Về U Minh Thượng “săn cá”
Vườn Quốc gia U Minh Thượng, với diện tích hơn 21.000 ha, có hệ sinh thái rừng nhiệt đới ngập nước thuộc loại hiếm trên thế giới với nhiều loài động thực vật phong phú. Nơi đây là nơi cư ngụ của 186 loài chim, hơn 500 loài động vật, trong đó có rái cá lôn
Nổi tiếng qua những áng văn của các nhà văn Nam Bộ như Đoàn Giỏi, Sơn Nam, U Minh Thượng hiện nay là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với nhiều người. Tới đây, bạn có thể tham ra nhiều tuyến thăm quan nhưng có một cách rất thú vị để khám phá U Minh Thượng: đi thuyền ra giữa rừng và câu cá. Câu cá cả ngày chỉ mất 40.000 đồng/người. Nếu không câu, bạn có thể thuê vỏ lải của khu du lịch vào sâu trong các trảng lớn của rừng với giá 20.000 đồng/người.
Đúng 5 giờ sáng, phòng vé mở cửa bán vé vào rừng. Đến đây, các hướng dẫn viên sẽ đưa du khách đi sâu vào vùng lõi của rừng để câu cá hoặc tham quan.
Từ bến ghe vào một điểm câu trung bình mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ qua các kênh rạch chính. Hai bên dọc bờ kênh là rừng lau sậy ngút ngàn, rừng tràm thăm thẳm trong mây. Bạn sẽ dễ có cảm giác lạc lõng và nhỏ bé trong một thế giới mênh mang. Càng đi càng thấy rộng lớn, không một bóng người. Chim, cá tự do sinh sôi nảy nở, đời này qua đời khác.
Phần lớn người tới câu cá đều tự mang theo câu và mồi. Cá câu được có thể mang về hoặc ăn tại chỗ. Bạn có thể dễ dàng câu được cá rô gai cỡ lớn xấp xỉ 200 gram. Cá lóc nhiều con to bằng bắp chân, nặng 3 – 4kg. Khi ngồi dưới tán rừng tràm nướng cá lóc, rắn chấm với muối hột đâm nát, dầm ớt hiểm xanh ăn lai rai bạn sẽ có cảm giác như sống lại thời khẩn hoang. Rau rừng ở đây rất phong phú như lá sen non, bông súng ma, bông lục bình,…
Giữa sóng nước, những chiếc thuyền mỏng manh như hòa lẫn vào khung cảnh xung quanh. Bạn có thể buông cần và thảnh thơi ngắm nhìn một vòm trời mênh mang, xanh ngắt một màu bèo và những cánh chim tung trời khoáng đạt.
Video đang HOT
Nếu muốn nghỉ qua đêm tại đây, bạn có thể thuê phòng ở các khu nhà nghỉ, khách sạn tại ấp Công Sự, xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng), hoặc ngay những tum nhà trọ giữa rừng.
Khi đêm về, ngồi quanh bếp lửa hồng trong rừng tràm hay ngả lưng trên chiếc ghế mây của khu nhà sàn ẩm thực, bạn sẽ được nghe những người dân địa phương, những “lão lâm” một thời ngang dọc trên những cánh rừng bạt ngàn tràm hoang, lau sậy kể chuyện đường rừng.Hiện bình quân Vườn quốc gia U Minh Thượng tiếp đón khoảng hơn 2.000 du khách/tháng. Qua từng năm, số lượng du khách đến đây cứ tăng dần lên.
Hiện nay, cá không kịp sinh sản để phục vụ nhu cầu săn cá cho du khách. Ngày càng khó câu được những con cá lớn như ban đầu mới mở cửa năm 2004.
Một vấn đề khác của U Minh Thượng hiện nay đó là tình trạng rác thải bừa bãi, đặc biệt là vỏ chai nhựa và túi nylong, do du khách thải ra. Mặc dù có nhắc nhở của Ban Quản lý nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Vì vậy, khi đến đây, bạn hãy mang theo túi đựng rác để giúp gìn giữ môi trường nơi đây trong sạch.
Theo ngôi sao
Những sát thủ dugong cuối cùng
Nhiều sát thủ dugong ở Phú Quốc giải nghệ đã quay trở lại để bảo vệ loài vật còn có tên là 'nàng tiên cá' này.
Dugong, một loài động vật quý hiếm tại khu bảo tồn biển Phú Quốc - Ảnh: do BQL khu bảo tồn biển Phú Quốc cung cấp
Ký ức săn "nàng tiên cá"
Trong ngôi nhà khang trang nằm dưới chân núi Hòn Một, bên con đường đất đỏ chạy qua xã Bãi Thơm (Phú Quốc), người đàn ông dáng nho nhã chậm rãi mang ra một kỷ vật được gói cẩn thận trong tấm vải đỏ úa màu. Kỷ vật cuối cùng trong cuộc đời biển cả của ông là cặp nanh dài của con dugong nặng gần một tấn, cũng là con dugong (còn gọi là bò biển hay "nàng tiên cá") cuối cùng bị ông sát hại ngót cũng đã mười mấy năm rồi.
Lúc đó chúng tôi phải bán ghe với giá rẻ, còn lưới thì bán phế liệu chú à! Mà phải bán thôi. Con vật mọi người bảo vệ, mình thì lại đi săn giết nó là bất nhẫn
Vợ ông Sáu Khâu,
ấp Cây Sao, Hàm Ninh (Phú Quốc)
Ông Nguyễn Văn Khanh nói đó là một trong những con dugong lớn nhất mà một ngư dân ở Phú Quốc có thể bắt được, nó quý cũng vì tới nay đã chẳng ai trên đảo còn theo nghề săn bò biển, và còn vì đó là tất cả những gì còn lại của nghề "gia truyền" của ông.
Mười chín tuổi, ông Khanh đã theo cha, là một ngư dân nổi tiếng thạo biển, lênh đênh đánh cá. Những tháng dài mưu sinh đã dạy cho ông biết coi nước, nhìn gió, hiểu đặc tính của nhiều loài cá trong vùng biển tây nam. Ví dụ như dugong không bao giờ đi ngang hướng nước chảy và di cư theo từng mùa ở những vùng có thảm cỏ biển non xanh. Có tháng chúng xuất hiện ở quần đảo Hải Tặc, có tháng chúng tìm cỏ ở vùng biển Phú Quốc, nhưng cũng có mùa chúng tập trung xa về hướng tây. Nắm được "lịch" này, những ngư dân kinh nghiệm thường phục kích thả một loại lưới đặc biệt, có sợi to, gọi là lưới hoàng để đón bắt. Cũng cần nói thêm về loại lưới hoàng, mà dân biển cả còn gọi là "lưới đại ca", "lưới trời"... này, đến nay dường như đã biến mất trên vùng biển tây nam từ khi những người đánh cá mập, cá đuối ó, rùa biển, dugong... cuối cùng giải nghệ.
Dân bắt dugong thường đến vùng có nhiều cỏ biển, đợi con vật men đến tìm thức ăn sẽ dính lưới. Lưới hoàng được thả rất dùn. Khi mắc, dugong thường kéo lưới đi rất xa trước khi chúng "buông xuôi" đuối sức. Dugong là loài thú hiền, không tấn công người. Nên khó khăn duy nhất khi săn được dugong là làm sao đưa chúng lên tàu bởi chúng rất nặng. Một con dugong đánh bắt được nhẹ nhất cũng phải trên 100kg, trong khi tàu của ngư dân thường nhỏ, nên khi kéo lưới lên rất vất vả. Thậm chí có không ít lần đánh được dugong, khi kéo lên thì bị sức nặng của chúng làm cho tàu bị lật úp. Ông Khanh kể, lúc kéo được con dugong nặng trên 800 kg lên thì tàu của ông cũng đã ngập nước, may nhờ lúc đó biển êm, chứ chỉ cần sóng gió cấp 4, cấp 5 thôi cũng đủ nhận chìm chiếc tàu nhỏ.
Bảng cổ động không tiêu thụ dugong, rùa biển tại xã Hàm Ninh, nơi trước đây có nhiều ngư dân sống bằng nghề bắt dugong
Thời gian trước, dugong đem về róc da, xẻ thịt bán ở các chợ với giá rẻ bèo. Tuy nhiên, ông Khanh nói một đêm ra khơi bắt được dugong, đem bán cũng đủ tiền sống cả tháng. Một thời gian, nhiều ngư dân ở Phú Quốc cũng mua ghe, sắm lưới đi đánh dugong. Trong số đó, không ít nhà đã lâm nợ... vì không tìm được dugong. Trong khi ghe ông Khanh lại đều đều bắt được loài vật này. Thậm chí, có đêm một mẻ lưới của ông dính đến năm, sáu con. Tiếp theo người cha, ông Khanh một thời cũng được xem là "sát thủ" dugong. Ông nhẩm, đến khi giải nghệ, ông đã bắt bán trên 200 "nàng tiên cá".
Trả nợ biển cả
Thời gian trước, nhờ bán vài công đất, ông Sáu Khâu (Nguyễn Văn Khâu) đã xây được căn nhà to trên phần đất tại ấp Cây Sao, Hàm Ninh (Phú Quốc). Còn trước đó, gia đình ông đã lâm vào cảnh nợ nần khi phải bán chiếc tàu biển và tấm lưới hoàng, là cần câu cơm duy nhất.
Sau năm 1975, ông Sáu Khâu trở về quê tiếp tục nghề biển. Từ sự giúp đỡ của một người họ hàng, vợ chồng ông mua được chiếc ghe đánh lưới ghẹ. Được một thời gian, khi ông Tư Bạch bên Rạch Hàm bỏ nghề săn dugong, ông Sáu Khâu đã mua lại tấm lưới hoàng cũ với giá trên 1 triệu đồng.
Ghe nhỏ, ông Khâu cũng ít khi đi xa, mà chỉ quanh quẩn ở những khu vực Cây Sao, Bãi Bổn gần đảo Phú Quốc, nơi có những dãy cỏ biển tốt mà dugong thường tới. Mỗi năm, ông Khâu chỉ có một mùa đánh được dugong, từ tháng mười đến tháng chạp âm lịch, thời gian còn lại chúng di cư qua những vùng biển khác. Đánh được ngoài chục con, ông Khâu lại bất ngờ đưa ra quyết định bán lưới, bán ghe để đi làm rẫy, vì "làm nghề này trước sau gì cũng trả giá"... Nhắc đến chuyện này, tới giờ, vợ ông Sáu Khâu còn nguyên tâm trạng: "Lúc đó chúng tôi phải bán ghe với giá rẻ, còn lưới thì bán phế liệu chú à! Mà phải bán thôi. Con vật mọi người bảo vệ, mình thì lại đi săn giết nó là bất nhẫn". Trò chuyện với chúng tôi, ông Khâu nói: trước gốc dừa phía vườn nhà ông chất đầy xương dugong. Nhiều người tới lui xin về làm thuốc, ông đều cho, chỉ chừa lại 2 cái hộp sọ làm kỷ niệm. Nhưng rồi mấy ngày trước, đứa cháu nhà ông bị nóng sốt, khi ông chạy ra vườn để nhặt mảnh xương về cho nó uống thì không còn lại gì, ai đó đã lấy sạch xương con bò biển.
Ông Khanh, một "sát thủ" dugong giữ cặp nanh con dugong trên 800 kg làm kỷ niệm
Không phải riêng ông Khâu, ông Bạch, ông Khanh, những sát thủ dugong ở Phú Quốc lần lượt tuyên bố bỏ nghề. Những thợ săn dugong nổi tiếng nhất xứ đảo quay trở lại... bảo vệ loài vật đáng thương này. Thậm chí nhiều người còn tham gia tổ tình nguyện viên đi khuyên những ngư dân khác không đánh bắt dugong, rùa biển.
Nhiều ngư dân lão luyện ở Phú Quốc vẫn quả quyết rằng dugong vẫn còn xuất hiện tại vùng biển này. Chúng không còn bị de dọa bởi những sát thủ đánh lưới hoàng. Nhưng ngược lại, loài vật này lại đối diện với những "sát thủ" khác còn ghê gớm hơn, đó là các ghe cào bay. Ông Khanh cho rằng ghe lưới hoàng ngày trước độc không bằng một phần so với ghe cào bay bây giờ. Không bị bắt bởi lưới hoàng, dugong, rùa biển cũng khó thoát khỏi những dàn lưới cào kéo dài trên biển, vốn nuốt sạch tất cả những sinh vật lớn bé mà chúng đi qua.
Dugong là loài thú quý hiếm nằm trong Sách đỏ của thế giới. Ở Việt Nam chỉ thấy xuất hiện ở vùng biển Côn Đảo và bắc đảo Phú Quốc. Dugong có thể nổi lên mặt biển những đêm trăng và phát ra những âm điệu du dương, chính đặc điểm này đã hình thành nên những huyền thoại về "nàng tiên cá".
Theo TNO
Xứ sở cổ tích U Minh Thượng Đặt chân đến Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), bạn như lạc vào thế giới cổ tích của rừng tràm, cỏ cây, chim muông đẹp như một bức tranh. Tạm xa những ồn ào của cuộc sống, rừng U Minh Thượng đón bạn với rất nhiều bất ngờ. Trên dòng nước đen Trước kia, đường đất còn khó khăn, nói đến...