Về nơi hàng trăm phụ nữ lấy chồng Trung Quốc
Khoảng 10 năm trở về trước, vì cái nghèo, những phụ nữ ven biển Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa đã nghe theo lời dụ dỗ, kéo nhau sang Trung Quốc làm thuê rồi bị ép lấy chồng xa xứ. Hàng trăm người đi nhưng rất ít người trở về.
Những năm gần đây, “cơn sốt” lấy chồng Trung Quốc của phụ nữ ven biển không còn nở rộ nhưng cũng chưa chấm dứt hẳn.
Người dân các xã ven biển của hai huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc (Thanh Hóa) từ xưa đến nay có cuộc sống vô cùng khó khăn. Do đất canh tác nông nghiệp không có, nghề chủ yếu của họ là đi biển, lúc được lúc không. Ngoài nghề đi biển để mưu sinh, người dân ven biển thường chọn cho mình con đường lao động “chui” bên Trung Quốc.
Khoảng 10 năm trở về trước, nơi này, người người kéo nhau sang Trung Quốc làm thuê. Nhiều phụ nữ cũng vì trào lưu này mà bị dụ dỗ rồi bị bán hoặc bị ép lấy chồng Trung Quốc. Nhiều làng, hàng chục cô gái bỗng dưng mất tích. Sau này người nhà mới biết là họ theo nhau sang Trung Quốc làm thuê rồi lấy chồng ở luôn bên đó.
Chúng tôi tìm về gia đình chị Phạm Thị L. (SN 1977, thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa). Chị L. là một trong những phụ nữ bỏ xứ đi Trung Quốc rồi lấy chồng bên đó từ năm 1997. Theo lời kể của chị Lê Thị Lan, chị dâu của chị L., ngày đó nhiều con gái trong xã bỗng dưng mất tích, người nhà chỉ nghi ngờ họ rủ nhau sang Trung Quốc làm thuê chứ không biết đích xác họ đi đâu.
Chị Lan ngậm ngùi kể về cuộc sống của người em chồng đang sống bên Trung Quốc
“Phải cả chục năm sau cũng không có tin tức gì của cô, gia đình không biết cô còn sống hay đã chết, chỉ nghi ngờ cô theo bạn bè sang Trung Quốc thôi. Bỗng dưng mấy năm trước cô bất ngờ trở về. Cô kể ngày đó không biết gì, thấy người ta rủ đi làm thuê kiếm tiền thì đi cũng không ngờ mình bị đưa sang Trung Quốc rồi bị ép lấy chồng bên đó, sinh được 3 người con. Cuộc sống lao động khổ cực trăm bề, nhiều lúc cô muốn bỏ về quê nhưng vì thương con nên đành chấp nhận ở lại nơi xứ người. Cô về ít hôm rồi lại đi, vì chẳng thể bỏ con ở bên đó. Vài năm nay thì gia đình làm mất số điện thoại nên cũng không còn liên lạc được với cô nữa” – chị Lan ngậm ngùi kể về cô em chồng của mình.
Cũng sang Trung Quốc cùng ngày với chị L., chị Lê Thị B. (SN 1975, thôn Liên Minh) cũng lấy chồng Trung Quốc và sinh được 2 người con. Ra đi từ năm 1997 nhưng chị mất tung tích cho đến 10 năm sau mới quay trở về Việt Nam.
Video đang HOT
Dù cuộc sống khó khăn cực khổ nhưng người phụ nữ này cũng không thể bỏ con để về hẳn quê hương. Bởi vậy chị chỉ trở về ít hôm thăm gia đình rồi lại quay lại Trung Quốc.
Chị Lê Thị Ninh (chị gái chị B.) cho biết: “Dì ấy trở về khiến ai cũng bất ngờ, 10 năm không có thông tin gì, ai cũng tưởng dì đã chết rồi. Mọi người giữ dì ở lại nhưng dì nói không thể bỏ được con nên lại đi. Dì bảo ngày đó người ta nói ra Ninh Bình đi làm công ty nhưng sau đó thì đưa lên cửa khẩu, lúc biết mình bị lừa thì đã muộn, không thể quay lại được. Cuộc sống bên đó khó khăn nên về Việt Nam, lúc đi dì mang theo từ gói bột canh…”.
Chị B. và chị L. chỉ là trong số ít những cô gái may mắn được trở về Việt Nam thăm lại gia đình, còn hầu hết những người lấy chồng Trung Quốc đều không trở lại.
Theo thống kê của Đồn biên phòng Đa Lộc (Hậu Lộc) trong 8 xã ven biển như: Hòa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc, Nga Tân, Nga Sơn từ những năm 90 cho đến thời điểm hiện tại có 343 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc. Kết quả của những cuộc hôn nhân ấy là 20 người con lai đang sinh sống trên địa bàn.
Còn tại 5 xã ven biển của huyện Hoằng Hóa như Hoằng Phụ, Hoằng Thanh, Hoằng Tiến, Hoằng Trường, Hoằng Hải, theo thống kê của Đồn biên phòng Hoằng Trường thì có tổng 85 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc.
Nghề đi biển vất vả, không có đồng ruộng nên phụ nữ nơi này muốn sang Trung Quốc mong đổi đời
Trung úy Lê Đăng Khoa, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm- Đồn biên phòng Hoằng Trường cho biết: “Những năm gần đây, việc lấy chồng Trung Quốc đã giảm xuống nhiều do ý thức của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, số phụ nữ lấy chồng Trung Quốc của những năm trước thì hầu hết không trở về. Những người quay trở về hoặc liên lạc với gia đình thì rất ít”.
Cũng theo Trung úy Khoa thì có thể nhiều phụ nữ là nạn nhân của đường dây buôn bán người sang Trung Quốc nhưng do họ không trở về nên không thể biết được. Mới đây nhất, vào năm 2010, đã khởi tố một vụ án buôn bán người mà ngay cả đối tượng khi bị bắt cũng bất ngờ vì hành vi phạm tội của mình đã diễn ra hơn chục năm.
“Năm 2010, Đồn biên phòng Hoằng Trường đã nhận được đơn tố cáo của chị Nguyễn Thị Xuân (SN 1958, xã Hoằng Tiến) tố bị đối tượng Nguyễn Thị Tùng (SN 1967, xã Hoằng Thanh) lừa bán sang Trung Quốc làm vợ cho một người đàn ông ở huyện Giấm Phình, tỉnh Quảng Đông với số tiền 1300 nhân dân tệ vào năm 1997. Nạn nhân Xuân có với chồng 1 cô con gái cho đến ngày 21/5/2010 mới được một người Việt Nam gặp và đưa về nên mới có cơ hội tố cáo kẻ đã bán mình. Đối tượng Tùng bị bắt ngay sau đó và bị khởi tố, kết án tội buôn người…” – Trung úy Khoa kể lại.
Ngoài Hoằng Hóa thì huyện Hậu Lộc vào trước những năm 2000, cũng đã khởi tố 4 vụ án buôn bán người sang Trung Quốc. Tất cả các vụ án này đều từ đơn của bị hại khi trốn thoát trở về.
Trào lưu lấy chồng Trung Quốc mặc dù đã xảy ra từ nhiều năm trước tuy nhiên cho đến bây giờ hệ lụy của nó cũng không nhỏ.
Theo Trung tá Lê Duy Hùng, Chính trị viên Đồn biên phòng Đa Lộc thì việc quản lý số lao động “chui” hay phụ nữ ở lại lấy chồng bên Trung Quốc rất khó vì khi họ đi không báo cáo chính quyền địa phương. Lúc họ đi hay khi trở về cũng vậy, hay một số phụ nữ lấy chồng Trung Quốc trở về nhưng một thời gian lại qua bên đó. Hiện trong 8 xã ven biển mà Đồn quản lý có 20 con lai đang sinh sống trên địa bàn.
“Việc quản lý con lai, một số địa phương còn đang rất vướng trong việc nhập hộ tịch, hộ khẩu vì cuộc hôn nhân của bố mẹ chúng không được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, một số nơi, chính quyền vẫn phải tạo điều kiện nhập khẩu để các cháu có thể đến trường đi học” – Trung tá Hùng cho hay.
Theo tìm hiểu của PV thì một thực tế đáng buồn là việc lấy chồng Trung Quốc của phụ nữ ven biển hầu hết đều có cuộc sống khó khăn, khổ cực, nhiều người ra đi nhưng không trở về; nhưng những năm gần đây, trào lưu này tuy có giảm chứ không dứt hẳn. Phụ nữ nơi vùng quê nghèo khó này vẫn mưu sinh bằng cách đi lao động “chui” Trung Quốc rồi lấy chồng, sinh con đẻ cái bên đó. Phần lớn đều là những cuộc hôn nhân không được pháp luật công nhận.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Tàu tìm thấy dưới cát được làm bằng gỗ quý
Mặc dù trải qua hàng chục năm bị vùi dưới cát nhưng thân tàu vẫn giữ được độ bền do tàu được đóng bằng gỗ đinh hương quý hiếm. Trên tàu, ngoài những chum sành vỡ vụn, người ta không tìm thấy cổ vật gì quý hiếm.
Nguồn tin từ UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết, sau khi người dân xã Hoằng Trường phát hiện những mảnh gỗ của thân tàu trồi lên cát, việc khai quật con tàu đã được cơ quan chức năng tiến hành hoàn tất. Cho đến thời điểm hiện tại, con tàu đã được đưa lên khỏi mặt đất. Toàn bộ hiện vật liên quan đến con tàu này đã được đưa về trụ sở UBND xã Hoằng Trường niêm phong, chờ phương án xử lý.
Cơ quan chức năng đã xác định được loại gỗ dùng đóng tàu là gỗ đinh hương quý hiếm, có độ bền cao nên trải qua nhiều năm nằm dưới biển vẫn còn rất chắc chắn. Phần xương chính đáy tàu được làm bằng cả một thân cây gỗ lớn. Phía đầu mũi có khắc đẽo hình đầu rùa có hai mắt màu đen. Biểu tượng này thể hiện quan niệm tâm linh của người đi biển xưa. Họ khắc đầu kim quy trên thuyền nhằm xua đuổi thủy quái, mong bình an trên những chuyến ra khơi.
Con tàu được người dân phát hiện khi trồi các mảnh ván trên bãi biển
Sau quá trình khai quật, cơ quan chức năng không phát hiện bất cứ loại cổ vật nào có giá trị ngoại trừ những mảnh ván và một số mảnh sành sứ vỡ vụn nằm rải rác quanh thân tàu.
Theo các cụ cao niên trong vùng phán đoán, con tàu bị đắm vào khoảng năm 1945, là một trong những con tàu trong đoàn tàu vận tải gồm 4 chiếc trên hành trình chở hàng lương thực, thuốc men từ miền trung đi Hải Phòng, khi ngang qua khu vực Lạch Trường đã bị trận bão lớn đánh chìm. Nhiều hàng hóa sau đó đã bị chức dịch địa phương cho người lấy đi hết.
Trước đó, sáng ngày 29/3/2015, người dân xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa - Thanh Hóa) trong lúc đi tập thể dục trên bãi biển đã phát hiện một tấm ván nổi lên mặt đất, tiếp tục đào thì phát hiện mũi một con tàu nằm sâu dưới lòng đất. Theo đo vẽ, con tàu dài chừng 12m, rộng 4m.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Khai quật con tàu nằm sâu dưới cát trên bờ biển Một chiếc tàu có niên đại khoảng từ những năm 1945 được phát hiện khi trồi những mảnh ván trên bờ biển. Trên tàu, nhiều chum, vại sành được tìm thấy. Sáng ngày 29/3, người dân thôn 2, xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa- Thanh Hóa) trong lúc đi tập thể dục trên bãi biển đã phát hiện một tấm ván nổi lên...