Về miền Tây tận mắt xem nghề ‘ăn dưới đất, làm trên trời’
Thốt nốt là loại cây đặc trưng gắn liền với hình ảnh đời sống của đồng bào dân tộc Khmer An Giang. Thật thú vị khi chứng kiến nghề ‘ăn dưới đất, làm trên trời’ để cho ra loại đường thốt nốt thơm phức, vàng óng.
Đường thốt nốt An Giang vẫn được nấu thủ công nên hấp dẫn du khách
Do đặc thù địa hình thổ nhưỡng, ở An Giang chỉ có hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên cây thốt nốt sinh sôi phát triển tốt. Tất cả các bộ phận của cây thốt nốt đều được tận dụng từ thân, cho đến lá, hoa, quả để phục vụ cho đời sống hằng ngày.
Cây thốt nốt gắn chặt vớt đời sống người Khmer cũng như cây dừa gắn chặt với người Kinh vậy. Người ta xem đường thốt nốt là đặc sản của địa phương, nhưng đối với người Khmer, đó là món quà quý của đất trời. Những tán đường thốt nốt đã nuôi sống những gia đình người Khmer qua bao thế hệ.
Đường thốt nốt làm từ đâu?
Chuyện kể rằng, để làm ra đường từ cây thốt nốt là một phát hiện tình cờ và trở thành một huyền thoại của người Khmer được truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Có một người đàn ông Khmer buổi trưa chăn bò nằm ngả lưng dưới tán cây thốt nốt nghỉ trưa. Đang thiu thiu ngủ thì ông cảm thấy có những giọt nước ngọt lịm trong lành tí tách rơi xuống mặt mình. Tò mò, muốn biết những giọt nước ấy từ đâu xuất hiện, trong khi bầu trời lại không mưa, ông bèn leo lên cây thốt nốt thì phát hiện, những giọt nước rơi xuống ban nãy xuất phát từ đọt hoa thốt nốt bị gãy ngang. Ông bèn dùng ống tre hứng đầy những giọt nước thần kỳ ấy đem về khoe với vợ con.
Do nước thốt nốt để lâu sẽ bị chua không dùng được nên người Khmer mới nghĩ cách chế biến thành rượu và làm đặc lại như đường tán hiện nay.
Ở An Giang nhiều nghề truyền thống đang dần mai một thì nghề nấu đường thốt nốt vẫn tồn tại với thời gian, bởi nhu cầu sử dụng thiết yếu như một món gia vị đặc trưng làm nên linh hồn của các món ăn trong đời sống hằng ngày như làm nước màu cho món cá kho, nấu bánh canh ngọt…
Video đang HOT
Nghề làm đường thốt nốt không diễn ra quanh năm. Sau lễ Ok Om Bok của người Khmer vào tháng 11, cũng là lúc bắt đầu công việc thu mật đường. Nhưng đến cuối tháng 5, khi An Giang bước vào mùa mưa, thân cây thốt nốt trơn trượt khó leo lên để lấy, mật đường không còn nhiều, cũng là lúc kết thúc mùa làm đường.
Đường thốt nốt được nấu bằng nước tiết ra từ những vết cắt ở bông thốt nốt, chứ không phải từ nước trong trái thốt nốt như nhiều người vẫn nghĩ. Mỗi cây thốt nốt mất 15 năm mới có thể thu hoạch được, một cây chỉ có khoảng 2 – 3 bông cho nước tốt, phần còn lại sẽ chờ thu hoạch trái. Nếu cây cho nước tốt thì mẻ đường sẽ thơm ngon, dễ đánh, màu sắc bắt mắt, dùng để đổ đường tán. Nếu ít nước hoặc nước không trong thì sẽ dùng để nấu đường chảy.
Sống chết với nghề
Với cái nghề “ăn dưới đất, làm trên trời” này đòi hỏi sức khoẻ, sự dẻo dai và khéo léo đến từ những người đàn ông trung niên.
Để lấy được nước về nấu đường, người thợ phải leo lên những thân cây thốt nốt cao vút. Hàng ngày, phải canh thời gian hoa cho nước thích hợp để trèo lên cây lấy nước.
Khi lên đến ngọn cây, người ta cắt đi phần ngọn những cuống hoa, dùng thùng nhựa nhỏ để hứng lấy mật hoa.
Trước đây, người ta dùng ống tre gai, ống to, để hứng nước, bên trong được cho vào một ít vỏ cây sến (một loại thảo dược đặc biệt ở núi Cấm) có tác dụng hạn chế độ lên men, xua đuổi ong và kiến, tăng độ ngọt cho nước thốt nốt. Nhưng sau này, quá trình chuẩn bị rất mất thời gian và tốn nhiều công sức nên được thay thế bằng các thùng nhựa loại nhỏ để nhẹ công mang lên và bên trong được bỏ một ít vôi để làm chậm lại sự lên men của nước thốt nốt.
Sau công đoạn lấy mật đường đầy trở ngại và nguy hiểm, công đoạn nấu đường cũng lắm gian nan. Nước sau khi được lấy về, trong vòng 24 giờ đồng hồ phải thắng đường ngay, để lâu hơn đường sẽ bị chua.
Đường được thắng trên một cái chảo lớn, đặt trên trên một cái lò đất để giữ nhiệt, nấu khoảng 4 giờ đồng hồ để cô đặc lại thành đường chảy.
Với những người thợ nhiều năm kinh nghiệm, chỉ cần nếm qua nước mật đường, họ biết được hàm lượng đường bên trong, để tính toán lượng vôi thêm vào để khử độ chua của đường.
Trong quá trình nấu, người thợ sẽ canh đổ thêm mật đường vào và khuấy đều để tránh bị khét dưới đáy, làm cho đường liên tục được đun sôi đều đặn.
Khi quá trình cô đặc đường kết thúc, chảo sẽ được nhắc ra khỏi lò, khuấy liên tục để có được màu vàng tươi óng ánh đặc trưng của đường thốt nốt.
Tại những lò nấu đường truyền thống, ngoài nước thốt nốt ra hầu như không sử dụng thêm bất kỳ một loại chất phụ gia nào cả.
Khi nguội, những tinh thể đường sẽ kết tinh lại một cách sánh mịn, khi cắn thử sẽ có vị ngọt bùi tan chảy trong miệng. Đường được nấu xong là đường chảy thô sẽ được đem giao cho các cơ sở sản xuất đổ vào khuôn thành đường tán bán trên thị trường như hiện nay.
Cuộc sống và thu nhập của những người làm đường phụ thuộc rất lớn vào tự nhiên. Những tháng mùa làm đường kết thúc, những người đàn ông trong gia đình phải trông chờ xem có ai gọi đi làm thuê thì mừng, cũng có những ngày cả gia đình không có một đồng thu nhập nào cả. Nhưng bằng tâm huyết và muốn duy trì cái nghề truyền thống đã có từ lâu đời này không muốn nó bị mai một, họ vẫn cứ bám trụ từ đời này sang đời khác, để cái nghề “ăn dưới đất làm trên trời” mãi tồn tại cùng thời gian.
An Giang: Trái chồi mồi - đặc sản rừng phải không cao lương mỹ vị nhưng lại chứa đậm tình quê
Mùa mưa đến cũng là lúc cây rừng Bảy Núi đơm bông, kết trái. Với nhiều người, trái cây rừng tuy không cao lương mỹ vị nhưng lại ẩn chứa tình cảm của quê hương, phảng phất một chút tuổi thơ của những ai lớn lên trong cái nắng, cái mưa của vùng Bảy Núi.
Bảy Núi những ngày mưa đất trời dịu mát. Những cánh rừng cũng vì thế trở nên xanh tươi. Lúc ấy, những đứa trẻ ở miệt bán sơn dã này bắt đầu "mùa ăn vặt" với mấy loại trái rừng. Theo quan niệm dân gian, cây nào không được trồng thuần dưỡng thì sẽ gọi là "rừng". Bởi thế, những loài cây hoang dại mọc sát vách nhà thì trái của chúng vẫn được gọi là trái rừng như một lẽ tự nhiên. Theo chân người bạn về xã An Cư (Tịnh Biên, An Giang) trong một ngày mưa, tôi men theo mấy con đường mòn dưới những hàng thốt nốt đi tìm trái chồi mồi.
Cứ ngỡ, trái chồi mồi sẽ to cỡ quả trứng gà nhưng kỳ thực nó còn nhỏ hơn cả đầu đũa ăn. Có điều, chúng mọc thành chùm nhìn rất mê mắt. Trái non có màu xanh, khi chín chuyển sang màu đỏ hơi tím. Anh bạn thân mạnh dạn trèo lên thân cây chồi mồi to lớn để hái mấy chùm trái cho tôi ăn thử. Hương vị đúng thật trái cây rừng. Có một chút chua chua pha lẫn vị ngọt nhẹ. Bởi mỗi chùm chồi mồi có đến vài chục trái nên người ta đưa nguyên chùm vào miệng nhai cho sướng!
Anh Nguyễn Chí Trung (người dân xã An Cư) kể rằng, trẻ con xứ núi ngày trước đâu có những thứ quà vặt phong phú như bây giờ. Chúng chỉ đợi trời mưa để đón mùa trái cây rừng. Người lớn buồn miệng leo lên cây hái xuống ăn chơi và sẵn tiện cho đám nhóc tì thưởng thức. Tuy trái chồi mồi đơn sơ, chân phương như chính cái tên của nó nhưng cũng từng là quà quý của đám trẻ thơ. Bây giờ, thỉnh thoảng vẫn có người leo lên hái trái ăn dù chồi mồi đã dần vắng bóng bởi người dân mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp.
Anh Trung còn cho biết lá cây chồi mồi cũng có vị thuốc nên được người dân sử dụng để điều trị bệnh gân khớp, với hình thức đâm nát rồi bó vào chỗ đau. Dù chưa biết công dụng của lá chồi mồi như thế nào nhưng tôi phải thừa nhận hương vị của nó khá đặc trưng, đúng với cách gọi trái cây rừng Bảy Núi. Ngoài chồi mồi, trẻ con vùng Bảy Núi ngày trước còn có thể ăn trái xay hay trái cơm nguội cũng có hương vị rất riêng.
Đặc biệt, một số người bạn nói rằng trái cơm nguội có vị giống... cà phê và hơi chát nhẹ khiến tôi cảm thấy tò mò, muốn được một lần nếm thử. Cũng như chồi mồi, cơm nguội là vị thuốc được người dân sử dụng rộng rãi. Vì nhu cầu chữa bệnh ngày càng cao, cây cơm nguội không còn nhiều như trước, mà chủ yếu tồn tại ở những triền núi ít người lui tới.
Trong số những loại trái hoang dại của vùng Bảy Núi thì nho rừng được biết đến nhiều hơn cả. Bởi lẽ, loại trái này có thể ăn và dùng để ngâm rượu uống. Đã có lần theo chân người dân địa phương đi tìm trái nho rừng, tôi khá bất ngờ khi lần đầu tiên chứng kiến những chùm trái to, nặng trịch treo lủng lẳng trên dây.
Vì là loại dây leo nên nho rừng sinh trưởng theo những thân cây cổ thụ hoặc mấy rặng tre. Vào mùa mưa, chúng kết trái thành từng chùm và mỗi dây sẽ có rất nhiều chùm trái. Trái nho rừng khi còn sống cũng có màu xanh, lúc chín chuyển sang màu tím trong rất đẹp mắt.
Trước đây, người dân Bảy Núi chưa quan tâm đến nho rừng và chúng chỉ để đám con nít buồn miệng hái ăn chơi. Dần dần, người ta nghĩ ra cách tận dụng nho rừng để ngâm rượu và cho ra loại "mỹ tửu" có hương vị và màu sắc rất dân dã. Từng nếm thử rượu nho rừng, tôi không thể quên cái vị chan chát hòa quyện với mùi cay nồng nơi đầu lưỡi.
Thực tế, rượu nho rừng được nhiều người ngâm để đãi bạn hữu và đôi lúc nó cũng là quà quý cho dân phố thị. Vì có giá trị kinh tế nên nho rừng được săn lùng nhiều hơn và cũng khó tìm hơn trước. Tuy nhiên, loại trái mọng nước này vẫn xuất hiện đâu đó trên các góc rừng của núi Phú Cường (xã An Nông, Tịnh Biên) theo cái vòng quay của tạo hóa khi đất trời chìm trong màn mưa trắng xóa.
Những người bạn của tôi tâm sự rằng, mùa trái rừng Bảy Núi dù rất âm thầm, lặng lẽ nhưng vẫn chất chứa những kỷ niệm của họ từ thuở thiếu thời. Theo thời gian, họ có thể rời xa Bảy Núi vì cuộc sống mưu sinh nhưng ký ức về những loại trái hoang sơ vẫn cứ ùa về, khi mùa mưa mang theo màu xanh phủ kín những cánh rừng trên triền núi xa xa.
Nhơn Hưng vững bước đi lên! Nhiệm kỳ 2020-2025, hệ thống chính trị xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên, An Giang) xác định sẽ tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy đoàn kết, dân chủ và nỗ lực phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, phấn đấu đưa Nhơn Hưng lên phường trong...