Vẻ đẹp mùa vàng ở bản Kho Mường
Đẹp không kém những thửa ruộng bậc thang ở vùng núi cao Tây Bắc, đến hẹn lại lên, mùa thu hoạch lúa ở bản Kho Mường, huyện Bá Thước trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách.
Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chưa đầy 150 km, trên hành trình thượng sơn lên đỉnh Pù Luông hùng vĩ, có một thung lũng còn rất đỗi nguyên sơ và thơ mộng mang tên Kho Mường. Đây là bản vùng cao của xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Mùa này khi đến với bản Kho Mường, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp ngoạn mục của lúa chín vàng ươm bên những sườn đồi uốn lượn.
Đến với Kho Mường một sáng tinh mơ, băng qua gần chục cây số đường nhựa phẳng lỳ từ cầu La Hán đến ngã ba Thành Lâm, rẽ sang con đường dẫn về Thành Sơn là hành trình xuyên rừng, vượt núi. Kho Mường là bản làng của người Thái trắng nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc Gia Pù Luông, cách biệt với các bản làng khác trong vùng nên chặng đường đến nơi đây là cả một thử thách đối với các phượt thủ thích khám phá.
Đầu dốc vào bản Kho Mường.
Dừng chân ở bản Kho Mường, thấy thấp thoáng trong sương sớm, bên những nếp nhà sàn giản dị là cuộc sống lao động của người dân khi bước vào mùa thu hoạch. Ngay từ sáng sớm tinh mơ, khi bình minh còn chưa ngủ dậy, dân bản đã gọi nhau lên nương gặt lúa về.
Mang trên tay bông lúa vàng no ấm.
Những tia nắng đầu ngày yếu ớt luồn qua kẽ mây rơi từng giọt trên đỉnh núi. Gió đuổi từng lớp sóng lúa rập rờn trên những bậc thang mềm mại. Cánh đồng lúa bản Kho Mường vàng ruộm, màu vàng của sự trù phú và đủ đầy. Bao quanh là màu xanh của núi rừng. Những mảng màu của sự sống tạo nên bức họa kỳ vĩ và ấn tượng.
Video đang HOT
Trên những thửa ruộng bậc thang, các bà các mẹ nhanh tay hái gặt cho kịp nắng. Lúa được bó lại thành từng đon nhỏ, xếp xòe trên gốc rạ cho khô sương. Thanh niên trong bản xếp lúa về làng trên quang gánh, dẻo dai và mạnh mẽ. Những cô gái với nụ cười tươi thắm, tíu tít trò chuyện mừng ngày mùa bội thu trong không khí vui tươi, phấn khởi.
Trĩu nặng những gánh vàng.
Chiều về, bên nếp nhà giản dị và mộc mạc, mùi cơm mới tỏa lan, quyện vào hương rơm rạ còn tươi, một mùi hương nồng nàn, gợi nhớ gợi thương, chỉ có ở làng quê Việt. Gió chiều mát rượi, những mái nhà lấp ló, ẩn hiện trong làn khói bảng lảng và hoàng hôn đang đổ màu trên nền trời đỏ rực.
Buổi tối trên bản cao khí trời gió lạnh, nhưng được sưởi ấm bởi tình người nồng hậu. Vẻ đẹp của vùng sơn cước không chỉ ở những thửa ruộng bậc thang vắt vẻo sườn đèo, những bản làng nép mình dưới bóng cọ mà còn ở sự thân thiện hiếu khách của người dân tộc. Ghé thăm Kho Mường, trú tại bất cứ nhà dân nào, du khách sẽ được chiêu đãi những món ăn rất đặc trưng của núi rừng như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, rượu ngô, đặc biệt mùa này có lá kiệu muối chua và thịt vịt luộc.
Trên hành trình khám phá Kho Mường, du khách có thể ghé thăm những địa danh gần như khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thác Mơ, đập Điền Hạ, thác Hiêu (Hươu), hang Dơi, Suối Cá thần… và mua về những sản vật quý của núi rừng.
Theo VNE
Bốn mùa hương sắc Hầm Hô
Cách TP Quy Nhơn gần 50 km, Khu du lịch sinh thái Hầm Hô (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định) là một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Nhà sàn nghỉ ngơimột khúc sông dài 3km, với nhiều khối đá, vách đá dựng đứng và xếp chồng lên nhau... xen giữa núi non trừng điệp. Hầm Hô được tạo nơi hai con sông Đồng Hựu và sông Cát cùng đổ về sông Phú Phong (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn).
Tên gọi Hầm Hô xuất phát từ giải thích của người dân địa phương: nơi đây có một thác nước cao chừng sáu, bảy mét, đổ vào một hầm đá rộng, phát ra tiếng kêu ầm ồ như tiếng hô báo cho người chèo bè biết sắp tới chỗ nguy hiểm, nên gọi là Hầm Hô. Ngoài cái tên Hầm Hô, nơi đây còn có tên gọi khác là "Thác cá bay", bởi suối Hầm Hô rất nhiều cá. Nhất là mùa gió Nam, mùa nước lụt, cá sông về nguồn đẻ, dồn vào đây càng nhiều. Từng bầy cá đổ vào suối "đặc cả nước", rồi đua nhau "bay" lên ngọn thác Hầm Hô mà về nguồn.
Đến Hầm Hô, du khách ngỡ ngàng trước một vùng mây nước trong xanh, giữa lòng sông rộng lớn là những khối đá tạo hình bắt mắt. Nước sông trong mát có thể nhìn thấy từng đàn cá bơi lội dưới dáy. Quần thể Khu du lịch Hầm Hô là một khúc sông dài 3km, lòng sông rộng 30m với nhiều đá ngầm, đá nổi nhấp nhô. Đến Hầm Hô, du khách đi thuyền, đạp vịt hay kayak thưởng ngoạn các địa danh như Vũng Cá Rói, Lò Nấu Rượu, Hang Dơi, Vũng Cây Đa...
Suối nước Hầm Hô 4 mùa hương sắc khác nhau. Thường khách du lịch đến Hầm Hô nhiều nhất vào mùa hè. Thời tiết nóng bức, đứng trước bức tranh non nước hữu tình ở Hầm Hô, tâm hồn du kháh dịu hẳn trong tiết trời oi ả. Làn nước trong xanh đến tận đáy, dưới sông cá lội, trên bờ chim kêu giúp con người hòa mình vào thiên nhiên xanh.
Những ngày thu, Hầm Hô không chỉ khoác chiếc áo của màu đá nước trong xanh, mà còn xen màu thu vàng phủ khắp vùng rừng núi hai bên bờ sông. Cảm giác thật đặc biệt khi ngồi trên thuyền xuôi dòng Hầm Hô, ngắm non xanh nước biếc, núi rừng hùng vĩ.
Sang đông, trên đỉnh núi mờ xa giăng giăng sương khói, Hầm Hô vắng vẻ, yên tĩnh hơn hẳn. Thi thoảng, vài nhóm lữ hành phương xa đến ngoạn cảnh. Trong tiết trời ngày lạnh, đứng trên bờ nước cảm giác hơi lạnh bốc ra từ những khối đá tạo thành mảng sương trắng xóa mơ hồ trên mặt nước, trên tán cây. Giữa làn sương ấy, những nụ ti gôn bung nở e ấp trong sương.
Xuân đến, Hầm Hô như muốn phô diễn toàn bộ vẻ đẹp của mình. Mùa sinh sôi, Hầm Hô như một chiếc áo hoa muôn màu được dệt từ những đóa lan rừng, bạch mai và những loài hoa mang tên rừng núi... dệt cùng màu xanh của trời, nước.
Nhờ vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng, Hầm Hô trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở Bình Định ngày nay.
Non nước Hầm Hô
Bến thuyền Hầm Hô
Nhà sàn, nơi du khách có thể lưu trú
Theo ngôi sao
Nửa tỉ đồng cho rùa vàng ở suối cá thần Thông tin có 1 con rùa vàng xuất hiện ở suối cá thần (Thanh Hóa) trong những ngày đầu năm mới đã thu hút sự quan tâm hiếu kỳ của hàng ngàn du khách. Cận cảnh rùa vàng có người hỏi mua nửa tỉ đồng Suối cá thần ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa những ngày đầu năm mới...