Về Quảng Nam xem chợ ‘phụ nữ bồng heo’
Có dịp ghé thăm Quảng Nam gần đây, tôi được người bạn địa phương dẫn đến thăm một ngôi chợ độc đáo chỉ bán mặt hàng heo và cũng có một nghề khá đặc biệt “ phụ nữ bồng heo”.
Quang cảnh chợ heo. Ảnh: Tiên Sa
Chợ có tên chợ heo Bà Rén, thuộc thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Đây được xem là chợ heo giống lớn của miền Trung cũng như Tây Nguyên, có tuổi đời hơn 50 năm.
Theo các bậc cao niên tại xã Quế Xuân 1, sở dĩ chợ heo có tên “Bà Rén” bởi vì hồi trước khi chưa có cầu, nơi đây có người phụ nữ chèo đò cho khách sang sông có tên là bà Rén, khách đến bến sông, cứ đứng đấy gọi to “bà Rén” thì bà có nhà gần đấy nghe được và ra bến sông để chèo đò.
Lâu dần, khu vực chợ heo này lấy tên Bà Rén cho dễ nhận biết. Các giống heo bán ở chợ rất đa dạng, từ heo chăn nuôi thuần chủng, heo lai giống Việt Nam cho đến heo lai giống của Nhật, Thái Lan… từ 1-3 tháng tuổi.
Cặp heo được chở đến chợ bằng xe máy kéo rọ sắt. Ảnh: Tiên Sa
Việc mua bán heo giống diễn ra nhanh chóng, sau đó, số heo này được chuyển đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TPHCM, Hà Nội; rồi có thể “xuất khẩu” sang tận Lào, Campuchia… Cho nên, hiện nay vẫn còn lưu truyền câu ca:
Ai về Bà Rén ghé chợ heo
Vui tai, bắt mắt chuyện tầm phèo
Video đang HOT
Heo kêu, người nói bao nhiêu chuyện
Gần trưa buổi chợ đã lèo nhèo…
Qua quan sát, nguồn heo được chở đến chợ bằng các phương tiện như xe đạp, xe máy, đôi khi là xe tải nhỏ. Tại chợ, người bán, kẻ mua trao đổi giá cả rất chóng vánh, có người mua heo theo hình thức mua cáp (ước lượng trọng lượng heo để quy ra tiền), có người chưa thạo hay còn nghi ngờ thì nhờ người “ bồng heo” đứng trên cân đồng hồ để cân heo (thông thường là cân tạ).
Một phụ nữ có thâm niên “bồng heo” đang cân heo. Ảnh: Tiên Sa
Trước khi cân, người bồng heo phải cân trước để biết trọng lượng và tiếp tục bồng heo để cân, sau đó làm phép trừ để biết trọng lượng của con heo đã cân. Chợ heo Bà Rén hoạt động từ lúc 5:00 đến 10:00 mỗi ngày. Nơi đây, bạn có thể điếc tai vì tiếng chào hàng, mặc cả hòa với tiếng heo kêu, thi thoảng có tiếng cãi nhau. Không những người và heo đầy cứng trong chợ mà có lúc heo còn “lan tỏa” ra trên quốc lộ.
Trước mắt chúng tôi, khâu cân heo này cũng rất sôi động, có con heo ngoan ngoãn thì nằm im trên tay người bồng, có con hiếu động thì la ré điếc tai, có con dữ dằn thì vừa la ó vừa lắc đầu, quẩy chân, oằn mình nhảy ra khỏi tay người bồng. Thế là một màn đuổi bắt heo bắt đầu, heo chạy len lỏi vào trong chợ, người thì chạy theo sau đuổi bắt, té ngã là chuyện thường tình, trông rất sinh động, rối rắm nhưng cũng rất vui mắt với những người ngoài cuộc.
Trung bình mỗi con heo được cân, những người phụ nữ bồng heo nhận từ 1.000 – 2.000 đồng. Như vậy mỗi buổi sáng thu nhập của các phụ nữ bồng heo được khoảng 50.000- 100.000 đồng.
Chúng tôi nghe chị Nguyễn Thị Hạnh nhờ bồng heo thuê mà nuôi hai con vào đại học, hay thấy bà Trần Thị Thảo (61 tuổi, trú ở xã Quế Xuân 1) vội vã xắn quần, đôn đáo chạy tới chỗ rọ heo của thương lái rồi bồng từng chú heo choai mang cân xong là bỏ vào giỏ của người mua.
Trong tiếng ồn ào, náo nhiệt với tiếng heo kêu, bà Thảo cho biết: “Vào những những năm chưa dịch bệnh, lượng heo về đây rất nhiều nên chợ nhộn nhịp với kẻ mua, người bán. Tôi đã có thâm niên nghề cách đây trên 30 năm. Nghề này là vậy đấy mấy anh, mình không chỉ khéo léo, nhanh nhạy mà phải có đủ sức khỏe, chịu khó và nhất thiết phải yêu nghề nữa. Nhiều khi bất cẩn, không chắc tay là heo tuột khỏi người ngay, mất heo thì mình phải đền”.
Chợ heo Bà Rén mua, bán tất cả các loại heo giống. Ảnh: Tiên Sa
Chị Phạm Thị Thạnh (52 tuổi, trú thôn Bà Rén xã Quế Xuân 1), là “chuyên gia” bồng heo hơn 20 năm qua cho hay, nguồn heo giống bán nơi đây chủ yếu là từ các huyện lân cận như Quế Sơn, Thăng Bình, Núi Thành, Điện Bàn, Tiên Phước… (Quảng Nam), Hòa Vang (Đà Nẵng) chở đến…. Phân nửa nguồn heo từ chợ này được thương lái đưa đến TPHCM, Hà Nội, Quảng Ngãi, Bình Định… Đôi khi heo còn “nhập cảnh” qua Lào hoặc Campuchia… Giá cả thì tùy theo heo đẹp, xấu, lớn, nhỏ… Hiện nay, chợ heo Bà Rén lúc đông đúc có khoảng 9-10 phụ nữ làm cái nghề “độc nhất vô nhị” đó là bồng heo để cân kiếm tiền.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, thương lái mua heo tại chợ Bà Rén đã gần 30 năm cho hay, thay vì cho heo vào rọ rồi đưa lên bàn cân để biết trọng lượng con heo, người mua thường thuê một phụ nữ bồng, đứng lên bàn cân, sau đó trừ đi cân nặng của người và giỏ (rọ) sẽ ra khối lượng của heo. Bởi khi cho heo vào rọ thì chúng thường giãy dụa khiến kim cân nhảy lung tung, khó cân lại dễ bị trầy xước. Còn khi bồng, chúng sẽ tự động ngoan ngoãn, dễ cân hơn nhiều.
Cân heo bằng rọ. Ảnh: Tiên Sa
Ông Phạm Cư, Trưởng Ban quản lý chợ Bà Rén cho hay, để bảo đảm sức khỏe cho những chú heo, chợ heo chỉ họp vào những ngày nắng đẹp, riêng ngày 30 và mùng 1 Âm lịch thì không bán. Bình quân mỗi ngày có khoảng 100 hộ kinh doanh; mua bán hơn 2.000 heo con các loại. Thời gian qua, dịch tả châu Phi và dịch Covid-19 hoành hành nên chợ heo hơi vắng vẻ, đến nay chợ heo đã mới bắt đầu hoạt động trở lại tuy nhiên chưa được nhộn nhịp.
Ngỡ ngàng mây nước Việt An, Quảng Nam
Cách Đà Nẵng 50km về phía Nam và Quốc lộ 1A 30km về phía Tây, hồ Việt An là công trình thủy lợi lớn thuộc thôn Việt An, xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam).
Không chỉ phục vụ thủy lợi, hồ còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, với phong cảnh hữu tình, lãng mạn đã khiến bao du khách ngỡ ngàng với mây nước Việt An...
Công trình thủy nông hồ Việt An với độ cao 300m so với mực nước biển, được xây dựng từ năm 2000, với diện tích mặt hồ trên 180ha, cung cấp nước cho 3 huyện Hiệp Đức, Quế Sơn và Thăng Bình. Riêng với người dân huyện Hiệp Đức, ngay từ thuở khai sinh hồ Việt An, họ đã ấp ủ một giấc mơ đổi đời trên vùng đất khô cằn sỏi đá.
Vẻ đẹp ngỡ ngàng trên hồ Việt An
Từ xa trông phong cảnh trên hồ như một bức tranh thủy mặc đậm chất thi ca, lãng mạn với rừng trồng đan xen rừng nguyên sinh tỏa bóng cây xanh tốt, cùng mây trời bồng bềnh soi bóng trên mặt nước hồ xanh. Nhờ không khí trong lành, yên bình của khu vực hồ, nên hằng năm nơi đây cũng thu hút rất nhiều đàn cò bay về trú ngụ.
Đặc biệt, hồ Việt An có con đập chính để xả nước mùa mưa lũ. Từ độ cao khoảng 20m, dòng nước đổ xuống con mương bên dưới tạo thành dòng thác chảy trắng xóa, tuyệt đẹp và lung linh sắc cầu vồng mỗi khi có ánh mặt trời phản chiếu.
Bờ đập Việt An đang xả nước, tạo nên dòng thác nước trắng xóa tuyệt đẹp
Nếu đến hồ buổi ban mai, du khách có thể dậy thật sớm để dạo quanh hồ hít thở bầu không khí trong lành, tươi mới. Khi mặt trời lên cao, dưới những vạt nắng vàng là mặt hồ trong vắt, phản chiếu hình ảnh những rừng cây xanh hay bầu trời quang đãng, lác đác những chùm mây trắng trôi bềnh bồng. Nơi đây gió mát hiền hòa, cây cỏ nở hoa đung đưa trong gió theo dọc bờ hồ.
Khi hoàng hôn buông xuống, không khí càng thêm mát mẻ và nên thơ. Xa xa những đàn chim lao xao tìm tổ, những chú bò thẩn thơ rảo bước quay về, vài gia đình tranh thủ trời mát đưa con đi hóng gió hoặc vài "cần thủ" ngồi câu cá. Không rực rỡ như ban trưa, vào buổi hoàng hôn, hồ Việt An mang màu sắc dịu nhẹ với những vầng ráng sắc cam, đỏ, tím kết hợp tạo nên dải lụa bắt ngang phía chân trời.
Vào mùa trăng, du khách có thể lên thuyền hóng mát và khám phá vẻ đẹp trên hồ trong ánh trăng vằng vặc, huyền ảo và lung linh.
Chuyến đi của du khách sẽ càng thêm thú vị, khi ngồi trên những con thuyền lướt nhẹ mặt hồ để thăm thú các dòng suối tuyệt đẹp ở chân núi Gai, núi Ngang, núi Liệt Kiểm, hay những nơi quanh năm nước biếc trong xanh như sông Khâng, sông Trầu, Vũng Nổ...
Mặt hồ trong vắt, yên bình, với những áng mây, rừng cây in bóng
Đặc biệt, trong hồ Việt An có cá bống tượng nuôi thịt trắng, thơm ngon, vị ngọt, béo có tiếng. Đây được xem là đặc sản của vùng này, rất được người dân trong vùng và du khách ưa thích. Cá bống tượng chiên xù cuốn bánh tráng và các loại rau sống đầu xuân, chấm nước mắm chanh tỏi ớt ăn rất ngon; cá bống tượng hấp, cá bống tượng nướng muối ớt, cá bống tượng kho tiêu, cháo cá bống tượng... đều để lại trong lòng du khách những hương vị khó quên.
Ngoài ra, du khách còn có dịp được thưởng thức dứa (thơm) lúc chín vàng ngọt lịm như mật ong và thơm ngát hương rừng nguyên sinh; thưởng thức các món ăn dân dã như ốc hút, cá nướng, cá hấp, bánh tráng, kẹo đậu phộng... Và, đừng quên uống bát nước chè xanh để sẽ nhớ về hồ Việt An khi đã rời xa.
Hồ Việt An là điểm đến lý tưởng, đã phục vụ tốt cho khách tham quan du lịch. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trung bình có trên 2.000 lượt khách đến tham quan, vãn cảnh hồ mỗi năm. Trong tương lai gần, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, Hiệp Đức sẽ mở tuyến du lịch theo lịch trình đến các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quảng Nam để đáp ứng ngày một tốt hơn cho nhu cầu tham quan của du khách khi đến với vùng cao Hiệp Đức.
Những bảo tàng hấp dẫn ở thành phố Hồ Chí Minh Bảo tàng Hồ Chí Minh; Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh; Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ; Bảo tàng Áo dài là những bảo tàng hấp dẫn ở thành phố Hồ Chí Minh. Bảo tàng Áo dài. Bảo tàng Hồ Chí Minh Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh...