Về Trà Vinh thưởng thức những món ngon dân dã
“Trà Vinh ngày xuân sang con cò trắng cũng bay tìm đàn, về với hàng tre xanh quanh ngôi chùa hương hoa đầm ấm…” ( Trần Long Ẩn ). Cùng chúng tôi điểm qua những món ngon của miền đất thân thương, mến khách này nhé.
Là món ăn nổi tiếng nhất của Trà Vinh bởi hiếm nơi nào làm món bún nước lèo ngon hơn các bà, các mẹ ở đây. Nguyên liệu chính để nấu món này là mắm bò hóc (prohok) – loại mắm được làm từ nguyên liệu cá hỗn hợp. Để nước ngọt, ngoài mắm, người ta còn dùng thêm các loại cá như: lóc, kèo, tra, ngát hay tôm, tép… Trước khi nấu phải làm cá thật sạch rồi cho vào nồi nước đang sôi luộc kỹ.
Cách làm bún nước lèo vô cùng cầu kỳ và tốn công. Khi cá chín, gỡ xương rồi chà thịt cho thật tơi rồi trộn các gia vị tỏi, ớt, một ít riềng băm nhuyễn cho thơm. Mắm bò hóc cũng nấu trong nước sôi cho thịt mắm tan ra, sau đó đem lược xương thật kỹ. Sau đó, nấu sôi nước mắm, bắc chảo nóng xào thịt cá cho thấm rồi đổ vào nồi nước lèo, nêm gia vị, chờ nước lèo sôi thì vớt bọt. Nước lèo ngon ở đây phải nấu bằng nồi đất của người Khmer làm ra mới chuẩn vị.
Bún nước lèo
Người ta cũng thường ăn chung bún nước lèo với thịt heo quay, huyết heo luộc hay chả giò cho đậm miệng. Bún nước lèo phải dùng với nước thật nóng rồi ăn kèm với đĩa rau ghém xanh tươi mát mắt gồm bắp chuối, rau muống bào nhỏ, bông súng xắt theo chiều ngang, trộn đều với một ít rau thơm xắt nhuyễn. Vào mùa điều, có người còn thích băm một vài trái điều cho thêm vào rau ghém để có vị ngon hơn. Và đương nhiên, món ăn này sẽ không thể thiếu chén muối ớt với những trái ớt hiểm thật cay.
Bún nước lèo được bán phổ biến tại Trà Vinh và bạn có thể dễ dàng thưởng thức món này tại các quán ăn nhỏ với giá cả thì rất dễ chấp nhận.
Video đang HOT
Cháo ám thực ra là cháo cá lóc – vốn là món ngon nổi tiếng những năm 30 của Trà Vinh với thương hiệu bà Năm Biết. Nấu nồi cháo ám ngon tốn khá nhiều công sức. Đầu tiên là chọn mua cá lóc thật tươi và to, mập thịt rồi cắt thành từng khứa đem đi luộc. Khi chín, gỡ thịt thành từng miếng vừa ăn rồi xào với hành mỡ. Nước luộc cá dùng để cho gạo vào nấu cháo.
Chưa hết, cháo cá ám ngon không thể thiếu những gia vị như củ hành khô, tôm khô, mực khô nướng. Trứng cá lóc cũng phải được đánh nhuyễn rồi mới đổ vào nồi cháo để nổi màu vàng óng ánh hấp dẫn.
Cháo ám .
Cháo cá ám được ăn với các gia vị gồm mắm nêm ngon đã được pha dịu, tương hột đâm nhỏ, ớt bỏ hột bằm nhuyễn, xào sền sệt với tỏi làm tương ớt, tiêu xay, dậu phộng rang giã nhỏ. Tất cả các gia vị trên được nêm vào tô cháo tùy theo khẩu vị của từng người. Và đương nhiên, cháo ám đúng điệu không thể thiếu được các loại rau sống xắt nhuyễn, hành ngò, giá trụng và bánh tráng mè nướng giòn bóp vụn phủ lên trên bát cháo.
Là món đặc sản nổi tiếng của Trà Vinh được nhiều người yêu thích và đặt hàng mỗi dịp lễ, Tết. Bánh tét Trà Cuôn được làm từ hạt nếp dẻo, thơm và trước khi gói nếp được trộn với nước lá bồ ngót cho ra màu xanh rì đẹp mắt. Xếp lên trên nếp là thịt mỡ, đậu xanh và hột vịt muối đỏ au. Sau đó đem luộc từ 7-9 giờ, căn lửa nhỏ, đều để món bánh tét chín tới, thơm dẻo.
Bánh tét Trà Cuôn
Khi cắt khoanh bánh tét, bạn sẽ thấy đủ các màu sắc hấp dẫn quyện hòa bên trong ruột bánh, bởi vậy nhiều người con xa quê mỗi dịp trở về Trà Vinh dù nặng đều gồng gánh mang thêm đòn bánh tét làm thứ quà thơm thảo biếu người thân, bạn bè.
Cốm dẹp là món ăn ngon được các bà, các mẹ háo hức làm trong tháng 10 âm lịch là lễ cúng trăng ở Trà Vinh. Để có cốm dẻo ngon, ngoài nếp sáp mùa người ta dùng nếp vừa đỏ đuôi (chưa chín rộ), hột còn mềm đem vọt bằng cối bồng (giống cối giã gạo ngày xưa nhưng khoét rất sâu lòng).
Cốm dẹp làm rất kì công. Chày vọt và cối phải làm bằng thân cây vú sữa già, cây nạy phải làm bằng gốc tre lão mới cho hột cốm như ý. Trước khi vọt, người ta rang nếp trong nồi đất, mỗi lần chỉ rang vài ba lon nếp. Đảo nếp cho đều, khi hột nếp vừa giòn là chuyển vào cối. Cối phải để trước sân nhà, cạnh bên bếp lửa củi, hai người vọt (giã) cốm đứng đối diện nhau, mỗi người một tay cầm chày một tay cầm cây gạt, vừa vọt vừa gạt cho hột nếp dính chày rớt xuống cối để vọt tiếp. Vọt xong, cho cốm ra nia, sảy hết trấu rồi đem sàng để có được cốm dẹp ngon nức tiếng.
Cốm dẹp
Thường thì người ta trộn cốm với dừa nạo và đường cát trắng. Cứ 1 kg cốm thì dùng 1 trái dừa nạo cùng nửa ký đường cát trắng, trộn đều, để chừng vài giờ sẽ có miếng cốm mềm dẻo, thơm béo.
Theo Afamily
[Chế biến] - Súp cốm xanh
Phá cách một chút với món súp làm từ những hạt cốm xanh dẻo ngọt và lựt xựt, bạn đã tạo ra một bữa sáng đủ chất, ngon lành cho những ngày đầu năm.
1. Nguyên liệu
- 50 gr cốm dẹp
- 50 gr nấm đông cô
- 50 gr cà rốt
- 30 gr bông cải xanh
- 30 gr bông cải trắng
- 50 gr hành boa-rô
- 1 miếng đậu phụ non
- 1 lít nước dùng rau củ
- Muối, bột năng, hạt nêm
2. Cách làm
Cà rốt bào vỏ, rửa sạch, xắt khoanh dài khoảng 0.5 cm. Bông cải xanh, trắng tách miếng nhỏ, ngâm với nước muối loãng khoảng 15 phút rồi vớt ra, rửa sạch, để ráo. Nấm đông cô rửa sạch, để ráo, xắt lát mỏng.
Hòa tan bột năng với 2 muỗng canh súp nước lạnh. Boa-rô rửa sạch. Đun nước dùng rau củ, cho cà rốt vào nấu sôi khoảng 5 phút, cho tiếp bông cải vào, sau hai phút trút nấm đông cô vào. Nấu đến khi rau củ chín, nêm vào 1 muỗng cà phê hạt nêm rồi cho đậu phụ non và rắc thêm hành boa-rô. Rưới bột năng vào để tạo độ sánh. Sau cùng cho cốm vào, khuấy đều tay, tắt bếp.
Múc ra bát. Dùng nóng.
Nước dùng ngọt: Để nước dùng rau củ có vị ngọt, bạn có thể dùng lê, củ cải hoặc ngô. Muốn súp có vị béo, bạn có thể cho thêm đậu phụ rán.
Theo BGĐ
[Chế biến] - Bún nước lèo Bún nước lèo Cà Mau khác với bún nước lèo Sóc Trăng và bún mắm ở Sài Gòn. Sợi bún Cà Mau cũng khác, nó không nhỏ, không to, không bở rẹt để người ta còn trụng hai ba lần nước lèo cho nóng hổi rồi mới chan dứt khoát. Nguyên liệu nấu lại rất dễ tìm. Nhưng đặc biệt nhất cho nồi...