Vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu
Bằng nhiều chiến lược khác nhau, các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ đang từng bước thay đổi bản đồ thị trường năng lượng.
Việc Mỹ giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nước ngoài sẽ làm cho thị trường năng lượng thế giới không thể đoán trước được.
Cựu Giám đốc Tập đoàn dầu khí Arabia Saudi – Nansen Saleri từng nhận định: “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mà ở đó Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không còn là trung tâm nữa”. Giá dầu sẽ ngày càng trở nên ổn định hơn không chỉ do hoạt động khai thác khí đá phiến bùng nổ ở Mỹ, mà còn do sự phát triển nhanh chóng của các kỹ thuật khai thác dầu phi truyền thống khác như dầu cát ở Canada, dầu muối ở ngoài khơi Brazil hay những vỉa dầu nặng ở vành đai Orinoco, Venezuela…
Giá dầu ở mức khoảng 100 USD/thùng là hợp lý, vì con số này đủ cao để khuyến khích các khoản đầu tư lớn vào những công nghệ khai thác mới và hoạt động đầu tư đáng kể để cải thiện mức độ tiết kiệm năng lượng.
Video đang HOT
Thời thế thay đổi
Trong bài báo có tựa đề Nắm bắt và phân tích xu hướng phát triển năng lượng trong tương lai của Trung Quốc trên tờ Nhân dân nhật báo, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc – Li Wei có viết, sự tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ chậm lại đáng kể do độ “ nóng” phát triển kinh tế của nước này đang giảm dần. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào các biến động của dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lại tăng lên. Vào năm 2030, Trung Quốc có thể phải nhập khẩu đến 75% nhu cầu dầu mỏ. Sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên ở nước ngoài cũng sẽ tăng lên nhanh chóng, kéo theo đó là mối lo ngại nghiêm trọng về an ninh năng lượng, chuyên gia Li Wei cảnh báo.
Đến năm 2030, nguồn cung cấp năng lượng của thế giới vẫn như vậy trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng thì sẽ tiếp tục phát triển, một phần vì công nghiệp hóa ở các nền kinh tế mới nổi. Ngoài ra còn có một sự thay đổi cơ bản trong việc cung cấp năng lượng trên toàn cầu, khi các nguồn sản xuất chính dịch chuyển về phía Tây và các nơi tiêu thụ chính tập trung chủ yếu ở phía Đông.
Trong khoảng gần 20 năm nữa, Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ chiếm một nửa mức tiêu thụ dầu mỏ của thế giới. Trong khi đó, Mỹ có thể sẽ là trung tâm khai thác dầu mỏ của thế giới vào năm 2020 và hướng tới mục tiêu trở thành nước dẫn đầu trong việc quyết định giá dầu và khí đốt. Điều này đang mang lại những thay đổi cơ bản trên bản đồ dầu mỏ thế giới, trong khi OPEC chưa có sự chuẩn bị cho kịch bản này.
Theo phân tích của Li Wei, rủi ro cung cấp năng lượng của Trung Quốc có thể trầm trọng hơn do tình hình địa chính trị phức tạp và không ổn định trên thế giới. Bởi, mặc dù đã có những bước phát triển đột phá để độc lập năng lượng, nhưng không chắc Mỹ sẽ thả lỏng vòng kìm kẹp của mình với nguồn tài nguyên dầu mỏ ở Trung Đông.
Bên cạnh đó, việc Mỹ giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ ở nước ngoài sẽ làm cho thị trường năng lượng thế giới không thể đoán trước. Trong tình hình đó, các nước thành viên OPEC buộc phải xem xét lại chính sách của mình. Các quốc gia ngoài OPEC, như Nga, Brazil, Colombia, Oman và Angola, cũng sẽ rơi vào thế khó khăn trong ngắn hạn và trung hạn.
OPEC mất dần ảnh hưởng
Nền kinh tế của Trung Quốc đã bùng nổ trong hơn ba thập kỷ qua, dẫn đến việc nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc đã thống trị thị trường toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ khủng khiếp của nền kinh tế mới nổi này đã có tác động không nhỏ vào giá dầu trên toàn thế giới từ giữa những năm 2000. Sức ép phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu khiến sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng dày đặc tại châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và Bắc Mỹ… mở rộng cách tiếp cận với năng lượng bằng chiến lược về kinh tế và chính trị được áp dụng ở khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc có rất ít sự lựa chọn trong vấn đề năng lượng. Theo OPEC, năm ngoái, một ngày nước này tiêu thụ khoảng 10,1 triệu thùng dầu trong khi chỉ tạo ra được khoảng 4,2 triệu thùng. Việc khai thác dầu ngoài khơi của Trung Quốc cho kết quả không mấy khả quan, và việc khai thác nguồn tài nguyên khí đá phiến trên đất liền đang phát triển chậm chạp mặc dù việc quản lý năng lượng cho thấy kết quả lạc quan.
Trong khi đó, Mỹ đã âm thầm tiến hành một cuộc cách mạng về năng lượng. Mỹ nhập khẩu đến 20% năng lượng, nhưng năm 2012, Mỹ sản xuất khoảng 6,2 triệu thùng dầu mỗi ngày nhờ vào công nghệ khai thác đá phiến. Đây là một mức nhảy vọt đến 28% so với khả năng cung cấp của năm 2008. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khẳng định: “Với đà này, nhập khẩu dầu thô vào Mỹ sẽ nhanh chóng giảm sút vào khoảng năm 2030″ và kịch bản một nước Mỹ tự lực về năng lượng không còn là điều viển vông. Mỹ sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu số một toàn cầu chỉ sau hơn một thập niên nữa.
Theo IEA, trật tự năng lượng quốc tế sẽ bị đảo lộn khi Mỹ không còn lệ thuộc vào dầu khí của thế giới. Châu Á sẽ trở thành trọng tâm của bản đồ thương mại dầu lửa trong tương lai với những thay đổi quan trọng về mặt chiến lược.
Trong công cuộc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới để có thể giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, Nhật Bản đã bắt đầu khai thác thử methane hydrate. Đây là hợp chất tự nhiên của khí methane và nước ở dạng tinh thể, được tạo thành dưới áp suất ở độ sâu trầm tích. Nếu thành công, mỏ Nagoya sẽ bắt đầu khai thác toàn diện vào năm 2018. Theo tính toán, lượng methane hydrate dưới đáy đại dương ở các khu vực xung quanh sẽ đủ cho nước Nhật sử dụng trong khoảng 100 năm.
Trong khi đó, vị trí và nhiệm vụ của các nhà cung cấp năng lượng đang có khuynh hướng thay đổi. Trung Đông đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề phức tạp. Ai cũng biết rằng nguồn tài nguyên dầu mỏ không phải là vô tận, cho dù có là vô địch về trữ lượng dầu mỏ truyền thống thì với những nền kinh tế chỉ dựa vào công nghiệp dầu mỏ và khai thác ồ ạt theo thời gian cũng khiến kho báu không vô tận này bị hao hụt. Chưa kể, bất ổn chính trị chưa bao giờ kết thúc ở khu vực này.
Do nguồn dự trữ dầu mỏ của thế giới giảm dần nên việc gia tăng khuynh hướng sử dụng khí sạch và khí tự nhiên sẽ có ý nghĩa đối với môi trường sinh thái trong tương lai, trong khi Nga và Iran chiếm tới 60% nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên của thế giới. Lượng dự trữ khí đốt này có thể dùng đến khi kết thúc thế kỷ này. Như vậy, trong tương lai, dầu mỏ sẽ nhường chỗ cho khí đốt tự nhiên. Đây là cơ hội lịch sử đặc biệt mà nước Nga có được để chiếm vị trí ảnh hưởng từ châu Âu cho tới Thái Bình Dương nhờ việc cung cấp nguyên liệu năng lượng cho châu Âu cũng như đảm bảo được cho phương Đông.
Như vậy, dự báo sẽ có nhiều thay đổi trong bản đồ dầu khí, không thể phủ nhận có lý do để tin châu Mỹ có thể sẽ là thủ đô năng lượng của thế giới trong tương lai, nhưng ít nhất, ở tương lai gần, Trung Đông vẫn đóng một vai trò đặc biệt trong thế giới năng lượng.
Theo Minh Anh
Thế giới&Việt Nam