Về những người viết diễn văn cho Tổng thống Mỹ
Có một nghề tại Nhà Trắng, ít ai biết, ít lộ diện công khai nhưng vô cùng quan trọng bởi mỗi “sản phẩm” của họ, thông qua sự truyền đạt của người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ, được cả thế giới chờ đợi, theo dõi và phân tích: Đó là nghề viết diễn văn cho Tổng thống.
Đã có những bài báo dành những mỹ từ như “những người anh hùng thầm lặng của Nhà Trắng” để nói về họ, nhưng cũng có không ít người thiếu thiện cảm gọi họ là “những cỗ máy suy nghĩ và viết”, thậm chí là “cái máy nói dối” của Tổng thống.
Nhưng có một điều, không thể phủ nhận là đó là một công việc khá vất vả và đặc thù: Phải viết từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác nhưng lại là viết cho một người khác, trong khi phải đặt mình vào vị trí của người ta để tìm ra những từ ngữ đúng đắn, những thông điệp ghi đậm dấu ấn trong đầu óc người nghe và phải tính đến cả nhịp điệu của từng câu, từng chữ, chỗ nào cần nhấn nhá, lên bổng xuống trầm…
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Obama và ê-kíp viết diễn văn chuẩn bị cho một lần đăng đàn phát biểu
Bài diễn văn về Tình trạng Liên bang – một văn kiện được cả thế giới quan tâm bởi nó được xem như tuyên ngôn mang dấu mốc truyền thống về chính sách Mỹ mà Tổng thống Barack Obama đọc hôm 20-1-2015 chẳng hạn, là kết quả sau nhiều tuần làm việc không ngơi nghỉ của cả một ê-kíp. Theo Jeff Shesol, một thành viên trong ê-kíp viết diễn văn Thông điệp Liên bang cho cựu Tổng thống Bill Clinton thì đó là “một khối lượng công việc to lớn, quá trình soạn thảo bắt đầu rất sớm, khoảng từ Lễ Tạ ơn, tức là cuối tháng 11 của năm ngoái”.
Hiện nay, Nhà Trắng có 9 người viết diễn văn. Một số người trong nhóm còn đảm đương cả nhiệm vụ soạn lời nói trước công chúng cho Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và các quan chức khác trong bộ máy điều hành. Dù ở Nhà Trắng, trên chiếc máy bay Air Force One, hay ở khách sạn, họ đều phải sống theo nhịp điệu với lịch trình bận rộn của ông chủ là Tổng thống Mỹ. Theo truyền thống, họ là những người rất kín đáo, thông tuệ và luôn cập nhật thông tin.
Không chỉ có thế, trong thời gian làm việc công việc hậu trường cho Tổng thống, họ phải tạm sống theo phương châm được ghi trong báo cáo cho Tổng thống Franklin D. Roosevelt năm 1937 về hoạt động của Nhà Trắng. Tài liệu này nói rõ là những người viết diễn văn lý tưởng của tổng thống phải có được một “năng lực to lớn, thể chất sung mãn và đam mê sự ẩn danh”. Để đáp ứng những yêu cầu này, tuy rất mệt mỏi nhưng đánh đổi lại, sau thời gian làm công việc viết lách tại Nhà Trắng, họ sẽ có một bệ phóng tuyệt vời cho sự nghiệp về sau trong chính trị hay trong lĩnh vực tư nhân.
Điểm lại danh sách những người viết diễn văn cho các đời Tổng thống Mỹ có thể nhận thấy họ đều là những người có tên tuổi. Một ngòi bút của cựu Tổng thống Bill Clinton – Jeff Shesol từng tốt nghiệp Đại học Brown và Oxford, là một sử gia và là tác giả truyện tranh. Sau khi rời Nhà Trắng, ông lại là một diễn giả và cây bút rất đắt hàng trên các tờ báo danh tiếng như Washington Post, New York Times…
Adam Frankel, cựu thành viên ê-kíp viết diễn văn của Tổng thống Obama, đánh giá đó là “công việc phi thường”. Và cũng như các đồng nghiệp, ông nhấn mạnh đến sở thích của vị Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ về viết văn: “Ông ấy có tài thật sự đấy, hiểu rõ tiến trình viết, biết tôn trọng và rất chăm chú tham gia ngay từ đầu”.
Cody Keenan, 33 tuổi, ngòi bút chính của Obama trong việc soạn thảo Diễn văn về Tình hình Liên bang, đã từng so sánh công việc của mình như công việc của một sinh viên sắp tốt nghiệp: “Làm việc suốt đêm hay bắt đầu vào lúc rạng sáng, nộp bài, rồi chờ xem bài có được thích hay không”. Đối với Cody Keenan: “Cái hay nằm ở chỗ, khi tổng thống có thời gian, ông sẽ chỉnh sửa chi tiết dự thảo diễn văn mà ông nhận được và ghi chú, giải thích cho chúng tôi tại sao phải sửa những chỗ đó”.
Trong thế giới khép kín và có phần bí hiểm này, có vài gương mặt đã ghi đậm dấu ấn và còn được nhắc đến như “huyền thoại” trong nghề. Đó là trường hợp của Ted Sorensen, đã viết cho cố Tổng thống John F.Kennedy những bài diễn văn có một vị trí đặc biệt trong lịch sử Mỹ và gây tiếng vang vượt thời gian.
Sorensen có một ưu thế đặc biệt: Ông vừa là ngòi bút của Kennedy, nhưng đồng thời cũng là một trong những cố vấn chính của Tổng thống. Luôn ở bên cạnh tổng thống, Sorensen ở một ví trí lý tưởng để hiểu được tâm trạng và thế giới quan của Kennedy, cũng như dễ dàng trao đổi ý kiến với ông chủ của mình. Dự thảo diễn văn của Sorensen hầu như không cần phải qua hiệu đính của Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng như những người kế nhiệm của ông sau này. Sự gần gũi, tương đồng về mặt trí tuệ giữa hai người làm cho khó có thể nói ai là tác giả của các thông điệp nổi tiếng từng được ông Kennedy đưa ra.
Lại có những người đi vào “lịch sử” nhờ việc “sáng tác” ra những thuật ngữ mang tính lịch sử, chẳng hạn như trong bài phát biểu ngày 29-1-2002 của Tổng thống George W.Bush, ông Bush đã sử dụng cụm từ “trục ma quỷ” để mô tả các chính phủ mà ông cáo buộc là giúp đỡ chủ nghĩa khủng bố và theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt gồm Iraq, Triều Tiên và Iran. Cụm từ này sau đó đã trở thành biểu tượng cho tư tưởng của vị Tổng thống thứ 43 của Mỹ.
“Để đóng một vai trò trong việc viết ra những lời mà Tổng thống nói là một cảm giác kinh hãi khó tả”, Jeff Shesol hài hước nói về cảm xúc của mình.
Theo Ngân Chi (tổng hợp)
PetroTimes