Về nơi “tâm bão” MB24 đã hoành hành
Không chỉ là cái “nôi” đã nuôi dưỡng những lãnh đạo, trùm sò, huyện Ea Kar, Đắc Lắc cũng là nơi “tâm bão” MB24 hoành hành và để lại hậu quả không nhỏ khi nó đi qua…
Chưa đầy một năm hoạt động, ma lực của chiêu bài khuyếch trương thanh thế “làm giàu không khó” chỉ đơn giản là mời gọi, lôi kéo được càng nhiều người tham gia mua gian hàng điện tử càng tốt để hưởng những khoản hoa hồng kếch xù đã khiến hàng nghìn người trở thành nạn nhân Công ty Cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) chi nhánh tại Dak Lak.
Cám cảnh những nạn nhân của chiêu bài “trao tiện ích, nhận thành công”
Những ngày đầu tháng 8 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh đã bắt và khởi tố 4 bị can nguyên là lãnh đạo MB24 tại Dak Lak. Điều đáng chú ý là 4 bị can này đều có hộ khẩu thường trú tại huyện Ea Kar, trong đó có 3 bị can ở xã Cư Yang. Có lẽ vì thế nên số người dân tại xã Cư Yang tham gia mua gian hàng ảo của MB24 khá nhiều.
Cơ quan CSĐT đọc lệnh bắt đối tượng Ngô Văn Chiến hôm 9-8.
Theo danh sách mà UBND xã Cư Yang cung cấp thì toàn xã có 44 người tham gia làm hội viên của MB24 với số gian hàng mua lên đến hàng trăm. Điều đáng nói, hầu hết họ là những người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, không hiểu biết về máy tính nói chi đến thương mại điện tử. Và những người dẫn dắt, mời chào họ tham gia mua gian hàng điện tử đều là người nhà của các vị nguyên lãnh đạo MB24 tại xã Cư Yang.
Để mục sở thị những gì mà chính quyền địa phương cho biết, chúng tôi đến thôn 8 là nơi cư ngụ của 159 hộ đồng bào dân tộc Tày từ tỉnh Lạng Sơn vào sinh sống từ năm 1991. Sau gần 20 năm lập thôn, thôn 8 hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Cả vùng đất nghèo này chẳng mấy ai biết về máy vi tính, nhưng cơn bão MB24 đi qua cũng đã cuốn theo 6 người trở thành nạn nhân của trò lừa đảo mua bán gian hàng ảo trên mạng. Gia đình anh Nguyễn Văn Khánh là một trong số 64 hộ nghèo của thôn. Với vài sào cà phê canh tác trên đất cằn, năng suất thấp, không đủ trang trải cuộc sống, vợ chồng anh Khánh phải đi làm thuê như thu hoạch bắp, chặt, bóc vỏ cây keo…
Video đang HOT
Đang trong tình cảnh khó khăn, túng bấn, thiếu ăn, thiếu mặc, đầu năm 2012, nghe lời dụ dỗ của hội viên MB24, anh vay 5,2 triệu đồng của người trong thôn, với lãi suất 3% để mua một gian hàng những mong sẽ đổi đời từ đây. Bởi anh cho biết, theo như những gì mà người của công ty MB24 giới thiệu thì chẳng cần lao động vất vả, cực nhọc, chân lấm tay bùn, chỉ cần mời được nhiều người mua gian hàng như mình thì thu về bạc trăm bạc triệu – số tiền vợ chồng anh nằm mơ cũng không thấy. Ấy vậy mà thu tiền chục tiền trăm còn chẳng thấy đâu nói chi đến tiền triệu, đến giờ tiền vay nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền phải trả đã lên gần 7 triệu đồng.
Thấy người chung cảnh ngộ như mình quyết tâm đổi đời bằng mua gian hàng trên mạng, anh Hà Văn Kế cũng là hộ nghèo trong thôn 8 đã vay mượn người nhà ở ngoài quê Lạng Sơn mua một gian hàng của MB24, tuy không phải trả lãi nhưng hiện anh Kế vẫn chưa biết xoay đâu cho đủ số tiền đã mượn để trả nợ. Theo trưởng thôn 8 là anh Hà Văn An, trong thôn còn có anh Hà Văn Dũng đã mua 3 gian hàng trị giá 12 triệu 600 nghìn đồng. Sau khi biết bị lừa, anh Dũng xót tiền cộng với túng quẫn vì hoàn cảnh khó khăn nên có biểu hiện bệnh tâm thần nhẹ. Hiện anh Dũng đã bỏ nhà sang sinh sống ở tỉnh Dak Nông.
Bùi Thị Chiên bị bắt vào chiều 16-8.
Cư Yang cũng đang hạn giữa mùa mưa, nguy cơ mùa màng thất bát gõ cửa. Còn đối với những gia đình đã trót bỏ tiền mua gian hàng ảo của MB24, họ còn thêm một nỗi lo với khoản nợ vẫn hoàn nợ…
Quê hương của các lãnh đạo MB24
Thời kỳ hoàng kim, vùng đất Cư Yang – Ea Kar được các lãnh đạo MB24 tự hào là cái nôi đầu tiên của MB24 tại Dak Lak. Trùm sò MB24 chủ yếu xuất thân từ vùng đất này.
Ngôi nhà ván đơn sơ tại thôn 6, xã Cư Yang là của Đặng Anh Tuấn, nguyên Giám đốc chi nhánh MB24 tại A8, khu Hiệp Phúc, TP. Buôn Ma Thuột. Bà Lê Thị Mai 64 tuổi, mẹ của Đặng Anh Tuấn ngậm ngùi: Năm 1987, gia đình bà từ Hưng Yên vào sinh sống tại xã Cư Yang. Bố của Tuấn do sức khỏe yếu đã mất cách đây gần 20 năm. Tuấn là con út, năm nay bước sang tuổi 32, chưa có vợ con. Khi còn ở với gia đình, Tuấn chăm chỉ với nương rẫy. Sau đó, bà Mai bán rẫy cà phê và có đưa cho Tuấn một số tiền để làm ăn. Thấy con chuyển lên Buôn Ma Thuột ở, lâu lâu mới về thăm nhà, bà có hỏi thì chỉ nghe Tuấn nói là buôn bán trên mạng gì đó. Bà nào ngờ, từ việc tham gia hội viên và trở thành lãnh đạo của MB24 tại Dak Lak, Tuấn đã phạm tội lừa đảo và vướng vào vòng lao lý.
Còn đối tượng Trần Văn Sự sinh năm 1975, nguyên Phó Giám đốc chi nhánh MB24 tại Ea Kar, hộ khẩu thường trú tại xã Cư Yang, khi mới tham gia MB24 Sự chỉ đóng cổ phần có 20 triệu đồng. Nhưng trong vòng mấy tháng hoạt động Sự đã thu được 1,6 tỷ đồng, chưa kể số tiền hưởng hoa hồng do giới thiệu nhiều người tham gia hệ thống. Thấy việc tham gia MB24 làm giàu quá dễ, vợ của Trần Văn Sự vốn là một giáo viên dạy Anh văn cũng bỏ nghề để tham gia phát triển hệ thống gian hàng ảo. Vợ của Sự trở thành một trong những tư vấn viên dày dặn kinh nghiệm trong mời chào, lôi kéo khách hàng mua gian hàng điện tử của MB24. Nghe lời mời chào của vợ chồng Trần Văn Sự, mặc dù ở xã Ea Sah, Ea Sô (huyện Ea Kar) nhưng chị Nguyễn Thị Thọ, chị Phan Thị Tiếng và anh Đỗ Ri đã vay tổng số hơn 25 triệu đồng trực tiếp đưa cho Trần Văn Sự để mua 5 gian hàng ảo. Sau khi vừa mua gian hàng, chị Thọ bị tai biến mạch máu não phải nhập viện, gia đình có gọi điện năn nỉ vợ chồng Trần Văn Sự xin lại một ít trong số tiền đã mua gian hàng ảo để chữa bệnh nhưng câu trả lời là muốn lấy lại tiền chỉ còn cách đi giới thiệu người khác cũng tham gia mua gian hàng như mình!
Công an dẫn giải Trần Văn Sự theo lệnh bắt khẩn cấp chiều 9-8.
Một chóp bu khác của MB24 tại Dak Lak là Ngô Văn Chiến, nguyên Giám đốc chi nhánh MB24 tại huyện Ea Kar, sau đó là Phó giám đốc tại TP. Buôn Ma Thuột, sau khi bị bắt đã thú nhận: “Bản chất thực sự của việc tuyên truyền người dân giao dịch trên mạng là giới thiệu, phát triển được nhiều gian hàng thì mức thu nhập tiền thưởng ngày càng tăng cao”. Ngô Văn Chiến là em ruột của Ngô Văn Huy, nguyên Tổng giám đốc công ty mẹ MB24 có trụ sở tại lô 4, C8, Mỹ Đình 1, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Trong cuộc hội thảo về chiến lược phát triển thương mại ở Tây Nguyên được tổ chức tại khách sạn Dakruco (TP.Buôn Ma Thuột) vào ngày 17-7-2012, tức là trước nửa tháng các đối tượng này bị bắt, Ngô Văn Huy với tư cách là Tổng giám đốc Công ty đã phát biểu hùng hồn và củng cố lòng tin của hội viên rằng: Công ty không sai phạm pháp luật và còn khuyến khích hội viên MB24 tiếp tục phát triển hệ thống ở vùng nông thôn.
Chính những chiêu bài khuyếch trương thanh thế, mời các nhân vật có uy tín trong xã hội tham gia thuyết trình tại các cuộc hội thảo, tọa đàm đã ngụy trang cho bản chất thật của MB24 và khiến nhiều người sập bẫy. Lãnh đạo công ty mẹ MB24 cũng đã đưa ra quy định có một không hai rằng sẽ phạt số tiền lên hàng chục triệu đồng đối với lãnh đạo các chi nhánh không tham gia các cuộc họp. Điều này lý giải vì sao những cuộc họp của MB24 được tổ chức đều có nhiều người tham gia.
Với tư cách nguyên Giám đốc chi nhánh MB24 tại Buôn Ma Thuột từ tháng 10-2011 đến tháng 5-2012, Bùi Thị Chiên (nguyên là một chủ quán cà phê tại thị trấn Ea Kar) cũng đã có thành tích phát triển được 2.930 gian hàng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó tại Dak Lak là 93 gian hàng. Ngoài việc tham gia với tư cách hội viên, Bùi Thị Chiên còn là cổ đông với số cổ phần tham gia chi nhánh của MB24 là 20%. Điều tra ban đầu trong 4 tháng hoạt động với tư cách giám đốc, Bùi Thị Chiên đã được chia tiền thưởng hoa hồng trên 300 triệu đồng.
Với đội ngũ lãnh đạo này, qua điều tra xác minh, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh cho biết, MB24 đã lôi kéo người dân kể cả trong và ngoài tỉnh bỏ tiền mua tổng cộng 4.354 gian hàng trong thời gian từ tháng 11-2011 đến tháng 7-2012 với tổng số tiền 22 tỷ đồng. Còn đối với toàn bộ hệ thống của MB24, sau một năm hoạt động, công ty mẹ MB24 đã phát triển 51 chi nhánh tại 32 tỉnh thành trong cả nước, lôi kéo hơn 136 nghìn người tham gia với tổng số tiền trên 600 tỷ đồng.
Mức xử lý cụ thể về những sai phạm của MB24 đang chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hậu quả mà “cơn bão” MB24 để lại vẫn đang còn nặng nề, nhất là đối với người nghèo vùng nông thôn. Đây cũng là bài học lớn để mỗi người đề cao cảnh giác trước những chiêu bài dụ dỗ, lôi kéo theo kiểu làm giàu không khó như MB24.
Theo Dantri
Điều tra những vi phạm của Chi nhánh MB24 Cao Bằng
Đại diện MB 24 tại thị xã Cao Bằng vừa được cơ quan điều tra triệu tập để làm rõ những dấu hiệu sai phạm trong kinh doanh.
Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ, Công an tỉnh Cao Bằng đã triệu tập ông Đinh Văn Ngọc, SN 1954, trú tại phường Hợp Giang, thị xã Cao Bằng, Trưởng Văn phòng đại diện và một số người liên quan đến hoạt động của Công ty cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến muaban24.vn (MB24) tại Cao Bằng, để làm rõ một số vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh trực tuyến trên mạng internet.
Lực lượng công an đọc lệnh bắt khẩn cấp một "quan chức" của MB 24
Cơ quan điều tra xác định Công ty MB24 mở Văn phòng giao dịch tại số nhà 224, tổ 1, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, thị xã Cao Bằng từ tháng 6-2011. Hoạt động của Chi nhánh MB24 này đã phát triển được trên 2.000 gian hàng. Mỗi gian hàng có giá 5,2 triệu đồng, nhưng người mua không giao dịch kinh doanh, mà "kiếm tiền" chủ yếu bằng việc lôi kéo người khác tham gia mua gian hàng để hưởng tiền "hoa hồng".
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
Theo VNE
Giọt nước mắt muộn màng của Hùng "đui" Ngay từ khi được dẫn giải đến nơi xét xử, đôi mắt Hùng quay quắt tìm hai đứa con. Đứa nhỏ thiếu mẹ từ thuở nằm nôi nay đã 4 tuổi, nhìn thấy cha cứ ào tới đòi bế. Thương con xé lòng, Hùng vội vã quay mặt đi giấu hai hàng nước mắt đang tràn xuống. "Đại lý ma túy" của Hùng...