Về đỉnh thiêng Yên Tử tìm bóng hiền nhân
Không giống như bao chuyến du lịch mang tính chất ‘du sơn ngoạn thủy’, khi được đặt chân lên từng phiến đá dẫn lên đỉnh thiêng Yên Tử, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc như được trở về với nguồn cội. Bởi chính nơi đây đã lưu dấu hành trình đầy gian khổ của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng, lên chốn ‘thâm sơn cùng cốc’ tu hành đạt đạo và để lại đường lối tu hành theo Thiền phái Trúc Lâm cho con cháu mai sau.
Yên Tử cách TP. Uông Bí (Quảng Ninh) 14km về phía Tây Bắc. Xưa kia, đường lên núi Yên Tử, lên đỉnh Phù Vân huyền thoại, chỉ có một cách duy nhất là theo đường đi bộ, len lỏi theo lối mòn vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông. Còn bây giờ, du khách có thêm một sự lựa chọn là theo đường cáp treo hiện đại vượt quãng đường trên 1km để có thể ngắm cảnh núi rừng Yên Tử từ trên cao, sau đó tiếp tục đi bộ đến thăm các điểm khác trong khu vực thắng cảnh.
Rất nhiều người vẫn chọn con đường du lịch truyền thống đến thăm toàn tuyến du lịch, vì họ có thể chậm rãi thăm thú tất cả những gì mà thiên nhiên đất trời tạo lập nơi đây. Đó là con đường dài trên 6km đã được gia cố bởi hàng ngàn bậc đá xếp, rất chắc chắn và thuận tiện cho dù độ dốc khá lớn.
Đường lên đỉnh Yên Tử quả thật là thử thách không nhỏ cho những ai muốn “vượt lên chính mình”, muốn tìm hiểu đến tận cùng gian khổ của người xưa quyết chí rời cung vàng điện ngọc lên núi tu hành. Tạm nghỉ mệt nơi chùa Một Mái, chúng tôi được anh làm nhiệm vụ giữ rừng chỉ dẫn nên ghé vào chùa, xin ít nước thiêng để uống và rửa mặt.
Anh cho hay, ở giữa khe núi hình thành mạch nước ngầm tự nhiên, nước nơi đây rất ngọt và thanh mát. Nhiều người địa phương hay lên núi lấy nước cho vào thùng mang về uống dần, với niềm tin uống vào thấy người khỏe hẳn ra và trị được nhiều bệnh.
Anh cũng cho hay, chùa Một Mái xưa có tên là am Ly Trần, nơi vua Trần Nhân Tông hay đọc sách, soạn kinh. Tiếp tục hành trình bằng 2 lượt cáp treo cùng những đoạn đi bộ, cuối cùng cũng đã chinh phục được đỉnh thiêng Yên Tử, với điểm viếng thăm và chụp ảnh lưu niệm tại chùa Đồng, nơi có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Nhìn lại quãng hành trình, chúng tôi thầm thán phục bởi nếu người xưa không có một quyết tâm cao thì làm sao có thể lên núi tu hành mà phương tiện duy nhất chỉ là đi bộ, chưa kể còn phải đối mặt với biết bao thú dữ.
Hơn nữa, quả thật không phải là người có căn cơ tu đạo, muốn hòa mình với thiên nhiên đất trời, tìm về bản thể thanh tịnh để hiểu rõ mình là ai, mình đến đây để làm gì và mình sẽ đi về đâu thì không thể trụ nổi nơi tịch liêu, sống đời cô độc và xem đó là một điều hạnh phúc tột bậc.
Video đang HOT
Và người có căn cơ đầu tiên và kỳ lạ nhất chính là đấng quân vương kiệt xuất Trần Nhân Tông. Ngài được sinh ra và lớn lên tại kinh đô Thăng Long, năm 1284 được tin quân giặc tập trung ở Hồ Nam tới 50 vạn tên, Vua Trần Nhân Tông liền trao cho Trần Quốc Tuấn chức Quốc công tiết chế tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang để lo chống giặc.
Ngoài ra, Trần Nhân Tông còn tổ chức triệu tập các bô lão về họp ở điện Diên Hồng để hỏi ý kiến về đường lối giữa lúc nước sôi lửa bỏng. Sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm Nguyên Mông, Vua nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, từ bỏ ngai vàng, vào Yên Tử tu hành rồi hiển Phật.
Trên non Yên Tử, Ngài hoàn thiện hệ thống giáo lý của Pháp phái Trúc Lâm để sau đó Giáo lý Trúc Lâm đã trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức của thời đại hoàng kim triều Trần, giai đoạn này Phật giáo là Quốc giáo. Ngẫm lại, lịch sử hàng ngàn năm qua, bao triều đại thịnh suy trị vì đất nước, bao người đã làm vua. Song, có ai được mọi người ngưỡng vọng, tôn thờ và nhớ mãi như Phật hoàng Trần Nhân Tông- một vị vua nhập thế và xuất thế!
Chiêm ngưỡng bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông của hậu thế xây dựng để tôn thờ Ngài, tôi không chỉ tràn đầy lòng tôn kính với một vị Phật đắc đạo tại thế mà còn thấm đẫm một tinh thần tu đạo nhẹ nhàng, thanh thoát của Ngài: “Ở đời tu đạo hãy tùy duyên/Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền/Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Một chút tìm về vùng đất thiêng để thấy lòng thanh thản, một chút nghiêng mình để trân trọng lịch sử, những đóng góp của các bậc hiền nhân cho hồn thiêng sông núi.
Huyền bí non thiêng Yên Tử
Lễ khai hội non thiêng Yên Tử vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm. Tuy nhiên, dường như ở miền đất Phật này, trong cả tiết Xuân ngày nào cũng là ngày khai hội.
Hàng triệu phật tử, du khách khắp từ mọi miền đất nước đổ về đây lễ Phật. Lễ hội này được xếp vào hạng dài nhất về thời gian khi kéo dài trong suốt 3 tháng.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại non thiêng Yên Tử
Mỗi danh lam thắng cảnh trên đất nước Việt Nam đều mang một nét đẹp riêng và hấp dẫn, nhưng ở rừng Quốc gia Yên Tử lại khác. Không chỉ thuần túy mang giá trị về thiên nhiên, Yên Tử chứa đựng trong nó là cả một kho tàng giá trị văn hóa mang tên Yên Tử. Một vùng đất Phật linh thiêng với mái chùa, phiến đá tĩnh tại ngày ngày kể chuyện về một vị Vua hóa Phật, che chở chúng sinh.
Vùng đất linh thiêng, huyền bí của Phật pháp
Cách trung tâm TP Uông Bí (Quảng Ninh) về phía tây chỉ chừng 20km, quần thể danh thắng Yên Tử hiện ra sừng sững, hiên ngang giữa trời đất vùng Đông Bắc. Trải qua gần 1.000 năm, nơi đây không những được coi là "Phúc địa thứ 4 của Giao Châu" , mà còn là nơi Đất Trời giao hòa, gió mây vấn vương như rồng chầu hổ phục, là đỉnh cao của sự giác ngộ thiền tu, nơi hàng triệu trái tim phật tử hướng về chính đạo.
Lễ khai hội non thiêng Yên Tử vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm. Tuy nhiên, dường như ở miền đất Phật này, trong cả tiết Xuân ngày nào cũng là ngày khai hội. Hàng triệu phật tử, du khách khắp từ mọi miền đất nước đổ về đây lễ Phật. Lễ hội này được xếp vào hạng dài nhất về thời gian khi kéo dài trong suốt 3 tháng.
Lễ hội Yên Tử - sức hấp dẫn của cảnh quan hùng vĩ và văn hóa tâm linh đặc sắc
Bởi không chỉ mang trong mình ý nghĩa nhân văn về phật pháp, Yên Tử còn sở hữu nhiều cảnh đẹp làm mê đắm lòng người, một không gian tĩnh mịch, trầm mặc và đậm nét rêu phong. mùa đông, mùa xuân, tất cả như được khoác tấm áo màu xám bạc, những cây tùng cổ như cũng thẫm xanh hơn, sắt lại trước cái giá lạnh của vùng núi cao. Xen lẫn trong sương mờ ảo là những vệt trắng chạy dài của hoa mơ mơ tô điểm thêm khí sắc cho núi rừng nơi đây. mùa hạ, cây cối xanh tươi điểm tô nét rực rỡ cho bức tranh núi rừng bên những kiến trúc chùa tháp thâm trầm, cổ kính. mùa thu, cây lá điểm vàng cho bước chân du khách ngỡ đang lạc bước nơi nào.
Nói đến Yên Tử, ít người biết rằng chứng tích của một thời huy hoàng chính là sự hiện diện của 10 ngôi chùa nổi tiếng như chùa một mái, chùa Hoa Yên... nằm suốt dọc đường đi từ chùa Trình nằm trên Quốc lộ 18 đến chùa Đồng ngự trên đỉnh non thiêng Yên Tử. Những ngôi chùa này đều mang theo trong mình câu chuyện của Phật hoàng Trần Nhân Tông khi đặt chân đến Yên Tử khai phá, lập nên một Yên Tử lừng danh như ngày nay.
Sách xưa kể rằng, nơi đây là nơi tu hành, mở mang đạo Phật của một vị vua từng rũ bỏ vinh hoa phú quý, chuyên tâm tu hành để tạo dựng một dòng Thiền mang bản sắc dân tộc Việt. Đó là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ông từ bỏ ngai vàng, cuộc sống chốn cung đình để về Yên Tử tu hành, cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để tu hành, truyền kinh, giảng đạo. Thiền phái Trúc Lâm do ông sáng lập đã hội tụ đầy đủ những tinh thần của Phật giáo, nhưng vẫn chứa đựng những nét độc đáo của Việt Nam.
Vì vậy, Yên Tử cũng được xem là kinh đô Phật giáo Việt Nam. Từ Yên Tử giáo lý Trúc Lâm đã phát triển rộng khắp cả nước. Nơi đây là quần thể kiến trúc của chùa, am, tháp mộ các thiền sư, tượng đá thiên tạo, bia phật và đặc biệt là hang đá Bảo Sái nơi Thiền tổ Trần Nhân Tông ngồi thiền và viên tịnh.
Sức hấp dẫn của cảnh quan hùng vĩ và văn hóa tâm linh đặc sắc
Cảnh vật xung quanh đều là núi non hiểm trở nhưng Yên Tử vẫn có một sức hút khó cưỡng. Bởi không chỉ có ngày hội mà vào những ngày thường, nơi đây vẫn thu hút tới hàng nghìn khách thập phương mỗi ngày.
Thầy Thích Nguyên An (chùa Phổ Minh, quận 5, TP Hồ Chí minh) cho biết, đây là lần thứ hai thầy về với Yên Tử. Chuyến đi còn có Đại Đức Thích Giác Nghiêm, trụ trì chùa Phổ Minh. mặc dù đường đi ở nơi đây quanh co, với hàng nghìn bậc đá cheo leo, dựng đứng nhưng luôn có một sức hút kỳ lạ, những cảm giác lâng lâng, nhẹ nhõm khó tả.
"Đến rồi lại muốn đến nữa, không muốn xa rời", thầy Thích Nguyên an chia sẻ. Không chỉ riêng những người tu hành mà bất kỳ ai khi về Yên Tử đều có những cảm giác khó tả lạ thường. Người thì nhẹ nhõm trong lòng, người vui vẻ, phấn khởi, tạm quên đi cuộc sống đời thực, người thì tự tìm cho mình những niềm vui trong tinh thần. Nhiều cụ già đã 70, 80 tuổi nhưng vẫn một lòng về với Yên Tử. Họ về đây không phải để cầu xin sức khỏe cho mình, không cầu danh lợi cho bản thân, con cháu mà chỉ muốn tỏ lòng thành kính, cầu cho quốc thái dân an, con cháu được an bình.
Nhiều Phật tử quan niệm rằng, khi hành hương về đất Phật, đỉnh cao của lòng kiên trì và sự giác ngộ mà họ cảm nhận được chính là khi đặt chân lên đến chùa Đồng - ngôi chùa nằm ở ngọn núi cao nhất trong dãy núi Yên Tử. Bởi khi đứng nơi chùa Đồng, ai ai cũng cảm nhận như được tan vào mây khói bồng bềnh, hư ảo cùng núi non đất trời, vạn vật cỏ cây. Lên đến đây, con người được hưởng khí thiêng của đất trời, cảm nhận sự sống khi chạm vào đất này, nơi mà con người ta có thể gột rửa hết mọi "sân, si, ái, ố, hỉ, nộ" , cảm nhận được tư tưởng sống giản dị, đời an nhiên, thanh thản.
Về với Yên Tử hôm nay, du khách còn có thể đi cáp treo hoặc đi bộ leo núi tùy thuộc thời gian, điều kiện của bản thân. Từ trên cáp treo, họ sẽ được phóng tầm mắt ra xa, chiêm ngưỡng cảnh vật hùng vĩ, bao la, đầy "nên thơ hữu tình" của cả một quần thể di tích quốc gia Yên Tử trong những làn sương khói mây mờ ảo, huyền bí ...
Ca dao xưa từng có câu: " Trăm năm tích đức tu hành/Chưa đi Yên tử chưa thành quả tu" . Qủa thật, về Yên Tử, ta như lạc vào một miền cổ tích với những huyền thoại, truyền thuyết về Ông Vua hóa Phật, về với Cõi Thiêng, với nguồn cội tâm linh tuyệt diệu, huyền bí. một hành trình với bao cảm xúc và thu nhận bao giá trị hướng thượng, để có thể nhận diện được ý nghĩa cuộc đời, từ đó học được cách tu tập yêu thương.
Dương Tươi - Công Thành
Theo baophapluat.vn
Về Cổ Thạch 'săn rêu' ngắm đá 7 màu Bãi biển Cổ Thạch nổi tiếng với bãi đá rêu xanh phủ kín cùng những viên đá đủ màu sắc, hình thù tuyệt đẹp. Tọa lạc tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, bãi biển Cổ Thạch nổi tiếng với bãi đá rêu xanh phủ kín cùng những viên đá đủ màu sắc, hình thù tuyệt đẹp... Ngắm bình minh...