Vẻ đẹp của miền đất Sa Huỳnh 3.000 năm tuổi
Các chuyên gia nhận định văn hóa Sa Huỳnh có giá trị lịch sử độc đáo, hình thành, phát triển ngay trên dải đất miền Trung đáp ứng tiêu chí để xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Nằm cách TP Quảng Ngãi khoảng 45 km về phía nam, quần thể di tích Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ) nằm sát tuyến quốc lộ 1 và đường sắt Bắc – Nam. UBND tỉnh Quảng Ngãi đang lập hồ sơ đề xuất văn hóa Sa Huỳnh là di tích quốc gia đặc biệt.
Quần thể di tích văn hóa Sa Huỳnh gồm 5 điểm, trải rộng trên diện tích 480 ha với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như đầm An Khê, Phú Khương, Long Thạnh, Thạnh Đức, làng cổ Gò Cỏ… phân bố liên tục trong không gian đầm, biển, cồn cát Sa Huỳnh.
Đầm nước ngọt An Khê được ví là trái tim của di tích văn hóa Sa Huỳnh. Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp, M.Vinet, lần đầu phát hiện bên bờ biển Sa Huỳnh, gần làng cổ Gò Cỏ có khoảng 200 mộ chum. Di tích khảo cổ đó được gọi là Dépot à Jarres Sa Huỳnh (nghĩa là kho chum Sa Huỳnh).
“Chèo thuyền khám phá đầm An Khê, tôi cảm thấy bức tranh thiên nhiên nơi đây thật thanh bình, nguyên vẹn vẻ đẹp thuần khiết vùng nông thôn miền Trung. Đặc biệt, đầm nước ngọt mênh mông này lại nằm sát bên bãi biển của làng cổ Gò Cỏ hiếm nơi nào có được”, chị Nguyễn Thị Tú Anh (ngụ TP.HCM) chia sẻ.
Khám phá đầm An Khê, du khách còn có thể thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên tuyệt tác với đàn vịt trời tập trung về đây kiếm ăn.
Làng cổ này vẫn còn lưu giữ các di tích đền thờ và 11 giếng cổ, con đường cổ của người Chăm Pa tồn tại cách nay hàng trăm năm và các phong tục tập quán mang nhiều đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh hơn 3.000 năm trước.
Video đang HOT
Trong ảnh, cánh đồng muối nổi tiếng Sa Huỳnh. Tiến sĩ Guy Martini – Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO – đánh giá làng di sản nơi đây hội đủ điều kiện văn hóa, địa chất để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh.
“Đến thăm miền đất Sa Huỳnh, tôi đặc biệt ấn tượng khi tiếp xúc người dân làng chài nơi đây. Họ gần gũi, chất phác, thật thà, phong cảnh thì trữ tình, đẹp đến nao lòng”, Lê Thị Diệu Trà (ngụ huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ.
Người dân làng cổ Gò Cỏ đan lưới thu hút du khách, nhiếp ảnh gia đến tham quan, chụp ảnh. Theo các chuyên gia khảo cổ học, ngôi làng là bức tranh tổng thể đa dạng giá trị di sản, hội tụ tinh hoa của ba nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt.
Vào các dịp lễ, Tết, nhóm trai trẻ làng chài Sa Huỳnh hò reo thi kéo co còn các cô gái mặc trang phục rực rỡ vào vai diễn viên hò bả trạo (dân ca của ngư dân vùng duyên hải miền Trung), hát sắc bùa đậm nét văn hóa biển đảo trong ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Gọi là văn hóa Sa Huỳnh vì nền văn hóa này được các nhà khảo cổ phát hiện vào năm 1909 tại làng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Quần thể ba địa điểm di tích khảo cổ Long Thạnh, Phú Khương và Thạnh Đức, với nhiều hiện vật được tìm thấy, có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt.
Du khách tham quan Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, cho hay cùng với văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), văn hóa Óc Eo (miền Nam), văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) là “ba cái nôi văn minh” xưa, tạo thành tam giác văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.
Bãi biển Sa Huỳnh(thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Google Maps.
Về Bản Thăng theo mùi men lá
Nhắc đến Bản Thăng - miền đất xa tít, cách Quản Bạ chừng hơn giờ xe chạy, giáp biên Trung Quốc - bạn bè thân quen trong giới nghệ đã từng ngao du xứ ấy, ai cũng tủm tỉm đầy ẩn ý, bởi lần nào hạnh ngộ, đều hơn một lần... say.
Biết đến Bản Thăng, bởi đấy là quê vợ của Quách Ngạn Vỹ - một thanh niên xứ Đài, khi làm luận án nghiên cứu mỹ thuật Việt đương đại, lò dò lên Quản Bạ, rong chơi cao nguyên đá Đồng Văn, rồi phải lòng cô gái Bố Y của Bản Thăng, và quyết định rời quê hương, lên miền cao này ở rể. Cứ thế qua từng năm, cánh họa sĩ thân quen với Vỹ ở Hà Nội, theo lời rủ rê, tụ về Bản Thăng khi thì tham gia vào dự án "Ngôi sao miền núi" - đem hội họa đương đại đến với trẻ miền cao, khi thì sáng tác, mùa thì rong chơi, nhưng lần nào cũng một kết quả chung là phê say đến quên đường về.
Cái say đầu tiên có phần e ngại khi lăm le tìm về Bản Thăng, ấy là một hành trình xa xôi, đầy trắc trở, lắc lư đèo dốc miền đông bắc với nhè nhẹ 8 - 10 giờ xe chạy từ Hà Nội mới đến được trung tâm Quản Bạ. Cung đường khổ ải ấy dễ khiến khách xuôi xanh mày xanh mặt vì say xe, xây xẩm.
Những quanh co trên cung đường Hà Giang - Quản Bạ.
Gạt chuyện đường xá, ngựa xe qua một bên, cái đã đời, phiêu phiêu của cung đường núi cùng cảnh đẹp ngoạn mục nơi đất trời Hà Giang, là một đặc sản cộng thêm, đủ đưa kẻ lên non chuyển cơn say sang cảnh giới khác. Ở cơn say mới này, cheo leo đèo dốc hòa quyện trong sương khói đất trời, khi quang đãng khi mây vờn, khi âm u, mù mịt, giữa ban ngày mà lắm lúc nhìn không tỏ lối, nhưng chỉ vài phút sau núi rừng - đèo dốc lại bừng sáng, cứ như một trò đùa con tạo ghẹo trêu khách miền xa.
Những cái say kể trên, chỉ mới khúc dạo đầu cho hành trình tìm đến Bản Thăng. Từ trung tâm Quản Bạ, đường vào Bản Thăng không còn nhiều quanh co, ngoằn ngoèo, đèo dốc, thay vào đó là hoang sơ, bình dị của bản làng với điểm ấn tượng là những mái nhà trình tường đã qua nhiều đời người gắn bó.
Những ngôi nhà trình tường cổ kính của người Bố Y trên đường vào Bản Thăng.
Nhớ lần lên Bản Thăng đúng ngày Tùng Vài vào chợ phiên. Đây là phiên chợ biên giới, họp vào thứ Sáu hàng tuần ngay trên tuyến đường liên xã từ Quản Bạ vào Bản Thăng. Không gian chợ như bức tranh đa sắc, mỗi tộc người như H'mông, Dao, Bố Y, Thái... diện trang phục bản sắc riêng, quây quần từng nhóm nhỏ bên các gian hàng ăn uống, bên khu bán gia súc, gia cầm, khu rau củ quả... đầy nhộn nhịp. Và ở chợ phiên ấy, một góc toàn chị em bán rượu ngô men lá, được cánh đàn ông đi chợ mong ngóng nếm trải. Chưa cần thử qua những giọt nồng ở chợ phiên Tùng Vài, chỉ hít hà trong không khí cái se lạnh, đã thấy thơm ngậy mùi ngô, cùng chút nồng hăng của hơi men lan tỏa trong không gian sau mỗi lần người đi chợ phiên thử rượu.
Quả thực, bao cái say cảnh, tình, khi va phải nồng nàn ngô men lá chốn này, hình như đều nghiêng ngả, chếnh choáng hết cả. Khi theo anh bạn Quách thổ địa về quê vợ Bản Thăng, câu chuyện men lá trở nên rôm rả, hào hứng, bởi nơi đây còn giữ những bí kíp làm men lá truyền đời của người Bố Y mà các bà, các mẹ, các thím trong bản thuộc nằm lòng.
Cây rau lợn - vì thường mọc gần chuồng lợn - là loại lá chính trong công thức men lá của Bản Thăng.
Bản Thăng yên bình với khoảng 30 ngôi nhà trình tường, nằm êm đềm trong một vùng thung lũng ngay dưới chân núi, nơi có con suối đón nước thượng nguồn trong veo từ biên giới đổ về. Ngay trong những ngày hè oi nóng, nguồn nước vẫn lạnh ngắt như nước đá, nghiệm ra ở những chốn phát tiết rượu ngon, nguồn nước ắt phải mang nhiều dị biệt.
Tìm đến nhà ông Văn Tình, người dân tộc Bố Y, chưa kịp hóng về chuyện men lá, chén trà pha từ nồi nước sôi sùng sục ở bếp than hồng mời khách đã khiến ngạc nhiên bởi độ ngọt của nước tạo cho hậu vị trà thêm sâu, kéo dài từ vòm họng, qua vài lần chép miệng vẫn thấy độ ngọt của nước, của trà vương quyện. Bản Thăng cũng là vùng nổi danh với cây trà cổ thụ mọc hoang dã trong các vạt rừng và dãy núi đá vôi quanh vùng.
Lợn gác bếp, món lai rai khoái khẩu trong bữa cơm đãi khách ở Bản Thăng.
Thong thả tận hưởng chén trà vụ xuân, để ý kỹ vào gian bếp, mới thấy rõ ở gia chủ sự sung túc, ấm no. Ngay trên bếp lửa hồng đang tỏa khói, là một giàn thịt lợn muối gác bếp. Người Bố Y khi mổ lợn, thường vào dịp năm mới hoặc gia đình có việc trọng đại, sẽ mời mọi người trong bản sang nhà để chung vui, chia phần, ăn một bữa cơm tình cảm. Phần thịt ngon nhất của con lợn mổ sẽ được gia chủ giữ lại, ủ muối, rồi đem gác bếp để dành, chủ yếu dùng đãi khách quý.
Bên cạnh thứ quý giá là thịt lợn muối, gian bếp người Bố Y còn được thiết kế như một nhà kho đặc biệt. Do đặc tính khí hậu, sương mù nhiều nên người Bố Y thường thiết kế gian bếp có tầng gác, và trên đó là cơ man ngô, trà cổ thụ, gạo, thóc... làm của để dành, dùng ăn dần hoặc tích trữ.
Men lá trộn thành từng bánh, gác bếp để phụ nữ Bản Thăng dùng nấu rượu ngô.
Cũng ở căn gác trên gian bếp, hầu hết trong các gia đình người Bố Y ở Bản Thăng đều dành một góc ưu ái ủ men lá để dành nấu rượu. Công thức men lá được người phụ nữ nắm giữ. Đến mùa, họ vào rừng, hái đủ loại lá, đem về pha chế, trộn lẫn, rồi vo thành từng chiếc bánh nhỏ, đem lên gác bếp ủ và dùng dần vào việc nấu rượu ngô men lá.
Nữ gia chủ cho hay, mỗi người có cách riêng để tạo men, lá cây thì có nhiêu đấy loại, chẳng biết tên vì xưa ông bà dạy sao giờ làm đúng như vậy, duy có một cây không thể thiếu trong công thức men là rau lợn - một loại rau rừng, mọc tự nhiên, nhưng vì thường phát triển ngay chuồng lợn nên gọi rau lợn cho tiện. Từng loại lá khi làm men được gia giảm theo kinh nghiệm riêng, nên tùy từng người nấu rượu, sẽ cho ra các dòng hương vị khác biệt.
Cảnh thì đẹp, đồ ăn uống toàn kiểu cây nhà lá vườn, thực phẩm sạch, không khí trong lành, nhịp sống bình yên, trong gian bếp lại ê hề thực phẩm đặc sản... thế nên, dịp nào vào Bản Thăng, khách xuôi luôn phải xác định... khó về nếu còn tỉnh!.
Làng Gò Cỏ - Dấu ấn xưa trong lòng đá Bên những gành đá hoang sơ, làng biển Gò Cỏ (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) hội tụ vẻ đẹp đặc trưng nhất của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, nơi hòa quyện giữa thiên nhiên hoang sơ, bản sắc văn hóa độc đáo với dấu tích văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa. Theo các nhà khoa học, Gò...