Về rừng nghe đất thở
Chỉ với hai ngày nghỉ cuối tuần, nếu khéo sắp xếp, bạn vẫn có được trải nghiệm tuyệt vời ở một nơi rất gần TP.HCM với đầy đủ thác, suối và rừng.
Đây là cung đường mới được một số “phượt thủ” khám phá. Chỉ sau khoảng 1 tiếng 30 phút, bạn sẽ được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ.
Một thác ba tên, bảy ngọn
Từ TP.HCM theo Quốc lộ 51 đến ngã ba Mỹ Xuân, bạn sẽ thấy bảng chỉ dẫn rẽ trái đi thị trấn Ngãi Giao. Bốn chiếc xe bám đuôi nhau rẽ vào một con đường hai bên xanh um cây lá. Bắt đầu từ đây, những ồn ào khói bụi thị thành đã ở lại sau lưng chúng tôi. Đoạn đường dẫn đến bùng binh Ngãi Giao, từ đây chúng tôi đi thêm 10km đến cánh đồng Bình Giã – nơi diễn ra trận đánh Bình Giã nổi tiếng thời chống Mỹ.
Đến chợ Sơn Bình, một ngôi chợ nhỏ nhưng đủ để khám phá không khí chợ quê, chúng tôi dừng xe nghỉ mệt và bổ sung một số món đồ còn thiếu. Từ ngôi chợ quê này đổ dốc xuống, bạn sẽ thấy ngay tấm bảng chỉ dẫn rẽ vào thác sông Ray, chạy vào khoảng 1,6km là đến thác.
Thác Sông Ray (còn gọi là thác Xuân Sơn hoặc thác Hòa Bình theo vị trí địa lý của hai huyện Châu Đức và Xuyên Mộc). Dù thác mang ba cái tên nhưng chỉ cần hỏi người địa phương bất kỳ cái tên nào, bạn cũng được chỉ dẫn tận tình.
Theo một người già Châu Ro sống gần thác kể lại, thác có tên thác bảy ngọn vì có bảy dòng nước hòa chung lại chảy phía dưới tạo thành một con suối. Truyền thuyết nuôi nấng bao thế hệ người Châu Ro vùng vẫy với thác với suối. Ngày xưa, có một người Châu Ro tên Klêu sức khỏe hơn người. Một hôm, Klêu dắt chó vào rừng đi săn thì bắt gặp một chiếc lá to bằng bàn tay lật lên lật xuống đều đặn như có người đang thở. Tò mò, Klêu lấy mũi tên khều thử vào chiếc lá thì tự nhiên nước ở đâu phun lên, dựng thành tháp nước khổng lồ, trắng xóa, chảy lênh láng vây quanh Klêu. Còn chưa hết bàng hoàng, Klêu đã nghe từ trong dòng nước tiếng gọi rất to: “Mẹ Biển! Mẹ Biển! Đưa ta về với Mẹ Biển”.
Klêu bước đi. Lạ thay, Klêu đi đến đâu, nước theo đến đó. Klêu phải đi vòng vèo, trèo lên, lội xuống qua những tảng đá cao, nước cũng uốn lượn chảy theo. Nhiều đoạn Klêu phải đu dây rừng mới xuống được. Nước không đu được dây rừng, đành nhảy vực. Vực thẳm nơi nước nhảy nay là thác Sông Ray.
Chín giờ sáng, dưới làn nước trong lành mát lạnh, chúng tôi bỏ lại cái nóng bức mà hòa mình với thiên nhiên. Những dịch chuyển của địa lý và sự tác động của con người đã làm ngọn thác giờ chỉ xuôi về một dòng chảy thẳng xuống phía dưới, qua bao ghềnh đá, bao cây rừng đan giăng như mắc võng, tạo thành con suối nhỏ hiền hòa mang tên suối Rao. Ngày xưa, đây là nơi trú ngụ chủ yếu của đồng bào Châu Ro nhưng khoảng 15 năm trở lại đây, với định hướng phát triển mở đường, chia đất và tạo thành vùng du lịch sinh thái phía ngoài rìa vùng suối Rao, người Châu Ro đã dời đi nơi khác.
Đêm ngủ rừng thương đất
Video đang HOT
Thác đổ xuống tạo thành con suối
Chỉ một số ít người dân Châu Ro bám đất rừng và cung cấp vài dịch vụ ăn uống cho dân phượt tìm đến đầu ngọn thác trải nghiệm cuộc sống tự do. Phần lớn dịch vụ của họ cũng chỉ gồm cho thuê lều, bán các món ăn từ gà, heo và các loại rau rừng. Nhóm chúng tôi do đã tham khảo trước vài thông tin nên chủ động chuẩn bị thêm một số thực phẩm để hạ trại, dựng bếp dã chiến.
Bữa trưa, chúng tôi nướng gà và nấu xúp từ xương gà với một số loại rau rừng khá lạ mà người Châu Ro cho rằng sẽ giúp cơ thể hồi sức sau buổi sáng vùng vẫy dưới làn suối mát. Rau ngót rừng là loại rau người dân tộc rất quý vì mang nhiều giá trị dinh dưỡng. Rau ngót rừng khó kiếm và phải tùy mùa theo nước. Nếu nước đổ nhiều, rau tươi xanh, bóng mướt và đảm bảo được vị “thuốc” tăng can xi, hỗ trợ huyết áp, đặc biệt là chống dị ứng.
Theo người chủ đất nơi chúng tôi cắm trại, có lúc giá 1kg rau ngót rừng lên đến tiền triệu mà tìm không ra. Hay như rau tàu bay cũng là loại rau lần đầu chúng tôi tận mắt nhìn thấy. Đây là loại rau những người đi rừng lội suối thường ăn để hồi sức sau những mỏi mệt của một ngày trường.
Hoàng hôn buông xuống giữa rừng rất nhanh, ánh trời chuyển dần từ vàng vọt sang đêm đen đặc quánh. Bên ấm trà chiều, chúng tôi ngồi tĩnh lặng giữa tiếng gió xào xạc. Phía tây, đám chim lao xao gọi bầy về tổ sau một ngày mỏi cánh tìm mồi. Tưởng chừng nơi đây thời gian ngừng trôi, tất thảy mọi thứ trĩu lòng lệ thường hằng ngày đối diện tan biến nơi đâu, trả về cho những người trẻ thị thành một khoảng xanh bằng an thong dong.
Ngủ lều giữa rừng, cạnh suối luôn là một trải nghiệm mà những thị dân quen chăn êm nệm ấm khó thể quên. Đêm nằm bên tiếng suối róc rách hiền hòa chảy thể như đang đắm mình trong vọng âm của thiên nhiên – trong trẻo, thanh thản. Lâu lắm mới có dịp tụ tập bên nhau như vậy nên chúng tôi không ngủ mà nhóm lửa từ những cành khô nhặt nhạnh trong rừng, ngồi trò chuyện và nướng bắp, khoai lang, cá khô… nhâm nhi.
Những người trẻ rũ cát bụi thị thành tìm về một vùng hoang sơ như thể cần một thứ năng lượng thiên nhiên tinh khôi để thanh lọc lòng mình. Những câu chuyện được rỉ rả đến khi trăng vắt mình qua những tán cây cao. Chuyện vãn cũng là lúc tiếng ghi-ta thùng bập bùng những bản tình ca da diết. Chúng tôi hát, suối hát, rừng hát. Những câu hát lả lướt trôi êm trong đêm thanh vắng. Trăng bên suối sáng vằng vặc, sáng tận vào lều khi chúng tôi đã mỏi nhừ đành ngả lưng. Tiếng ngân nga của nước đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm.
Sáng tinh mơ, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng chim líu lo. Ban mai se lạnh. Bình minh nơi suối ẩn hiện trong lớp mờ đục của sương sớm. Sau khi dùng bữa sáng gọn nhẹ với bánh mì, trứng, cá hộp, cả nhóm men theo đường rừng dọc con suối, ngược lên đỉnh thác. Càng đi càng thấm mệt nhưng chúng tôi vô cùng háo hức bởi tiếng thác rì rầm quyến dụ. Đường thoai thoải dễ đi…
Thỉnh thoảng, nhóm chúng tôi bắt gặp vài người Châu Ro đi rừng. Họ nói tiếng Kinh lưu loát, luôn cười tươi mỗi khi chúng tôi hỏi thăm đường đi. Rừng, thác và suối nơi này vẫn hoang sơ.
Sau hai ngày một đêm trải nghiệm nơi đây, chúng tôi vẫn cảm thấy chưa thỏa. Chiếc xe lăn bánh xa dần tiếng suối reo, bỏ lại cái vẫy chào của hai mẹ con người Châu Ro đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi trong chuyến đi này. Nụ cười thân thiện và bình yên của họ giữa rừng xanh nhắc nhớ về một cuộc sống chân thành vẫn còn đâu đó bên lề phồn hoa náo nhiệt.
Chuyến về, qua ô kính xe, có thể thấy những miếng đất rìa ven rừng đang mọc lên nhiều khu du lịch. Một đêm ngủ rừng bỗng dưng khiến chúng tôi biết thương đất. Rồi khi nào sâu phía trong rừng, nơi còn rất ít người Châu Ro bám thác, bám suối sẽ lại mọc lên những khối nhà bê tông được gọi là “khu du lịch sinh thái”? Mới nghĩ vậy thôi mà đường về bỗng mênh mông diệu vợi.
Trải nghiệm 'có một không hai': Cắm trại trên vách đá trắng Hà Giang
Cắm trại trên vách đá trắng có lẽ là trải nghiệm 'có một không hai' của các phượt thủ khi đặt chân đến mảnh đất Hà Giang hùng vĩ.
Cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 160 km, vách đá trắng nằm trên đèo Mã Pí Lèng và cách Đồng Văn, Mèo Vạc khoảng 2 km.
Cắm trại trên vách đá trắng có lẽ là trải nghiệm "có một không hai" của các phượt thủ khi đặt chân đến mảnh đất Hà Giang hùng vĩ.
Nhiều người bản địa cho biết, trước khi có đèo Mã Pì Lèng, đường đi bộ qua khu vực vách đá trắng là tuyến đường nối Đồng Văn và Mèo Vạc. Địa điểm cắm trại hiện tại là nơi ngày xưa vua Mèo và tùy tùng dừng chân mỗi khi di chuyển ngang qua.
Để đến được đây, các phượt thủ chỉ có thể đi xe máy, thậm chí phải đi bộ
Để đến nơi này, du khách theo cung đường đèo Mã Pí Lèng nằm trên quốc lộ 4C (con đường Hạnh Phúc). Bên cạnh đó có đoạn đường được gọi là Mã Pí Lèng nhỏ (Mã Pí Lèng B) chỉ có xe máy của dân phượt mới đi được. Vách đá trắng Hà Giang nằm trên đoạn đèo Mã Pí Lèng nhỏ. Tuy nhiên, đoạn đường xe máy đi được chỉ dài khoảng 3 km, sau đó bạn phải đi bộ khoảng 2 km nữa.
Diện tích khu vực cắm trại ở vách đá trắng chỉ tầm 20m2
Từ điểm cắm trại trên vách đá trắng có thể nhìn thấy sông Nho Quế và đường đèo thấp thoáng ở xa. Mặt bằng ở vách đá trắng có diện tích nhỏ (15 - 20 m2, nằm trong lòng vòm đá) nên không thể tập trung đông, tối đa chỉ khoảng 10 người.
Từ đây có thể phóng tầm mắt ngắm trọn cảnh đẹp những khúc cua và dòng sông Nho Quế
Cần lưu ý khi cắm trại ở vách đá trắng: Nhiệt độ tầm 4 - 8 độ C vào ban đêm, cần chuẩn bị đầy đủ áo ấm cũng như lều, trại, đồ dùng cá nhân. Không được xả rác bừa bãi, mang đi những gì thì phải mang về những thứ ấy. Nguồn nước không có nên các bạn cần chuẩn bị kỹ nước sinh hoạt; tạp hóa gần nhất cũng cách 30 phút đi bộ cộng thêm 2 km xe máy nên cần chủ động lương thực, thực phẩm.
Trên cao nên sương khá nhiều, đi trekking buổi sáng đường khá trơn nên mọi người di chuyển chậm, giày ma sát tốt để tránh té ngã.
Ban đêm, nhiệt độ hạ xuống chỉ còn 4-8 độ.
Quảng Ninh: Núi Đá Chồng - kiệt tác của thiên nhiên Núi Đá Chồng nằm ở tiểu khu 91, xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh đang gây sốt với khách du lịch bụi và những dân phượt ưa mạo hiểm trên các trang mạng xã hội. Núi Đá Chồng - kiệt tác của thiên nhiên. Núi Đá Chồng có hình dáng độc nhất vô nhị ở Việt Nam với hàng chục...