Về Hải Phòng thử món bánh mì cay ăn kèm chè Thái
Sự kết hợp hài hòa giữa chiếc bánh mì giòn, cay và tính thanh, mát của cốc chè Thái khiến nhiều du khách thích mê khi đến Hải Phòng.
Bánh mì cay Hải Phòng: Cay nồng, giòn thơm thỏa cơn đói
Quán bánh mì cay nhỏ nằm tại số 37 Đinh Tiên Hoàng, TP Hải Phòng là địa chỉ quen thuộc của khách du lịch và người dân nơi đây.
Có lẽ nhắc đến món bánh mì cay trứ danh thì chẳng đâu sánh được bằng Hải Phòng từ hình dạng, màu sắc cho đến mùi vị. Không cần kẹp quá nhiều nguyên liệu, một chiếc bánh mì với nhân pa-tê gan bên trong cũng đã đủ chinh phục biết bao thế hệ người dân Hải Phòng.
Một trong những điều làm nên món ăn này chính là cách chế biến pa-tê gan. Thịt được chọn phải là thịt nửa nạc, nửa mỡ sau đó được xay nhuyễn cùng với gan lợn, thêm một ít ruột bánh mì, gia giảm một số các gia vị khác nhau rồi nấu nhừ.
Nồi pa-tê được nấu lên phải có lớp pa-tê màu hồng tím đặc trưng của thịt và gan, thêm một lớp mỡ béo ngậy phía bên trên. Khi ăn, lớp pa-tê thơm mùi gan, ngậy thịt mỡ rồi lại có mùi thơm của tiêu bắc, hoa hiên, húng lìu... tất cả như hòa quyện vào nhau, tạo nên hương vị tổng hòa đặc biệt phù hợp với người Việt.
Pa-tê vừa được làm xong còn nóng hổi sẽ được kẹp làm nhân bánh mì sau đó cho vào lò nướng. Người nướng phải rất nhanh tay, đảo bánh liên tục, để chiếc bánh mì có thể giòn đều các mặt. Thêm vào đó, khi nướng lớp mỡ trong nhân pa-tê sẽ chảy ra, ngấm vào bánh mì càng làm cho món ăn này trở nên hấp dẫn hơn.
Điều làm nên hương vị của món ăn này còn phải kể đến tương ớt Hải Phòng chính hiệu (mà người dân nơi đây hay gọi là "chí chương"). Tương ớt tại đây rất cay, nếu không muốn nói là cay xè lưỡi.
Vào những ngày thời tiết se se lạnh, thưởng thức một đĩa bánh mì pa-tê nóng giòn, thơm phức, rồi chấm vào bát tương ớt siêu cay sẽ khiến thực khách vừa ăn vừa phải xuýt xoa.
Để giảm độ cay cũng như tăng hương vị cho món ăn thì bạn nên cho thêm một chút đường rồi trộn đều. Sau đó hãy thử chấm với bánh mì, đảm bảo sẽ ngon hơn rất nhiều đấy nhé!
Bánh mì cay Hải Phòng sẽ "kém" ngon nếu không gọi thêm một cốc chè thái (hay còn gọi là chè giun). Loại chè này được làm chủ yếu từ thạch và nước cốt dừa. Thưởng thức một chiếc bánh mì, rưới thêm tương ớt để cảm nhận vị thơm ngon, cay xè rồi uống thêm một ngụm chè thái ngon ngọt, là đủ cho bạn lấp đầy chiếc bụng đói của mình rồi đấy nhé!
Bà Nguyễn Thị Luận chia sẻ: "Gia đình tôi bán bánh mì cay từ những năm 1989 đến nay cũng được gần 30 năm. Bí quyết để giữ chân khách hàng chính là công thức nấu pa-tê gia truyền và cách pha chế tương ớt cho hợp khẩu vị".
Thông thường mỗi ngày quán bán được từ 2.000 - 3.000 chiếc bánh. Giá một chiếc bánh mì cay là 2.000 đồng và 10.000 đồng cho một cốc chè thái. Quán mở từ 9 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm hàng ngày.
8 triệu một chiếc bánh mì làm từ những nguyên liệu đắt đỏ nhất thế giới Chỉ cần nghe thấy giá thành chiếc bánh mì bơ đậu phộng này, dù chưa ăn bạn cũng đoán là mùi vị của nó chắc chắn vô cùng đặc biệt. Chủ cửa hàng Pizza, Beek & Jukebox ở Chicago, Mỹ nảy ra ý tưởng cho món bánh mì bơ đậu phộng và mứt đắt nhất thế giới sau khi tình cờ gặp lại...