Vẻ đẹp điện ảnh của con gái đạo diễn gốc Việt thành công nhất thế giới
Cô gái 21 tuổi Trần Lãng Khê thừa hưởng nhan sắc của mẹ, nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê và tài năng của bố, đạo diễn Trần Anh Hùng, người từng đoạt giải Cành cọ vàng và Gấu vàng.
Sau 21 năm, lần đầu tiên cô gái Trần Lãng Khê xuất hiện với diện mạo trưởng thành trước công chúng yêu phim nghệ thuật ở Việt Nam, với vẻ đẹp rất điện ảnh và gợi nhớ đến người mẹ, diễn viên nổi tiếng Trần Nữ Yên Khê. Lãng Khê tham gia khóa đạo diễn do chính người cha, đạo diễn Trần Anh Hùng, đứng lớp trong khuôn khổ Gặp gỡ mùa thu 2018 vừa qua.
Trần Lãng Khê sinh năm 1997, là người Pháp nhưng mang dòng máu thuần Việt vì cả bố và mẹ đều là người Việt Nam. Khác hẳn vẻ ngoài tươi trẻ, hơi tinh nghịch lúc trò chuyện bình thường, khi làm mẫu ảnh trước ống kính, cô diễn rất phiêu và giàu cảm xúc.
Đạo diễn Trần Anh Hùng, cha của Lãng Khê, được coi là nhà làm phim gốc Việt thành công nhất hiện nay trên đấu trường quốc tế, không phải vì doanh thu phòng vé mà vì các tác phẩm có tính nghệ thuật cao, được các giải thưởng uy tín công nhận. Đó là phim Mùi đu đủ xanh (giải Cành cọ vàng LHP Cannes 1993, giải Cesar Phim đầu tay 1993 và đề cử Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất), phim Xích lô (giải Gấu vàng LHP Berlin 1995), Mùa hè chiều thẳng đứng, Và anh đến trong cơn mưa. Nổi tiếng hơn với khán giả đại chúng là phim Rừng Nauy (2010).
Trong hầu hết phim của Trần Anh Hùng, người vợ Trần Nữ Yên Khê đóng chính. Sinh ra trong gia đình “giàu có” về điện ảnh như vậy nên con gái Trần Lãng Khê cũng thừa hưởng niềm đam mê điện ảnh của cha mẹ.
Cô sớm bộc lộ niềm say mê với các khuôn hình và theo học ngành điện ảnh và sân khấu tại Paris (Pháp), đồng thời là nhiếp ảnh gia.
Video đang HOT
Năm 2018, Lãng Khê góp mặt trong phim Les confins du monde (Nơi tận cùng thế giới) cùng tài tử Pháp Gaspard Ulliel. Tác phẩm tham gia mục Director’s Fortnight tại LHP Cannes 2018.
Đó là lần đầu tiên Lãng Khê diễn xuất trong phim điện ảnh. Cô có màn trình diễn được đánh giá là triển vọng. Trong tương lai, cô muốn theo đuổi nghệ thuật lâu dài, có thể là ở lĩnh vực điện ảnh hoặc nhiếp ảnh.
“Cha mẹ không tạo áp lực gì mà để tôi theo đuổi những gì mình thích. Tôi chưa tiếp xúc nhiều với điện ảnh Việt Nam ngoài các phim do cha đạo diễn”, Lãng Khê chia sẻ.
Ảnh: Đinh Duy
Hạ Huyền
Theo Zing
25 năm rồi, nhưng "Mùi Đu Đủ Xanh" vẫn là một ký ức ngào ngạt thơm mà Trần Anh Hùng dành tặng Việt Nam
Cách đây 25 năm, lần đầu tiên trong lịch sử lễ trao giải Oscar xướng lên cái tên "Mùi Đu Đủ Xanh" được đề cử cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Sau 25 năm, đây vẫn là câu chuyện đậm chất Việt Nam được tạo dựng một cách ấn tượng nhất.
Mùi Đu Đủ Xanh (Tên tiếng Pháp: L'odeur De La Papaye Verte; tiếng Anh: The Scent of Green Papaya) là phim truyện đầu tay của đạo diễn người Việt Trần Anh Hùng. Dẫu toàn bộ kinh phí được người Pháp tài trợ, phim trường thực tế cũng được dàn dựng tại Pháp, thế nhưng toàn bộ dàn diễn viên chính, ngôn ngữ phim và cả bối cảnh của Mùi Đu Đủ Xanh đều mang đậm màu sắc Việt Nam.
Có một tình yêu thật Việt Nam vẫn luôn đẹp như một bài thơ
Để nói về nội dung phim, có thể tóm tắt trong vài câu như sau: Mùi (Lư Mẫn San vai Mùi 10 tuổi và Trần Nữ Yên Khê vai Mùi khi trưởng thành) là một cô bé làm thuê trong một gia đình buôn vải những năm 1950 ở Việt Nam. Khoảng 10 năm sau, Mùi chuyển đến giúp việc cho nhà Khuyến (Vương Hoa Hội), một nghệ sĩ dương cầm và cũng chính là người mà cô bé có những cảm xúc rung động đầu tiên nhất khi còn đi ở cho gia đình bà chủ. Một chặng hành trình trôi qua, Mùi tìm được tình yêu của đời mình và trở thành vợ của Khuyến.
Ấy thế, điều làm Mùi Đu Đủ Xanh xứng đáng đại diện cho Việt Nam nhận đề cử tại Oscar năm 1993 không chỉ đơn thuần là nội dung câu chuyện. Đó là những ẩn ý, những bài học trong nhiều tầng nghĩa, là tình yêu mang tinh thần rất "Việt Nam", được lồng khéo léo trong từng phân cảnh, từng tuyến nhân vật dù nhỏ nhất.
Đó là Tín (Gerard Neth), tinh nghịch và luôn thích bắt nạt Mùi, thích gây chuyện để được người khác chú ý nhưng thực chất lại là đứa trẻ cô độc và không có những câu chuyện tuổi thơ. Hay Trung (Keo Souvannavong), được giới thiệu từ đầu phim nhưng lại được khắc họa như một tuyến nhân vật hết sức mờ nhạt, thường thờ ơ với mọi thứ diễn ra quanh mình. Những nhân vật phụ, từng chút từng chút, cũng làm nên một xã hội Việt Nam thu nhỏ, một xã hội xưa để nhớ, để thương, để tưởng niệm về lớp kí ức thật ngây ngô và trong veo của những người con xa xứ như chính đạo diễn Trần Anh Hùng.
Xuyên suốt Mùi Đu Đủ Xanh, người xem sẽ cảm nhận được tình yêu nhiều cung bậc hiện diện ở khắp mọi nơi, đầy quan tâm, thấu hiểu và thật kín đáo, vừa phải như chính tính cách con người Việt. Đó là tình yêu trọn vẹn nhưng khắc khoải của bà nội dành cho ông nội Mùi đã mất nhiều năm, hay tình yêu của ông già thường trò chuyện với Mùi dành cho bà nội cô, chỉ cần biết bà vẫn luôn mạnh khỏe là đã đủ rồi. Đó cũng có thể là một tình yêu rất đàn bà, âm thầm chịu đựng và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm, từ bà chủ của Mùi dành cho ông chồng của bà.
Mà có lẽ tình yêu sâu sắc nhất, khiến cho người xem như được ru vào một bản tình ca ngọt ngào, nhè nhẹ và dịu êm như chính hương đu đủ xanh, chính là tình yêu của Khuyến và Mùi dành cho nhau. Mùi từ đầu đến cuối, dẫu là năm 10 tuổi hay năm 20 tuổi, vẫn luôn thủy chung, giàu lòng trắc ẩn, âm thầm vun vén mọi thứ cho chàng trai mình thầm mang lòng yêu.
Còn Khuyến, vượt qua những suy nghĩ thông thường về khoảng cách vai vế giữa người chồng và người vợ trong gia đình, sẵn sàng dạy Mùi học viết. Hành động đó không đơn thuần là sự quan tâm, mà còn là cử chỉ của sự tôn trọng và bình đẳng dành cho người phụ nữ mà mình yêu.
Câu chuyện chân thật từ kí ức tuổi thơ của chính đạo diễn
Có lẽ trong kí ức của Trần Anh Hùng, từng con người Việt Nam đều mộc mạc và đẹp như vậy. Toàn bộ các nhân vật trong phim đều đi đứng, nói năng từ tốn, khoan thai, lịch sự, cốt cách thanh cao. Điều đó không chỉ thể hiện qua lời thoại (vốn xuất hiện rất ít trong phim), mà còn ở màu sắc trong trẻo của phim, những cú máy dài và lớp lang những âm thanh cuộc sống.
Bộ phim như một chuyến du hành trở về những tháng ngày thơ ấu của chính đạo diễn, người con xa quê hương từ năm 12 tuổi để theo học tại Pháp. Nhà sản xuất và đạo diễn Trần Anh Hùng đã xin phép được đại diện cho Việt Nam tham gia Oscar năm 1993 và được lọt vào top 5 đề cử của giải thưởng danh giá thế giới vào năm đó.
Ngày 8/6/1993, phim chính thức được phát hành tại Pháp và nhiều nước khác ở Châu Âu. Bộ phim đã nhận được vô số lời khen ngợi của các nhà phê bình lẫn khán giả, đặc biệt là về cách khắc họa một góc nhỏ Việt Nam đẹp bình dị và con người Việt Nam nhỏ nhẹ, từ tốn, sắt son.
Đóng vai Mùi năm 20 tuổi là nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê. Năm 1987, trong quá trình chọn diễn viên cho bộ phim ngắn tốt nghiệp của mình, đạo diễn Trần Anh Hùng phát hiện ra Yên Khê, một cô gái có gương mặt như những phụ nữ Việt Nam thời xưa. Sau một phim ngắn nữa là Hòn Vọng Phu, Yên Khê chính thức trở thành vợ của Trần Anh Hùng và kể từ đó, Yên Khê cũng là nàng thơ luôn xuất hiện trong các bộ phim của đạo diễn.
Mạch phim chậm rãi, tiết tấu phim như một bài thơ truyền thống sẽ khiến khán giả tìm kiếm những "plot twist" (tình tiết gay cấn của một bộ phim) sẽ phải thất vọng. Ngược lại, bộ phim là một tập hợp tuyệt vời của các cung bậc cảm xúc, cuốn hút người xem theo cách đầy bay bổng đầy chiêm nghiệm, đặc biệt là ngào ngạt một hương thơm về con người Việt Nam.
Nhẹ nhàng mà ý nghĩa, chậm rãi nhưng luôn chỉn chu, từng thước phim chinh phục người xem theo cách tự nhiên nhất mà khán giả không bao giờ ngờ đến. 25 năm sau hay mãi sau này nữa, Mùi Đu Đủ Xanh vẫn là bộ phim mà ai ai cũng nên một lần thưởng thức.
Theo Trí Thức Trẻ
'Trai đẹp cho thuê' giành giải thưởng 2.000 USD Dự án phim "Trai đẹp cho thuê" của đạo diễn Đỗ Như Thư thắng 2.000 USD gọi vốn, còn dự án "Fruit Gathering" của đạo diễn Aung Phyoe thắng giải 3.000 USD cho phim nghệ thuật. Tối 6/11, lễ bế mạc Gặp gỡ Mùa thu diễn ra tại Đà Nẵng. Nhiều nghệ sĩ góp mặt như vợ chồng đạo diễn Trần Anh Hùng...