Vẻ đẹp nên thơ của Nà Luồng
Nắng, nắng lắm và nóng, nóng khủng khiếp! Thế nhưng, chỉ cần “vén” con đường 4D rẽ vào một bản nhỏ nép bên chân núi, chúng tôi đã hết sức ngỡ ngàng: bản Nà Luồng quá xinh đẹp!
Dòng sông Nậm Mu xanh mát trong veo, uốn lượn mượt mà giữa những nương lúa nương ngô thắm màu dân tộc. Nà Luồng nằm yên bên kia dòng sông, như cô gái đẹp mơ màng đang nhắn nhủ với từng lữ khách có ý ghé thăm. Đứng trên chiếc cầu treo chỉ vừa đủ cho một chiều xe máy chạy, chúng tôi cảm nhận Nà Luồng thanh tịnh quá!
Theo những lời truyền miệng, “Nà” là ruộng, “Luồng” là rồng, ý chỉ vùng đất trù phú với dòng sông Nậm Mu uốn lượn hệt như hình ảnh rồng thiêng đang ẩn mình giữa cõi trần thơ mộng.
Con đường nhỏ dẫn vào bản nhỏ ngát mùi rơm rạ. Hầu hết nhà cửa đều là nhà sàn mái tôn hoặc nhà tranh vách đất. Hoa dại và rêu xanh tỏa ra từ những kẽ tường đất vàng ươm, hòa sắc với những chiếc váy thổ cẩm phơi trước hiên nhà.
Mẹ con đàn lợn bản, bầy vịt, bầy gà thảnh thơi đi lại trong sân, đôi lúc giật mình đề phòng những vị khách lạ. Hàng rào làm bằng tre nứa, rất thưa và rất thấp, đan xen những khóm hoa lạ thay cho lời mời dung dị của chủ nhà.
Tuy nhiên, Nà Luồng chỉ nên thơ với những du khách ưa khám phá cảnh sắc thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa phong tục. Còn những hộ dân ở đây đa số đang chống chọi với cái nghèo.
Hơn 500 con người sống nhờ vào mảnh ruộng bậc thang tầm thấp nhỏ xinh và dòng Nậm Mu khi nước cuộn lũ xoáy, lúc trơ đáy cạn khô.
Video đang HOT
Họ lại phải giữ gìn cho được bao nếp xưa dân tộc với những hội hè truyền thống, những tháng dài kiên trì dệt váy áo, thêu hoa văn, những ấm chè nấu từ các mẩu cây khô, những đĩa xôi thơm lừng mời khách…
Nụ cười Nà Luồng, nụ cười đen nhánh hàm răng của người tóc bạc hay trong vắt của trẻ nhỏ ngây thơ làm chúng tôi vừa cảm thấy ấm áp, lại vừa xót xa vì chút quà nhỏ chuẩn bị trong lúc vội vàng chưa thể đáp lại tấm lòng hiếu khách của người dân nơi này.
Khi mặt trời pha sắc tím hoàng hôn, chúng tôi bùi ngùi giã biệt Nà Luồng. Dân làng đứng dọc theo con đường nhỏ đưa tay vẫy chào khách phương xa. Cái tình ấy dễ gì tìm được giữa chốn phồn hoa?
Mưa chiều bâng khuâng trong gió nhẹ, chúng tôi theo lối cũ trở về trên chiếc cầu treo mảnh dẻ, nhìn xuống dòng Nậm Mu lô nhô những hòn đá tảng, quá đỗi nao lòng khi thấy hơn chục đứa trẻ đang miệt mài lặn hụp mò hến dưới sông…
Ngoái lại nhìn làn khói lam chiều đang tỏa trên từng mái lá, chúng tôi ước ao bản làng nên thơ xinh đẹp này được nhiều người biết đến.
Biển đảo Tây Nam ngóng chờ lữ khách
Những tảng đá nâu khổng lồ xếp chồng lên nhau, trải dài cùng bãi cát trắng mịn. Theo thời gian, mưa gió cùng sóng biển tạo ra những nét khắc biến hóa kỳ vĩ trên thân đá...
Q uần đảo Nam Du đẹp như một bức tranh - Ảnh: H.T. |
Tác phẩm hoành tráng của "nghệ thuật sắp đặt thiên nhiên" càng tăng thêm vẻ đẹp khi trước mặt nó là biển xanh bao la và phông nền phía sau là rừng cây bát ngát. Thật tuyệt vời - Hòn Từ!
Cũng như bảy anh em còn lại của quần đảo Thổ Chu (Kiên Giang), không gian trên đảo Hòn Từ là một khung cảnh đậm chất hoang sơ, trong lành. Đi dưới những hàng cây rợp mát, gió biển trong lành thổi vờn trên mặt, tôi quên mất mình đang đứng trên một hòn đảo của vùng biển Tây Nam mà cứ ngỡ là trong một khu resort ở Khánh Hòa hay Bình Thuận.
Cảm giác resort trở lại khi tôi leo lên ngọn hải đăng đặt trên hòn Cổ Tron, còn gọi là Hòn Lớn của quần đảo Nam Du. Một khuôn viên rộng thoáng nằm giữa những loài cây rừng nguyên sinh, tạo ra một khung cảnh thơ mộng, yên bình. Từ độ cao 310m so với mặt nước biển, phóng tầm mắt nhìn xuống quần đảo Nam Du tựa như một chú cá voi to lớn, xòe hai cái vây ra, nằm ngơi nghỉ giữa ánh bình minh rực rỡ, lấp lánh.
Trong đoàn nhà báo đi thăm các đảo ở vùng biển Tây Nam do Hải quân Vùng 5 tổ chức dịp trung tuần tháng 9, không ít người đã kêu lên: Đẹp cực kỳ! Đẹp dã man! Nếu ở đỉnh Bà Nà nhìn xuống, ta như trên trời cao ngắm nhìn thành phố Đà Nẵng cận kề cùng biển xanh, thì nơi đây chỉ có trời nước cùng những hòn đảo lớn nhỏ - rặt nét thiên nhiên.
Đang mải mê ngắm nhìn, bất ngờ trong gió đưa đẩy một mùi hương thơm dịu nhẹ. Hỏi ra mới biết đó là hương ổi rừng vừa chín tới. Một chút hương vị làm phong phú thêm sắc màu của biển đảo Tây Nam...
Có người đã ví von Thổ Chu, Nam Du là "thiên đàng hạ giới", nơi rừng núi - trời - biển hòa vào làm một. Trong khoảng 200 đảo lớn nhỏ của vùng biển Tây Nam nước ta, có không ít những "thiên đàng hạ giới" như thế.
Buổi sáng trước lúc rời Nam Du, ngồi sau lưng anh xe ôm Thành Tâm, tôi được biết, được nghe thêm một số điều về "hạ giới". 23 tuổi, sinh ra và lớn lên ở vùng biển, nhưng Tâm lại dễ... say sóng. Từng vào Sài Gòn vài năm để mưu sinh, không chịu được không khí nhộn nhịp, xô bồ nơi đô thị, Tâm quay về quê nhà.
Chở ra bãi Ngự, Tâm kể dân đi "phượt" hay viếng miếu Ông Nam Hải, đứng trước hòm kiếng chứa bộ xương Ông, thắp nén hương để hòa cùng thế giới tâm linh miền biển. Chở ra bãi Mến, Tâm chỉ con suối Cô Đơn đang lặng lẽ đưa dòng nước trắng xóa từ đỉnh núi cao xuống, tích tụ thành hồ nước nhỏ, vậy mà khách xa cũng xuống nhúng chân nhúng tay.
Đứng trước bãi biển hình vòng cung với những thân cây dừa rủ bóng mát, anh chỉ tay về hướng ba mái chòi nhỏ nằm thụt sâu bên trong. Đấy là nơi mà khách du lịch bụi ăn uống sau khi tung tăng cùng biển. Không chỉ chơi ở hòn Lớn này, nhiều nhóm khách còn thuê thuyền qua các hòn đảo nhỏ lân cận cắm lều ngủ đêm, hôm sau lại hẹn thuyền qua đón về. Và anh không quên quảng bá một đặc sản du lịch khác của Nam Du là lễ hội cúng Ông Nam Hải, cúng Bà Chúa Xứ (tìm hiểu thêm mới biết Bà Chúa Xứ không chỉ được thờ cúng ở núi Sam, Châu Đốc mà còn nhiều nơi tại Nam bộ). Sau mồng 10 tháng giêng là dân đảo bắt đầu túa ra tham gia cúng lễ. Không chỉ một ngày mà nhiều ngày. Không chỉ một nơi mà nhiều nơi, nhiều đảo...
Đêm trước ngày theo tàu trở về Phú Quốc, một nhóm nhỏ chúng tôi đã có những phút lặng hiếm hoi trên Hòn Đốc (thuộc quần đảo Hà Tiên, tức quần đảo Hải Tặc). Đong đưa trên võng, dưới mái lá, vừa nhâm nhi cà phê, vừa phóng tầm mắt ra biển. Đêm về với biển đêm xanh/ Không đen, đêm biển long lanh nghìn trùng/ Ta đi khắp núi khắp đồng/ Lại về ngủ biển, nằm trong dạt dào... (thơ Huy Cận).
Nhưng chúng tôi không ngủ. Chúng tôi trăn trở. Khung cảnh trước biển tương tự như thế này có thể tìm thấy ở các vùng biển miền Trung, Đông Nam bộ. Nhưng nơi đây không gian có khác. Cách biển chừng trăm thước đã là rừng. Chính điều này tạo ra một sắc thái hấp dẫn riêng cho vùng biển Tây Nam. Đã có những dự án, những đề xuất về việc xây dựng khu bảo tồn biển đảo Thổ Chu, cho thuê một số hòn đảo để phát triển các khu du lịch sinh thái biển, đầu tư du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, câu cá trên quần đảo Hà Tiên...
Tiếc rằng đến giờ này chúng chỉ như là một dự định, chưa thành hiện thực. Trong khi đó, theo anh Phan Nam, người mua mực trên đảo Nam Du, dân địa phương cũng rất thích có tour du lịch ra đảo vì họ sẽ có thêm công ăn việc làm, thêm thu nhập. Hiện nay, trên những chuyến tàu cao tốc từ Rạch Giá đến Hòn Tre, Nam Du, Hòn Sơn, An Sơn, hành khách vẫn là dân địa phương, lính biển, lính biên phòng. Chưa thấy một doanh nghiệp lữ hành nào đưa khách đến các hòn đảo này. Chỉ có những người yêu thích thiên nhiên tự tìm đến, tự liên hệ với chính quyền địa phương hay với đơn vị quân đội đồn trú tại đảo để thỏa mộng ngao du cùng rừng, biển.
Vùng rừng biển Tây Nam vẫn như một nàng công chúa ngủ giữa trùng dương đang chờ đợi có một ngày được hoàng tử du lịch tìm đến đánh thức. Ngày ấy đâu rồi?
Chiêm ngưỡng "cảnh thần tiên" trên đỉnh Fansipan mùa mây phủ Mùa mây thường kéo dài từ tháng 10 cho tới tháng 2 năm sau, mang theo cả những đợt gió lạnh nhất trong năm, đưa Sa Pa trở về đúng với tên gọi "thị trấn trong mây". Mùa mây ở Sa Pa thường kéo dài từ tháng 10 tới tháng 2 năm sau - Ảnh: Hoàng Trung Hiếu Nếu Sa Pa những ngày...