Về nơi nghèo nhất xứ Nghệ
Từ TP Vinh lên huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) khó khăn, xa cách tới mức mỗi lần chúng tôi muốn ngược rừng phải đấu tranh tư tưởng trước khi quyết định lên đường.
Và để vào được xã Keng Đu, nơi nghèo nhất xứ Nghệ này, chúng tôi phải vượt thêm 75 km đường hiểm trở nữa. Keng Đu nằm lọt thỏm giữa núi rừng xanh thẳm, đang đối diện muôn vàn khó khăn trong việc phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục…
Một góc bản Huồi Xui, xã Keng Đu, huyện biên giới Kỳ Sơn.
Nghèo đói bủa vây
Từ TP Vinh, chúng tôi vượt qua chặng đường dài gần 400 km mất gần 1 ngày trời để tới được xã biên giới Keng Đu, huyện Kỳ Sơn. Bắt đầu từ trung tâm xã chúng tôi đi xe máy vượt qua hơn 15 km đường rừng, cheo leo trên những lưng chừng núi, một bên là dòng sông Nậm Nơn sâu hun hút.
Thi thoảng ngoảnh mặt nhìn xuống dòng Nậm Nơn, có cảm giác rợn người trước độ sâu. Do đường dốc, qua nhiều suối sâu, nên chúng tôi chỉ được dùng mỗi người một xe máy. Trên con đường lên dốc, xuống đèo đó, anh em phải “bò” hơn 2 h đồng hồ mới vào được bản Huồi Xui. Vượt qua hàng chục con dốc dựng đứng đá cuội, có những lúc xe chúng tôi suýt trượt ngã. Khổ nhất là khi qua suối, hầu hết các con suối đều bị ngập nước khiến xe chết máy.
Người dẫn đường là cô giáo Trần Thị Lan – Hiệu trưởng Trường Mầm non Keng Đu – nói trong chua chát: “Hôm nay chúng ta khá may mắn là trời nắng. Nếu trời mưa chắc không đi xe máy được như thế này đâu. Đây là con đường độc đạo để vào bản nên chẳng còn cách nào khác, bởi nếu không đi được xe máy thì cách duy nhất là phải đi bộ. Có lần gặp trời mưa, cô giáo cắm bản ở đây phải lội qua suối nước ngang lưng quần suýt bị cuốn trôi. Còn các cô đi xe máy ngã trên đường thì nhiều vô kể. Ở đây các cháu, các cô có thừa sự thiếu thốn và luôn thiếu sự đủ đầy”.
Đúng như cô Lan nói, ngay từ chuyện di chuyển từ xã vào bản đã vất vả như vậy, thì đến việc cắm bản còn gian nan biết nhường nào, bởi người Khơ Mú rất ít nói tiếng Kinh. Gần vào bản, đứng trên dốc núi nhìn xuống xa xa những nếp nhà lợp fibro xi măng với một màu cũ kỹ – nhìn thoáng qua cứ tưởng đó như một bản làng hàng trăm năm tuổi. Những nếp nhà được làm bằng những thân gỗ cây rừng non, gỗ tạp trải qua cả chục năm trời nên cũng đã xuống cấp, nhất là những tấm ván quanh nhà đã bị rêu phong bám dày như cỏ.
Bản Huồi Xui nằm dưới chân đỉnh Huồi Xác, có 48 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu. 100% bà con ở bản Huồi Xui là dân tộc Khơ Mú, đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, thi thoảng xuống dưới dòng sông Nậm Nơn đánh con cá. Cuộc sống đều phải phụ thuộc vào thời tiết. Còn không, người dân chỉ biết ngửa mặt lên trời trông chờ thượng đế ban tặng. Chúng tôi đến, người trong các căn nhà sàn hai bên đường cứ “dán mắt” không rời.
Trẻ em ở Huồi Xui.
Video đang HOT
Dựng chiếc xe bên vách núi, do có hẹn từ trước nên trưởng bản Huồi Xui đã đứng đợi ở cửa. Trong cái nắm tay thật chặt, vừa nhấp ngụm chè rừng, trưởng bản Huồi Xui Lương Văn Doọc nói: “Bà con ta ở đây khó khăn lắm. Bà con học ít, trình độ dân trí thấp, sản xuất nương rẫy chịu nhiều ảnh hưởng của nắng nóng khá nhiều trong năm, rẫy dốc, cao. Đặc biệt, vùng này chịu ảnh hưởng thời tiết nóng, thường xảy ra dịch bệnh cho gia súc, trẻ em cũng hay mắc bệnh, gia đình nào cũng nghèo nên bữa ăn lúc đói, lúc no.
Theo Đại úy Hà Huy Thành – Chính trị viên đồn Biên phòng Keng Đu – thì dòng Nậm Nơn cũng chính là đường phân định biên giới Việt – Lào. Nơi đây bà con dân bản thường xuống đánh bắt cá cải thiện bữa ăn… nhưng cũng khá gian nan vất vả.
Ước mơ con chữ
Dù cái nghèo đói luôn bủa vây bản Huồi Xui nhưng mong muốn của người dân nơi đây vẫn là cho con em có con chữ, cùng với đó là mong muốn có điểm trường để các cháu có chỗ theo học. Theo báo cáo của UBND xã Keng Đu, toàn xã có hơn 800 hộ với 5.000 nhân khẩu, có 10 bản. Keng Đu có 2 dân tộc thiểu số là Khơ Mú và Thái, trong đó, dân tộc Khơ Mú với 9 bản chiếm hơn 90%, dân tộc Thái 1 bản. Riêng bản Huồi Xui có có 48 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu, 100% bà con là dân tộc Khơ Mú.
Trong nhiều năm qua, Huồi Xui không chỉ thiếu ăn, trẻ em ở đây cũng thiếu chỗ học đúng nghĩa. Theo thống kê, tại bản Huồi Xui học sinh cấp 1 và mầm non có khoảng 55 em; trong đó bậc mầm non dao động từ 23-25 em, các em học sinh ở đây đi học là các cô phải vận động chứ không các bạn cứ thích là nghỉ học, nên nhiều khi lớp không có ai để dạy. Hiện điểm trường này là lớp học tạm, đã xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến công tác dạy, học của thầy và trò nơi đây. Tại điểm trường ở bản Huồi Xui, ngành Mầm non đã cử một cô giáo “cắm” chốt tại đây với nhiệm vụ vừa dạy học vừa nấu ăn cho các cháu.
Xeo Thị Tâm bên các học trò của mình.
Trò chuyện với cô Xeo Thị Tâm (SN 1994), cô cho biết: Tốt nghiệp ra trường, cô vào nhận công tác cắm bản gieo chữ ở đây được hơn 1 năm rồi. Đường sá đi vào điểm bản Huồi Xui đất đá, dốc trơn trượt và qua khe suối. Vào mùa mưa, nơi đây bị chia cắt với bên ngoài. “Em giảng dạy tại đây và thấy thương các cháu rất nhiều.
Hằng ngày em phải đến từng nhà vận động các cháu đến lớp. Đến nhà, các cháu bảo không có cơm ăn nên không đến lớp đâu. Ở đây các cháu luôn thiếu ăn, nên hay theo bố mẹ lên rẫy. Cái khó khăn nữa đối với các cháu ở đây là không biết tiếng Kinh nên giảng dạy cũng vất vả. Có nhiều em bố mất, mẹ đi làm ăn xa phải ở với ông bà, họ cũng quên đưa cháu đến trường luôn” – cô Tâm chia sẻ.
Điểm trường ở đây được bà con và chính quyền xã dựng lên bằng gỗ, huyện hỗ trợ lợp tôn với kinh phí khoảng 15 triệu đồng. Nói là điểm trường, nhưng chỉ là một gian nhà được quây bằng các tấm gỗ, trong khu vực bếp nấu ăn cũng là nơi cô giáo Xeo Thị Tâm kê giường ngủ. Hiện điểm trường này đã xuống cấp, hư hỏng, đồ dùng học tập cho các cháu mỗi khi mưa xuống cũng ảnh hưởng khá nhiều. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Ngam – Chủ tịch UBND xã Keng Đu – cho biết: “Từ trung tâm huyện đi vào xã Keng Đu gần 75 km. Đường sá đi lại quá khó khăn, mùa mưa nhiều hôm không đi được.
Đời sống nhân dân chủ yếu sản xuất nương rẫy, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tự cung tự cấp, phụ thuộc vào thiên nhiên, nắng kéo dài thì mất mùa. Năm vừa qua bà con dân bản mất mùa, do nắng nóng kéo dài. Hiện toàn xã có gần 1.347 học sinh từ bậc Mầm non đến THCS.
Xã chúng tôi có tới gần 80% hộ nghèo, cao nhất của huyện Kỳ Sơn và cũng cao nhất tỉnh Nghệ An”. Ước mơ của chính quyền, đồng bào nơi đây vẫn là con chữ và giảm bớt khó khăn vất vả, cùng với đó là mong ước có trường lớp ổn định để con cháu ở đây được học hành đến nơi đến chốn, để cô giáo dạy học được chu đáo hơn.
Chúng tôi chia tay bà con bản Huồi Xui cũng là lúc trời nhá nhem tối. Trời chớm đông se lạnh, nhìn các cháu chân trần, áo mỏng mà xót xa.
Điền Bắc
Theo daidoanket.vn
Quốc hội sẽ chọn những Bộ trưởng, trưởng ngành nào lên "ghế nóng"?
Sáng nay (28/10), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc gửi phiếu đề nghị các đại biểu Quốc hội lựa chọn 4 trong số 5 nhóm vấn đề nêu ra để lựa chọn cho phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Theo thông lệ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ảnh IT).
Theo phiếu xin ý kiến, nhóm vấn đề thứ nhất được đề xuất là về lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nội dung của nhóm vấn đề này là chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác xuất khẩu nông sản, thủy sản;
Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.
Trách nhiệm trả lời chính cho nhóm vấn đề này thuộc về Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Y tế, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Khoa học - Công nghệ, Thông tin - Truyền thông, GTVT, Lao động, Thương binh & Xã hội cùng tham gia giải trình về các vấn đề liên quan.
Nhóm vấn đề thứ 2 là lĩnh vực Công Thương với nội dung về công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Nội dung tiếp theo trong nhóm này là hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Khoa học - Công nghệ, Thông tin - Truyền thông, Công an, Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ ở vị trí "chia lửa" với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực Thanh tra, gồm nội dung công tác thanh tra, phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; việc thực hiện kết luận sau thanh tra; thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, thu hồi tài sản sau thanh tra.
Nội dung khác là công tác thanh tra, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và hiệu quả hoạt động thanh tra của Thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành.
Trách nhiệm trả lời chính cho nhóm vấn đề này là Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Công an, Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Giáo dục - Đào tạo, Lao động, Thương binh & xã hội, Thông tin - Truyền thông, Y tế cùng tham gia trả lời chất vấn.
Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ với trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Nội dung của trong nhóm vấn đề này là việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức. Nội dung thứ ba là công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình các nội dung liên quan trong nhóm vấn đề này là Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo, Y tế.
Nhóm vấn đề thứ 5 theo sắp xếp của Tổng thư ký Quốc hội thuộc lĩnh vực Thông tin - truyền thông. Nội dung gồm công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; Về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.
Trách nhiệm trả lời chính cho nhóm vấn đề này là tư lệnh ngành - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, người cũng chưa từng có kinh nghiệm đăng đàn trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Khoa học - Công nghệ, Tài chính, Nội vụ, Công an, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn.
Từ 5 nhóm vấn đề được nêu ra, các đại biểu Quốc hội sẽ nêu ý kiến và 4 vị có số phiếu lựa chọn nhiều nhất là những người sẽ đăng đàn tại kỳ họp này.
Theo lịch, phiên chất vấn kéo dài 3 ngày (bắt đầu từ ngày 6/11 tới hết ngày thứ đến 8/11). Theo thông lệ, tại kỳ họp cuối năm, sau khi các Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời, Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn.
Theo danviet
Hai chị em học sinh nghèo dân tộc bị mù cần cứu giúp Giờ thì gánh nặng đổ lên vai người bố. Thương bố, các em mặc dù mắt kém, người em không nhìn thấy nhưng vẫn tham gia nương rẫy giúp đỡ bố và vẫn cùng nhau đến trường. Bị bệnh từ lúc còn bé Đó là 2 em Vừ Thị Chở sinh năm 2009 và em Vừ Thị Dính sinh năm 2011, người dân...