Vẽ tranh Hồ Chí Minh bằng tem
Ngồi giữa hàng nghìn con tem giữa căn phòng không quạt, không máy lạnh, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn ngồi chọn lọc, cắt ghép để hoàn thành bức tranh về Hồ Chí Minh.
Trong căn phòng 15 m2 đầy ắp các tác phẩm tranh ghép và hàng trăm nghìn con tem các loại, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn (65 tuổi) tỉ mẩn cắt từng con tem nhỏ để hoàn thành bức tranh “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Tuấn không lắp điều hòa, cũng không mở quạt vì sợ làm tem bay hoặc keo dán nhanh khô khiến khó lột ra khi cần sửa.
Ông Tuấn kể, năm 1981, sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội, ông vào làm mảng vẽ, thiết kế tại Công ty Tem (nay là Ban Tem bưu chính thuộc Tổng công ty Bưu điện VN).
Thời ấy, tem thư được in với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu trao đổi thư từ của người dân, những con tem hết hạn, tem lỗi bỏ đi thì phí, ông nảy ra ý tưởng ghép tranh bằng tem. Năm 1995 ông bắt đầu làm tranh tem về Bác Hồ.
Tranh ghép tem là một loại hình nghệ thuật khó, nhất là tranh ghép về Hồ Chủ tịch đòi hỏi người họa sĩ phải cần cù và kiên nhẫn trong từng công đoạn.
Video đang HOT
Không giống tranh vẽ, tranh ghép tem được làm dựa trên hình phóng to những bức ảnh tư liệu về Bác. Trước đây chưa có máy phóng, họa sĩ phải tự phóng bằng tay, có những bức tranh to 1-2 m2.
Tranh tem không thể pha trộn các màu, hay sử dụng màu từ sách báo khác. Họa sĩ phải phụ thuộc vào màu sắc tem được cung cấp, cắt dán sao cho phù hợp nhất, tạo ra các khoảng sáng tối đúng như bản gốc.
“Mỗi lần có đặt hàng làm tranh, tôi đều phải đến tận nơi để lựa chọn tem, màu sắc cho phù hợp. Tem được công ty bưu chính cấp, nhưng không phải loại nào cũng phù hợp để làm tranh, nhất là tranh chân dung Bác”, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, có rất nhiều loại tem, tem hình Bác, hình người, hình động vật… Khi làm tranh về Bác, người họa sĩ phải vô cùng tinh tế, không thể sử dụng phần cắt tem động vật, tem có chữ nước ngoài. Những con tem hình yếu nhân không thể cắt, chỉ tận dụng để làm nền cho bức tranh. Khi dán, phải để ý hình trong tranh không bị ngược.
Trung bình mỗi bức tranh, họa sĩ Đỗ Tuấn dùng tới 1.000 đến 3.000 con tem mới hoàn thành, bức ghép nhanh thì một tuần, lâu có thể tới cả tháng.
Điểm khó thể hiện nhất khi làm tranh ghép tem về Bác là chi tiết đôi mắt và vầng trán.
Tiếp đến là độ cắt của con tem, phụ thuộc vào kích cỡ của bức tranh, tranh càng nhỏ thì diện tích cắt càng bé đến từng milimet. Kích thước mỗi con tem vốn đã nhỏ, nhưng không phải các phần đều được sử dụng. May mắn sẽ lấy được cả con tem để làm nền, nhưng có con tem chỉ lấy được một mẫu bằng hạt gạo để dán vào tranh.
Mỗi chi tiết trên bức tranh không đơn giản dán một lớp tem mà đạt yêu cầu, nhiều mảng sáng tối phải dán đến hai ba lớp, thậm chí lột đi dán lại nhiều lần mới cho ra được thần thái của nhân vật.
Những con tem được làm từ giấy nên màu mực không bền, dễ bị bạc theo thời gian. Vì thế, mỗi bức tranh khi hoàn thành sẽ được phun lên một lớp Epoxi, tạo thành lớp nhựa trong suốt giúp tranh bền màu và sáng đẹp hơn.
Trong 25 năm qua, họa sĩ Lệnh Tuấn đã ghép hơn 1.000 bức tranh tem về đề tài Bác Hồ.
Giáo viên dạy mỹ thuật về hưu vẽ tranh cổ động chống dịch Covid-19
Một giáo viên dạy mỹ thuật về hưu ở TP.HCM thực hiện ý tưởng vẽ tranh cổ động chống dịch Covid-19. Ông quan niệm để đẩy lùi dịch, cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ông Trần Minh Lý (62 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) lên ý tưởng vẽ tranh cổ động chống dịch. Ông mong muốn qua những bức tranh của mình, mọi người nhìn nhận lại mức độ nguy hiểm của dịch, qua đó nâng cao ý thức và cùng chung tay thực hiện công tác phòng chống.
Ông Lý trước đây là giáo viên dạy mỹ thuật ở TP.HCM. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2018, ông chuyên tâm vào việc vẽ tranh. Quan niệm của ông là môn nghệ thuật này không phải dùng để chuyển tải những điều trừu tượng, xa lạ. "Những bức tranh gắn liền với đời sống luôn thú vị, và càng có ý nghĩa hơn khi nó phát đi một thông điệp nào đó vì cộng đồng", ông Lý cho hay.
Ông Lý chọn chất liệu sơn dầu để vẽ. Cũng theo ông, đây là chất liệu dễ tạo hình, phù hợp với người không phải là họa sĩ chuyên nghiệp như mình.
Trong chủ đề phòng chống Covid-19, bức tranh đầu tiên của ông vẽ các bác sĩ được tri ân trong trận chiến chống dịch. "Tôi rất xúc động trước hình ảnh y bác sĩ tuyến đầu phải ngày đêm thăm khám, chữa trị cho bệnh nhân. Họ không được về nhà thường xuyên, nhiều người cũng vì công việc mà nhiễm bệnh. Tôi muốn cảm ơn họ qua bức tranh của mình", ông Lý chia sẻ.
Để giảm áp lực công việc cho những cán bộ ngành y, ông Lý kêu gọi cộng đồng cùng chung tay thực hiện nghiêm quy định cách ly xã hội, chú trọng thực hiện công tác vệ sinh phòng dịch, giữ gìn sức khỏe cá nhân.
Ông Lý thường xuyên hướng dẫn cháu nội mình cách vẽ tranh, nhiều bức có chủ đề phòng chống dịch Covid-19 trong học đường.
Ngoài vẽ tranh, thầy giáo về hưu này còn có sở thích sưu tầm các chai nhựa đã qua sử dụng, sau đó vẽ lên những hình ảnh sinh động. Tại nhà ông hiện có chiếc tủ lớn trưng bày khá nhiều "tác phẩm" từ vật liệu này.
Bà Thanh - vợ ông Lý - khá thích thú với công việc của chồng. Những lúc rảnh rỗi, cả hai cùng ngồi với nhau nói về ý tuởng cho những bức tranh chủ đề chống dịch. Sắp tới, ông Lý cho biết sẽ vẽ thêm nhiều tranh chủ đề này với mong muốn lan tỏa tinh thần chung tay chống dịch trong cộng đồng.
Phạm Ngôn
Thú vui ở nhà những ngày cách ly xã hội chống dịch Covid-19 Thú vui thì muôn hình muôn vẻ. Người thích vẽ tranh, người thích tập thể thao, có người lại đam mê tập đàn, cắm hoa... Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan, nhiều công sở cho người lao động nghỉ việc, hoặc làm việc online tại nhà. Đang từ nhịp sống xô bồ,...