Về U Minh Thượng
U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang được tạo hóa ban tặng một khu rừng tràm ngập nước than bùn có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn đã được công nhận là khu Ramsar của thế giới vào ngày 22-2-2016.
Hệ sinh thái đa dạng của U Minh Thượng. Ảnh: moitruong.net.vn
Vùng rừng U Minh Thượng xưa kia có tên “Thập Câu” bởi có 10 con rạch xếp hàng chảy thẳng ra vịnh Thái Lan, có diện tích 21.107ha. Trong đó, vùng lõi chiếm 8.038ha, vùng đệm chiếm 13.069ha. Mang đặc thù là hệ sinh thái rừng nhiệt đới thuộc loại rất hiếm trên thế giới, Vườn Quốc gia U Minh Thượng nằm trong hệ thống Khu Dự trữ sinh quyển thế giới với các loài động, thực vật quý hiếm (hơn 258 loài thực vật, 32 loài thú, 184 loài chim, 49 loài bò sát lưỡng cư, 64 loài cá).
Trong đó, có nhiều loại động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, như: Rái cá lông mũi, mèo cá, bồ nông chân xám, tê tê… U Minh Thượng là khu rừng tràm trầm thủy lớn nhất Việt Nam với hệ động thực vật đặc thù, là khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới.
Đến U Minh Thượng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng thắng cảnh Hồ Hoa Mai, thuộc xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, nằm cách cổng vào Vườn U Minh Thượng gần 4km. Nhìn từ trên cao xuống hồ có hình dạng giống hoa mai năm cánh nằm giữa cánh rừng bạt ngàn cây lá. Xung quanh hồ có rất nhiều cây cối xanh um xòe bóng mát. Giữa hồ có tán cây to giống như nhụy hoa. Nước hồ toát lên vẻ quyến rũ rất riêng giữa khu rừng tràm ngập nước nằm trên đất than bùn.
Hồ Hoa Mai là trung tâm du lịch của Vườn Quốc gia U Minh Thượng, là nơi du khách có thể thả mình trên những chiếc võng đu đưa giữa khung cảnh thiên nhiên xanh mát hay tham gia các hoạt động thư giãn như đạp vịt dạo quanh hồ, ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ lướt qua các con kênh rạch trong rừng mà thả hồn mình vào phiêu lãng…, hay thư thả câu cá và ngắm cảnh sắc thiên nhiên.
U Minh Thượng còn là nơi du khách khám phá nhiều loài thực vật như bèo, bồn bồn, năng, lác, rừng tràm nguyên sinh phát triển mạnh mẽ, dày đặc; hay tìm hiểu đời sống động vật hoang dã. Trong đó, một điểm đến phổ biến là Trảng Chim – vùng ngập nước rộng lớn có rất nhiều loài chim về đây kiếm ăn sinh sống và trú ngụ.
Video đang HOT
Không chỉ được ngồi thuyền ngắm các khu rừng tràm nguyên sinh, du khách cũng có thể trải nghiệm việc gác kèo ong lấy mật. Muốn có một kèo ong, trước hết phải chọn cây tràm khoảng 10 năm tuổi. Sau đó, chẻ ra đem phơi nắng khoảng 30 ngày rồi lấy sáp ong bôi vào vừa để cây không bị mau hư, vừa để dẫn dụ ong về làm tổ. Tiếp theo, đem ra rừng tràm đưa đầu kèo hướng lên ánh sáng mặt trời để đàn ong thấy mà về làm tổ.
Đến U Minh Thượng, du khách còn được thưởng thức đặc sản đồng quê, như: cá lóc nướng trui, cá lóc hấp bồn bồn, cá rô kho trái giác, lươn nấu canh chua trái giác và bồn bồn, khô cá sặc rằn, mắm cá lưỡi trâu…, những món ăn cây nhà lá vườn dân dã tạo nên hương vị đặc trưng của U Minh Thượng.
Lẩu mắm là món ngon khó cưỡng của nơi này. Mắm sặc được nấu rã thịt, bỏ xương, lấy nước, nêm nếm vừa ăn rồi cho vào lẩu. Ở U Minh Thượng lẩu mắm ăn kèm với rất nhiều loại rau như: bông súng, đọt nhãn lồng (lạc tiên), cải xanh, rau đắng, càng cua, bông so đũa, bắp chuối, đặc biệt là đọt choại – loại rau có nhiều ở vùng rừng tràm U Minh. Khi lẩu vừa sôi, các loại cá đồng tươi vừa chín như cá rô, cá sặc rằn, cá lóc… cùng cho vào lẩu cùng các loại rau xanh.
Bánh xèo cũng là món ăn được du khách đến đây yêu thích. Ở U Minh Thượng, nhân món bánh xèo được chế biến từ những nguyên liệu có sẵn như bồn bồn, thịt vịt, ốc, thịt ếch nhái… ăn kèm với nhiều loại rau rừng như đọt choại, đọt ổi, lá cách, lá cóc, cải xanh, các loại rau thơm.
Ngoài ra, U Minh Thượng còn có khô sặc rằn nướng ăn kèm với nước mắm me hay trộn gỏi xoài xanh; khô cá lóc chiên, khô cá lóc kho với thịt ba chỉ, khô cá lóc nướng làm gỏi xoài, khô cá lóc nấu canh chua; mật ong non nấu chè… Kết thúc chuyến tham quan, quà đem về cho người thân của du khách sẽ không thể thiếu mật ong rừng, khô cá sặc rằn, khô cá lóc, mắm cá lưỡi trâu, rượu trái giác…
U Minh Thượng không đẹp kiêu sa, lộng lẫy; nhưng lại rất giàu về thắng cảnh thiên nhiên và phong phú về động thực vật; là mảnh đất du lịch còn nguyên sơ, huyền bí đầy sức quyến rũ.
TRƯƠNG ANH SÁNG
5 khu rừng nguyên sinh đẹp nổi tiếng ở Việt Nam
Việt Nam nổi tiếng với thiên nhiên có những thảm thực vật đa dạng. Dưới đây là 5 khu rừng nguyên sinh du khách nhất định phải ghé qua.
Rừng tràm Trà Sư là khu rừng ngập nước tiêu biểu của vùng Tây sông Hậu, nơi tập trung của nhiều loài động, thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Với vẻ đẹp của thiên nhiên và sông nước, nơi đây đã trở thành địa điểm thu hút du khách mỗi khi đến An Giang.
Rừng tràm Trà Sư có diện tích khoảng 850 ha, nơi sinh sống của 140 loài thực vật, 23 loài cá và 11 loài thú, trong đó có nhiều loài quý hiếm như cò Ấn Độ, cò Lạo, điêng điểng, cá trê trắng... Đặc biệt, nơi đây vào mùa nước nổi phủ một màu xanh mơn mởn của bèo tây. Đi thuyền trên đồng nước mênh mông, bạn sẽ có một trải nghiệm thú vị ở nơi đây.
Nằm trong diện bảo tồn của 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng, rừng Nam Cát Tiên nổi tiếng với nhiều thảm thực vật đa dạng. Rừng là nơi ngụ cư của khoảng 40 loài nằm trong sách Đỏ thế giới và nhiều loại cây quý hiếm. Đến với rừng Nam Cát Tiên, du khách không chỉ chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn được khám phá Bàu Sấu - vùng đất ngập mặn lớn thứ 2 ở Việt Nam.
Rừng quốc gia Cúc Phương nằm ở địa phận tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội hơn 120 km, là vườn quốc gia đầu tiên ở Việt Nam. Đến rừng Cúc Phương, du khách sẽ có cơ hội thấy tận mắt những cây cổ thụ với hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt, rừng quốc gia Cúc Phương còn có nhiều loại động vật và thực vật có tên trong sách Đỏ. Thời điểm thích hợp nhất để du khách đến rừng Cúc Phương là vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 5), lúc này thời tiết trong rừng mát mẻ.
Rừng Yok Đôn là vườn quốc gia có diện tích lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích 115.545 ha, nằm trên địa bàn của hai tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk. Nơi đây cũng là vườn quốc gia duy nhất bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp ở Việt Nam. Yok Đôn còn là nơi sinh sống của 67 loài thú, 196 loài chim, khoảng 100 loài côn trùng sinh sống.
Rừng U Minh: Rừng U Minh bị sông Trèm chia cắt thành 2 vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau). Cả hai đều được coi là khu sinh quyển, lá phổi xanh của Đồng bằng sông Cửu Long. Rừng U Minh là nơi sinh sống của 252 loài thực vật, 24 loài thú, 185 loài chim, nhiều loài có tên trong sách Đỏ.
Đến với rừng U Minh, bạn sẽ được len lỏi trong rừng trên những kênh rạch dài hút tầm mắt, chiêm ngưỡng những cánh rừng tràm rộng khắp. Ngoài ra, bạn có thể trải nghiệm cuộc sống giản dị và thưởng thức những món ăn đặc trưng của người dân Nam Bộ.
Thu Phương
3 cây cầu nổi tiếng thiết kế đẹp ở miền Tây Đến với miền Tây sông nước, bạn sẽ không thể bỏ qua việc check-in tại 3 cây cầu nổi tiếng với lối thiết kế độc đáo sau đây. Ảnh: Tupham404. Với tổng chiều dài 10 km, cầu tre Rừng Tràm Trà Sư hay còn gọi là cầu tre vạn bước đang giữ kỷ lục là cây cầu dài nhất Việt Nam. Không giống...