Về Hậu Giang thăm ‘rún cá’ Lung Ngọc Hoàng
Các khu sinh thái, bảo tồn thiên nhiên chưa có sự can thiệp của con người, những chiếc cầu thuộc top nguy hiểm thế giới sẽ khiến bạn nhớ mãi Hậu Giang.
Địa điểm tham quan
Là một trong những tỉnh mới thành lập, dịch vụ du lịch tỉnh Hậu Giang chưa thực sự phát triển với các công trình, sân chơi quy mô. Song cũng nhờ vậy, đến Hậu Giang, bạn sẽ chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của miền Tây sông nước, nơi của những nụ cười và những con người đôn hậu, khoáng đạt.
Màu xanh thanh bình tại “rún cá” Lung Ngọc Hoàng.
Và màu vàng của những cánh đồng mang đến cho Hậu Giang vẻ đẹp riêng.
Chính vì lý do trên điểm nhấn chính của du lịch Hậu Giang là hình ảnh những ruộng lúa bát ngát, bức tranh đồng quê thanh bình, cuộc sống yên ả lặng lẽ trôi. Vẻ đẹp thiên nhiên thay đổi từng ngày vào mỗi sáng, mỗi chiều trên những cánh đồng, trên những chú trâu lười biếng, những con đường mộc mạc làng quê hay những cây cầu khỉ được xếp vào top những cây cầu nguy hiểm nhất thế giới.
Bên cạnh việc rong ruổi trên xe, lang thang, khám phá vẻ đẹp còn nguyên vẹn của vùng sông nước, bạn có thể tạt vào những khu du lịch sinh thái như khu du lịchTây Đô, khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, khu du lịch sinh thái Tầm Vu… khám phá các hoa viên cây cảnh, vườn ăn trái, lang thang trong các khu rừng ngập mặn, tìm hiểu hàng trăm loại động thực vật quý hiếm hay tận hưởng hàng loạt các dịch vụ vui chơi giải trí như du thuyền: câu cá, tản bộ hóng mát, đờn ca tài tử, xem chim thú, tham quan đảo khỉ, vườn cây cảnh bonsai… Thưởng thức những món ngon ở “rún cá” và “vựa rắn” Lung Ngọc Hoàng.
Nếu vẫn chưa thỏa với các món ngon, lạ tại Lung Ngọc Hoàng, bạn có thể tạt ngang vào rừng tràm chim Vị Thủy, ngắm bức tranh bầu trời bị đan kín bởi hàng ngàn cánh chim, hay nghe bản giao hưởng đến chói tai của chúng mỗi khi chiều về, thưởng thức các món ngon từ thịt chim.
Ngoài các khi du lịch sinh thái, Hậu Giang cũng sở hữu hai khu văn hóa, lịch sử là khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ hay còn gọi là căn cứ Bà Bái. Khu di tích bao gồm hội trường và nhiều láng trại, hầm tránh pháo, ở đây đã diễn ra các cuộc hội nghị quan trọng của tỉnh ủy Cần Thơ thời kháng chiến. Đây là một điểm du lịch trở về “chiến trường xưa” hấp dẫn.
Khu văn hoa lịch sử thứ hai là Long Mỹ, căn cứ cách mạng của khu Tây Nam Bộ. Đến Long Mỹ, bạn sẽ có dịp ghé thăm Đền thờ Bác Hồ, khu di tích “Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch”, phòng trưng bày hay vườn cò độc đáo với hàng chục ngàn cò các loại và trên 30 loài chim đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ.
Sau khi tham quan một vòng Long Mỹ, bạn có thể ghé thăm những vườn bưởi Năm Roi trĩu quả của Phú Hữu, những vườn quýt đường của Long Trị hay len lỏi qua các kênh rạch nhỏ để đến các rẫy khóm để thưởng thức vị ngọt ngào của Khóm Cầu Đúc.
Video đang HOT
Hậu Giang còn được biết đến với Phụng Hiệp, chợ nổi lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi tham quan, mua sắm ở chợ nổi, bạn đừng quên cập bến lên chợ rắn Ngã Bảy, vừa nhâm nhi những món ngon từ rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà… với rượu rắn vừa xem những màn biểu diễn múa rắn rất mạo hiểm.
Ngoài ra, di tích Nam kỳ khởi nghĩa và trụ sở Liên hiệp đình chiến Nam bộ cũng là hai địa danh bạn không nên bỏ qua khi đến Hậu Giang.
Hình ảnh nên thơ của Hậu Giang.
Di chuyển
Phần di chuyển này sẽ nói điểm bắt đầu từ Sài Gòn. Các bạn từ miền Bắc, Trung có thể xem như đây là điểm trung chuyển. Riêng các bạn khu vực miền Tây có thể tham khảo các tuyến xe đi Hậu Giang tại bến xe mỗi tỉnh.
Bằng phương tiện công cộng
Tại Sài Gòn, các bạn có thể mua vé xe đi Hậu Giang ở bến xe miền Tây hay các hãng xe trên đường Lê Hồng Phong. Nếu muốn an tâm hơn, có thể mua vé của hãng xe Mai Linh. Giá vé từ 150.000 – 250.000 đồng/người tùy chất lượng xe.
Đến nơi thuê xe máy, xe ôm, taxi di chuyển đến các điểm.
Bằng phương tiện cá nhân
Từ Sài Gòn bạn có thể đến Hậu Giang theo hai hướng là từ ngã 6 Phú Lâm hay quận 7 theo hướng cao tốc Trung Lương. Từ Sài Gòn đến Hậu Giang mất khoảng 5 tiếng (khoảng 240km).
Lưu ý khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân nên mang đầy đủ giấy tờ, tuân thủ luật an toàn giao thông. Trang bị thêm mắt kính, bao tay, khẩu trang khi đi đường và điện thoại có chức năng google map để tiện di chuyển.
Nhà bè trên sông.
Đến vào tháng nào?
Điểm nhấn của du lịch Hậu Giang là đồng lúa và các khu du lịch sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên nên đến vào mùa nào cũng có cái thú riêng, vẻ đẹp riêng.
Mùa lúa chín.
Nhà nghỉ, khách sạn
Khu vực trung tâm Hậu Giang gồm các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, 30/4, 3/2. Các bạn có thể căn cứ vào các trục đường này hay lịch trình tham quan của mình mà thuê địa điểm dừng chân. Lưu ý đặt phòng trước khi đến.
Khách sạn An Phương, khách sạn Tư Long, nhà khách Tỉnh Uỷ, nhà nghỉ Huỳnh Tươi là những cái tên được dân du lịch bụi đánh giá ổn mà bạn có thể tham khảo.
Ngoài ra, bạn có thể nghỉ qua đêm tại các khu du lịch sinh thái hay nhà người dân.
Đặc sản Hậu Giang
Các món như cá thác lác cườm, khóm Cầu Đúc và bưởi Phú Hữu đã làm nên “cái riêng” của Hậu Giang. Ngoài ra, đến đây, bạn còn có cơ hội thưởng thức hàng trăm loại trái cây, những món ngon của Đồng bằng sông Cửu Long, cháo lòng Cái Tắc…
Mang gì khi đến Hậu Giang?
Tất cả những trang phục bạn thích. Riêng giày dép thì nên mang loại chuyên dụng dành cho những cuộc khám phá dưới nước.
Mang dụng cụ chống nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.
Mang kem chống muỗi, thuốc trị công trùng, thuốc trị các bệnh thông thường.
Mang lều, áo khoác, mền nếu muốn cắm trại.
Các cung đường thường gặp
Hà Nội/Sài Gòn – Long An – An Giang – Hậu Giang
Hà Nội/Sài Gòn – Tiền Giang – Hậu Giang – Kiên Giang
Hà Nội/Sài Gòn – Bến Tre – Cần Thơ – Hậu Giang
Màu xanh thanh bình ở khu du lịch sinh thái Tây Đô.
Một số loại chim quý ở rừng tràm chim Vị Thủy.
Ao sen ở trung tâm thành phố thích hợp cho một cuộc dạo mát ngắn.
Nét yên bình của Hậu Giang.
Theo VNE