Về qua dòng kinh cũ
Chúng tôi vẫn ấm êm qua ngày giông bão, trong lành qua ngày nắng nôi. Dòng kinh Ô Môi cưu mang má con tôi, con nước vỗ vào lòng tôi những niềm thương cảm…
Lâu rồi, hơn mấy chục năm, má con tôi mới có dịp trở lại con kinh Ô Môi. Dòng kinh đã chứng kiến những thay đổi cuộc đời, thân phận của chúng tôi. Ngày trở về, tóc má bạc màu và tóc tôi cũng lâm râm vài sợi trắng. Chỉ có con kinh vẫn hình hài nguyên vẹn như xưa.
Cây ô môi bên dòng kinh Ảnh: NGỌC THANH HỒNG
Tôi không biết ai đã đặt tên cho dòng kinh này là kinh Ô Môi. Tôi tự nghĩ chắc một kẻ tha hương nào đó đi ngang qua kinh đúng ngay lúc bông ô môi nở đầy màu hồng đào, cánh ô môi rụng xuống mặt nước dập dềnh như phận đời, vì yêu quý màu hoa bên bờ nên đặt tên cho con kinh này là kinh Ô Môi.
Má nói kinh Ô Môi cứ chảy hoài trong lòng má, không lúc nào vơi cạn, cũng như dòng nước này chưa một lần khô cạn dẫu có những năm khô hạn, bưng biền ráo nước, con cá sặc bổi nằm vẫy đuôi chờ chết khát chết khô. Mạch nước sông cứ tuôn chảy suốt mùa nắng, mùa mưa, qua những buồn vui khổ hạnh của cuộc đời. Nhớ kinh Ô Môi, má quyết định phải về thăm dòng kinh một chuyến trước khi tuổi già sức yếu không thể nào đi được. Giờ đây, má tôi đã hoàn thành tâm nguyện của cuộc đời mình.
Khoảnh khắc đi đò dọc trên dòng kinh vắt ngang qua rừng tràm, những cội cây ô môi bên bờ kinh đã già nua, địa y từng mảng to hơn bàn tay bám đầy trên thân gỗ, tôi để ý thấy mắt má đỏ hoe. Tôi hỏi “má khóc hả?” thì má nói “khóc đâu mà khóc, gió lớn quá làm mắt má cay cay”.
Chúng tôi về thăm kinh Ô Môi khi mùa bông ô môi đã qua, trên cành vắng sắc hồng đào của bông, chỉ còn những trái ô môi dài cong cong như trái mướp, màu đen, lúc lỉu cành cây. Tôi nhớ hồi đó mỗi lần đi ghe với má ngang qua con kinh này tôi đều ngóng cổ lên tìm ô môi chín hương thơm mùi mẫn. Phát hiện có trái ô môi đã đen vỏ trên cây, tôi đòi má hái xuống. Má chiều tôi, đậu ghe lại bên bờ kinh rồi đon đả đi vào trong xóm mượn cù móc ra hái trái ô môi chín.
Tôi ngồi dưới gốc cây róc vỏ trái ô môi, bóc và mút những khoanh màu nâu đen tẩm lớp đường mật ngọt ngào bên trong. Lần nào đi ngang qua đây không thấy bông ô môi nở rộ hoặc không ngay mùa trái chín, tôi thấy thiếu thiếu một điều gì đó. Ngồi trước mũi ghe tam bản nhìn dòng nước từ trong rừng chảy ra đỏ bầm màu trái sắn, đôi lúc tôi buồn muốn khóc. Chiều trên kinh Ô Môi yên tĩnh lạ lùng, trong hoàng hôn tôi nghe có tiếng chim kêu thắt thẻo, buồn đứt ruột, xóm xa vắng thinh, một ngọn khói trắng bảng lảng khiến lòng tôi càng thêm xao xác.
Trên ghe không có ba. Nói đúng hơn, gia đình chỉ có tôi với má. Ba xuất hiện trong đời tôi chỉ một lần rồi ba đi. Má nói ba là gió. Nhưng tôi không nghĩ vậy, gió thì quẩn quanh bên tôi hoài, gió trưa thổi qua con kinh Ô Môi khiến tâm hồn tôi mát rượi. Gió những đêm ôm ấp lấy chiếc ghe tam bản của tôi, má phải kéo rèm che kín lại để gió đừng thốc vào lạnh không sao ngủ được. Nếu ba là gió thì ba đâu có bỏ đi mất hút như ánh dương lặn tắt phía chân trời. Má con tôi sống lênh đênh trên ghe tam bản, chiếc ghe là nhà, xóm cũ là quê hương, dòng kinh Ô Môi đọng lại trong tôi những hồi ức khó lòng quên được.
Phận ghe chơi vơi cùng con nước, đêm trên ghe qua xóm Ô Môi, nghe tiếng đờn bầu của ai lửng lơ vang vọng tôi buồn muốn rớt nước mắt. Tôi sợ những đêm dài bời bời gió. Tôi sợ con nước đầy, má cắm sào cột chặt chiếc ghe mà nó cứ chòng chành hoài, lòng tôi cũng chênh vênh như những lúc ngồi nghĩ bụng biết làm sao cùng má sống ấm êm trong đoạn đời kế tiếp không ba…
Nhưng rồi chúng tôi vẫn ấm êm qua ngày giông bão, trong lành qua ngày nắng nôi. Dòng kinh Ô Môi cưu mang má con tôi, con nước vỗ vào lòng tôi những niềm thương cảm. Con kinh sạch sẽ hơn mọi con kinh mà tôi đã đi qua. Mùa mưa bông súng mọc đầy trổ bông tim tím, có đàn vịt lội ngang qua kinh, có cỏ dại mọc bên bờ kinh, có những chiếc ghe đi ngược chiều ghe tôi, người trên ghe nở nụ cười thay lời chào người bạn đường tình nghĩa. Người xứ này là vậy, lạ hoắc lạ huơ gặp nhau cũng cười chào thân thương, nụ cười tươi rói trên khuôn mặt tảo tần đối diện với gió sương, với những thăng trầm trong phần đời phiêu bạt.
Video đang HOT
Chiều qua kinh Ô Môi, chiếc đò dọc chở má con tôi xa dần. Má ngoảnh lại một lần nữa ngắm nhìn ánh nắng tàn lóe lên huy hoàng trên mặt nước trước khi khuất dạng.
Dòng kinh Ô Môi vẫn vĩnh hằng trong tâm trí của tôi.
Chúng tôi đã qua lại nhiều lần trên dòng kinh Ô Môi để rồi xem nó như một phần của tâm hồn mình cho đến khi rời xa mấy chục năm ròng. Thời gian trôi qua, những tưởng bao đổi dời của con người đã xé toạc dòng kinh này ra, thay hình đổi dạng. Nhưng không, ngày chúng tôi trở lại, con kinh vẫn còn. Má nói chắc kinh Ô Môi mỏi mòn chờ đợi cố nhân, chờ đợi những người mà nó đã từng chở che, cưu mang, xoa dịu để được nhìn thêm lần nữa, ấp ôm những kỷ niệm xưa.
HOÀNG KHÁNH DUY
Theo nld.com.vn
Dùng 660 triệu tiền phúng viếng cha mẹ làm đường cho dân
Thực hiện ước nguyện bố mẹ trước khi mất, bà Phong (Quảng Ngãi) dùng 660 triệu đồng tiền phúng viếng làm đường bê tông cho làng mình.
Xây đường từ tiền phúng điếu của mẹ
'Công trình được xây dựng từ tiền phúng điếu ông Bùi Kiệt', 'Công trình được xây dựng từ tiền phúng điếu bà Lê Thị Hồi', là những dòng chữ trên bia ghi danh đặt trang trọng ở bốn tuyến đường tại xã Nghĩa Hiệp khiến chúng tôi tò mò.
Đây là 4 tuyến đường mà bà Bùi Thị Phong (thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) - con gái của cụ ông Bùi Kiệt và cụ bà Lê Thị Hồi, đại diện gia đình đứng ra xây dựng.
Để ghi nhớ việc làm ý nghĩa của vợ chồng cụ Bùi Kiệt, chính quyền địa phương đã đặt 4 bia đá có khắc tên 2 vợ chồng cụ.
Tuyến đường bê tông được xây dựng bằng tiền phúng điếu của cụ ông Bùi Kiệt và cụ bà Lê Thị Hồi.
Tìm đến nhà bà Phong- nhà giáo về hưu, chúng tôi thật sự bất ngờ trước căn nhà cấp bốn cũ kỹ. Hỏi chuyện lấy tiền phúng điếu của cha mẹ làm thiện nguyện, bà Phong cười bảo: 'Đó là việc nên làm thôi mà'.
'Ai cũng thấy nhà tôi nghèo nhưng lại đứng ra xây đường bê tông cho dân. Số tiền xây 4 tuyến đường là tiền phúng viếng khi bố mẹ mất. Đó cũng là việc mà bố mẹ trước khi chết luôn nhắc nhở chúng tôi', bà Phong tâm sự.
Bà kể, bố mẹ bà sinh được 6 người con, kinh tế không khá giả. Nhưng mỗi khi đi trên con đường lầy lội, bố mẹ lại ước trúng được tờ vé số để làm cho quê hương những con đường sạch đẹp.
Trước lúc ra đi, mẹ bà Phong nắm tay con cháu bảo rằng, số tiền bà con hàng xóm láng giềng phúng viếng, các con hãy dành vào việc làm thiện nguyện.
Năm 2012, cụ Hồi mất, tiền phúng viếng được gần 280 triệu đồng. Một số tiền tương đối lớn vào thời điểm đó, tuy nhiên tất cả con cháu trong nhà thống nhất thực hiện di nguyện của mẹ.
'Sau khi đưa tang mẹ, 6 anh em nhà tôi họp và tất cả đồng ý dùng toàn bộ số tiền này để xây đường và làm từ thiện. Lúc ấy, mỗi người chia nhau mỗi việc, người thì lên kế hoạch xây đường, người tìm kiếm những nơi khó khăn cần sự giúp đỡ. Tất cả đồng lòng để cùng nhau thực hiện di nguyện của mẹ để lại', bà Phong nhớ lại.
Trong khi đó, cụ Bùi Kiệt lên UBND xã Nghĩa Hiệp xin được dùng số tiền phúng viếng vợ làm đường.
Sau khi được chính quyền chấp thuận, bà Phong đại diện gia đình làm đường bê tông dài 230m, rộng 2m, đạt chuẩn đường Nông thôn mới.
Ngoài ra, gia đình bà Phong dùng một ít tiền để mua trang thiết bị nhà văn hóa thôn Đông Mỹ, đóng góp trong các quỹ 'Người cao tuổi', 'Vì người nghèo', 'Khuyến học',...
Bà Bùi Thị Phong tự hào khi nói về việc xây đường từ tiền phúng viếng bố mẹ.
3 tuyến đường mang tên cụ Bùi Kiệt
Đi trên tuyến đường bê tông được xây bởi tiền phúng viếng của vợ và thấy 2 tấm bảng khắc tên vợ ở đầu và cuối con đường, cụ Bùi Kiệt rất vui và tự hào.
Về nhà, cụ cũng căn dặn với các con: 'Sau này cha có chết, các con hãy dùng số tiền phúng viếng cha để làm y hệt mẹ các con vậy'.
Thời gian qua đi, sức khỏe cụ giảm sút nhanh chóng. Năm 2015 cụ Kiệt mất trong sự thương tiếc của người dân.
Đám tang ấm áp tình làng nghĩa xóm và rất nhiều người từ xa đến viếng. Số tiền phúng lên đến 380 triệu đồng.
Sau khi đám tang cụ Kiệt qua đi, bà Phong lại đại diện cho 6 anh em đứng ra thực hiện lời dặn của cha, dùng 380 triệu đồng tiền phúng viếng làm 3 tuyến đường bê tông hóa với tổng chiều dài 670m.
Đang ở trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ nhưng bà Phong vẫn dùng tiền phúng viếng xây đường theo tâm nguyện của bố mẹ.
'Việc xây đường cũng nhỏ thôi nhưng tự hào lắm. Bố mẹ đã mất nhiều năm, người dân trong xã vẫn cứ truyền tai câu chuyện gia đình tôi dùng tiền phúng viếng xây đường', bà Phong tâm sự.
Trả lời câu hỏi: 'Gia đình không khá giả, sao bà không dùng số tiền đó để xây lại căn nhà mới?', bà Phong bảo: 'Nhà mình không khá giả gì, nhưng tiền tài thì bao nhiêu cho đủ. Làm cho bà con hàng xóm có cái đường để đi là gia đình tôi vui rồi'.
Ông Trần Văn An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết, gia đình cụ Bùi Kiệt và Lê Thị Hồi là gia đình có truyền thống cách mạng.
'Nhà chị Phong cũng không khá giả gì, nhưng việc gia đình chị lấy tiền phúng viếng của cha mẹ ra xây đường giúp dân đi lại rất đáng quý và trân trọng. Đây là hành động rất đẹp, là tấm gương sáng để tất cả mọi người noi theo', ông An nói.
Với việc làm ý nghĩa của gia đình cụ Bùi Kiệt, UBND xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa đã trao tặng nhiều giấy khen về việc góp phần xây dựng Nông thôn mới.
Năm 2018, bà Bùi Thị Phong đại diện cho gia đình còn được tỉnh cử đi dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc tại Hà Nội và được tuyên dương là Nữ anh hùng và Nữ điển hình tiêu biểu.
Lê Bằng
Theo vietnamnet.vn
Cổ nhân dạy: 9 loại 'tiểu nhân' thủ đoạn vô biên, đặc biệt phải tránh thật xa Cổ nhân dạy, đây là những kiểu người mưu mô, thâm hiểm. Họ chỉ biết sống cho bản thân, bất chấp thủ đoạn hãm hại người khác. Cổ nhân dạy, nếu không muốn mang họa thì nhất định phải tránh xa các loại tiểu nhân cực kì nguy hiểm này! Cổ nhân dạy, nếu không muốn mang họa thì nhất định phải tránh...