Về Cao Bằng khám phá miền biên viễn
Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, suối Lênin… đều là những điểm đến mà du khách luôn muốn ghé thăm khi đến Cao Bằng.
Con đường đưa chúng tôi đến huyện Trùng Khánh của Cao Bằng. Cả đoàn như bị mê hoặc trước cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, cuộc sống bình dị của người dân.
Khác xa với cuộc sống ồn ào nơi đô thị phồn hoa, về với mảnh đất nơi biên cương Tổ quốc, chúng tôi như được hòa mình vào với thiên nhiên trong lành, tươi mát.
Điểm đến đầu tiên mà chúng tôi đặt chân đến là thác Bản Giốc, một trong những thác nước hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam, nằm ở địa phận xã àm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Thác nước hùng vĩ cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng, làm tung lên bọt nước trắng xóa làm mờ cả một vùng rộng lớn.
Đối nghịch với thác nước dữ dội bên trên, phía dưới thác là mặt sông rộng, hiền hòa, phẳng như gương.
Hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng xanh ngắt với những chú ngựa thong dong gặm cỏ.
Sau khi nô đùa thỏa với thiên nhiên, chúng tôi nghỉ ngơi và có bữa tiệc nướng ngoài trời bên dòng thác thơ mộng.
Sau thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao cũng là một điểm đến hấp dẫn tại Cao Bằng. Đây là một động lớn, được hình thành từ sự phong hoá lâu đời của đá vôi. Động có chiều dài 2.144 m.
Video đang HOT
Hệ thống nhũ đá của động rất phong phú với nhiều hình thù, khiến người xem bất ngờ và thích thú.
Các vòm động cứ đóng vào rồi lại mở ra khiến du khách như lạc vào một mê cung thần tiên. Ngườm Ngao không chỉ thu hút khách Việt Nam mà còn có các vị khách nước ngoài.
Đèo Mã Phục là một trong 5 điểm đến không thể bỏ qua khi đến Cao Bằng. Đèo quanh co bên những dãy núi đá vôi cao chót vót, ôm gọn thung lũng vào lòng. Mùa lúa chín, cả cung đường bừng lên sắc vàng rực rỡ.
Đèo Mã Phục còn có một điểm đặc biệt là trên đỉnh đèo có một phiên chợ được họp thường xuyên, luôn tấp nập người mua, kẻ bán.
Bên cạnh đèo Mã Phục, trên hành trình từ Bắc Kạn lên Cao Bằng, chúng tôi còn đi qua đèo Gió.Cảnh đẹp ở đây không hề thua kém bất cứ cung đường đèo nổi tiếng nào.
Hoàng hôn nhẹ buông xuống làm cảnh vật thêm mộng mơ, quyến rũ khiến cho những kẻ lữ khách bùi ngùi không nỡ bước chân đi.
Khu di tích Pác Bó thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng 55 km về phía bắc. Đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng mà có lẽ ai lên Cao Bằng cũng phải ghé qua.
Khu di tích bao gồm nhà tưởng niệm Bác Hồ, suối Lênin, bàn đá nơi Bác Hồ làm việc… Nhưng điểm khiến du khách thích thú nhất là nước suối Lênin có màu xanh ngọc tự nhiên, rất lạ mắt.
Dòng nước suối chảy hiền hòa, sạch trong khiến ta có thể nhìn rõ đáy với từng đàn cá nhởn nhơ bội lội.
Hàng cây cổ thụ hai bên dòng cũng vươn mình soi bóng xuống mặt nước, tạo nên khung cảnh yên ả, thanh bình.
Nguyễn Hoàng Phi
Theo Zing
3 thác nước đẹp như mơ ở Việt Nam
Thác Bản Giốc, Đray Nur hay Pongour đều mê hoặc du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và đầy bí ẩn.
Thác Bản Giốc: Thác Bản Giốc thuộc tỉnh Cao Bằng, nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dòng thác trắng giữa không gian xanh tươi và hùng vĩ tạo khung cảnh đẹp như tranh vẽ.
Phần thác chính rộng khoảng 100 m, cao 70 m và sâu 60 m. Nhìn từ xa, thác đổ xuống trắng xóa như dải lụa trắng.
Đây là một trong những danh lam thắng cảnh lớn nhất của Việt Nam và thác lớn thứ 4 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia, sau Niagra (Canada - Mỹ), Victoria (Zambia - Zimbabwe) và Iguazu (Brazil - Argentina).
Tới đây, bạn sẽ thấy vẻ đẹp choáng ngợp của Bản Giốc với khung cảnh vừa hùng vĩ vừa êm đềm của núi rừng.
Hòa hình vào làn sương nước mát lạnh, tận hưởng không khí trong lành, sảng khoái là trải nghiệm khó quên khi bạn có cơ hội ghé thăm.
Thác Đray Nur: Nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 25 km đi theo quốc lộ 14, qua thủy điện Buôn Kôp gần 3 km, đây là ngọn thác tuyệt đẹp thiên nhiên ban tặng cho Đăk Lăk. Đray Nur nghĩa là thác cái, thác vợ, gắn liền với mối tình "Romeo và Juliet" của núi rừng.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có đôi trai gái yêu tha thiết nhưng vì xung đột giữa hai bản nên bị ngăn cấm. Vào một đêm trăng, họ nhảy xuống sông để trọn đời bên nhau. Tức giận vì sự ích kỷ của dân làng dẫn đến cái chết đôi trẻ, trời nổi cơn giông bão, nước cuồn cuộn dâng cao, chia sông thành hai nhánh, ngăn cách đường đi 2 dòng tộc. Dòng nước lao từ những vách đá thẳng đứng, vỡ ra từng giọt tựa như giọt nước mắt thương khóc kẻ ở người đi.
Thác Đray Nur là một địa điểm lý tưởng cho những ai muốn khám phá thiên nhiên hoang sơ và bí ẩn của vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió.
Thác Pongour: Nơi này còn gọi thác Bảy tầng - ngọn thác nổi tiếng đẹp mơ màng, hoang dã nhất của Nam Tây Nguyên, thuộc huyện Đức Trọng, cách huyện lỵ 20 km và xa trung tâm thành phố Đà Lạt 50 km.
Thác Pongour gắn với truyền thuyết hào hùng của người đồng bào dân tộc K'Ho. Truyện kể, xưa vùng đất này do một nữ tù trưởng người K'ho xinh đẹp cai quản, nàng tên Kanai. Nàng có tài chinh phục thú dữ, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ lợi ích cho con người, trong đó có bốn con tê giác to lớn khác thường luôn tuân lệnh nàng. Chúng dời non, ngăn suối, khai phá nương rẫy, bảo vệ dân làng.
Một ngày vào rằm tháng giêng, nàng trút hơi thở cuối cùng. Bốn con tê giác quanh quẩn bên nàng ngày đêm không rời, chẳng buồn ăn uống cho đến chết. Không lâu sau nơi nàng yên nghỉ sừng sững một ngọn thác đẹp tuyệt trần. Mái tóc của nàng Kanai đã hóa thành dòng nước trắng xóa, trong xanh, mát rượi, còn những phiến đá xanh rêu to lớn làm nền cho thác đổ là những chiếc sừng của tê giác hóa thành. Đó là biểu tượng của sự đoàn kết, gắn bó vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên.
Cứ đến ngày rằm tháng giêng Âm lịch hàng năm, nơi đây tổ chức lễ hội mùa xuân, là nơi gặp gỡ, giao lưu, tham gia các trò chơi dân gian, thu hút khách đông đảo khách du lịch tới thăm.
Phương Anh
Ảnh: Ngô Trung Dũng
Theo Zing
Có một 'tiểu Cửu Trại Câu' ngay ở Việt Nam Dòng suối xanh lục lam như đổ mực, bao quanh là rừng cây hoang sơ ở Pác Bó khiến khách lần đầu tới phải ngỡ ngàng. Khu di tích Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng từ trước đến nay chỉ được biết đến là một di tích lịch sử cách mạng, không thực sự hấp dẫn với...