Về Sóc Trăng ăn bánh ngon
Sóc Trăng là vùng đất của những lễ hội dân gian truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa cùng sinh sống qua nhiều thế kỷ.
Sự dung hòa và giao thoa văn hóa của 3 dân tộc đã hình thành nên nét đặc trưng riêng của Sóc Trăng, trong đó có nhiều loại hình ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng, đặc biệt có những món bánh đã trở thành thương hiệu của Sóc Trăng mà nếu đã một lần thưởng thức sẽ gây nhiều thương nhớ.
Đến Sóc Trăng mà chưa thưởng thức bánh cống thì quả là còn thiếu sót cho chuyến đi. Mà muốn ăn bánh cống đúng điệu phải ăn tại khu vực chợ thuộc xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) và phải ăn kèm các loại rau sẵn có của vùng, chấm với nước mắm chua ngọt được pha chế với bí quyết riêng thì mới cảm nhận hết cái tinh túy của bánh. Bánh cống có độ giòn – xốp vừa phải, mùi rất thơm, có màu vàng ươm bắt mắt. Để rồi nếm thử một miếng thì sẽ ăn đến quên no.
Bánh cống có độ giòn – xốp vừa phải, mùi rất thơm, có màu vàng ươm bắt mắt. Ảnh: KGT
Bánh cống được làm từ hỗn hợp bột gạo, bột đậu nành, đậu xanh nguyên hột hấp chín – thịt heo băm ướp gia vị, hành lá, hành tím, tỏi được cho vào chiếc cống, sau đó cho thêm hai con tép lên trên, nhúng cống vào chảo dầu đang sôi, đến khi bánh vàng đều thì vớt lên vỉ để ráo và thưởng thức. Từ chiếc cống làm bánh mà bánh có tên như vậy.
Bên cạnh đó, bánh pía cũng là loại bánh nên thử. Được biết, bánh pía nguyên thủy được làm khá đơn giản, khi về đến Sóc Trăng được cho thêm nhiều chi tiết cầu kỳ cho phù hợp với cuộc sống và nhu cầu thưởng thức của mọi người. Hiện nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có hàng chục cơ sở sản xuất bánh pía và đã xuất khẩu qua nhiều quốc gia trên thế giới. Khi cho miếng bánh pía vào miệng lập tức cảm nhận ngay hương vị rất đặc trưng với nhân sầu riêng, vị béo của trứng muối kết hợp cùng đậu xanh, tất cả hòa quyện tan chảy từ từ trong miệng. Bên ngoài là những lớp da mỏng được xếp chồng lên nhau và có thể lột ra từng miếng nên còn được gọi là bánh lột da. Bánh ngon là loại bánh có vỏ mềm. Với hình dáng tròn, dẹp, nhỏ nhắn được bao bọc bên trong sắc vàng, đỏ, biểu tượng cho sự may mắn và viên mãn, phồn thực nên trong các dịp lễ, tết, nhiều người thường chọn bánh pía để làm quà biếu.
Đi đôi với bánh pía chính là bánh in, được bày bán quanh năm tại các chợ trong tỉnh. Bánh in Cổ Cò ở xã Ngọc Tố (Mỹ Xuyên) được xem là loại bánh in ngon và nổi tiếng từ trước đến nay, bánh có hạn sử dụng có thể được hơn 1 tháng. Nguyên liệu chính từ bột nếp trắng, đường cát, nước cốt dừa, đúc trong khuôn hình tròn có nhân đủ loại hương vị: đậu xanh, khoai môn, sầu riêng, dứa, ca cao. Đặc biệt, bánh in cỡ lớn như chiếc mâm là lễ vật chính chỉ xuất hiện trong đêm rằm trung thu, loại bánh này không có nhân, phổ biến là bánh in vàng, bánh in trắng hay bánh ca cao… được gọi chung là bánh cúng trăng. Bánh mang ý nghĩa thể hiện sự trọn vẹn, ánh sáng vằng vặc của ánh trăng, cầu mong cho cuộc sống luôn được tươi sáng, tốt đẹp.
Bánh in là loại bánh khá nổi tiếng ở Sóc Trăng. Ảnh: KGT
Video đang HOT
Sau đó, thưởng thức thêm mè láo thì quả tuyệt vời. Bánh có tên mè láo vì bên ngoài phủ kín mè rang chín rất hấp dẫn nhưng bên trong chỉ toàn bột xốp trắng phơ như kiểu làm láo. Thành phần của bánh gồm bột nếp, mè, khoai môn, đường mạch nha. Thưởng thức món bánh này để cảm nhận được vị ngọt vừa phải của đường, mùi thơm của mè, cái tơi xốp của ruột bánh, tạo nên một hương vị độc đáo rất riêng.
Riêng bánh phồng tôm cũng nên lựa chọn. Bánh khi chiên với dầu nóng sẽ có hương thơm ngào ngạt, bánh vừa vào miệng đã tan ngay, chỉ còn đọng lại vị cay của tiêu, hơi mặn của gia vị, cùng vị ngọt của thịt tôm. Bánh được làm từ bột mì trộn thêm ít bột nở với thịt tôm, tép xay nhuyễn thêm ít tiêu giã nhỏ.
Ngoài ra, còn rất nhiều món bánh khác cũng độc đáo không kém và cũng là đặc sản của Sóc Trăng, thể hiện yếu tố truyền thống trong văn hóa ẩm thực mang đậm nét văn hóa 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa của từng địa phương trong tỉnh.
Thạc sĩ Võ Thành Hùng – Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Sóc Trăng là vùng đất của những lễ hội dân gian truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa cùng sinh sống qua nhiều thế kỷ. Sự dung hòa và giao thoa văn hóa của 3 dân tộc đã hình thành nên nét đặc trưng riêng của Sóc Trăng, theo đó có nhiều loại hình ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng, trong đó có các loại bánh. Các loại bánh này vừa là đặc sản vừa mang nét đặc trưng, độc đáo riêng của vùng, miền…”.
Theo Canth
Hướng dẫn cách nấu bún nước lèo Sóc Trăng ngon ai ăn cũng phải khen nức nở
Nếu bạn là một tín đồ ẩm thực thì đừng nên bỏ qua một món bún đặc sản miền Tây. Món mà chúng tôi muốn nhắc đến chính là bún nước lèo.
Nhưng bún nước lèo ở Kiên Giang hay Trà Vinh... lại khác với bún nước lèo Sóc Trăng. Món bún nước lèo Sóc Trăng thì không quên được nước lèo trong veo, vị ngon đặc biệt.
Vậy để tạo nên sự đặc biệt đó như thế nào thì cùng chúng tôi tìm hiểu cách nấu bún nước lèo Sóc Trăng ngay dưới đây nhé!
Nguyên liệu nấu bún nước lèo Sóc Trăng
Hầu hết các món bún ở miền Tây đều có mắm cá, đặc biệt là bún nước lèo thì rất độc đáo. Thưởng thức bún nơi đây bạn chắc chắn sẽ có cảm giác món ăn là tinh túy ẩm thực và mang trong đó tài nghệ của người chế biến. Vậy trong cách chế biến bún nước lèo Sóc Trăng này có những nguyên liệu gì thì hãy cùng theo dõi nhé!
Bún tươi: 1 kgCá lóc đồng: 0,5 kgTôm: 200 gramXương ống: 500 gramThịt lợn quay: 300 gramCây ngải bún: 2 câyMắm bò hóc: 100 gramHành lá: 50 gramSả: 5 câyGừng tươi: 1 củDừa xiêm: 2 quảHẹ: 100 gramGiá đỗ: 200 gramTỏi băm: 1 thìa cà phêRau sống các loại: Bắp chuối, rau muống bào, cây súng....Gia vị: Hạt nêm, dầu ăn, mì chính, tiêu, bột ngọt, chanh, ớt, đường...
Nguyên liệu làm bún nước lèo Sóc Trăng
Cách nấu bún nước lèo Sóc Trăng
Không khó để khẳng định rằng bún nước lèo Sóc Trăng là món ăn là tinh túy ẩm thực và là sự kết hợp độc đáo của dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Món ăn này được chế biến tinh tế, hài hòa. Vậy cách chế biến tinh tế hài hòa ra sao thì chúng ta sẽ tiến hành làm ngay dưới đây nhé!
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Đầu tiên bạn sơ chế cá lóc, đem rửa sạch với muối sau đó cắt thành phần đầu và đuôi. Bạn đừng bỏ lòng cá đi vì bộ lòng của cá ăn rất ngon. Sả bóc bẹ già, sau đó để cả cây và đập dập. Hẹ, hành lá bạn rửa sạch, bỏ rễ sau đó thái khoảng 4 cm. Các loại rau như rau đăng, rau húng thì bạn nhặt sạch, rửa và để cho ráo nước. Cây ngải bún rửa sạch sau đó đập dập.
Xương ống bạn trần qua sau đó chặt thành từng miếng. Gừng tươi bạn cạo sạch vỏ, thái lát mỏng. Ớt thái từng lát nhỏ. Thịt lợn quay bạn có thể mua sẵn sau đó thái miếng vừa ăn. Tôm bạn rửa sạch, bỏ đầu và để cả con đem hấp chín rồi bóc vỏ. Dừa tươi bạn chặt ra sau đó lấy nước. Các loại rau bắp chuối bào và rau muống bào thì ngâm qua vào nước muối loãng sau đó để ráo nước để rau không bị thâm và bớt chát.
Bước 2: Nấu bún nước lèo
Tiếp đến bạn chế biến nước lèo để ăn bún. Bạn cho xương ống vào ninh với khoảng 2 lít nước sau đó cho vài lát gừng, sả đập dập và cá lóc vào. Khi cá chín thì bạn vớt ra rồi để cho ráo. Bạn tiến hành lọc cá, bỏ xương cá sau đó ướp cá với nước mắm, một chút tiêu và bột ngọt khoảng 2 - 3 tiếng để gia vị ngấm vào cá. Tiếp đến bạn cho tỏi vào phi cho thơm vàng, sau đó cho cá vào đảo nhẹ.
Nồi nước lèo bạn cho thêm nước dừa tươi và mắm bò hóc vào. Nướng qua ngải bún ở bếp than sau đó cho vào nồi nước lèo đun sôi. Chú ý hớt bọt trong nồi để nước lèo trong hơn. Chú ý nêm nếm cho vừa vặn rồi đun kĩ nồi nước lèo.
Bước 3: Trình bày và thưởng thức
Bạn trần qua bún với nước sôi sau đó cho vào tô, cho tôm, cá lóc, thịt lợn quay xếp trên bún rồi chan nước dùng vào bát cho ngập hết các nguyên liệu. Thêm hành lá, hẹ và rau ăn kèm bún vào. Vậy là bạn đã hoàn thành cách làm món bún nước lèo Sóc Trăng rồi. Bún nước lèo thưởng thức cùng chút chanh tươi, thêm ớt tươi hoặc tương ớt cho đậm đà.
Hoàn thành bún nước lèo Sóc Trăng hấp dẫn
Bên cạnh cách nấu món bún nước lèo Sóc Trăng này bạn đừng bỏ lỡ cách nấu bún măng gà và cách nấu bún dọc mùng cũng vô cùng thơm ngon và hấp dẫn nhé!
Điều gì làm bún nước lèo Sóc Trăng hấp dẫn đến thế?
Trong cách nấu bún nước lèo Sóc Trăng, các nguyên liệu tươi ngon thì sẽ tạo nên một bát bún ngon. Đặc biệt nhờ sự tỉ mỉ của bạn khi chế biến mà bát bún sẽ ngon hơn. Khi chọn bún ăn cùng nước lèo, bún phải được làm từ loại gạo dẻo mới nhất của mùa mới sau đó xay thành dạng bột nước trong cối đá. Quả thật quá trình làm ra sợi bún này rất kì công. Với cách làm bún nước lèo Sóc Trăng thì bạn chú ý dùng vải lọc nguyên liệu để nước dùng trong và không còn lợn cợn nữa.
Nước lèo dùng bún ngon và ngọt thanh nhờ có nước dừa. Có thể nói đây là "chìa khóa" để nước lèo ngọt thanh mà không cần dùng đến bột ngọt.Ngoài ra bún nước lèo còn thơm vị mắm, vị ngọt của tôm tươi và cá lóc hòa quyện với nước dùng ngọt thanh. Quá thơm ngon và hấp dẫn đúng không nào?
Chẳng cần phải đi đâu quá xa xôi hay phải vào tận miền Tây để thưởng thức bún nước lèo Sóc Trăng. Bạn đã tự tin chế biến món bún nước lèo Sóc Trăng ngon để đãi cả gia đình rồi. Hi vọng với những hướng dẫn cách nấu bún nước lèo Sóc Trăng thì bạn và gia đình sẽ có những bữa ăn thú vị. Chúc bạn thành công với cách nấu bún nước lèo Sóc Trăng ngon!
Theo Giadinh
Bánh tráng sắn Ở Quảng Nam quê tôi, tráng bánh sắn không theo mùa, chỉ cần trời nắng gắt và nhà còn trữ sắn lát phơi khô là có thể tráng được vài mẻ bánh. Bánh tráng sắn cuốn với rau muống, cá nục - Ảnh: Thanh Ly Để có một tấm bánh ngon, người làm bánh phải khéo léo. Sắn lát đã phơi khô giòn...