Về dự thảo Luật An ninh mạng: Ảnh hưởng cách mạng công nghiệp 4.0?
Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 khóa XIV. Song một số điều trong dự thảo được đánh giá là có nhiều bất cập, dễ gây ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0.
NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Mai Liêm Trực (ảnh) – Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính – Viễn thông xung quanh vấn đề này.
Dần hoàn thiện song vẫn còn bất cập
Thưa ông, sau 14 lần chỉnh sửa, dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang dần hoàn thiện. Song dư luận vẫn cho rằng một số điều trong dự thảo vẫn còn bất cập. Ông đánh giá như thế nào về dự thảo lần này?
- Trước hết, về phạm vi điều chỉnh, tôi đánh giá nhiều nội dung điều chỉnh về an toàn, an ninh mạng, công nghệ và kỹ thuật trong dự thảo Luật An ninh mạng lần này trùng với Luật An toàn thông tin mạng đã được ban hành năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1.7.2017. Song lại có điểm khác về cách thức quản lý, cơ quan quản lý nhà nước. Điều đó gây khó khăn cho người thực thi luật, cho các doanh nghiệp (DN).
Tiếp theo, nhiều nội dung trong dự thảo luật không phù hợp với một số luật đang hiện hành. Đồng thời, không phù hợp với tinh thần của một số hiệp định, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. Ví dụ, quy định các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam. Điều này không có trong quy định, cam kết WTO hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Khoản 4 Điều 34 của dự thảo Luật An ninh mạng quy định “Các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo ông, điều này có phù hợp với tinh thần, cam kết WTO, EVFTA hay TPP của Việt Nam về dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không bị hạn chế tiếp cận thị trường?
Quy định yêu cầu các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam có thể gây khó khăn cho nhiều DN Việt Nam và nước ngoài (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung về dân cư và về căn cước công dân nên việc quy định các DN viễn thông và Internet phải thiết lập cơ chế xác thực thông tin, tính trung thực của thông tin đăng ký là không khả thi.
- Việc mở cửa thị trường để cung cấp các dịch vụ viễn thông trong nước như cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới luôn là một nội dung quan trọng và nhạy cảm trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) cũng như WTO và các Hiệp định Thương mại tự do sau này.
Việt Nam đã chính thức cam kết trong WTO và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không hạn chế tiếp cận thị trường, không có quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, dự thảo quy định các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam là trái với cam kết WTO và EVFTA.
Trong thực tế hoạt động, nếu bên cung cấp dịch vụ qua biên giới có một hình thức “đại diện” nào đó ở nước sở tại thì thuận lợi hơn cho việc hợp tác giữa hai bên. Để xử lý vấn đề này, Thông tư 38/2016 của Bộ Thông tin – Truyền thông hướng dẫn thi hành “Luật An toàn thông tin mạng” có quy định bên cung cấp dịch vụ qua biên giới phải có “đầu mối liên lạc” tại Việt Nam để thường xuyên trao đổi và kịp thời xử lý, gỡ bỏ những thông tin khẩn cấp. Tôi cho rằng như vậy là đủ, vừa đáp ứng cam kết quốc tế, vừa xử lý được vấn đề thực tiễn.
Video đang HOT
Ngoài ra, trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đã ký năm 2016, chương Thương mại Điện tử có quy định “Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, người trực tiếp tham gia đàm phán, ký kết TPP cũng khẳng định trong một cuộc họp tuần qua với chúng tôi rằng nội dung này đã được bàn thảo kỹ trước khi đưa vào cam kết TPP.
Việc dự thảo Luật An ninh mạng quy định phải đặt máy chủ trên lãnh thổ Việt Nam là không phù hợp với tinh thần cam kết của Việt Nam trong TPP. Việc giữ những cam kết, thỏa thuận quốc tế cũng phù hợp với chủ chương của Đảng, Nhà nước là Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế để phát triển đất nước.
Nhiều điểm trùng lặp về phạm vi điều chỉnh
Ông có lo ngại việc đặt hệ thống máy chủ ở nước ngoài khiến việc quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn?
- Trên Internet, mạng xã hội có rất nhiều thông tin sai sự thật, bịa đặt, bôi nhọ và vu khống lẫn nhau. Thậm chí, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng có thể trở thành nạn nhân. Tôi không muốn dùng từ “nói xấu”, vì từ này không có trong định nghĩa hành vi vi phạm pháp luật, kể cả hành chính và hình sự nên dễ bị hiểu sai và làm sai.
Để hạn chế những mặt tiêu cực trên Internet vào mạng xã hội, suốt 20 năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước, các DN cung cấp dịch vụ và người sử dụng Internet đều kết hợp 3 giải pháp là giải pháp kỹ thuật (tường lửa, phần mềm ngăn chặn…), giải pháp hành chính pháp lý (văn bản quy phạm pháp luật và quy chế quản lý), và giải pháp tuyên truyền, giáo dục.
Riêng đối với thông tin bôi nhọ, bịa đặt, công kích lãnh đạo và các cơ quan nhà nước thì ngoài 3 giải pháp nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức cần thông tin kịp thời, chính xác, công khai và minh bạch hoạt động của mình. Đồng thời, phản bác những thông tin xuyên tạc.
Một số quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh của các DN Việt Nam và cơ hội tiếp cận thông tin của người Việt Nam như thế nào?
Trên Internet, mạng xã hội có rất nhiều thông tin sai sự thật, bịa đặt, bôi nhọ và vu khống lẫn nhau. Thậm chí, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng có thể trở thành nạn nhân. Tôi không muốn dùng từ “nói xấu”, vì từ này không có trong định nghĩa hành vi vi phạm pháp luật, kể cả hành chính và hình sự nên dễ bị hiểu sai và làm sai.
- Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo nhất quán và xuyên suốt là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mỗi việc chỉ một đầu mối quản lý để tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển và thuận lợi cho cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Năm 2015, Quốc hội đã thông qua “Luật An toàn Thông tin mạng” (Luật số 86/2015/QH 13). Phạm vi điều chỉnh của luật này đã bao gồm các nội dung về kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo cho an ninh mạng.
Đối chiếu giữa Luật An toàn thông tin mạng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016 và dự thảo Luật An ninh mạng, dễ thấy có nhiều điểm trùng lặp về phạm vi điều chỉnh của luật nhưng khác nhau về cách thức quản lý như các vấn đề về “hệ thống thông tin quan trọng quốc gia”, “tiêu chuẩn và quy chuẩn”, “điều kiện kinh doanh”, “ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng”…
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức một cuộc hội thảo rộng rãi, mời các DN, hiệp hội và các cơ quan quản lý Nhà nước về dự thảo này và đã có văn bản góp ý gửi tới Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Tôi nhất trí với những góp ý đó, đặc biệt là về những khó khăn cho DN.
Còn việc có thể ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận thông tin của người Việt Nam như thế nào, quả thật tôi không thể hình dung được hết vì còn phụ thuộc vào việc thực thi và ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước, của các DN trong nước và nước ngoài, cũng như người dân.
Nếu luật này ra đời ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của DN và cơ hội tiếp cận thông tin của người dân thì đất nước sẽ tụt hậu, và cơ hội tiếp cận cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam sẽ trở nên xa vời.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Điều "chưa từng có" trong một dự thảo luật
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bản góp ý dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - một dự án luật đang còn nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều doanh nhân bày tỏ lo ngại về dự án luật khi góp ý tại VCCI.
Đây là những góp ý trên cơ sở ý kiến thảo luận của các doanh nghiệp ở Hà Nội ngày 13/4 và các ý kiến của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc trong suốt quá trình soạn thảo dự án luật.
Theo VCCI, trong bối cảnh 97-98% các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là đạo luật đặc biệt quan trọng đối với tương lai của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như triển vọng chung của nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự luật này, đặc biệt khi các văn bản trước đây về doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu quả rất hạn chế, với các biện pháp hỗ trợ phần lớn là các tuyên bố chung chung, hầu như không thể hiện thực hóa trên thực tế.
Thế nhưng, nội dung của dự thảo lại gây nhiều lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp về tính hiệu quả và khả thi của dự luật này, nếu được thông qua.
Lấy tiền ở đâu?
Bản góp ý nêu rõ, so với các dự thảo trước đây, dự thảo hoàn thiện vào tháng 3/2017 và gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội đã thành công trong việc nhận diện và giới hạn các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở 7 biện pháp hỗ trợ chung. Gồm tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu :chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ ngoài việc nhận diện này ra, dự thảo dường như chưa có các quy định cụ thể về các nguyên tắc, đối tượng, cách thức, điều kiện thực hiện các biện pháp này. Một số trường hợp có quy định về biện pháp hỗ trợ thì hoặc là chỉ dẫn chiếu tới pháp luật khác hiện đang có hiệu lực, không có gì mới, cũng không có gì ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc là quá chung chung, hoặc là không khả thi.
Điển hình nhất về các biện pháp hỗ trợ chỉ có tên gọi chính là quy định về biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng (điều 8).
Ngoài việc nêu tên biện pháp, điều 8 không chỉ ra được biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng này thực chất là biện pháp gì, chưa nói tới chuyện các biện pháp đó sẽ vận hành như thế nào, nguồn từ đâu, cho đối tượng nào...:
Chẳng hạn khoản 3 điều này quy định: quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là tổ chức tài chính, thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng... mà không có quy định nào về tính chất pháp lý của tổ chức này (có phải tổ chức tài chính nằm trong phạm vi áp dụng của Luật Các tổ chức tín dụng không? Nếu không thì nằm ở đâu? Nếu có thì tổ chức này là tư nhân hay Nhà nước? Nếu kinh doanh thì việc bảo lãnh thua lỗ ai chịu trách nhiệm? Tiền dùng để bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước lấy từ đâu? doanh nghiệp nào sẽ được hưởng bảo lãnh?...
VCCI cũng chỉ ra một số biện pháp hỗ trợ không có bất kỳ dự liệu gì về cơ chế hỗ trợ cũng như hiệu quả tương ứng mà rõ nét nhất là quy định về biện pháp hỗ trợ thuế
Một loạt các vấn đề cốt lõi về cơ chế hỗ trợ không được dự thảo đề cập: mức thuế suất thấp hơn là thấp hơn bao nhiêu? một mức thấp hơn hay nhiều mức thấp hơn khác nhau? đối tượng được hưởng phải đáp ứng các điều kiện nào hay cứ là doanh nghiệp nhỏ và vừa là được hưởng?...
Khiếm khuyết đáng kể
Theo VCCI, dự thảo hiện chưa có quy định nào về cơ chế công nhận/xác nhận doanh nghiêp nhỏ và vừa dù là để hưởng các biện pháp hỗ trợ chung hay các biện pháp hỗ trợ mục tiêu. Trong khi đó, cơ chế này sẽ tác động trực tiếp tới hiệu quả hỗ trợ thực tế của các biện pháp.
Việc thiếu vắng hoàn toàn các quy định về các cơ chế này có thể là một khiếm khuyết đáng kể của dự thảo - văn bản nêu rõ.
Điểm "đặc biệt" của dự thảo còn nằm ở các chủ thể thực hiện việc hỗ trợ khi đã dành một nửa số lượng các điều khoản (16 điều trong tổng số 32 điều (không tính các điều khoản về xử lý vi phạm, chuyển tiếp, thời gian hiệu lực...), để quy định về trách nhiệm thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có tới 10 điều quy định về trách nhiệm của Chính phủ và từng bộ liên quan.
Đây dường như là điều chưa từng có trong tiền lệ các văn bản luật, bởi thông thường thì các điều khoản về trách nhiệm thực hiện chỉ khoảng 1-2 điều trong chương về tổ chức thực hiện mà thôi, VCCI nhấn mạnh.
Theo VCCI, điều này còn cho thấy thực tế là các quy định nội dung trong dự thảo thiếu vắng hoàn toàn các quy định về cơ chế, cách thức thực hiện, cơ quan có thẩm quyền. Và vì vậy có lẽ ban soạn thảo muốn bù đắp bằng quy định trong ít nhất là 12 điều về trách nhiệm của chủ thể hỗ trợ?.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, ngay cả khi mục tiêu này của ban soạn thảo là hợp lý thì thực tế dự thảo đã không đáp ứng được mục tiêu này khi mà phần lớn các quy định về trách nhiệm của từng bộ ngành thực chất là nhắc lại điều 20 (về trách nhiệm chung của các bộ) và các vấn đề hỗ trợ tương ứng với trách nhiệm quản lý của Bộ ngành đã nêu trong phần các biện pháp hỗ trợ (không có chỉ dẫn nào mới hơn).
Trước khi được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp khai mạc vào tháng 5 tới, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận thêm một lần vào phiên họp tháng 4/2017.
(Theo VnEconomy)
Nếu Facebook, Google ra đi, sự thụt lùi sẽ ở lại! Việc Facebook, Google có thể rời khỏi Việt Nam nếu dự thảo Luật an ninh mạng được thông qua, chưa biết thiệt hại của hãng này sẽ như thế nào, nhưng sự tụt hậu mà đất nước gánh phải do thiếu nó sẽ là điều chúng ta phải đối mặt. Có lẽ dự luật An ninh mạng với yêu cầu các doanh nghiệp...