Vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ của núi Sáng – thác Bay
Đỉnh núi Sáng cao 640m so với mặt nước biển, gồm hàng chục ngọn núi to, nhỏ hợp thành một quần thể núi tạo thành một dãy dài gọi là dãy Sáng Sơn, nằm ở địa phận 2 xã Đồng Quế và Lãng Công, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc).
Khu núi Sáng tiếp liền với di chỉ khảo cổ học thời tiền sử với trận chiến Thu – Đông ở ghềnh Khoang Bộ. Núi Sáng còn ẩn giấu trong thẳm sâu màu xanh cây lá và vẻ trầm mặc của một cảnh quan kỳ vĩ và rất ngoạn mục. Trong núi có rừng nguyên sinh, nhiều loại cây quý, hoa cỏ lạ. Trên núi Sáng có một cảnh đẹp vừa hùng vĩ vừa ngoạn mục đó là thác Bay.
Đây là thác nước được tạo nên bởi một dòng suối chảy xuống từ đỉnh núi Sáng. Dòng chảy bao đời từ đất núi miên man đổ xuống đã tạo ra nhiều thác ghềnh. Cho đến lúc này, người dân trong vùng vẫn chưa xác định cụ thể có bao nhiêu ngọn thác trong hệ thống thác Bay. Lúc là bốn, có khi đến năm bảy ngọn, rồi có người dân bản địa lại khẳng định có tất cả chín bậc thác. Các thác nước nối nhau liên tiếp, càng lên cao, các bậc thác càng cao, tạo nên một cảnh trí ngoạn mục. Thác Bay là tên gọi của ngọn thác cao nhất và được coi là tên chung của cả hệ thống thác này.
Vẻ đẹp hoang sơ của núi Sáng.
Để có thể đến được thác Bay, bạn phải đi đến bờ hồ Bò Lạc – một hồ chứa nước được người dân địa phương xây dựng nên bằng trí tuệ, sức lao động và lòng quyết tâm cao hơn núi từ những năm 80 của thế kỷ trước. Từ đây, để chiêm ngưỡng được hết vẻ đẹp huyền ảo của tất cả các ngọn trong hệ thống thác Bay, du khách không nên đi đường mòn trên núi mà lội ngược theo dòng suối. Theo cách này, tuy sẽ mạo hiểm và khó khăn hơn nhiều, nhưng bù lại, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng núi, của thác nước từ một góc khác, hoang sơ, quyến rũ vô cùng.
Tại đây nước và không khí “chia tay” mỗi người một ngả: nước chảy suôi dòng còn không khí thì cuộn ngược tạo thành luồng gió tạt vù vù ra khắp xung quanh, giống như bão lốc kèm theo mưa bay. Du khách tới đây không tránh khỏi ướt áo, nhưng dù ướt áo vẫn tung bay, tóc cũng tung bay và mọi thứ đều tung bay… Có lẽ vì thế mà người ta mới gọi là thác Bay.
Video đang HOT
Các cụ bô lão trong vùng kể lại: “Thác Bay là tên mới đặt, xưa gọi là thác Trống đánh quân reo vì tương truyền ông Nguỵ Đò Chiêm chiêu tập quân sỹ chống giặc phương Bắc”. Từ ấy ngược lên sẽ tới Bách Bung, rối hang Đề Thám”.
Vườn cò Hải Lựu.
Đi qua thác Bay, từ đó ngược lên cao, ta sẽ đến bãi Bách Bung, nơi Đế Thuấn ngày xưa cấy lúa. Trên núi Sáng tự thuở nào có một ngọn mang tên gọi Bách Bung. Sách Vân Đài loại ngữ có ghi: “Núi Sáng là ngọn cao nhất trong dãy núi Lịch. Đỉnh núi có dăm sáu chỗ bằng phẳng như cung điện, có đền thờ Đế Thuấn”.
Núi Sáng có nguồn nước dồi dào chảy quanh năm tạo ra nhiều ghềnh thác, hồ nước đẹp và cung cấp nguồn thủy lợi, thủy sản. Những đoạn suối lớn là môi trường sống của nhiều loại thủy sản (cá bống, cá trê, cá rô, trạch chấu, tép, tôm, cua…). Những người đi núi thường câu cá nướng tại chỗ. Một bếp lửa, một bầu rượu, dăm ba xiên cá làm nên bữa tiệc cho những du khách yêu cuộc sống thiên nhiên.
Hiện nay, chính quyền địa phương đã cho đắp những dòng suối lớn tạo ra các con đập giữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phục vụ du lịch sinh thái. Đó chính là hồ Bò Lạc ở phía Nam, hồ Suối Sải ở phía Bắc núi Sáng. Ngoài ra gần đó còn có khu sinh thái dã ngoại (vườn cò Hải Lựu), khu di tích văn hóa lịch sử (tháp Bình Sơn), địa danh lịch sử (ghềnh Khoan Bộ) và làng nghề chế tác đá Hải Lựu.
Kỳ vĩ thắng cảnh Vực Rêu
Rời dãy Phật Sơn với suối nước vàng, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Điểm đến tiếp theo là Vực Rêu - một danh thắng khá nổi tiếng của huyện Lục Nam (Bắc Giang).
Theo quốc lộ 37 hướng đi Sao Đỏ khoảng hơn 10km là đến địa phận xã Cẩm Lý. Theo lời kể của bác Trưởng thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý thì Vực Rêu là tên gọi một vực nước sâu nằm gọn dưới khe núi Lòng Thuyền có chiều dài chừng 3km, hai bên bờ đều là núi thuộc địa phận thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam bên sườn tây Yên Tử.
Con đường vào Vực Rêu đang được khai mở cho thêm rộng và dễ đi hơn, dù vậy cũng khá vất vả để chiếc xe u-oát dã chiến bò vào. Trong tương lai không xa, con đường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với Vực Rêu.
Con đường nhỏ dẫn vào Vực Rêu đã gợi cho chúng tôi bao sự hào hứng, lạ lẫm. Nhiều loại cây gỗ quý cùng với những hoa cỏ chúng tôi chưa gặp bao giờ.
Chúng tôi vận nhận rõ dấu tích còn lại của ngôi chùa cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIV - XV có tên là chùa Hòn Tháp, người dân nơi đây vẫn thường gọi là Sơn Tháp tự.
Dấu tích của Sơn Tháp Tự
Đi bộ khoảng một cây số, trước mắt chúng tôi hiện ra một khoảng không gian rộng. Vẫn nhóm học sinh rủ nhau đi picnic mà chúng tôi gặp trên đường đang nô đùa dưới thác nước mát trong lành. Có lẽ cảm giác thích thú, hồn nhiên chỉ có được đầy đủ nhất ở lứa tuổi vô tư này.
Chúng tôi tiếp tục hành trình lên đỉnh Vực Rêu, leo dần lên thượng nguồn bằng con đường mòn ven lưng chừng núi hiểm trở, gập ghềnh với độ dốc khá lớn. Cảnh vật hoàn toàn mới lạ. Đôi lúc, bắt gặp những phiến đá được thiên nhiên đẽo tạc thành những hình thù kỳ quái. Leo lên những vách đá này quả thực có phần khó khăn, mạo hiểm, nhưng cũng không kém phần thú vị. Nhưng vẫn còn dễ leo vì có cạnh đá để bám tay, có hốc đá để giẫm chân vào.
Theo lời bác trưởng thôn Giáp Sơn thì mùa hè, con suối ở Vực Rêu là bồn tắm thiên tạo lý tưởng mà ai đã có dịp đến đây khó có thể bỏ qua. Còn đến mùa mưa, ở độ dốc cao như thế này, Vực Rêu đẹp hơn nhiều bởi đủ loại thác nước cao, thấp giữa vùng núi non hoang sơ của rừng đại ngàn Tây Yên Tử. Cùng với khu du lịch Suối Mỡ, suối Nước Vàng, Thác Giót, thì Vực Rêu là món quà mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho miền sông Lục - núi Huyền.
Vực Rêu thu hút nhiều bạn trẻ
Mùa này ít nước, lòng suối chỉ có mạch nước nhỏ mát lạnh từ thượng nguồn, len lỏi qua những kẽ đá chảy róc rách. Đây cũng là thời gian lòng suối có dịp phô hết vẻ đẹp khoẻ khoắn thiên tạo của mình. Thảm thực vật hai bên suối khá phong phú: sim, mua, trúc, bìm bìm và nhiều loại cây khác chưa được biết tên. Trên vách đá thỉnh thoảng chúng tôi gặp những cây cổ hàng trăm năm tuổi với những rễ cây to xù xì ôm chặt vào vách, vừa hiên ngang vừa kiêu dũng, những dải lá thả xuống lòng suối mềm như liễu rủ...
Ở trên cao nhìn xuống có thể thấy những hồ nước nhỏ trong veo, xanh biếc - là những hồ tắm thiên tạo mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho du khách. Từ trên đỉnh núi Mã Yên phóng tầm mắt xa hàng trăm dặm ngắm nghía cả một vùng rộng lớn, hùng vĩ đến diệu kỳ của sườn tây Yên Tử, ta mới thấy con người nhỏ bé trước thiên nhiên đến mức nào.
Hồ tắm thiên tạo kỳ thú ở Vực Rêu
Tương truyền, trên đỉnh núi còn có ngôi chùa Mã Yên năm xưa Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành sau khi từ bỏ ngôi vua. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm ra dấu tích ngôi chùa cổ. Chỉ tiếc qua năm tháng, giờ ngôi chùa chỉ còn lại những dấu tích bằng đá nằm sau bìa rừng. Nhưng bấy nhiêu cũng đủ khiến tất cả bồi hồi, lòng dâng đầy thành kính trước cuộc đời thanh bạch của vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Trên nền đá hiện còn in rõ dấu chân Phật cổ, tương truyền đây là nơi Bồ Đề Đạt Ma từ Tây Trúc đi truyền đạo ở phương Đông từng dừng lại, trước khi đi, người ngoảnh lại cố quốc, bỏ lại một chiếc giầy cỏ.
"Dấu chân Phật" trên đỉnh Mã Yên
Lại có dị bản khác cho rằng: Trước đây chùa Mã Yên chỉ có một vị sư trụ trì, chùa lại ở trên đỉnh núi nên không có nước sinh hoạt, giếng có đào cũng chỉ có nước vào mùa mưa nên nhà sư trụ trì đã cầu Phật rồi đục một vết chân Phật trên phiến đá bên chùa. Kỳ lạ thay khi đào xong, một dòng nước cứ thế chảy ra, nước trong và mát, cứ hết lại đầy. Những huyền tích lung linh trong tưởng tượng khiến chúng tôi cảm nhận dường như gió từ Yên Tử thổi về làm rừng cây reo rì rào, cùng với tiếng suối cất lên những bản hoà tấu thánh thót từ thiên nhiên.
Kỳ vĩ quần thể hang động núi lửa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.760 km, trải dài trên địa bàn 5 huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP Gia Nghĩa. Điểm nhấn của công viên địa chất là hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ với thảm thực vật phong phú, nhiều thác nước đẹp......