Về Khánh An nghe đồng đất chuyện trò
Hơn 1 năm trở lại Khánh An (Cà Mau), đồng đất nơi đây vẫn trân mình trước những câu hỏi lớn chưa có đáp án. Xã cửa ngõ của U Minh đã có bước chuyển mình thần tốc khi là nơi đứng chân của cụm công nghiệp khí – điện – đạm, hay gần đây là Khu Công nghiệp Khánh An. Tuy nhiên, khoảng 1.000 hộ dân có đất trong diện giải toả (tức 1/4 dân số toàn xã) vẫn đang loay hoay trong bài toán sinh kế, phát triển sản xuất.
Ông Quách Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết: “Bà con thuộc diện giải toả được quy hoạch tái định canh, định cư tại An Phú trên 1.000 ha, nhưng người dân cũng không mấy tha thiết. Thực tế, chỉ có trên 200 hộ vào tái định canh với trên 300 ha. Khu nhà ở định cư hầu như bỏ phế, các hộ có đất định canh cũng lần lượt cho thuê hoặc bán lại chủ khác để tìm kiếm kế sinh nhai vì… khó sống quá”.
Vườn quýt đường da xanh của anh Hiền đã khẳng định sức nghĩ, sức làm, sức sáng tạo vô tận của người nông dân.
Vẫn chưa hết hắt hiuTheo đánh giá của ông Hợp, số hộ dân hiện sinh sống ở khu An Phú còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người đã chuyển sang mua đất ở ngoài để cuộc sống bớt thắt ngặt hơn. Ông Hợp thông tin: “Đất khu này chủ yếu làm lúa nhưng năng suất thấp, nếu đầu tư trồng rừng thì cần phải có thời gian từ 4-7 năm mới thu hoạch được”.
Cả khu A và B của ấp An Phú còn xài điện chia hơi, lộ giao thông chưa đấu nối hết tuyến. Ông Hợp cũng không giấu giếm: “Nguyện vọng của bà con trong đó là muốn chuyển dịch nuôi tôm, nhưng nơi này thuộc vùng ngọt hoá”.Vẫn câu chuyện dông dài hơn chục năm của mình, ông Trần Quốc Phú (Tám Phú) kể: “Tui về đây năm 2003, cất 3 xác nhà, khẩn hoang đất An Phú này. Nói thiệt, tui muốn làm để bà con thấy có hy vọng mà vô ở, chớ đất này làm ruộng khó ăn lắm”.
Video đang HOT
Ông Tám Phú hơn chục năm nay vẫn đau đáu với ước muốn nuôi tôm ở vùng đất phèn nặng An Phú để người dân bớt cơ cực.
Miệt mài bên 3 ha đất tái định canh, cuộc sống tạm coi là đủ ăn, đủ mặc nhưng ông Tám Phú vẫn khẳng định rằng: “Chỗ này chỉ khi nào cho bà con nuôi vụ tôm – lúa, khi đó mới phát triển được”. Mân mê bàn tay chai sạn, ông Tám nhớ lại: “Khánh An có 18 ấp thì nuôi tôm cũng trên 10 ấp rồi. Vả lại, khu An Phú này là đất rừng chồi, hoang hoá, bạc màu, có cải tạo nữa thì làm nông cũng không hiệu quả”.
Ông Tám vẫn không quên thời điểm người dân Khánh An ùn ùn bửa đập năm 2000: “Lúc đó có cả Chủ tịch UBND tỉnh về để trưng cầu ý kiến, nguyện vọng bà con, tui lúc đó cũng khẳng định rằng, nuôi tôm không phải là làm trái với Đảng, Nhà nước, nuôi tôm là để dân ở đây bớt khổ, có cơ hội vươn lên”.
Hơn 10 năm qua, nhờ vụ lúa – tôm mà đời sống người dân Khánh An phát triển trông thấy. Làm một bài tính đơn giản, ông Tám bộc bạch: “Mấy anh hỏi dọc hết tuyến T22 này thì biết, tui cũng quyết tâm lắm mà mỗi công lớn cũng gặt chỉ hơn chục giạ, đủ ăn là hên lắm rồi. Chưa kể chuột bọ phá hoại, giá lúa bấp bênh”.Có nhiều đoàn công tác của tỉnh, huyện và cả đại biểu Quốc hội về An Phú, ông Tám đề đạt và chờ đợi nhận được câu trả lời.
Ông nói: “Đoàn nào cũng ghi nhận, có người kêu đợi kết luận của nhà khoa học, chờ ý kiến của cấp cao hơn, nhưng cái ăn, cái mặc, cái thiết thân với người dân thì biểu đợi hoài sao được…”. Theo dõi thời sự, ông Tám đồng tình: “Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, rồi Thủ tướng nữa, đều đánh giá con tôm mới là thế mạnh của Cà Mau trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu, nếu vậy thì An Phú cũng phải tính toán để chuyển đổi chớ”.
Sinh kế là vấn đề bức thiếtKhánh An hiện có hơn 4.000 hộ, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,6%. Cái lo lắng nhất của địa phương chính là việc định hình mô hình sản xuất phù hợp, bền vững cho người dân. Việc tạo điều kiện cho lĩnh vực công nghiệp, thu hút đầu tư là phù hợp với xu thế phát triển.
Tuy nhiên, song song đó cũng phải tính đến sinh kế bền vững của người nông dân vốn gắn bó với đồng đất. Ông Hợp, với vai trò Chủ tịch UBND xã và cũng là người địa phương, cho rằng: “Những ấp chuyển dịch sang tôm – lúa đã có hướng phát triển tốt, đáp ứng được mong mỏi của người dân”. Chính quyền xã cũng nhận được rất nhiều ý kiến, đề đạt của bà con, nhưng theo cách nói của ông Hợp thì “vấn đề này vượt quá tầm của địa phương”.Nói về hoạt động của khu công nghiệp, ông Hợp thông tin: “Ở đây hầu như rất ít tuyển lao động địa phương, vì vậy, việc giải quyết việc làm cũng hạn chế. Nhiều người rời quê đi tìm kiếm kế sinh nhai”. Với ấp An Phú, vị chủ tịch xã cũng có đánh giá: “So ra, vô tái định cư, định canh còn khổ hơn ở ngoài, điều này chúng tôi biết nhưng cũng chỉ còn cách động viên bà con”.
Ông Tám Phú có cách nói ấn tượng hơn: “Thanh niên ở đây nếu không đi làm mướn thì ở nhà cũng “cà nhổng”, kiếm việc “chua” lắm, mà theo làm nông kiểu này cũng không ăn thua”.Anh Nguyễn Chí Nguyện, phụ trách khuyến nông xã, cho biết: “Đất An Phú nhiễm phèn nặng, làm lúa năng suất không cao, cá đồng cũng chỉ lai rai”. Anh dẫn chứng phần đất của ông Tám Phú, đã lên liếp, bao khoảnh hơn 10 năm nhưng vẫn chưa thành thuộc. Đối với hơn 10 ấp nuôi tôm, đời sống người dân đã có chuyển biến tích cực.
Anh Nguyện cũng cho rằng nên có cơ chế, lắng nghe ý kiến của bà con nông dân, những người gắn bó trực tiếp với đất đai để mở hướng sinh kế hiệu quả, lâu dài. “Chúng tôi cũng rối bời, không biết tương lai của nông dân Khánh An sẽ theo ngã rẽ nào?”, anh nói.Như hiểu băn khoăn này, anh Nguyện dẫn chúng tôi đến một vườn quýt đang cho thu hoạch tại Ấp 15. Anh Huỳnh Phước Hiền, chủ vườn quýt hơn 1.600 gốc, cho biết: “Người ta đặt cọc rồi, mua mão hết vườn 400 triệu đồng. Đất này chịu cây có múi lắm”.
Đây là mùa thứ 2 gia đình anh Hiền hái quả ngọt trên đất phèn Khánh An. Anh Hiền tâm sự: “Từ Long An xuống đây, vườn quýt này giúp gia đình tôi thoát khỏi khó khăn, dần ổn định cuộc sống. Xung quanh đây cũng có một số hộ bắt đầu trồng thử”. Nhìn vườn cây trĩu quả, chúng tôi cũng ấm lòng, bởi đó cũng là hy vọng, là hướng mở cho những người nông dân Khánh An. Gần chia tay, anh Nguyện nói với chúng tôi rằng: “Trước đây đâu ai biết đất này thích hợp với cây quýt, cây cam, phải có người trồng thử, có người mở đường chớ”. Và biết đâu đó, như lời của ông Tám Phú: “Mấy chú cứ nói dân An Phú muốn nuôi tôm, chắc cú cuộc sống đỡ cực hơn, có gì tui chịu trách nhiệm hết”
Theo Phạm Nguyên (ghi chép) (Báo Cà Mau)
NTM Quảng Nam: Phát triển vượt bậc nhờ hạ tầng tốt
Qua 20 năm xây dựng, đến nay TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã có bước phát triển vượt bậc và trở thành thành phố đô thị loại 2. Có được thành quả đáng ghi nhận như vậy là nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng ở khu vực nông thôn.
Đầu tư có trọng điểm
Với vai trò là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam, những năm qua TP.Tam Kỳ đã được Trung ương, tỉnh Quảng Nam quan tâm đầu tư rất lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, trường học... Nhờ đó, nhiều công trình trọng điểm phục vụ dân sinh, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đã được đầu tư đồng bộ tạo điểm nhấn lớn, góp phần tích cực cho sự chuyển biến mạnh mẽ của Tam Kỳ.
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu - một trong những trường có kiến trúc đẹp nhất ở Tam Kỳ hiện nay do Ban quản lý dự án làm chủ đầu tư. Ảnh: H.P
Theo UBND TP.Tam Kỳ, những năm qua thành phố rất quan tâm về đầu tư hạ tầng và phát triển đô thị. Hiện nay, bình quân mỗi năm, Tam Kỳ dành trên 100 tỷ đồng làm cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, nhiều tuyến đường huyết mạch, đường giao thông, trường học... từ thành thị đến nông thôn được xây dựng mới khang trang đã tạo sự kết nối giữa các vùng miền.
Ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Ban quan lý các dự án Đầu tư và Xây dựng TP.Tam Kỳ (BQLDA Tam Kỳ) cho biết, những năm gần đây, nhiều công trình đã được đầu tư tạo sức lan tỏa đáng kể cho thành phố, như: Chợ mới Tam Kỳ, trung tâm siêu thị, tổ hợp khách sạn, đường Điện Biên Phủ mở rộng... Đặc biệt, mới đây tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hoàn thiện và đưa vào khánh thành khu tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Tam Phú - một công trình có kiến trúc độc đáo từ trước tới nay. Hoặc dự án nâng cấp Quảng trường 24.3, hàng loạt các dự án trọng điểm khác như: Khu tái định cư Tứ Hiệp, khu dân cư dự án ADB, Đường Tam Kỳ - Tam Thanh...
Riêng trong năm 2016, từ nguồn ngân sách, Tam Kỳ đã khởi công nhiều dự án, công trình và nâng cấp cơ sở vật chất giáo dục như: Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Trường tiểu học Võ Thị Sáu (với kinh phí đầu tư 50 tỷ đồng), Trường THCS Lê Hồng Phong... Đối với chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, TP.Tam Kỳ cũng đã phê duyệt trên 6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng gần 9km đường nông thôn tại các địa phương...
Các xã vùng ven chuyển mình
Ông Tuấn cho biết thêm, trong năm 2017, Tam Kỳ tiếp tục triển khai một số dự án như: Khởi động lại các hạng mục còn lại của dự án đường Bạch Đằng và khu dân cư phía Tây, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và giải quyết dứt điểm các tồn tại các dự án khu dân cư , tái định cư, tiếp tục tổ chức đấu giá quỹ đất của các khu dân cư (Nam Tam Thanh, khu Tây An Hà - Quảng Phú, khu dân cư - tái định cư và nhà ở cho người có thu nhập thấp tại phường Trường Xuân), đồng thời tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình. "Ngoài việc tập trung đầu tư hạ tầng đô thị, TP.Tam Kỳ cũng rất chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã thực hiện nông thôn mới trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay hạ tầng về trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác của các Tam Ngọc, Tam Thăng, Tam Thanh và Tam Phú được đầu tư đồng bộ và cơ bản đáp ứng như cầu sinh hoạt cũng như phát triển của các địa phương..." - ông Tuấn thông cho hay.
Với sự sáng tạo, quyết liệt trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn và đặc biệt TP.Tam Kỳ đã chọn những công trình, dự án trọng điểm để đầu tư, từ đó đã tạo sức lan tỏa mới cho các địa phương.
Theo Danviet
Cho vay ứng dụng công nghệ cao chưa có sức lan tỏa Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, do vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, nên những nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách tín dụng của ngành Ngân hàng chưa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Cụ thể, vấn đề quy hoạch, chiến lược phát huy thế mạnh...