Về Lệ Thủy, nơi nhà nhà cúng giỗ Bác Hồ ngày 2.9
Tết Độc lập (2.9) là dịp để người dân quê huyện Lệ Thủy, Quảng Bình từ khắp mọi miền đất nước trở về đoàn viên, vui hội đua thuyền thống. Đặc biệt trong ngày lễ đặc biệt này, hầu như nhà nào ở Lệ Thủy cũng không quên làm một mâm lễ tươm tất đặt lên bàn thờ Bác Hồ…
Sản vật quê hương dâng Bác
Về Lệ Thuỷ những ngày tháng 8 lịch sử, khắp các thôn xóm, làng mạc, đâu đâu cũng một không khí rộn ràng, rực rỡ của cờ, biểu ngữ. Trong mỗi gia đình, bà con đều chuẩn bị chu đáo cho Tết Độc lập với nhiều sản vật của làng quê. Nhà nào cũng gói bánh chưng, bánh tét bằng thứ lúa nếp thơm nhất của vụ hè thu vừa gặt xong. Nhà nào cũng chưng thứ rượu ngon nhất từ gạo tám đỏ đuôi, rồi thì cá, tôm, vịt, ngỗng… những món rất đặc trưng của miền quê sông nước xứ Lệ. Và đã thành truyền thống, sáng sớm ngày 2.9, người dân Lệ Thuỷ, nhà nào cũng thành kính dâng mâm ngũ quả, bánh trái, những sản vật quê hương lên bàn thờ Bác Hồ, tưởng nhớ công ơn trời biển của Người…
Ông Phạm Hữu Ngưu (xã Phong Thủy) thắp hương trên ban thờ Bác. Ảnh: P.P
Năm nào cũng vậy, ông Nguyễn Hữu Thịnh (xã Sơn Thủy) đều sắm mới một bức ảnh Bác Hồ để thay thế bức ảnh cũ trên bàn thờ được ông đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Con cháu ông cũng một người một tay phụ giúp ông lau dọn bàn thờ, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ đón Tết Độc lập. “Con, cháu của tôi đông, ở gần có, ở xa có nhưng hầu như vào dịp Tết Độc lập năm nào cũng tề tựu về đủ. Đúng vào ngày 2.9 hàng năm, cả gia đình lại làm mâm cơm, mâm hoa quả đặt lên bàn thờ Bác, trước để tưởng nhớ Người, sau là các thành viên trong gia đình tự răn dạy mình hãy học tập Bác, sống thiện tâm, tích cực cống hiến xây dựng quê hương, đất nước và lập thân, lập nghiệp” – ông Thịnh tâm sự.
Cách nhà ông Thịnh không xa, ông Lê Doãn Vấn- một người lính biên phòng về hưu cũng đang chuẩn bị một mâm cơm khá tươm tất với đầy đủ các món ăn truyền thống, các sản của quê hương đặt lên bàn thờ cúng giỗ Bác. Năm nào cũng vậy, vào dịp này vợ chồng ông Vấn cũng làm mâm cơm cúng Bác Hồ bằng “cây nhà lá vườn” để anh em, con cháu ở xa về cùng đoàn viên, tưởng nhớ Người. Trong tiệc giỗ, ông Vấn thường kể những câu chuyện thú vị về Bác, động viên con cháu cùng nhau làm việc, học tập… Qua đó, những thành viên trong gia đình ông có dịp ôn lại công lao, tấm gương đạo đức của Bác, nhờ vậy tình yêu quê hương, Tổ quốc luôn được hâm nóng trong từng thành viên.
Theo các bậc cao niên, lão thành cách mạng ở huyện Lệ Thủy, việc nhiều người dân lập bàn thờ Bác Hồ và nhân ngày Tết Độc lập làm mâm cơm cúng giỗ Bác đã trở thành truyền thống từ hàng chục năm qua của quê hương.
Nơi ăn Tết Độc lập to nhất cả nước
Đối với nhiều làng quê Việt Nam, nói đến tết, người dân thường nghĩ đến Tết Nguyên đán vào dịp cuối năm. Nhưng ở Lệ Thủy – quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì Tết Độc lập luôn được tổ chức lớn nhất trong năm. Và những người con Lệ Thủy khi đi làm ăn xa, Tết Nguyên đán có thể không về, nhưng Tết Độc lập nhất định phải đoàn viên. Ngoài việc làm mâm cơm cúng Bác Hồ (như đã kể ở trên), Tết Độc lập ở Lệ Thủy còn có những lễ hội độc đáo, những nghi thức văn hóa tâm linh, báo công, báo hiếu với gia tộc tổ tiên, giáo dục truyền thống cách mạng được người dân tổ chức vào dịp này. Chẳng vì thế hàng chục năm qua, người dân Lệ Thủy luôn nhắc nhở nhau: “Dù ai đi đâu về đâu/Mồng 2.9 cũng mong về nhà/Về xem lễ hội quê ta/Dưới sông bơi chải nhà nhà cờ bay…”.
Video đang HOT
Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập trên sông Kiến Giang. Ảnh: P.P
Nói đến Tết Độc lập ở Lệ Thủy không thể không nhắc đến lễ hội đua thuyền truyền thống. Tương truyền, thủa xa xưa vùng đất Lệ Thuỷ (vựa lúa của Quảng Bình) không được sầm uất, trù phú như bây giờ bởi thiên tai khắc nghiệt.
Lệ Thủy – huyện lúa nằm bên dòng Kiến Giang cũng là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, người học trò xuất sắc của Bác Hồ. Từ ngày Đại tướng mất, trong nhiều ngôi nhà của người dân xứ Lệ, không ai bảo ai, bên cạnh bàn thờ Bác Hồ, người dân nơi đây cũng lập thêm bàn thờ Bác Giáp để tưởng nhớ người con kiệt xuất của quê hương…
Một đêm vị Thần hoàng khai khẩn vùng Lệ Thủy chiêm bao thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đến bảo: “Muốn mưa thuận, gió hoà thì cứ mỗi dịp khai xuân nên có lễ hội cầu đảo, đua thuyền để khai thông sông rạch. Tâm nguyện người dân sẽ được đất trời chứng giám mà phù hộ, độ trì”. Thế là từ đó, năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ xuân về sông Kiến Giang lại dậy sóng trong lễ hội cầu đảo.
Khi cách mạng Tháng Tám thành công, kỷ niệm 1 năm ngày nước Việt Nam độc lập, Lệ Thủy tổ chức lễ hội đua thuyền đúng ngày 2.9.1946. Cũng từ đó, lễ hội luôn được diễn ra trong ngày thiêng liêng này và được gọi là lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập.
Ông Hoàng Đại Hữu – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Lệ Thủy cho biết, hàng năm vào khoảng trước lễ hội 1 tháng, mỗi xã đều hình thành một đội đua gồm trai tráng ở cỡ tuổi 18-35, mỗi đội đua có nhiều nhất 30 đà công, thuỷ thủ, được nuôi ăn tập và phải chấp hành đúng nội quy cũng như những điều cấm kỵ…
Đêm mùng 1.9, cả huyện Lệ Thủy dường như mất ngủ. Nhà văn hoá thôn nào cũng sáng đèn, họ đến đây để cổ vũ, để bàn tán về chiến thuật, rồi đánh giá thuyền của các làng khác. Sáng mùng 2.9, chưa rạng mặt người, trên bến dưới thuyền chật kín người. Dòng Kiến Giang tưng bừng, náo động bởi hàng chục, hàng trăm con thuyền được trang hoàng như một rừng hoa sặc sỡ. Khi tiếng súng hiệu lệnh đua bơi nổi lên, hàng chục con thuyền tranh tài lao vun vút trên sông Kiến Giang, còn hai bên bờ sông hàng chục ngàn người dân hò reo cổ vũ cho các đội đua của làng mình…
Theo Danviet
Đi dưới những ngọn núi
Với tôi, Hồ Chí Minh là một ngọn núi lớn, cao mà ngay cả những nhà nghiên cứu am tường cũng chưa hiểu hết. Được gặp các nhân chứng, tiếp cận tài liệu để làm phim về Bác, cũng là hành trình khám phá ngọn núi lớn ấy
Theo cha mẹ vào Huế...
Nhà văn Sơn Tùng, được Trời cho cơ duyên biết nhiều chuyện chưa mấy ai biết về Bác Hồ, có lần nói: "Trên thế gian này, có lẽ Bác Hồ là người đi bộ nhiều nhất trong suốt cuộc đời. Từ khi còn nhỏ lên 5 tuổi đã theo cha mẹ vượt đèo Ngang vào Huế. Đến khi sắp từ giã cõi đời, Người vẫn mơ ước được đi bộ vượt Trường Sơn vào với đồng bào miền Nam. Mỗi lần nhớ đến đồng bào, Bác Hồ lại khóc!".
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác Đèo Khế, Thái Nguyên sang Tuyên Quang (1947). Ảnh: Tư liệu
Tháng 10.1944, Bác Hồ qua biên giới Việt - Trung, đi bộ về Pác Bó, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Đi từ sáng đến chiều tối về tới Khum Đắc. Các đồng chí được gần Bác ở Cao Bằng kể lại: "Ở Pác Bó, Bác thường hay đi chơi núi. Núi cao là niềm ham mê của Bác. Con đường mòn lên núi nhiều gai góc, dây leo chằng chịt, đá nhọn chắn đường, lau già trổ cờ trắng bạc ngả sang hai bên lấp mất lối. Bác leo tít lên đỉnh núi cao, có khi lại xuống thật sâu dưới thung lũng. Cả người Bác, cả tâm hồn Bác như hòa vào với núi".
Mùa hè năm 1950, Sơn Tùng được nghe cụ Cả Khiêm - anh ruột Bác Hồ kể: "Quãng năm 1895, hai anh em Bác Hồ, thuở ấy còn mang tên Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung, theo bố mẹ đi bộ từ Nam Đàn vào kinh đô Huế, cứ dọc đường cái quan mà đi, mỗi người mang một đôi dép mo cau, lúc nào rách lại thay đôi khác".
Quãng đường này, khoảng năm 1833 - 1834, hơn 60 năm trước chuyến đi của gia đình Bác, nhà thơ Cao Bá Quát (1809-1855) đã cuốc bộ vào kinh đi thi. Đường dài vắng vẻ "Úy nộ man man trước lữ hoài" (Mênh mang dặm khách rợn lòng ta). Đường qua những trảng cát dài "Trường sa phục trường sa/Nhất bộ nhất hồi khước/Nhật nhập hành vĩ dĩ/Khách tử lệ giao lạc" (Bãi cát dài lại bãi cát dài!/Đi một bước lại lùi một bước!/Mặt trời đã lặn mà vẫn còn đi/Khách trên đường nước mắt rơi lã chã).
Đến đèo Ngang, đứng trên núi Hoành Sơn nhìn ra bể, Cao tiên sinh kinh hoàng trước cảnh thiên nhiên dữ dội, vội vã lên đường: "Hải thượng bạch ba như bạch đầu/Nộ phong hãm phá vạn hộc châu.../Sơn Bắc, sơn Nam thiên vạn lý/Công danh nhất lộ kỷ nhân nhàn?/Quan cái phân phân ngã hành hỹ!" (Sóng trên mặt bể trắng xóa như đầu bạc/Gió táp xô vỡ chiếc thuyền lớn hàng muôn hộc.../Phía Bắc núi, phía Nam núi, suốt nghìn muôn dặm/Trên đường công danh, đã mấy ai nhàn?/ Mũ lọng nhộn nhịp, ta cũng đi đây!).
Ông Sắc cõng Sinh Cung rảo bước. Bà Loan gồng gánh đồ đoàn, dắt tay Sinh Khiêm cặm cụi theo sau. Chú bé Sinh Cung 5 tuổi được cha cõng trên lưng, thấy Hoành Sơn có con đường mòn đất đỏ vắt qua đẹp quá, reo lên thành thơ: "Núi cõng con đường mòn/Cha thì cõng theo con/Núi nằm ì một chỗ/Cha đi cúi lom khom/Đường bám lì lưng núi/Con tập chạy lon ton/Cha siêng hơn hòn núi/Con đường lười hơn con!". Bài thơ được cụ Cả Khiêm chép lại trong tập Tất Đạt tự ngôn. Năm 1950, cụ đem cho nhà văn Sơn Tùng vài tháng trước khi cụ mất.
Vượt những núi cao
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Tuyên Quang (1951). Ảnh: T.L
Sau này, khi làm phim về đất nước, tôi nhiều lần đi dọc miền Trung. Phong cảnh khiến tôi mường tượng thấy hình bóng của Bác cắm cúi giữa con đường vượt qua những đỉnh đèo cao. Tháng 7, vào mùa nắng dữ, các bụi tre gai bên đường vào Phan Rang hàng trăm cây số hoang dã, khô cháy một màu chết chóc, không bóng người. Toàn thân chết khát, hai bàn chân bỏng rộp, lê bước trên đường, 19 tuổi, Người một mình đi bộ đến được Sài Gòn!...
Đầu năm 1990, ở Trung Quốc, tôi từ Nam Ninh về Tĩnh Tây, với ý định thăm nơi Bác và hoạt động cách mạng quãng năm 1942, khởi đầu cho chuyến đi bộ gian nan cực khổ nhất trong đời hoạt động của Bác, chuyến đi Nhật ký trong tù. Tĩnh Tây là huyện (gồm 11 trấn, 8 hương) trong thành phố cấp địa khu Bách Sắc của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Ôtô chạy suốt đêm, đường dài thăm thẳm, đồi núi trập trùng. Chòm xóm dưới thung xa, thấp thoáng ánh đèn như ánh sao mờ. Uống trà ở quán trà nhỏ tên thơ mộng "Lô Sơn Vân Vụ" (Sương mờ trên đỉnh Lô Sơn). Tôi bước vào xóm Pà Mông - xóm nhỏ xưa cũ, cây cầu gạch cổ bắc qua con suối nhỏ cạn trơ sỏi đá. Nắng vàng hiu hắt trên những mái ngõ cũ rêu xanh.
Ngồi trò chuyện với bà con trong xóm sang chơi nhà cụ Từ Vĩ Tam - anh em kết nghĩa với cụ Hồ từ năm 1940. Cụ ông đã qua đời, chỉ còn cụ bà tuổi ngoài 80. Nhắc tới cụ Hồ, cụ bà vừa khóc, vừa lấy vạt áo bông xanh lau nước mắt. Cụ Hoàng Tài Hán - hàng xóm của cụ Tam dẫn tôi đi thăm núi Phong Nham. Trên núi, có hang Thông Phong xuyên qua núi, sương khói mờ ảo, ẩn hiện mấy bài thơ viết trên vách đá. Cụ Hán trân trọng nói với tôi: "Đó là bài thơ của cụ Hồ. Cụ ở trong hang với tôi hồi năm 1941". Độ ấy, cụ Hán sinh nhai bằng nghề nấu rượu. Cụ Hồ thường giúp cụ Hán nhóm lửa, nếm rượu. Hai cụ ngồi canh nồi rượu, rù rì trò chuyện suốt đêm, cùng lắng nghe gà gáy vọng lên dưới xóm Pà Mông mịt mùng.
Tôi lấy làm tiếc không ghi lại được bài thơ Bác viết trên vách đá, ánh sáng mập mờ, chỉ đọc được bốn chữ: "Ẩn cư hoạt lộ" (ở ẩn đề tìm đường hoạt động). Mong ước dịp nào đó, trở lại đây với máy quay phim, ghi lại thơ của Bác.
Làm phim về Hồ Chí Minh là kỷ niệm lớn, dấu ấn nổi trội trong sự nghiệp của tôi, đó không chỉ là một lãnh tụ, danh nhân văn hoá thế giới, một nghệ sĩ, mà còn là người bộ hành vĩ đại. Trong chùm phim được giải thưởng Nhà nước năm 2007 của tôi, có Truyền kỳ (3 tập: Hình bóng tổ tiên, Truyền kỳ sự thật, Hồ Chí Minh - Hình ảnh của Người). Phim tầm vóc mà tôi rất tâm đắc là Hồ Chí Minh với Trung Quốc (71 phút). Phim này tôi là biên kịch và đạo diễn cùng Thanh An (1934-2011), quay phim Hoàng Tấn Phát - Quốc Thành.
Nhóm NSND ngày nay chỉ còn tôi ở Hải Phòng, Đặng Nhật Minh ở Hà Nội, và cơ hội hợp tác duy nhất trong đời chỉ có nhờ duyên với Bác. Lúc đó, đạo diễn Đặng Nhật Minh là Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam kiêm Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh, nên ông là Giám đốc sản xuất của phim này, còn đạo diễn Thanh An là Phó Tổng Thư ký thường trực của Hội Điện ảnh. Tôi đã 3 lần sang Trung Quốc. Đoàn làm phim về Bác Hồ đến hầu hết những nơi Bác từng hoạt động, đến cả Thuý Hồ - nơi Hồ Chí Minh gặp Võ Nguyên Giáp, Tây Hồ - nơi Phạm Lãi lang thang cùng Tây Thi. Tôi đã thăm nhà văn Ba Kim lúc ông rất già yếu, mê cuốn Tuỳ tưởng lục của ông, gặp Giả Bình Ao ở Tây An. Không cuộc gặp nào khiến tôi xúc động như được "gặp" Bác trên nhiều địa danh Trung Hoa rộng lớn.
Một tứ thơ, một tư tưởng...
Hạ tuần tháng 8.1942, cụ Hồ từ Pác Bó sang Tĩnh Tây, dừng chân ở Pà Mông, nhờ một người anh em trong xóm là Dương Thao dẫn đường đi Trùng Khánh tìm gặp Chu Ân Lai và phái đoàn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không may, đi đến chợ Túc Vinh huyện Đức Bảo, hai thầy trò bị bọn hương dũng Quốc dân Đảng bắt giam. Từ nhà giam chuyên khu Tĩnh Tây, ngày 29.8.1942, cụ Hồ bị áp giải qua các huyện và thành phố: Điền Đông, Thiên Đằng, Long An, Ung Ninh, Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Liễu Châu, Quế Lâm... Trải qua mười mấy nhà giam, đến ngày 10.9.1943, cụ mới được trả tự do ở Liễu Châu, tính ra vừa hết 1 năm 12 ngày. Đây là chuyến đi bộ cực khổ tột cùng. Đường dài sỏi đá gập ghềnh, vượt qua núi cao vực thẳm. Mùa hè, những cánh đồng khô cháy, nắng như đội lửa; mùa đông gió cắt thịt da, đường sá mênh mang không một bóng người. Chỉ có người tù và toán lính áp giải lê bước trên đường: "Dạ như hắc ám dĩ đăng trình/Lộ hựu khi khu thậm bất bình" (Còn tối như bưng đã phải đi/ Đường đi khúc khuỷu lại gồ ghề); "Nhật hành ngũ thập tam công lý/Thấp tận y quan phá tận hài" (Năm mươi ba cây số một ngày/Áo mũ dầm mưa, rách hết giày).
Bụng đói, cật rét, tay bị trói, cổ bị xiềng, run rẩy suốt lộ trình dằng dặc như thế, dù là người thép cũng không chịu nổi! Vậy mà Người đã vượt qua để rồi bao nhiêu gian lao, khổ hận, núi thẳm, non cao cuối cùng chỉ còn đọng lại trong một tứ thơ, một tư tưởng Hồ Chí Minh thanh thản, tận cùng: "Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan/Tùng sơn chi ngoại hựu trùng sơn/Trùng sơn đăng đáo cao phong hậu/Vạn lý dư đồ cố phán gian" (Đi đường mới biết gian nan/Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/Núi cao lên đến tận cùng/Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non).
Theo Danviet
Miễn giảm phí cho một số phương tiện qua trạm Quán Hàu và Tasco Liên quan đến vấn đề bất cập của 2 trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đồng ý phương án miễn thu phí đối với các loại phương tiện thuộc chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú, các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh này. Cụ...