Vẻ đẹp kỳ vĩ của dòng Nho Quế
Dòng sông Nho Quế là một trong những biểu tượng của vùng cao nguyên đá Hà Giang. Sông khởi phát từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc chảy vào Việt Nam theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.
Vào đến Việt Nam, sông tiếp tục xuôi dòng qua hẻm núi Tu Sản, dọc theo đèo Mã Pí Lèng, khi đến Mèo Vạc thì tách làm 2 nhánh và chảy sang địa phận Cao Bằng, cuối cùng nhập vào sông Gâm.
Du khách ngắm sông Nho Quế tại một điểm dừng chân bên đèo Mã Pí Lèng |
Nằm dưới chân những ngọn núi tai mèo cao chót vót và đầy hiểm trở của Hà Giang nhưng dòng sông Nho Quế quanh năm êm đềm chảy lách qua giữa những vách đá. Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp khu vực này là Di tích Danh lam thắng cảnh Việt Nam. Sông Nho Quế được vinh danh là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam. Tại xã Lũng Cú và Ma Lé, huyện Đồng Văn, dòng sông cũng chính là một đoạn phân định biên giới Việt – Trung ở vùng cực Bắc đất nước.
Đoạn sông Nho Quế chảy qua hẻm Tu Sản, thuộc địa bàn xã Mèo Vạc; đoạn qua đèo Mã Pí Lèng bên hẻm núi Tu Sản chính là nơi dòng sông Nho Quế hiện lên đẹp nhất, hùng vĩ nhất, màu nước trong xanh nhất nhưng dòng chảy lại êm đềm nhất.
Video đang HOT |
Từ trên đèo Mã Pí Lèng, nhìn xuống vực sâu, khung cảnh dòng sông Nho Quế tựa như tấm lụa xanh mướt mềm mại uốn quanh đại ngàn |
Trái ngược với vẻ đẹp hùng vĩ của những ngọn núi đá bủa vây xung quanh, sông Nho Quế đoạn qua hẻm Tu Sản lại chảy hiền hoà, êm đềm uốn lượn ôm theo những ngọn núi đá và tạc nên dáng hình tuyệt đẹp của đất nước. Hình dáng ấy hiện rõ nhất khi đứng từ trên đỉnh Mã Pí Lèng nhìn xuống. Có lẽ cũng chính vì vậy mà ở đoạn này, có rất nhiều điểm dừng chân được người dân ở đây dựng lên để du khách trong và ngoài nước có thể dừng chân, ngắm cảnh cho thỏa thích và để thuận tiện lưu lại những tấm hình đẹp với cảnh sắc thiên nhiên vô cùng độc đáo. Và có lẽ cũng chính vì vậy mà dòng sông Nho Quế đoạn này trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều các nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ trên nhiều lĩnh vực.
Những bản làng cheo leo bên vách núi sát dòng sông Nho Quế |
Không chỉ vậy, hẻm Tu Sản còn được xem là nơi có kiến tạo địa chất độc đáo bậc nhất với những vách đá tai mèo dựng đứng, độ cao lên tới 800 m, sâu gần 1000 m, trải dài hơn 1,7 km dọc theo dòng sông. Hẻm Tu Sản đã được nhiều tạp chí du lịch danh tiếng đánh giá là một trong những địa hình hiểm trở và đẹp bậc nhất tại Đông Nam Á. Phong cảnh ở khu vực này vẫn giữ được nguyên sự trong lành, hoang sơ. Lên thuyền đi ngược dòng sông, nếu chịu khó quan sát, dòng sông có một khúc phân định 2 màu là xanh ngọc và xanh lam tùy theo ánh sáng và thời tiết. Và sẽ còn thú vị hơn nữa khi chúng ta đi dọc dòng sông, còn nhìn thấy trên các lưng núi đá cheo leo, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những bản làng đơn sơ của người bản địa nép mình bên những cây hoa đào, hoa mận đang nở rực rỡ.
Sức hút du lịch Mèo Vạc
Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, Mèo Vạc còn là địa phương đa sắc màu văn hóa, giúp cho miền đá xám có sức hút mạnh mẽ, trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong hành trình khám phá Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bằng việc tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo cùng các chính sách thông thoáng khuyến khích phát triển du lịch đang giúp Mèo Vạc trở thành trung tâm du lịch vùng của Hà Giang. Thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói" trở thành "mũi nhọn" kinh tế, Mèo Vạc duy trì các lễ hội, ngày hội truyền thống như: Ngày hội văn hóa dân tộc Dao; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông gắn với Festival khèn Mông; Lễ hội Cầu an của dân tộc Giáy; Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô; Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày...
Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc kiểm tra việc đầu tư hạ tầng giao thông phát triển du lịch.
Điểm nhấn du lịch ở Mèo Vạc không chỉ có cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với những dãy núi đá tai mèo dựng đứng giữa đỉnh trời mây phủ, đèo Mã Pì Lèng sừng sững được điểm tô bởi dòng Nho Quế như dải lụa xanh uốn lượn dưới chân núi và hẻm Tu Sản cao vời vợi vẽ lên bức tranh thiên nhiên đầy mê hoặc mà còn có hệ thống hang động hấp dẫn, "rừng hoa đá" Lũng Pù ghi dấu thời gian và bản sắc văn hóa độc đáo... đã tạo nên một Mèo Vạc đầy cuốn hút và đậm chất thơ.
Giữ gìn nghề dệt lanh truyền thống của đồng bào Mông giúp Mèo Vạc thúc đẩy du lịch phát triển.
Dựa trên những tiềm năng, thế mạnh nằm trong vùng lõi Cao nguyên đá Đồng Văn, nổi bật với các sản phẩm du lịch trải nghiệm trên lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1, đi bộ chinh phục Vách đá trắng, tham quan Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi... địa phương tập trung bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các di tích; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân bảo vệ các điểm di sản; phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, mạo hiểm, khám phá, trải nghiệm các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Do đó, năm 2023, huyện có trên 500 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Dòng Nho Quế biếc xanh với hẻm Tu Sản vang danh là một trong những điểm nhấn du lịch Mèo Vạc.
Xác định phát triển du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý báu, bảo vệ di sản địa chất, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống, đa sắc màu của người dân vùng cao, Mèo Vạc chú trọng đầu tư, khuyến khích thu hút đầu tư phát triển hạ tầng và các sản phẩm du lịch, thương mại, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến Mèo Vạc, du khách được đắm chìm giữa tiết trời trong lành, thả hồn giữa cánh đồng hoa Tam giác mạch khoe sắc, thỏa sức khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc qua các sản phẩm du lịch cộng đồng và tham gia các chợ phiên, chợ đêm đặc sắc của người dân bản địa để trải nghiệm văn nghệ dân gian, trải nghiệm đan Quẩy tấu, chế tác khèn Mông, dệt vải lanh...
Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc chia sẻ: Ngoài việc khai thác tiềm năng địa phương, huyện có các cơ chế thông thoáng khuyến khích phát triển du lịch; tập trung vào đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, giới thiệu các sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương. Đẩy mạnh liên kết giữa các điểm, khu du lịch để hình thành tua, tuyến; tăng cường xúc tiến, quảng bá tiềm năng, lợi thế; nâng cấp, tôn tạo kết cầu hạ tầng du lịch, các dịch vụ lưu trú.
Mặt khác, duy trì và nâng cao chất lượng của các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Biên soạn tài liệu về văn hóa truyền thống các dân tộc đưa vào giảng dạy trong trường học, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn; đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở. Xây dựng các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao dựa trên các lợi thế về tài nguyên du lịch...
Một mùa Xuân mới đã về, mang theo sinh khí mới cho ngành Du lịch cùng với sức cuốn hút từ các sản phẩm du lịch độc đáo đang giúp Mèo Vạc tạo thêm sinh kế cho đồng bào xây dựng cuộc sống ấm no và giúp miền đá biên cương hiện thực hóa khát vọng vươn mình.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của 'đệ nhất hùng quan' ở Hà Giang Nằm yên bình dưới chân đèo Mã Pí Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang), hẻm Tu Sản được ví von là "đệ nhất hùng quan" với chiều cao ấn tượng. Hà Giang vốn nổi tiếng với những cung đường quanh co khúc khuỷu, với những cảnh quan hùng vĩ của vùng cao nguyên đá. Từ trên cao nhìn xuống, sông Nho Quế uốn lượn...