Về Pác Bó thăm nơi Bác Hồ từng sống
Du khách nào đến Cao Bằng cũng đều sẽ ghé qua hang Pác Bó, thăm nơi Bác Hồ đã từng ở. Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, địa danh này cũng có nhiều điểm tham quan rất đẹp.
Nhân chuyến lên Cao Bằng, chúng tôi đã về thăm khu di tích Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ địa để lãnh đạo cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài.
Màu xanh lạ của suối Lê Nin.
Nếu như ngày xưa, Bác phải đi ngựa để vào hang Pác Bó thì nay, xe chúng tôi bon bon trên đường nhựa uốn lượn dưới chân những dãy núi trùng điệp. Sau khi băng qua những cánh đồng lúa vàng mênh mông, những xóm làng bình yên, những thảm hoa rừng đủ sắc màu đẹp như tranh vẽ, trước mắt chúng tôi hiện ra dòng suối xanh màu ngọc có gắn tấm biển lớn: Suối Lê Nin.
Núi Các Mác trầm mặc soi bóng bên suối.
Phía trên cao, núi Các Mác 2 ngọn sừng sững như bức thành đồng, xanh thẳm cây rừng, hiên ngang cùng năm tháng. Địa thế nơi này vừa kín đáo mà vẫn thông thoáng, người bên trong dễ dàng quan sát bên ngoài trong khi ở ngoài rất khó nhận biết bên trong. Với vị trí như thế, nơi đây không những có giá trị lịch sử mà còn là một chốn sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp.
Đường đến hang Pác Bó.
Chúng tôi men theo con đường đá rêu phong dọc dòng suối Lê-Nin. Trên đường là các chứng tích ghi lại sự hiện diện của Bác ngày ấy: đây là vườn trúc Bác đã trồng, kia là cây ổi Bác thường hái lá đun nước uống, nọ là chiếc bàn đá Bác ngồi làm việc…
Sau khi băng qua những vách đá với những bãi cỏ xanh rờn, những bụi cây dại um tùm, những rừng cây cổ thụ xum xuê, leo qua những đoạn đá sỏi lởm chởm… chúng tôi đến cây cầu gỗ, nơi đầu nguồn của suối Lê-Nin. Phía trên cao là hang Pác Bó.
Video đang HOT
Nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác Hồ trong hang.
Anh bạn người Cao Bằng giải thích, Pác Bó tiếng địa phương có nghĩa là “đầu nguồn”. Sau khi leo thêm khoảng trăm bậc tam cấp, chúng tôi đứng trước cửa một hang nhỏ nằm giữa sườn núi đá cheo leo. Tấm bảng nhỏ cạnh hang ghi dòng chữ: “Hang Pác Bó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ 8/2/1941 đến cuối tháng 3/1941″.
Miệng hang nhỏ, chỉ đủ một người chui vào. Trong lòng hang rộng khoảng chục mét, ẩm ướt và lạnh lẽo do nước từ vách đá rỉ ra. Chỗ xưa Bác nằm chỉ là là tấm phản bằng các tấm ván cây nghiến ghép lại. Bên trái có 2 chỗ dành cho các đồng chí bảo vệ. Trong hang có một thạch nhũ nhô lên, trông giống mặt người với tóc và râu dài, được Bác đặt tên là tượng Các Mác.
Trong nhà trưng bày bổ sung của khu di tích Pác Bó, chúng tôi nhìn thấy những hiện vật thân quen: chiếc máy chữ cũ Bác vẫn dùng dánh máy tài liệu, chiếc làn mây sờn rách, bộ quần áo bạc màu, các đồ dùng sinh hoạt của Bác trong thời gian hoạt động ở Pác Bó…
Phía trước cửa hang Pắc Bó có một lán nhỏ bên sườn núi Khuổi Nậm là nơi Bác triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8, ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Ngoài bờ suối vẫn còn chiếc bàn đá Bác ngồi làm việc. Cảm giác như Bác vẫn hiện diện đâu đây, đang nghiên cứu tài liệu trong lán Nà Lừa, đang chống gậy băng rừng, đang leo qua những bậc đá từ hang xuống núi, đang thong thả buông cần bên suối Lê-Nin…
Theo Zing
Cung đường Đông bắc thần tiên tới thác lớn nhất Đông Nam Á
Buổi sáng mùa đông cao nguyên trong veo, trên con đường từ Cao Bằng ngang Quảng Yên về Trùng Khánh thiên nhiên cảnh sắc như tranh vẽ, khó có thể tả hết bằng lời.
Tôi đến Cao Bằng những ngày đầu đông, gió lạnh đã buốt phố. Quyết định thuê xe máy tự khám phá thay vì đón xe buýt hay mua tour vì tôi biết con đường đến Bản Giốc sẽ là một tưởng thưởng trên cung đường tới chiêm ngưỡng con thác lớn nhất Đông Nam Á, thác Bản Giốc.
Đường về Trùng Khánh trong nắng mai sớm - Ảnh: Thái Hoãn
Đường về Trùng Khánh
Khi biết con thác đẹp nhất nhì châu Á nằm ở miền xa tít tắp này tôi càng nôn nóng tìm về, chưa kể đến những động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen... được nhiều sách hướng dẫn du lịch trên thế giới nhắc đến.
Nên buổi sáng mùa đông cao nguyên trong veo, dù chuẩn bị tinh thần trước tôi vẫn ngỡ ngàng trên con đường từ Cao Bằng ngang Quảng Yên về Trùng Khánh. Thiên nhiên cảnh sắc như tranh vẽ, khó có thể tả hết bằng lời.
Bờ xe nước bên bờ Quây Sơn, lặng lẽ quay trên đồng vắng - Ảnh: Thái Hoãn
Trời xanh trong trẻo, thi thoảng những đám lụa trắng nõn nà nhẹ lướt. Gần hơn bên dưới, những dãy núi đá vôi đa sắc đủ dạng, khi xanh rì cây lá, đôi ngọn trơ trọi mấy gam màu sáng nhấn nhá thêm nét lạ cho bức tranh thiên nhiên.
Gần hơn nữa, nương đồi xanh ngắt khi mênh mang trải rộng, lúc xếp lớp những tầng bậc thang duyên xinh. Rất gần, ngay trên con đường vắng uốn lượn, như sợ chưa đủ đẹp thiên nhiên còn ban tặng những sắc màu rực rỡ khi thì lũ dã quỳ theo gió mai lơi lả, lúc đám trạng nguyên mùa lạnh tưng bừng trổ lá đỏ...
Nhưng đã hết đâu, con sông chảy ngược Quây Sơn điểm xuyết thêm những nét duyên cho cung đường đã tuyệt đẹp.
Không chỉ dòng nước trong veo ánh màu ngọc lục bảo mềm mại uốn lượn khi ôm theo con đường, lúc như sợi chỉ xanh giữa đồng xa... con sông còn tặng thêm mấy nhịp cầu tre lắt lẻo chênh vênh, những bờ xe nước lãng đãng trôi, mấy chú trâu lành, mấy chú ngựa thanh thoát... nhẩn nha nơi triền cỏ ven sông, lang thang mấy cánh đồng gần...
Dăm nếp nhà mộc mạc đơn sơ, mấy chiếc cối khi cần mẫn tự giã gạo, giã ngô ven sông bên suối, lúc những người phụ nữ Tày, Nùng chăm chỉ giã, bẽn lẽn cười khi khách lạ mê mẩn ngắm, chụp...
"Đẹp quá và thanh bình quá!" là lời cảm thán cửa miệng không chỉ của riêng tôi mà còn bởi nhiều bạn trẻ, cả Việt, cả Âu Mỹ tôi gặp khi dừng chân nghỉ ngơi hay lấy những góc hình đẹp miên man trên con đường về Trùng Khánh này.
Người phụ giã mèn mén bằng cối đá chày tay truyền thống - Ảnh: Thái Hoãn
Cái tình người miền ngược
Thác Bản Giốc rất đẹp, không bàn cãi! Chỉ chia sẻ thêm chút duyên lạ của miền biên ải này, như một điểm nhấn nhá cho miền đất vốn đã rất đẹp này.
Lộng lẫy Bản Giốc - Ảnh: Thái Hoãn
Lang bạt đến đây một mình, với cái đầu cắt ngắn để thuận tiện khi đi "phượt", cái mê nón ngồ ngộ tậu dọc đường, tôi được chào đón bằng... tiếng lạ.
Đến khi biết tôi là người Việt từ miền Nam ra, những ánh mắt trở nên thân thiện, những cái bắt tay được nắm chặt thêm ấm áp, những câu chuyện bắt đầu sẻ chia nồng thắm, những ly rượu ngô thơm nồng xứ núi được rót để "giúp nó bớt lạnh..."
Khách chủ cùng lỉnh kỉnh nồi niêu xoong chảo chai lọ... ấm áp tình thân bên Bản Giốc - Ảnh: Thái Hoãn
Câu chuyện giữa lữ khách phương Nam với người chèo mảng đưa khách ngắm cảnh như không dứt. Chàng thanh niên chèo mảng nhìn xa xăm rồi nói một cách chân tình mộc mạc: gặp khách phương Nam ra mừng vui lắm, mong sao ngày càng đông người Việt biết và đến đây.
Phía bên kia biên giới khách sạn, lâu đài hoành tráng, du khách ra vào nghìn nghịt ồn ào ầm ĩ... Bên này hiu hắt, buồn lắm. Rồi khách được đưa về chiếc lán tạm bợ gần thác của mấy cậu trai người Nùng, làm đủ thứ dịch vụ nơi đây.
Chiếc nồi đen đủi vẹo vọ được lôi ra, cơm nguội sừng sực nửa chín nửa sống, mấy cọng cải lạnh ngắt, chén canh lõng bõng, nhưng câu chuyện của chủ - khách thì ấm nồng. Kể cho nhau nghe chuyện buồn vui hai bên bờ con thác... Những tiếng cười trong vắt, những chia sẻ vô vụ lợi... của người miền ngược làm người miền xuôi chẳng muốn rời.
Chia tay trong bịn rịn khi trời đã về chiều, tôi lỡ làng lướt qua Ngườm Ngao, bỏ lại Thang Hen... vì đêm về trên con đường núi lạ lẫm tối đen như mực. Đó sẽ là "cái cớ" để tôi quay lại miền đất đẹp hiền hòa này, để gặp lại những người bạn chỉ một lần gặp đã ngỡ như đã quen từ lâu lắm. Hẹn một ngày quay lại.
Theo Zing
Vẻ đẹp kỳ vĩ của thác Bản Giốc Bản Giốc được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á và là thác tự nhiên lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới quốc gia. Thác Bản Giốc, nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Cách trung tâm huyện Trùng Khánh khoảng 20 km về...