Vẻ đẹp hoang sơ thác Mơ ở Phú Thọ
Vào những ngày Hè oi ả, nhiều người lựa chọn điểm dừng chân bên thác Mơ thuộc xóm Chòi, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của núi rừng.
Với vẻ đẹp hoang sơ vốn có, thác Mơ từ lâu đã thu hút đông du khách từ nhiều nơi tìm đến chiêm ngưỡng, khám phá. Một ngày rời phố lên rừng hòa mình vào thiên nhiên, lắng tai nghe những thanh âm của núi rừng và thưởng thức các món ăn dân dã của đồng bào Mường nơi đây sẽ giúp du khách thư thái, bình yên.
Thác Mơ được bao bọc bởi màu xanh của núi rừng
Video đang HOT
Ngày cuối tuần, vợ chồng chị Chu Thị Thu Phương ở thị xã Phú Thọ tạm gác lại công việc kinh doanh dành thời gian đưa hai cô con gái nhỏ đi dã ngoại. Những năm trước, vào mỗi dịp hè, gia đình chị thường lựa chọn đi tắm biển. Tuy nhiên, năm nay chị lại muốn cho các con trải nghiệm không gian núi rừng, nghe tiếng suối reo, chim hót. Chị Phương chia sẻ: “Tôi biết đến thác Mơ qua lời giới thiệu của một người bạn. Với quãng đường di chuyển thuận tiện chỉ mất gần một giờ đồng hồ bằng ô tô, gia đình tôi đã có mặt tại chân thác. Bọn trẻ rất thích được vui đùa, tắm suối bởi nước từ trên thác đổ xuống trong veo, mát rượi. Đến đây, tôi dường như quên luôn cái nóng bức của ngày hè, bao mệt nhọc tan biến”.
Thác Mơ trước đây còn có tên gọi khác là thác chín tầng hay thác Chòi. Ngay từ tên gọi đã khiến du khách hình dung được khung cảnh mộc mạc, mờ ảo mà nên thơ. Đường vào thác được cứng hóa, rộng rãi. Hai bên đường được bao bọc bởi màu xanh của núi rừng, các loại hoa dại, góp phần tạo nên vẻ đẹp hoang sơ cho khung cảnh nơi đây. Thác Mơ có chín tầng khác nhau. Du khách chỉ cần bước xuống khỏi xe đã có thể nghe thấy tiếng thác nước đổ. Tản bộ theo con suối nhỏ đến chân thác, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ của đại ngàn với một bên là những gốc cây cổ thụ, một bên là sườn núi với hệ thực vật nguyên sinh phong phú, đa dạng.
Đến thác Mơ, du khách được thưởng thức nhiều món đặc sản, dân dã của đồng bào Mường
Ngoài tham quan thác Mơ, du khách sẽ có chuyến hành trình thú vị khi được thám hiểm cả hệ thống rừng nguyên sinh rộng 40ha. Đây chắc chắn là điểm đến lôi cuốn những du khách yêu thiên nhiên, thích trải nghiệm và khám phá. Bà Trương Thị Mơ – Quản lý điểm du lịch thác Mơ cho biết: “Trước đây nghề chính của gia đình là trồng rừng và chăn nuôi. Từ khi nhận thấy vẻ đẹp của thác có thể khai thác làm du lịch, được sự đồng ý, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, gia đình đã đầu tư cải tạo, bê tông hóa tuyến đường nhằm tạo thuận lợi thu hút du khách tham quan. Lượng khách tìm đến ngày một đông, nhất là vào các tháng 6,7,8″.
Sau khi khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, du khách có thể tổ chức cắm trại, ăn uống với những món chín đã chuẩn bị sẵn ngay dưới chân thác hoặc nghỉ ngơi ở nhà sàn và thưởng thức những món ăn dân giã, đặc sắc của miền sơn cước như: Gà đồi hấp lá chanh, cá suối chiên giòn, nộm măng rừng, hoa chuối, thịt chua, lợn bản, canh rau sắn nấu cá… do chính đồng bào dân tộc Mường nuôi trồng và chế biến.
Với những du khách thích tìm về với thiên nhiên hoang dại và muốn nghe tiếng chim rừng hòa quyện trong tiếng suối róc rách thì chắc chắn thác Mơ sẽ là điểm đến, chốn dừng chân lý tưởng không thể bỏ qua trong hành trình trải nghiệm du lịch trên mảnh đất trung du cội nguồn.
Thác Vạn Mơ (Phú Thọ) - Một vẻ đẹp hoang sơ
Dòng thác kỳ vĩ, hoang sơ này lại có tên "Vạn - Mơ". Đó là tên ghép của đôi vợ chồng "Anh Vạn - chị Mơ" ở ngay chân thác và cũng là người tìm ra dòng thác đẹp này.
Chính thế nên nhiều lữ khách hay chữ đến nơi đây đã để lại thơ rằng: Vạn - Mơ tên vợ tên chồng/Hoang sơ tìm đến, dụng công tạo thành... Lúc đầu thác được gọi là thác "Vạn - Mơ". Lâu dần, người ta chọn cách gọi là thác Mơ cho giản tiện và gần gũi hơn.
Thác Mơ có nhiều tầng nấc, mỗi tầng lại mang một nét riêng biệt. Tầng thứ nhất tiếng thác đổ xuống ào ào, tung bọt trắng xóa. Đứng từ đó mà nhìn dốc lên, sẽ gặp những tia nắng nhỏ, sắc lẹm chiếu xuống đầy bí ẩn. Lên dần, nước len lỏi qua từng phiến đá, chảy khẽ khàng xuống chân núi. Thác Mơ có đến 9 tầng thác, khi lên gần đến những tầng thác cuối cùng thì xuất hiện thác đôi đẹp như tranh thủy mặc. Suốt từ tầng thác thứ nhất, lên đến tận tầng thác cuối cùng, tất cả quyện hòa trong sự hoang sơ của những lùm cây, những con đường còn vắng dấu chân người.
Từ tầng thác thứ nhất, để lên đến được tầng thác cuối cùng có hai cách đi. Một là cứ đắm mình xuống dòng nước trong vắt, mát rười rượi, rồi theo những phiến đá cheo leo, trơn trượt mà đi dần lên. Cách thứ hai là men theo những con đường mòn dọc triền núi để đi, rồi cứ đến một tầng thác lại đu mình mà trèo xuống. Trên dọc đường đi nếu cao hứng, bạn cứ thoải mái ngả lưng trên những phiến đá phẳng lỳ như một chiếc giường, mà trong các pho sử truyền miệng của người địa phương, thì chỗ đó, thỉnh thoảng các nàng cung mây sau khi tắm mình vẫn tìm lên đây mà hưởng nắng trần gian. Nhưng để lên được tầng thác cuối cùng không phải đơn giản. Thế nên, nhiều người khi đến đây chỉ chinh phục đến khoảng tầng thác thứ 4 đã đành phải chùn chân nhìn lên phía trên đầy nuối tiếc.
Để đến được với thác Mơ, nếu từ Hà Nội, bạn phải đi qua Sơn Tây, rồi theo đó mà qua cầu Trung Hà, Thanh Thủy (Phú Thọ), từ đây bạn có thể hỏi đường về xã Cự Thắng - huyện Thanh Sơn. Độ dài cho toàn bộ hành trình khoảng 220km. Đến xã Cự Thắng, đường đi khó dần, có những đoạn đường phải leo qua những quả đồi, băng qua những con suối và cả những con đường cứ mỗi độ mưa xuống thì nhão nhoét bùn. Nếu không chắc tay lái, chỉ một phút sơ xuất cả người lẫn xe có thể phải tắm suối không chừng. Cách an toàn nhất được nhiều người lựa chọn vẫn là "một mình một ngựa" thì mới mong băng qua được. Bạn có thể gửi xe tại nhà Anh Vạn, chị Mơ để ra thác. Nếu không có sẵn đồ ăn bạn có thể đặt món ngay tại nhà anh Vạn - chị Mơ với một mức giá "chấp nhận được" để cùng thưởng thức bữa tiệc giữa mây trời thác nước đầy thơ mộng.
Vẻ đẹp hoang sơ của Thác Mơ (Phú Thọ) Thác Mơ thuộc xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Từ trung tâm xã đi vào khoảng 3km đường trải sỏi, du khách sẽ đến với không gian của Thác Mơ. Từ xa xa đã nghe tiếng thác nước rì rào như câu chuyện thầm thì của cô thiếu nữ, tiếng suối róc rách chảy dưới những chân núi, thoang thoảng...