á. Rốt cuộc sau 8 trận đấu ở đấu trường danh giá này, "Zico Thái" buộc phải từ chức, ra đi lặng lẽ và tủi hờn sau rất nhiều thành công vang dội cùng bóng đá Thái Lan.
Cơn "say sóng" ở "biển lớn"
Sau trận thua 2-3 trước UAE ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, nhiều người hâm mộ thầm tiếc nuối rằng giá như thầy trò HLV Park Hang-seo chọn lối chơi đôi công đĩnh đạc như hơn 30 phút cuối trận, có lẽ trận đấu sẽ kết thúc với một kết cục khác.
Trong số 4 trận thua ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á tính đến hiện tại, có đến 2 trận Việt Nam là đội ghi bàn mở tỷ số. Không ít người đang tin rằng nếu đội tuyển Việt Nam chơi tấn công, kết quả sẽ tốt hơn. Trong số đó, có lẽ có cả thầy Park, như Kiatisuk từng tin vào sức mạnh tấn công của Thái Lan thuở nào.
Bằng chứng là ở hai trận đấu gần nhất, hiệp hai các cầu thủ Việt Nam luôn chơi dâng cao, thay vì phòng ngự phản công như thường lệ. Tại sao lại là hiệp 2, mà không phải ngay từ đầu trận? Câu trả lời là bởi nền tảng thể lực không cho phép các học trò của HLV Park Hang-seo chơi tấn công cả trận, nhất là trước các đội bóng được đánh giá mạnh hơn.
Song rốt cuộc, lối chơi tấn công ấy là điều duy nhất mà các cầu thủ Việt Nam lĩnh ngộ được từ thầy Park cùng Ban huấn luyện. Đáng tiếc, dấu ấn đậm nhất của ê kíp huấn luyện của HLV Park Hang-seo ở giai đoạn này, lại là sự chuẩn bị cực kỳ sơ sài cho các cầu thủ trước và trong trận đấu, nhất là trong trận đấu.
"Chiêu trò" đá phạt góc của Oman không mới, họ đã dùng nó trước Nhật Bản. Chẳng nhẽ Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam không nghiên cứu băng hình về đối thủ, nên không phát hiện ra điều này, để rồi có đối pháp hợp lý cho thủ thành thiếu kinh nghiệm như Văn Toản, cũng như hàng thủ?
Ngay đầu trận, Oman đã dùng chiêu trò "quây thủ môn" này với Văn Toản, ấy vậy mà ở bàn thua đến từ tình huống y hệt, hàng thủ Việt Nam vẫn "sập bẫy" đầy ngây thơ. Chả nhẽ thầy Park nghĩ rằng Oman sẽ không "tắm hai lần trên một dòng sông", để có đối sách cho các học trò trong giờ nghỉ?
Đâu chỉ có thế, hai quả phạt đền mà đội tuyển Việt Nam phải nhận đều đậm chất "Võ League", mang nặng tính tiểu xảo và đầy ngây ngô khi ra "biển lớn", ở giải đấu mà VAR theo sát "đến từng mm" các tình huống trên sân.
Ở vòng loại World Cup 2022, tính đến trước trận đấu gặp Oman, đội tuyển Việt Nam đã phải nhận đến 5 quả phạt đền. Chẳng nhẽ thầy Park và Ban huấn luyện không để ý đến điều này, để có sự điều chỉnh cho các cầu thủ. Đấy phải chăng chỉ là chuyện của các cầu thủ?
Càng ngày, những bàn thua mà đội tuyển Việt Nam phải nhận càng "dễ dàng" hơn. Ở trận gặp Trung Quốc, người ta có thể đổ tất cả trách nhiệm vào Thanh Bình - cái tên mới toanh được HLV Park Hang-seo giao trọng trách, song ở trận gặp Oman, thì cả ba bàn thua của đội tuyển Việt Nam đều khiến những gì người ta biết về đoàn quân của thầy Park trước đây trở nên lạc hậu.
Bàn thua đầu tiên đến từ pha bóng tất cả hàng thủ Việt Nam đứng "trơ mắt ếch" nhìn đối thủ tung người móc bóng, khi bóng nẩy thẳng lên trời và đi rất chậm. Bàn thứ hai là cú đánh đầu tung lưới nhà của Văn Toản, trong khi đó bàn thua cuối đến từ "cánh tay hư" của Duy Mạnh. Đây là đấu trường World Cup, không phải SEA Games để những lỗi lầm của Văn Toản hay Bùi Tiến Dũng có thể tự hào: " Tôi sai đã có các đồng đội sửa ".
Những gì mà Kiatisuk từng trải qua, và HLV Park Hang-seo đang phải trải qua, đơn giản chỉ là sự tê liệt về mặt ý chí khi choáng ngợp trước đấu trường "quá sức", để rồi không thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhất cho mình và các học trò. Thất bại là chuyện bình thường. Thậm chí đá hết 10 trận mà không có nổi điểm nào, cũng là chuyện bình thường nốt. Làm gì có ai thoát được "ngày đầu chưa quen, đường cày đâu thẳng ngay".
Xét cho cùng, đấu trường mà HLV Park Hang-seo đang dẫn dắt các học trò tham gia, cũng là đấu trường lớn nhất ông từng tham gia trên cương vị huấn luyện. Sự bỡ ngỡ của ông cũng có khác gì các học trò.
Những gì HLV Park Hang-seo đang làm cho các học trò sẽ đưa bóng đá Việt Nam đến chạm vào "giấc mơ World Cup", chỉ có điều không phải lần này. Rất có thể sẽ là World Cup 2026, khi số lượng đội bóng tham gia VCK được tăng lên đến con số 48, thay vì 32 như hiện tại. Bởi những kinh nghiệm ngày hôm nay là cực kỳ quý giá với lứa cầu thủ này, dù là kinh nghiệm đúc rút từ những trận thua tơi tả.
Vấn đề mấu chốt nhất lúc này là sự ủng hộ dành cho thầy Park, để ông cùng các học trò "vững chân" hơn đi nốt con đường đầy chông gai và trắc trở này, dù "bóng ma" mang tên Kiatisuk vẫn đang quanh quẩn thật gần đâu đây.
Báo Trung Quốc: 'CĐV Việt Nam nức lòng khi sân Mỹ Đình đón khán giả' Người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ được tới sân Mỹ Đình cổ vũ tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. TT Plus đăng bài viết với nội dung: "Sau một ngày, cổ động viên Việt Nam đi từ cảm giác thất vọng đến vui sướng tột độ. Chiều 21/10, UBND TP. Hà Nội...