Về Phan Rang Nhớ mãi món bánh canh bột gạo
Tô bánh canh nghi ngút khói với màu trắng của bột bánh canh, màu vàng của chả cá và miếng sườn căng mọng thật hấp dẫn.
Cuối tuần rồi, tôi được bạn trai dẫn về quê chơi. Quê anh ở Phan Rang, vào mùa khô thì “nắng như rang, gió như phan”. Nhưng xứ này mùa mưa thì khác hẳn, những cơn mưa cứ âm ỉ suốt ngày, kéo theo cái lạnh đến thấu xương.
Người dân quê luôn chân chất, mộc mạc, ở họ toát lên vẻ đẹp rất thanh thoát và hiếu khách. Lưu lại 3 ngày rất ngắn ngủi nhưng tôi cảm nhận được cái tình rất bình dị và ấp áp của người dân nơi đây. Và đặc biệt khi nhắc tới Phan Rang, chắn hẳn mọi người sẽ không thể nào quên những món ăn được xem là “đặc sản” như gà luộc, bánh căn, bánh canh bột gạo…
Và với tôi đó là một sự trải nghiệm thú vị, khi mục sở thị cái món banh canh sở trường do má bạn trai nấu. Không những dẫn tôi đi chợ giới thiệu về những đặc sản, món ăn ngon mà bác còn dạy tôi cách chọn mua cá để làm chả cá cho ngon như cá nhồng, cá mối… Đặc biệt, bác còn tận tình hướng dẫn tôi cách làm chả cá để cho dai và thơm ngon hơn…
Vừa làm bác vừa nói: “ Món bánh canh bột gạo người dân nơi đây ai cũng thích, món ăn này như gắn liền với tuổi thơ của những ai sinh ra và lớn lên ở cái đất vừa gió và nắng này. Món này thằng Khải (bạn trai tôi) cũng thích lắm, đi đâu thì đi, chứ về đến nhà nó lại nằng nặc đòi bác nấu món bánh canh bột gạo”. Rồi bác dặn dò tôi, chả cá nhà làm mới ngon, chỉ cần tốn công, nhín chút thời gian nhưng gia đình có món ăn vừa ngon vừa đảm bảo vệ sinh, vì chả mua ở ngoài chợ cá không tươi lại còn ướp hàn the với bột, ăn vào rất hại cho sức khỏe.
Bác còn dạy tôi, để nước dùng thêm ngọt, thì nên mua sườn heo về rửa, ngâm qua nước muối pha loãng rồi rửa sạch, để ráo nước rồi bắt lên bếp cho ít bột nêm vào hầm cho mềm. Trong lúc đợi sườn mềm bác lại hướng dẫn tôi cách làm chả cá bằng cá nhồng, dùng dao bén xẻ từ trên sóng lưng cá xuống dưới thân cá và tách làm đôi, kế tiếp dùng muỗng từ từ nạo thịt cá để vào tô, cẩn thận lấy những xương nhỏ vì dễ lẫn vào thịt.
Sau khi đã nạo hết thịt cá cho ra tô, bác gái thêm ít nước mắm, bột ngọt, ớt, tiêu, hành lá và quếch cho đều tay (cũng có thể cho cá vào máy sinh tố xay cho nhuyễn), khi cá đã nhuyễn cho một ít dầu vào trộn đều và ép thành từng miếng chả cá mỏng, bắt chảo lên bếp cho dầu ăn vào, chờ dầu nóng thả cá vào chiên vàng hai mặt (có thể hấp hoặc chiên tùy thích).
Còn xương và đầu cá, để tiết kiệm và nước lèo thêm vị ngọt tự nhiên, sau khi sườn mềm vớt ra tô tiếp đến cho xương và đầu cá vào, cũng đừng quên đập dập vài củ hành tím đã nướng vào cho nước dùng thêm thơm ngon hơn, khi nước sôi lên nêm nếm lại cho vừa ăn và để lửa riu riu. Bột bánh canh, được luộc sơ qua, vì theo bác chỉ nên luộc bột bánh canh vừa chín tới, nấu lâu quá, bột sẽ bị nhão mất ngon.
Video đang HOT
Chả cá sau khi chiên xong có màu vàng thật bắt mắt, mùi cá thơm nồng xộc lên tận mũi, bên cạnh là nồi nước lèo sôi sùng sục. Cả nhà ai cũng “thòm thèm”, chỉ muốn ăn ngay và luôn. Dường như hiểu được tâm ý mọi người, bác gái lại nhẹ nhàng cho bột bánh canh ra tô, thêm vài miếng sườn non, chả cá, trứng cút (nếu có) và bắt đầu chan nước dùng lên, điểm lên trên ít hành ngò, ớt, tiêu. Tô bánh canh bột gạo nghi ngút khói với màu trắng của bột bánh canh, màu vàng của chả cá, và những miếng sườn căng mọng thật là hấp dẫn. Chỉ cần ăn một lần, là nhớ mãi.
Theo: 24h.com.vn
Nhẹ bụng với bánh canh bột gạo
Bột bánh canh có nhiều loại, nhưng bài viết này sẽ giới thiệu món bánh canh bột gạo xắt, dễ làm, nhẹ bụng mà thấm thía.
Bánh canh là món dễ ăn, dễ nấu và cũng rất dễ làm hài lòng cho dù người khó tính đến mấy. Đơn giản là vì vị ngọt của nước dùng cùng với sự "phụ họa" của các đặc sản vùng miền khác nhau như tôm, cua, cá, giò heo hay món chế biến như chả cá, chả cua... nên món không kén "khẩu vị".
Nguyên liệu:
- Sợi bột gạo (pha 20% là bột lọc): 500 gr
- Tôm, cua, thịt heo xay, trứng, riêu cua: mỗi thứ 150 gr
- Hành tây: 2 củ
- Hành tím, hành lá, rau răm.
- Gia vị: dầu ăn, mắm ruốc Huế, muối, đường, ớt màu, tiêu, bột nêm, bột ngọt.
Cách làm:
Chả cua: trộn đều thịt xay, tôm xay, thịt cua, hành tím bằm nhuyễn, 2 cái trứng gà, 1 muỗng riêu cua (không có cũng được), tiêu, muối, đường, nêm nếm vừa ăn. Chú ý, tất cả nguyên liệu đều lạnh. Muốn đẹp thì cho vài giọt màu điều. Đeo găng tay vào, trộn đều và quật mạnh đều tay xuống thau cho chả dẻo. Nếu chưa dùng liền thì cho vào tủ lạnh. Nếu có thì làm trước để tủ lạnh chừng 2 tiếng thì chả cua càng giòn và dai.
Tôm lột vỏ, lấy sạch chỉ đen trên lưng. Vỏ tôm và đầu tôm đem hầm với củ hành tây chừng 30 phút để lấy nước dùng.
Xào 1 ít thịt cua với củ hành tím phi vàng với dầu và chút ớt màu.
Nước hầm vừa xong thì chả cua cũng vừa xong. Lọc nước dùng qua một cái rây lớn, trút thẳng vào chỗ thịt cua xào.
Cho tiếp nước ruốc trong vào soong (ruốc quậy trong soong nước, nấu lên vớt bọt để yên cho lắng cặn, chỉ dùng nước trong).
Nêm nếm nước dùng với muối, đường và gia vị vừa miệng, nấu sôi, cho nguyên cả tảng chả cua vào. Lửa thiệt to, nấu sôi chừng 15 phút hay hơn tùy vào độ lớn của miếng chả.
Cho tiếp sợi bánh canh bột gạo vào, lửa to, nấu sôi khi nào bột nổi lên là chín.
Tắt bếp, nêm nếm lại vừa ăn. Món múc ra tô, dọn kèm với ớt màu phi dầu hành, muối tiêu, hành lá, rau răm và ớt trái.
Theo Thanhnien
Nức lòng bánh canh bột gạo Ninh Hòa Xa nhà, nhiều khi tự hỏi, hổng hiểu tại sao cái thị trấn (giờ lên thị xã) nhỏ xíu xiu mà có quá trời món ăn ngon và rẻ. Từ nem chua, chả lụa, bún cá, bánh xèo, bánh căn, cơm vịt, cơm sườn đến đủ thứ các loại chè trôi nước, đậu ván, sương sa, hột đác, và đặc biệt là hàng...