Về miền Tây Nam Bộ thưởng thức bánh khọt
Trong số các món bánh ăn chơi ở miền Tây Nam bộ, bánh khọt không phải là đặc sản địa phương mà nó đã theo bước chân những người tứ xứ đến đây khai phá vùng đất mới.
Với sự sáng tạo của người dân vùng sông nước, bánh khọt đã có những đổi thay để phù hợp với đời sống bản địa và dần dà khác biệt với loại bánh tương tự ở các vùng miền khác.
Những chiếc bánh vừa múc ra khỏi khuôn còn nóng hổi
Người dân Đồng bằng sông Cửu Long ưa thích món bánh xèo bao nhiêu thì bánh khọt cũng được chọn làm “đối tác” để so sánh bấy nhiêu.
Ngay từ tên gọi cũng đã có điểm tương đồng. Nếu khi đổ bột vào chảo để tráng bánh xèo, âm thanh phát ra nghe xèo… xèo, thì khi đổ bột vào khuôn bánh khọt, bột dày khi sôi nghe… khọt khọt. Phải chăng tên bánh được đặt theo âm thanh lúc làm bánh?
Bánh khọt được làm bằng bột gạo, giống như bột đổ bánh xèo. Gạo ngon đem ngâm rồi xay nhuyễn, bồng, dằn cho khô. Nhồi bột với nước âm ấm, nếu thích ăn béo thì pha thêm nước cốt dừa khô vào.
Đặc biệt bột làm bánh xèo, bánh khọt thường có màu vàng tự nhiên của nghệ. Nghệ rửa sạch, gọt rồi xay nhuyễn, vắt lấy nước cho vào bột bánh. Bột vừa ngon mắt lại có mùi đặc trưng khó lẫn.
Video đang HOT
Nêm bột với ít muối, hành lá xắt nhuyễn; để bột xốp ngon, lúc xay bột người ta có thể xay chen thêm một ít cơm nguội, hoặc pha bột xong đập thêm trứng vịt vào rồi khuấy đều.
Nhân bánh khọt thường là thịt ba chỉ xắt nhỏ cùng ít tép trấu bằm nhuyễn xào chín, nêm nếm vừa ăn và không thể thiếu đậu xanh nấu nhừ, để ra rổ cho ráo nước.
Đổ bánh đãi khách
Khuôn bánh khọt thường làm bằng đất nung. Khi đổ bánh, bắc khuôn bánh lên bếp than, thoa sơ mỡ hay dầu ăn trong lòng khuôn rồi múc bột đổ vào. Mỗi khuôn làm được cả chục bánh.
Đậy kín nắp khuôn lại, chừng bánh gần chín thì mở nắp múc nhân rải lên trên mặt bánh xong đậy lại lần nữa cho bánh chín vàng. Dùng muỗng múc bánh ra, úp hai mặt bánh vào nhau, tạo thành hình tròn (do vậy, có nơi người ta còn gọi là bánh trứng rồng).
Bữa tiệc bánh khọt đã sẵn sàng
Ở Bạc Liêu, người ta ăn bánh khọt với nước mắm pha chanh, ớt, rau ăn kèm gồm lá cách, lá lụa, lá sộp, cát lồi, bông điên điển, càng cua, húng, quế, ngò gai…
Những miếng bánh thơm giòn cùng đĩa rau sống, chén nước mắm cay nồng là món quà quê được bà con mang ra đãi khách phương xa.
Theo Amthuc365
Mắm bò hóc nặng mùi nhưng rất "đưa cơm" của người Khmer ở miền Tây Nam bộ
Đồng bào Khmer ở miền Tây Nam bộ rất thích lựa chọn các thức ăn có nguồn gốc tự nhiên để chế biến, và một trong những đặc sản đó chính là món mắm bò hóc đậm đà khó quên.
Đến thăm nhà người Khmer ở Trà Vinh hay Sóc Trăng thường thấy vài ba lọ mắm vừa để ăn, vừa đãi khách quý. Hầu như trong các món ăn của bà con người Khmer như canh, lẩu, chiên bao giờ cũng được nêm chút mắm này cho dậy mùi.
Nhiều người nghiền món ăn này nên chỉ cần cơm trắng với mắm bò hóc cũng thấy ngon miệng vô cùng.
Quy trình chế biến mắm bò hóc không khó nhưng phải trải qua nhiều công đoạn và phải có sự tỉ mỉ của người làm.
Mắm bò hóc thường được người Khmer xem như đặc sản dùng để đãi khách quý đến thăm nhà. Ảnh minh họa
Cá dùng làm mắm thường là cá linh hay cá lóc. Mùa nước nổi này khi đánh bắt được cá linh, nhiều nhà thường dành ra một ít làm mắm bò hóc để dành. Nếu không có hai loại cá này thì cá nước ngọt như trê hay loại cá da trơn khác cũng có thể làm được, nhưng có lẽ ngon nhất vẫn là cá lóc.
Cá được rửa sạch, bỏ ruột, đánh vẩy, giã nát rồi phơi cho thật khô. Sau đó, ướp cá với các loại gia vị như đường, tiêu, tỏi rồi dằn cho rỏ hết nước và xác cá tiếp tục được sấy tương đối khô, có thể cho thêm thính vào và tiếp tục trộn trước khi cho vào hũ. Các hũ này được ủ từ 4 - 6 tháng cho đến khi thành mắm là có dùng được.
Mắm bò hóc ngoài vị ngọt của cá còn có vị béo, bùi của cơm nên mùi không quá gắt. Phía trên lọ bao giờ cũng có một lớp nước sóng sánh vàng như mật, thường được chắt riêng ra để dùng như một loại nước mắm ngon.
Mắm bò hóc không có màu đẹp như mắm tôm nhưng mùi nhẹ hơn mắm tôm một chút, thường được người Khmer xem như đặc sản dùng để đãi khách quý đến thăm nhà.
Trong các món ăn đậm hương vị mắm bò hóc nhất có lẽ phải kể đến bún bum bò chóc. Nếu một lần được thưởng thức món bún num bò chóc có lẽ khó ai có thể quên được.
Chỉ cần khi nồi nước dùng sôi là bạn sẽ không thể cưỡng lại được bởi mùi vị đậm đà của mắm, hương thơm của ngải búng, sả và trái chúc... Các nguyên liệu đó hòa cùng với mắm bò hóc làm nên nước lèo có vị ngọt đậm đà, vị chua thanh thanh rất đặc trưng.
Ngoài việc sử dụng loại nguyên liệu đặc biệt này để chế biến thành những món bún đặc sản thì mắm bồ hóc còn có một số biến tấu khác là mắm bồ hóc chiên (mắm đem trộn với thịt heo hoặc thịt bò và ớt rồi chiên dùng ăn kèm với dưa leo, cà tím hoặc cơm); mắm trộn thịt, gói lá chuối rồi nướng lửa; hay mắm sống, khi dùng thì giã với sả, cà pháo, ớt vắt thêm nước chanh để làm nước chấm cũng rất ngon.
Sự phong phú trong cách chế biến, pha trộn nên mắm bò hóc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống người dân, từ bát bún quà sáng hay bữa cơm chiều, cả trong mâm cỗ đãi khách quý phương xa.
Theo Đời sống & Pháp luật
Thưởng thức mắm đùm hấp gáo dừa đặc sản miền Tây Từng miếng mắm được cô đặc cuộn tròn trong các loại lá như chòi mòi, đọt sung... chấm nước mắm pha ớt chua ngọt tạo nên hương vị đậm đà, lạ miệng. Vẫn sử dụng nguyên liệu là mắm nhưng món này bắt mắt hơn do được biến tấu từ "chả đùm" quen thuộc. Cách làm và cách thưởng thức cũng giống chả...