Về miền Tây…
Tạm xa Sài Gòn với cơn mưa chiều tầm tã, với những kế hoạch đang còn dang dở, mình đi…
Đi – để tránh cái nắng oi nồng, cơn mưa bất chợt, cái thời tiết đỏng đảnh của Sài Gòn lúc trời bắt đầu vào hạ.
Đi – để trốn những áp lực, những dự định chưa được hoàn thành mà bản thân chưa đủ động lực, chưa đủ cái “tâm” để thực hiện như mong muốn.
Đi – để tìm một khoảng không cho riêng mình, tìm… bình yên!
Cần Thơ… đón mình cũng bằng một cơn mưa, nhưng không dữ dội, ồn ào!
Sau 1 buổi lòng vòng trong trung tâm mua sắm, xem phim, chị chở mình ra ngoại ô. Cơn mưa chiều đã gột rửa hết những bụi bặm, cái nóng rẫy buổi trưa, thay vào đó là sự mát lành, trong trẻo lạ thường. Nhìn những cánh đồng lúa xanh tắp, những ruộng rau mơn mởn đang được đùa nghịch, lả lướt bởi những ngọn gió nhẹ, thấy lòng sao bình yên!
Video đang HOT
Lạc đường vào một xóm nhỏ, đúng lúc những người dân đang dọn bữa cơm chiều. Cảnh cả nhà quây quần bên mâm cơm, mấy em nhỏ chạy quanh đùa giỡn, mấy chú chó hếch mõm lên ngóng…khi những tia nắng cuối ngày đang yếu dần rồi tắt… Ôi chao là đẹp!
Những hình ảnh bình dị, giản đơn ấy khiến mình nhớ nhà quá đỗi. Giờ này, bố mẹ đang làm gì, đã được ăn tối, nghỉ ngơi hay còn đang tất bật với những công việc không tên ở nhà sau một ngày lăn lộn ngoài vườn tược? Bên mâm cơm bốc khói nghi ngút, có nhớ, có buồn, có tủi khi nhà người ta đông đủ, nói cười, còn nhà mình quạnh quẽ, cô liêu!
Sáng nay, trên “Cà phê sáng cùng VTV3″ có bài phỏng vấn nhà báo Vũ Công Lập về động lực sống, thầy nói hay quá. Cái quan trọng nhất là động lực từ bên trong – nội lực, chính bản thân mình phải tạo được động lực cho mình. Biến những cái gò bó, tác nhân tiêu cực, sự thúc ép… khách quan từ bên ngoài thành lối suy nghĩ tích cực, đơn giản, thành sở thích của cá nhân…, đó chính là cách để tạo động lực cho bản thân. Thầy còn dẫn lại câu của Einstein: Khi đã trèo lên 1 chiếc xe đạp thì cách duy nhất để xe không đổ đó chính là tiếp tục đạp về phía trước, do vậy, cuộc sống, muốn tiến về phía trước thì phải nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, phải có “động lực”.
Tối, chị chở mình đi dạo vòng vòng. Qua khách sạn Hoa Phượng, qua siêu thị Maximax, qua bến Ninh Kiều, qua khu du lịch Mỹ Khánh… chợt nhớ lớp mình đến nao lòng! Gần 2 năm mà ngỡ chỉ mới hôm qua – cái ngày cả lớp đi thực tế ở miền Tây. Tất cả mọi thứ như thước phim quay chậm hiện về nguyên vẹn trong tim. Này đây là hình ảnh cả lớp rồng rắn nhau vào siêu thị mua đồ liên hoan, chạy loạn khắp nơi, cãi nhau ồn ã để chọn cho được loại bánh số đông ủng hộ; Và kia, là cả lớp quây quần trên chiếc giường đôi của khách sạn, đàn, hát, nhảy, cười, nói, trêu đùa… Ôi, ôi! Ngày xưa…! Ngày mà tim mình còn ngây dại…! Ngày mà giữa đám đông, giữa bao nhiêu tiếng cười nói, mình vẫn nhận ra và chỉ chú ý đến một người… !
Giờ, tất cả mọi thứ đã trở thành quá vãng, cả cảm xúc khờ dại ngày nào. Thực tế phũ phàng đã đánh dạt bạn bè mình về nhiều phương trời xa lạ. Liệu, có ai còn nhớ và bấu víu vào những kỷ niệm xưa cũ như một con bé – ưa – hoài – niệm là mình?
Ngày mai, mình về lại Sài Gòn. Tiếp tục những guồng quay của cuộc sống thường nhật. Hy vọng mình đã có đủ động lực, đủ sức bền để chiếc xe của mình không đổ…! Hẹn gặp lại nhé, Miền Tây. Ngủ yên nhé, Kỷ niệm!
Sài Gòn – Đêm mưa…
Theo Guu
Khi nào bạn nhớ nhà?
Những lúc nào bạn muốn về nhà thăm cha mẹ nhất?
Mỗi khi cha mẹ gọi điện thoại hỏi: "Khi nào về hả con?" Tôi đều trả lời: "Tuần sau ạ!"; "Đợi công việc đỡ bận đã ạ"; "Ít hôm nữa". Nhưng thực tình ra tôi muốn nói câu này nhất: "Khi nào gặp khó khăn, con sẽ về".
Những khi gặp khó khăn trắc trở, chúng ta nhớ nhà nhất.
Còn những lúc cuộc sống thuận lợi, công việc suôn sẻ chúng ta sẽ không nhớ nhà đâu. Nếu chẳng phải đi chơi cùng người yêu, bạn bè thì cũng sẽ ngồi nhà đọc sách, xem phim, nghịch máy tính. Có gì quan trọng hơn không gian riêng tư cơ chứ.
Thế nhưng khi gặp phải những khó khăn trắc trở, những việc không như ý, buồn lòng, chúng ta mới phát hiện ra rằng mình còn một mái nhà để trở về, thật là hạnh phúc biết bao!
Cãi nhau với người yêu buổi tối, nửa đêm mà chạy về nhà cha mẹ nhất định sẽ rất lo lắng. Thế là ta đành đợi vài ngày sau mới về. Cha mẹ hỏi: "Tại sao đột nhiên con về vậy?" Ta cười và nói: "Hôm nay con được nghỉ". Thực ra chúng ta đang gặp chuyện phiền lòng.
Bị bạn bè bán đứng, công việc không như ý, ta gọi cú điện thoại về nhà hỏi: "Mẹ ơi, con về nhà ăn cơm được không?" Mẹ ở đầu dây bên kia vui mừng: "Được chứ, hôm nay con không cần đi làm à?" Lúc đó thật lòng muốn mình dũng cảm thốt ra rằng: "Con chán ngán công việc quá rồi, con rất muốn được về nhà &'dưỡng thương', được chứ mẹ?"
Xin lỗi, nhưng chúng ta luôn về nhà với một tâm trạng thất bại.
(Trích "Tuyển tập tản văn hay" - Trương Tiểu Nhàn)
Theo Guu
Con nhớ lắm những bữa cơm gia đình Con thèm được ăn những món ăn do chính tay mẹ nấu, thèm cảm giác đầm ấm, mọi người vui vẻ trò chuyện quanh mâm cơm. Cảm giác ấy sao mà bình yên đến lạ. Đỗ đại học, con phải xa gia đình, xa quê hương, xa vùng đất chôn rau cắt rốn, xa nơi in giấu bao kỉ niệm tuổi thơ để...