Vẻ đẹp của An Giang trong mắt phượt thủ
An Giang giống như một bức tranh thu nhỏ về vẻ đẹp của miền Tây Nam Bộ, với cảnh sắc thiên nhiên yên bình thơ mộng, ẩm thực phong phú, và những người dân thân thiện.
Cảnh sắc miền Tây Nam Bộ đã hút hồn du khách bởi vẻ đẹp của thiên nhiên được tạo hoá ban tặng. Qua lăng kính, vẻ đẹp bạt ngàn của làng quê, tính cách thân thiện của người miền Tây cùng với ẩm thực vùng miền đã làm thẫn thờ bao lữ khách phương xa.
Mỗi mùa, mỗi tỉnh, thành của miền Tây góp phần làm nên đặc trưng riêng mang cốt cách của miền sông nước. Và An Giang là một bức tranh thu nhỏ về vẻ đẹp ấy!
Những hàng thốt nốt cao ngút giáp với vùng Tịnh Biên (An Giang), từ lâu đã trở thành nếp sống nếp nghĩ của người dân nơi đây. Cuộc sống của họ thường gắn liền với những sản phẩm làm từ cây thốt nốt và đây được xem là “đặc trưng” khi đến với mảnh đất Tịnh Biên này.
Những cánh đồng thốt nốt cũng mang lại giá trị kinh tế cho đời sống người dân…
Bạt ngàn sắc xanh. Ảnh : Yến Nhi.
Khoảnh khắc của những buổi chiều tà trên cánh đồng bất tận, lũ cò đang cùng nhìn về một hướng để đón hoàng hôn sau ngày tìm sự sống cho chính mình. Sắc xanh của cánh đồng lúa, thêm chút sắc trắng của cánh cò, dường như làm cho cánh đồng trở nên bất tận hơn.
Sau những ngày tất bật ở thành thị, bạn sẽ lạc bước chân về cánh đồng quê dung hoà cả tình lẫn sắc nơi đây. Không khó để bắt gặp vẻ đẹp của cánh đồng lúa xanh rì và không khí thoải mái khi đặt chân đến An Giang.
Núi Sam là một trong những đia danh không thể bỏ qua khi đặt chân đến An Giang. Những cánh đồng lúa đang chuyển mình thay sắc…
Một mảng đồng bằng từ núi Sam. Ảnh: Bảo Ân.
Bạn sẽ du ngoạn một vòng quanh rừng Tràm Trà Sư, một vẻ đẹp của bạt ngàn rừng cây. Cùng nhiều loài thực – động vật, bạn sẽ ngồi trên thuyền ba lá, tận tay chạm vào từng mảng bèo rẽ đôi dòng nước, hoà vào bầu không khí của thiên nhiên, đất trời,…
Khoảng rộng bao la của rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Chinniplus.
Video đang HOT
Thẩn thờ khi trở về với vùng sông nước, gắn liền với các địa danh nổi tiếng về khu chợ nổi sầm uất, náo nhiệt với đủ loại mặt hàng và hình thức mua bán khác nhau. Chợ nổi Long Xuyên là địa điểm không thể bỏ nhỡ khi đặt chân đến đến với An Giang. Du khách sẽ được những trải nghiệm tuyệt vời không có nơi nào hiện hữu.
Dạo chơi Búng Bình Thiên vào mùa nước nổi vào tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, bạn có thể du thuyền trên mặt hồ ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên hữu tình ngập tràn sắc vàng của hoa điên điển, ngắm cảnh sắc của hồ nước trời ban
Khi bạn trở về với đồng bằng, len lỏi qua những con đường thẳng tắp, trở về vùng giáp với biên giới, bạn sẽ bị thu hút bởi những ánh mắt của trẻ em nơi vùng biên. Không quá xa lạ gì với trẻ con, nhưng trẻ em vùng biên luôn làm cho du khách cuốn hút ngay từ ánh mắt đầu tiên. Nụ cười ngây thơ, ánh mắt trong trẻo cùng với làn da đặc trưng vùng biên, bọn trẻ ấy, làm rung động khi du khách ghé thăm.
Ánh mắt hồn nhiên của trẻ. Ảnh : Yến Nhi.
Văn hoá Chăm cũng là một trong những điển hình của văn hoá An Giang, làm nên văn hoá riêng biệt. Làng Chăm được hình thành gần 100 năm với những ngôi nhà sàn san sát nhau, và một thánh đường Mas Jid Khoi Ri Yah rộng lớn.
Đặc sản vùng miền sẽ làm nên điều thú vị hơn khi đặt chân đến với nơi đây. Đến với An Giang một trong những làng ẩm thực phong phú tạo nên chất riêng cho Nam Bô. Những món ăn thường gắn liền với lối sinh hoạt giản dị của người dân, nhưng mỗi mùa có một vị riêng, mang hương vị sông nước và chất dân dã vào món ăn.
Món ăn đặc trưng vào mùa nước nổi. Ảnh : Nam Chấy.
Cả những món ăn gắn liền với cuộc sống dân dã đời thường góp phần làm nên ẩm thực phong phú cho Nam Bộ…
Những bức ảnh qua lăng kính sẽ tô đậm thêm nét đẹp của quê hương, không phải bởi vì nó đã được photoshop để làm mờ cảnh ảo tình, mà khi bạn nhìn vào sẽ thấy chất riêng của vùng miền, cái chất mà không thể lẫn vào đâu được.
An Giang là một trong những bức tranh thu nhỏ của Tây Nam Bộ, gắn liền với hình ảnh mộc mạc mà sâu lắng, cùng với văn hoá và chất phóng khoáng của con người tôn thêm vẻ đẹp cuốn hút khi đặt chân đến nơi đây.
Theo Zing News
Hai ngày khám phá An Giang mùa nước nổi
Tháng 9, 10 là thời điểm thích hợp để du khách về An Giang đón mùa nước nổi ở rừng tràm Trà Sư, Búng Bình Thiên, hay tham quan núi Cấm, núi Sam và thưởng thức ẩm thực xứ mắm Châu Đốc.
An Giang là tỉnh miền Tây Nam Bộ giáp biên giới Campuchia, có rất nhiều cảnh quan và ẩm thực độc đáo.
Thời điểm tham quan
Nếu muốn đến An Giang mùa nước nổi để ngắm thảm bèo cũng như thế giới tự nhiên xanh mát ở rừng tràm Trà Sư bạn nên đi vào tháng 10, 11. Vào tháng 4 hay tháng 8 âm lịch là thời gian diễn ra hai lễ hội lớn gồm hội bà Chúa Xứ núi Sam (23 - 27/4 âm lịch) và lễ hội đua bò cuối tháng 8. Các tháng 7 - 8 có mưa khá nhiều nên cần mang theo ô và trang phục phù hợp.
Mảng màu xanh mướt mắt của rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Bùi Ngọc Hà.
Phương tiện đi lại
Xe ô tô: Từ TP HCM bạn có thể mua vé ở bến xe miền Tây hoặc các hãng xe tư nhân trên đường Lê Hồng Phong, giá khoảng 170.000 - 200.000 đồng.
Xe máy: Châu Đốc - An Giang cách TP HCM khoảng 250 km, du khách có thể chạy xe máy để tiện tham quan. Bạn di chuyển theo quốc lộ 1 đến ngã 3 An Thái Trung (chợ An Hữu), rẽ phải rồi qua phà Cao Lãnh đi theo bờ sông Tiền đến Chợ Mới. Sau đó, bạn qua phà Thuận Giang cập bờ sông Hậu tới phà Năng Gù, chạy tiếp quốc lộ 91 khoảng 30 km là tới núi Sam.
Lưu trú
Khách sạn, nhà nghỉ ở An Giang chủ yếu tập trung ở núi Sam, khu vực chợ Châu Đốc và Long Xuyên. Khu vực núi Sam khách sạn, nhà nghỉ có giá khá cao, thường chỉ có khách hành hương lưu lại. Nếu đi du lịch, bạn nên ở khu vực chợ Châu Đốc, để tiện tới các điểm tham quan vào ban ngày cũng như vui chơi và ăn uống buổi tối.
Các điểm tham quan
Rừng tràm Trà Sư: nên đi vào sáng sớm để ngắm được bèo. Nếu đi trễ quá các nhóm đi trước sẽ làm bèo dạt sang hai bên, không còn đẹp nữa. Bạn nên xuất phát khoảng 6h - 7h, để thấy từng đàn chim bay đi. Trên đường, bạn được ngắm thêm khá nhiều cảnh đẹp, các ruộng lúa chín vàng, hồ nước trong veo.
Vé tham quan là 60.000 đồngmột người với thuyền chở 4. Bạn đi xuồng máy trước, sau đó được chuyển sang thuyền chèo tay. Du khách sẽ không khỏi trầm trồ vì vẻ đẹp của thảm bèo Trà Sư. Khoảng cách từ chợ Châu Đốc tới rừng tràm Trà Sư là 30 km. Bạn nhớ leo lên đài quan sát để được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng hết khu rừng.
Hồ Tà Pạ nằm ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: Bùi Ngọc Hà.
Núi Sam: Trên đường đến Trà Sư bạn sẽ đi ngang qua cụm núi Sam. Đây là khu chùa khá trang nghiêm, nơi tổ chức lễ hội bà Chúa Xứ vào ngày 23 - 27/4 âm lịch hàng năm.
Hồ Tà Pạ: Là hồ nước hình thành do việc khai thác đá, nước trong, bên dưới là lớp rêu nên nhìn hồ khi nào cũng có màu xanh ngắt. Đến hồ Tà Pạ bạn cũng sẽ được ngắm cánh đồng lúa ở dưới chân núi, từng thửa ruộng như những tấm thảm lớn.
Núi Cấm: Vé vào cổng là 20.000 đồng một người, đi vào một đoạn bạn sẽ phải gửi xe và thuê xe ôm chở đi tham quan các điểm của núi. Giá đi lên và xuống là 80.000 đồng một người. Ở núi Cấm có nhiều thác, hồ, cây cổ thụ lớn đáng để du khách bỏ tiền và thời gian tham quan.
Búng Bình Thiên: cách Châu Đốc khoảng 30 km. Đây là một hồ nước ngọt, ở sát biên giới Campuchia. Nếu đi vào tháng 10, bạn có thể thấy đầm sen đẹp và làn nước 2 màu rõ rệt. Ở đây có một gia đình cung cấp dịch vụ thuê thuyền đi tham quan hồ và dắt đến đầm sen. Giá là 50.000 đồng một người kèm áo phao. Chỗ thuê thuyền nằm gần một ngôi chùa, bạn có thể hỏi người dân địa phương, họ sẽ chỉ đường kỹ càng.
Buổi tối ở Châu Đốc bạn hãy thử trải nghiệm ngồi xe lôi, tham quan một vòng. Du khách cần nhớ thỏa thuận giá cả trước khi đi.
Ăn uống
An Giang nổi tiếng với món bún mắm, bạn nên thử để không bỏ lỡ đặc sản vùng này. Du khách tìm ăn ở trong chợ Châu Đốc hoặc xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng. Với bún cá, bạn có thể thưởng thức tại khu rạp hát cũ.
Ở chợ Châu Đốc bán rất nhiều món ăn vặt mà bạn nên thử như các loại bánh, chè, súp bò viên, bò leo núi, thốt nốt... Giá cả ở đây từ 20.000 đến 35.000 đồng mỗi món. Các loại bánh thường có giá rẻ hơn.
Canh cá linh, cá lóc, bông điên điển cũng là món ăn ngon ở Búng Bình Thiên mùa nước nổi. Ảnh: Nam Chấy.
Lịch trình tham khảo
An Giang chi cần đi 2 ngày là đủ tham quan hết các điểm.
Ngày 1: Tối hôm trước lên xe đi Châu Đốc, An Giang, tới nơi khoảng 5h. Ăn sáng tại chợ Châu Đốc, hỏi thuê xe máy ở khách sạn (giá thuê một xe khoảng 100.000 đồng một ngày). Xuất phát đi rừng Trà Sư, hồ Tả Pạ. Lúc quay về Châu Đốc ghé núi Cấm tham quan, tối lưu lại thị xã Châu Đốc, du ngoạn đêm bằng xe lôi.
Ngày 2: Đi núi Sam lúc sáng sớm, sau đó tới Búng Bình Thiên. Trưa về khách sạn trả phòng, ăn trưa. Chờ xe trung chuyển đón ra bến để trở về TP HCM.
Theo VNExpress
Một ngày ở Búng Bình Thiên Bên cạnh những cái tên quá nổi tiếng như rừng tràm Trà Sư, Tri Tôn, cánh đồng Tà Pạ, núi Sam..., Búng Bình Thiên cũng là địa danh hút khách du lịch bậc nhất ở An Giang những năm gần đây. Nằm đầu nguồn sông Mekong, giáp biên nước bạn Campuchia, An Giang mang vẻ đẹp đặc trưng nhất của miền Tây sông...