Vẻ đẹp rêu phong của thành đá ong độc nhất vô nhị ở Hà Nội
Ngoài Hoàng thành Thăng Long và thành Cổ Loa, thủ đô còn có một thành cổ khác nổi tiếng không kém là thành cổ Sơn Tây – một trong những tòa thành tiêu biểu và đẹp nhất miền Bắc.
Cách trung tâm Hà Nội chừng 45 km về phía tây, thành cổ Sơn Tây tọa lạc giữa 2 ngôi làng cổ Thuận Nghệ và Mai Trai, do vua Minh Mạng xây dựng năm 1822, làm khu căn cứ quân sự bảo vệ Kinh thành Thăng Long xưa ở hướng tây bắc.
Nơi đây được xây chủ yếu bằng đá ong (loại vật liệu xây dựng đặc thù của vùng Sơn Tây) xếp chồng lên nhau theo cấu trúc hình tứ giác.
Bao quanh thành là hào rộng 3 m, dài khoảng 2 km.
Trước đây, thành có 4 cổng được xây bằng gạch cổ, ứng với 4 phía đông, tây, nam, bắc.
Mỗi cổng thành đều có lầu canh gác và 2 khẩu súng thần công để bảo vệ thành.
Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố, hiện chỉ còn giữ được 2 khẩu thần công nằm ở cổng phía bắc.
Dù thành cổ đã bị tàn phá nhiều, những đường nét, dấu tích xưa vẫn đủ khiến du khách thỏa niềm hoài cổ.
Video đang HOT
Các công trình lớn của thành được xây dựng theo hướng nam – bắc.
Đầu tiên, du khách sẽ ngỡ ngàng khi bắt gặp cổng Tiền ở phía nam, với rễ cây cổ thụ bao bọc xung quanh, vừa huyền bí vừa rêu phong cổ kính.
Cột cờ cao khoảng 18m đứng hùng vĩ trên 2 tầng bệ đá có rào chắn xung quanh là tâm điểm của thành cổ.
Trên thân cột cờ có khắc các lỗ hình hoa thị và dải quạt để chiếu sáng cầu thang xoắn phía trong, dẫn lối cho du khách lên đỉnh cột cờ.
Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn thể khu thành cổ Sơn Tây và gom vào tầm mắt thiên nhiên xanh mát của những bờ cỏ xanh tươi, những hàng cây cơm nguội thay lá mới vào mùa xuân, hoa gạo của tháng 3, phượng đỏ rực một góc trời vào mùa hè, hay sắc vàng của những hàng bồ kết dại vào mùa đông…
Ngay sau cột cờ là Đoan môn.
Rồi đến khoảng sân rộng được lát gạch dẫn tới điện Kính Thiên.
Đây là nơi nghị sự của vua với quan lại một thời.
Phía đông điện Kính Thiên là khu trại giam và kho lương, còn bên tây là Võ Miếu, nơi ghi danh những người đã hy sinh bảo vệ thành. Kế bên là dinh thự của các quan lại đầu tỉnh.
Nếu đến thăm thành cổ Sơn Tây vào đầu xuân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sắc hoa rực rỡ đan xen giữa những hàng cây cổ thụ và tận hưởng không gian rêu phong, như miêu tả trong bài thơ “Chiều thành cổ Sơn Tây” của một tác giả Xứ Đoài: “Xứ Đoài ơi bồng bềnh mây trắng/Chiều tím nghiêng thành cổ rêu xanh/Tường đá ong ngậm mầu mưa nắng/Tích Giang trôi bóng dáng quê mình”.
Theo Hồng Hạnh / Kinh Tế Đô Thị
5 cửa ô Hà Nội và dấu tích Hoàng thành Thăng Long xưa
Ghé thăm 5 cửa ô và những dấu tích của thành Thăng Long xưa, chắc hẳn bạn sẽ có một chuyến đi lý thú cùng chiều sâu lịch sử nghìn năm văn hiến của thủ đô.
Thăng Long xưa là một đô thị lớn, là kinh đô của cả nước dưới nhiều triều đại khác nhau. Hệ thống thành quách, các công trình đền đài, lăng tẩm rất nhiều. Trải qua bao biến cố của thời gian, những dấu tích của thành Thăng Long đã bị phá hoại gần hết. Tuy nhiên, nếu thực sự yêu thích lịch sử và khám phá, bạn vẫn có thể tìm đến những địa điểm nổi tiếng, nơi ghi dấu chiều dài lịch sử kể từ khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long.
Địa điểm đầu tiên là Hoàng thành. Đây là di tích còn sót lại của Tử Cấm Thành xưa. Thành Thăng Long bao gồm Tử Cấm Thành, La Thành và Hào Thành. Tử Cấm Thành khi xưa vô cùng rộng lớn, là nơi ở của vua và hoàng tộc. Tại đây có rất nhiều công trình cung điện, lăng tẩm.
Tuy nhiên, sau thời Nguyễn, Tử Cấm Thành bị phá bỏ rất nhiều và thu hẹp lại thành thành Hà Nội, tương đương di tích Hoàng thành Thăng Long hiện nay. Đến thời Pháp thuộc, thành lại một lần nữa bị phá hủy đi nhiều, thay vào đó là sự xuất hiện của một số công trình mang phong cách Pháp nhằm mục đích quân sự.
Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hà Chi.
Đến Hoàng thành Thăng Long, bạn có thể khám phá Cột cờ Hà Nội, thăm Ngọ Môn, nền Điện Kính Thiên, Cửa Bắc, Lầu Công Chúa... Trong khu vực Hoàng thành còn có các di tích từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Bạn có thể thăm khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Khu di tích được phát lộ cách đây không lâu. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy vô số di tích, dấu vết và bằng chứng về sự hoành tráng và đồ sộ của Hoàng thành Thăng Long theo cả không gian và thời gian.
Sau khi tham quan Hoàng thành, bạn có thể khám phá 5 cửa ô Hà Nội đã đi vào thi ca, để biết thêm về quy mô thành Thăng Long xưa.
Thực ra thành Thăng Long xưa có rất nhiều cửa ô, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là 5 cửa ô Đống Mác, Cầu Dền, Cầu Giấy, Chợ Dừa và Ô Quan Chưởng. Thành Thăng Long xưa đươc bao quanh bởi 3 con sông là Hồng, Tô Lịch và Kim Ngưu. Hầu hết các cửa ô đều đổ ra 3 con sông này. Ngày nay những con sông bị thu hẹp dần. Sau các biến cố của thời gian, 5 cửa ô chỉ còn lại Ô Quan Chưởng đứng sừng sững cùng thời gian.
Ô Quan Chưởng. Ảnh: Hoàng Nguyên.
Ô Đống Mác nằm cuối phố Lò Đúc, ở đoạn giao với đường Trần Khát Chân và phố Kim Ngưu. Ô Cầu Dền chính là ngã tư lớn nối Phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt. Ô Chợ Dừa hiện nay là điểm giao cắt của 6 tuyến phố Xã Đàn, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Đê La Thành, Ô Chợ Dừa. Đây đồng thời là nút giao thông vô cùng quan trọng, đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của Hà Nội.
Vị trí của Ô Cầu Giấy được cho là nằm ở đoạn cây cầu bắc qua sông Tô Lịch tại ngã tư đường Láng - Bưởi - Cầu Giấy - Kim Mã. Vị trí Ô Quan Chưởng là điểm giao của phố Hàng Chiếu, phố Đào Duy Từ và phố Thanh Hà.
Tên gọi Ô Quan Chưởng bắt nguồn từ sự kiện xảy ra vào năm Tự Đức thứ 26, khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội (20/11/1873), một Chưởng cơ cùng một trăm chiến sĩ đã giữ thành này đến người cuối cùng. Người dân vì thế gọi cửa ô này là Ô Quan Chưởng để tưởng nhớ công lao.
Sau khi thăm các cửa ô, bạn nên ghé thăm những di tích gắn với lịch sử hàng nghìn năm Hà Nội. Nổi tiếng nhất là Thăng Long tứ trấn, Văn Miếu Quốc Tử Giám và chùa Trấn Quốc.
Thăng Long tứ trấn là tên gọi dân gian dùng để để chỉ bốn ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng đông - tây - nam - bắc của thành Thăng Long. Đó là:
Trấn Đông: Đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm) thờ thần Long Đỗ - thành hoàng Hà Nội. Đền được xây dựng từ thế kỷ 9.
Trấn Tây: Đền Voi Phục (hiện nằm trong Công viên Thủ Lệ) thờ Linh Lang - một hoàng tử thời nhà Lý. Đền được xây dựng từ thế kỷ 11.
Trấn Nam: Đền Kim Liên, trước đây thuộc phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay là phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội), thờ Cao Sơn Đại Vương. Đền được xây dựng từ thế kỷ 17.
Trấn Bắc: Đền Quán Thánh (hay còn gọi là đền Trấn Vũ), (cuối đường Thanh Niên), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền được xây dựng từ thế kỷ 10.
Đền Quán Thánh. Ảnh: MrHung.
Bốn ngôi đền đều rất nổi tiếng và được xây dựng mang đậm kiến trúc cổ của Thành Thăng Long. Hàng năm, các ngôi đền đều diễn ra hội rất đặc sắc và thu hút đông đảo khách du lịch.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa điểm nổi tiếng bậc nhất của thủ đô, với hình ảnh Khuê Văn Các đã trở thành biểu tượng. Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070, tức năm Thần Vũ thứ hai, đời Lý Thánh Tông, thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho và là một trường học hoàng gia. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu, có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Kết thúc chuyến hành trình, bạn có thể dừng chân tại chùa Trấn Quốc. Chùa nằm trên một hòn đảo phía đông hồ Tây (quận Tây Hồ), có lịch sử 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hòa giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Đây là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần.
Một chuyến đi ngắn nhưng sẽ làm bạn hình dung ra chiều dài lịch sử nghìn năm của Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay, vùng đất mà nhiều người dành thật nhiều tình cảm đặc biệt.
Theo Zing News
Ngày thu vắng lặng nơi thành Cổ Loa Khu di tích Cổ Loa nằm trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 17km về phía bắc đi theo hướng cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long. Con đường dẫn đến trung tâm thành Tới Cổ Loa trong một ngày thu trời xanh cao...