Về cố đô ăn bún hến
Trong nhà hàng, quán ăn hay gánh hàng rong trong con hẻm nhỏ ở đất cố đô, ở đâu bạn cũng có thể thưởng thức món bún hến cay nồng, ngon miệng này.
Bún hến được xem như anh em với món cơm hến nổi tiếng của dân Huế. Nguyên liệu chính là những con hến được bắt ở cồn Hến hay các bãi bồi ven bờ sông Hương. Con hến ở Huế không to như các vùng khác, vị ngọt rất ngon miệng. Hến ngâm nước gạo một thời gian để nhả hết nhớt cũng như bùn đất. Rửa sạch và đem luộc cho đến khi hến há vỏ. Vớt hến cho vào rổ, sàng lấy thịt.
Bún hến là sự pha trộn giữa nhiều thành phần và hương vị khác nhau. Ảnh: T.P.
Bún hến còn có các thành phần khác như rau chuối non, rau môn, rau má thái nhỏ kèm với gia vị cay ớt, nồng tỏi, mặn muối, bùi đậu phụng mè rang, đậm đà mắm ruốc, bột nêm, tiêu, tỏi, ớt bột, tóp mỡ heo… Chỉ chừng đó thôi nhưng ngon đến lạ kỳ, mỗi tô bún chỉ một nhúm hến mà vẫn ngọt ngào.
n dBún hến dâã nhưng là món nhớ đời với nhiều người đến Huế. Đặc biệt là nước hến luộc có màu trắng đục múc ra từ chiếc nồi bung bốc khói nghi ngút, cho vào đầy một cái tô đã đủ gia vị, thế là vừa húp vừa hít hà, ngon không gì bằng.
Theo Vnexpress
Nóng lòng bưng bát bún riêu
Vừa ở sân bay về, mẹ bảo: "Biết tụi bay thèm, mẹ mua sẵn cua đồng đây rồi, làm bát bún riêu ăn cho mát nghe con". Vợ chồng tôi mừng rơn. Từ Bắc vào, trời lành lạnh, có bát bún riêu thi còn gì bằng.
Để làm món bún riêu, mẹ tôi rất kỹ tính khi chọn cua. Phải con nào không to quá, không nhỏ quá, mình cua trắng, mai vàng sẫm, càng to và khỏe. Sau đó mẹ đem về bóc, rửa sạch, để ráo (chứ không mua cua làm sẵn ở chợ). Mẹ dùng cối giã bằng tay. Như vậy thịt cua không bị nát vụn ra như cách thông thường người ta cho vào máy xay. Vì thế nước lọc có màu trăng trắng, nhìn là thấy nhiều thịt cua.
Khâu cần tỉ mỉ nhất là phi gạch cua. Phải cần đến hành tím từ Bắc đem vào, phi bằng mỡ nước cho thơm lừng, rồi đổ gạch cua vào. Màu vàng của gạch láng khắp chảo, mùi béo dậy lên. Mẹ cho thịt ba rọi ướp sẵn vô đảo cho săn lại, màu vàng của gạch lan sang thịt heo tạo thành màu rất tự nhiên. Sau đó mẹ cho cả đậu hũ và huyết heo vào đảo, vị béo của gạch và mỡ heo bám khắp lượt. Cà chua thái múi cho vào, đảo đều, rắc thêm ít tiêu thơm phức. Xong khâu quan trọng nhất rồi.
Nồi cua đồng đã gần hoàn thành, chỉ chờ nước sôi lên là đổ mọi thứ vào. Nước sôi, thịt cua vỡ ra, mẹ khéo léo gạt sang một bên, giội thêm ít nước cốt me. Nước sôi lại, mẹ đổ cả chỗ thịt, đậu phi gạch, nồi cua hoàn thành.
12 giờ trưa, cái nóng của mùa khô lên đến đỉnh điểm. Vị giác kích thích món ăn ngon. Một ít bún, ít rau sống, thêm vài sợi rau muống bào, với thân chuối non, chan vào nước riêu cua có đủ thịt, đậu, huyết heo. Màu xanh rợp mắt xóa đi cái nóng. Màu vàng ươm của cà chua, gạch cua khơi dậy trí tò mò và màu xám trắng của thịt cua cho ta một ít háo hức.
Nước cua chua chua đằm đằm vị của me, ngầy ngậy vị của gạch cua và mỡ nước, giòn giòn vị của rau. Thêm một ít ớt tán và ít mắm, hương vị của bún riêu thật quyến rũ.
Còn nhớ ngày nhỏ sống ngoài Bắc, món bún riêu thật giản dị: chỉ có ít rau tầm bỏi (lá giống lá me, vị chua) và một ít tóp mỡ cho vào, ăn kèm ít rau muống chẻ. Vì đặc trưng vùng, mùa hè ngoài Bắc không có xà lách, cà chua, rau thơm... Còn khi vào miền Nam, món riêu cua được biến tấu nhiều kiểu, vừa mang vị Bắc, vừa vị Nam. Điều này tạo cho bún riêu vị ngon khó cưỡng.
Bố tôi ngâm nga: "nóng lòng bưng bát bún riêu. Ăn vào cứ thấy liêu xiêu tâm hồn".
Theo Monngonsaigon
Bún cá thì là thoang thoảng hương thơm Bát bún nhiều màu sắc với màu vàng của chả cá chiên, trắng của bún, đỏ của cà chua, xanh của hành cùng hương thơm thoang thoảng của thì là rất hấp dẫn. Bún cá thì là mang đậm hương vị đặc trưng của người miền Bắc. Chế biến món này khá đơn giản với thành phần chính là cá thác lác, cà...