Về Pleiku ăn cháo lòng bánh hỏi
Một đĩa bánh hỏi với những miếng lòng trắng tinh được sắp trên mặt, bát cháo lòng bốc khói. Đơn giản là thế nhưng đủ làm ấm lòng thực khách trong buổi sáng mùa đông phố núi.
Cháo lòng bánh hỏi có nguồn gốc từ Bình Định và được du nhập lên phố núi Pleiku. Không phải là nơi xuất xứ, cháo lòng bánh hỏi lại được bán nhiều trên các con đường ở thành phố Pleiku, trở thành món ăn sáng bình dị được nhiều người ưa thích.
Cháo lòng bánh hỏi là món ăn sáng rất phổ biến ở Pleiku. Ảnh: Khánh Hòa.
Bánh hỏi được làm từ gạo như cách làm bún nhưng sợi bánh thanh mảnh hơn. Gạo vo sạch, ngâm qua đêm cho mềm rồi vớt ra đem xay nhuyễn. Cho hỗn hợp bột đã xay vào bao bằng vải sạch, buộc miệng bao lại, lấy phiến đá chằn lên trên để bột nhanh ráo nước. Sau đó, đem hấp bột vừa đủ chín, nhồi bột thật dẻo chia thành từng phần nhỏ. Khuôn làm bánh hỏi là những chiếc ống tròn, bên dưới có đáy, đáy khuôn được khoan thành những lỗ nhỏ li ti. Bánh hỏi có ngon và đẹp mắt hay không phụ thuộc rất nhiều vào chiếc khuôn. Nếu lỗ nhỏ quá, sợi bánh sẽ thanh mảnh, dễ bị đứt gãy, nếu lỗ to quá bánh lại giống sợi bún.
Bột sau khi nhồi được cho vào khuôn và ép xuống cho bột chảy thành từng sợi xuống. Người thợ dùng tay ngắt ra từng đoạn nhỏ, đưa vào nồi hấp cách thủy cho bánh chín, vớt ra và trải trên lá chuối. Một miếng bánh hỏi gồm nhiều sợi bánh kết hợp lại với nhau, kích cỡ của bánh bằng khoảng hai ngón tay người lớn. Khi ăn bánh hỏi, người ta thường thoa lên bánh một ít dầu ăn trộn với lá hẹ xắt nhỏ, làm cho hương vị bánh hỏi rất lạ, kích thích khẩu vị. Khi ăn chỉ cần một chén nước mắm tỏi ớt pha hơi ngọt là đã có bữa ăn sáng ngon miệng.
Video đang HOT
Cháo lòng bánh hỏi có nguồn gốc từ Bình Định. Ngoài ăn với lòng, bánh hỏi còn ăn kèm với thịt nướng, tôm, chả giò… Ảnh: Khánh Hòa.
Ngoài ra, bánh hỏi còn được biến tấu với nhiều nguyên liệu khác như ăn kèm với chả giò, thịt nước, tôm, gà nướng… nhưng lạ miệng và gây tò mò hơn cả là ăn với cháo lòng. Ngồi vào bàn gọi món cháo lòng bánh hỏi, bạn sẽ được phục vụ một đĩa bánh hỏi với lòng heo thái miếng bên trên, bên cạnh là bát cháo nóng hổi cùng chén nước mắm tỏi ớt pha hơi ngọt.
Ngoài bánh hỏi, cháo lòng là một thành phần quan trọng làm nên sự ngon miệng cho món ăn. Đĩa lòng phải có đủ tim, cật, gan, phèo non… Luộc lòng rất đơn giản nhưng để có miếng lòng giòn, ngon ngọt thì phải biết cách. Lòng sau khi làm sạch được cho vào luộc. Khi vừa chín đến, vớt lòng ra và cho ngay vào thau nước đá lạnh. Chính cái lạnh của đá làm cho bề mặt lòng săn lại, miếng lòng trắng và giòn khi ăn.
Bát cháo nóng hổi giúp người ăn ấm lòng hơn khi thưởng thức món ăn này. Ảnh: Khánh Hòa.
Lòng được thái thành từng miếng vừa ăn và sắp đều trên đĩa bánh hỏi. Nước luộc lòng dùng để nấu cháo. Bát cháo lòng ăn kèm hơi loãng, bên trong có một ít tiết lợn, được rắc lên một ít hành lá, rau răm và tiêu bột. Trong những buổi sáng se lạnh của phố núi, bước vào quán ăn, gọi bát cháo lòng bánh hỏi và thưởng thức cùng bạn bè thì không còn gì bằng. Món ăn tuy đơn giản, bình dị nhưng lại có sức quyến rũ rất lạ kỳ với những người đã một lần thưởng thức.
Khánh Hòa
Theo VNE
Cháo lòng Hòa Đa
Trên đường thiên lý bắc nam, những ngôi quán nhỏ nằm bên đường đoạn qua thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (H.Tuy An, Phú Yên) chỉ bán độc nhất món cháo lòng bánh hỏi, nhưng sáng nào quán cũng đông nghẹt người.
Nhiều người đã từng ăn cháo lòng nơi đây đều tấm tắc khen ngon và nhớ đời. Và cứ thế, số đông người vào nam ra bắc hoặc đi công tác đường dài, cứ đang đi lỡ đường đến Bình Định hay Khánh Hòa gì rồi thì nói với bác tài ráng chạy thêm đoạn nữa để đến Hòa Đa (Phú Yên) đặng ăn sáng luôn, vì cháo lòng ở đây cực ngon. Tiếng lành đồn xa nên càng ngày quán càng đông khách đến.
Cháo lòng bánh hỏi ở Hòa Đa - Ảnh: Mỹ Tuyết
Biết rằng, cháo lòng ở đâu cũng có nhưng chất và cách nấu thì mỗi vùng lại có một nét riêng. Và chính cái hương vị riêng đó đã níu chân nhiều du khách đến Hòa Đa.
Cháo lòng Hòa Đa thường được ăn kèm với bánh hỏi và bánh tráng. Đặc biệt ở đây, phần ăn dọn lên cho khách, chủ quán trang bày khá bắt mắt, chỉ nhìn thấy cũng đủ thiện cảm rồi. Một tô cháo riêng, một đĩa lòng nóng ngon sắp đều còn bốc hơi, một đĩa bánh hỏi trắng tinh có phi hành, một đĩa rau sống tươi xanh, một chén nước mắm cá cơm nguyên chất sóng sánh, một chén ớt hiểm xanh, tỏi củ, chanh, một cái bánh tráng nướng vàng và một vài cái bánh tráng sống nhúng nước đặt trên đĩa. Thế là ta có một bữa cháo bánh no ngon.
Ăn cháo lòng ở Hòa Đa cũng có cách riêng. Người ăn tự lấy ớt trái dằm vào chén riêng của mình rồi dùng thìa múc nước mắm từ chén lớn đổ vào. Có thể ăn cháo, lòng với bánh tráng nướng, cũng có thể dùng bánh tráng sống nhúng nước cuốn với bánh hỏi, lòng heo, rau sống rồi chấm nước mắm đã dằm ớt. Cách nào ăn ta cũng thấy cảm giác ngon vì hầu như món nào ở đây cũng được làm đúng điệu.
Lòng heo bán cho khách ở đây là loại lòng chọn lọc, chủ quán chế biến cẩn thận theo bí quyết riêng nên ngoài vị ngon nó còn có nét thẩm mỹ. Ăn miếng lòng, ta cảm nhận cái vị giòn ngọt thanh của món truyền thống quê hương, cứ thế mà ăn đến no bụng chứ không bao giờ biết ngán.
Đối với những người quê Phú Yên, được giới thiệu với bạn bè ăn món cháo lòng Hòa Đa cũng là một sự hãnh diện riêng. Dù làm gì, ở đâu, mỗi lần có dịp về quê thì cũng nhớ đến món ngon này như một sự trở về của chính lòng mình với những gì thân thuộc...
Mỹ Tuyết
Theo thanh niên
Nhấm nhi nem nướng tôm đầu tiên tại Sài Gòn Nghe nói về món nem nướng tôm "ngon, lạ, độc", tôi lao ngay đến quán với mong muốn trở thành một trong những người đầu tiên được thưởng thức món ăn này. Nhắc đến nem nướng, bất kỳ ai cũng có thể kể vanh vách hàng loạt các địa danh gắn với món cuốn này như Nha Trang, Khánh Hòa, Bà Thừa, Thủ...