Về căn cứ địa của Xứ ủy Trung Kỳ
Căn nhà nhỏ của nhân sỹ yêu nước Hoàng Viện trở thành căn cứ hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ trong suốt giai đoạn lịch sử 1930-1931, 1939-1945. Nhiều lãnh đạo của Đảng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chu Huy Mân, Bùi San, Trần Quỳ, Trần Văn Quang… đã từng lưu lại nơi đây.
Đường về thôn Châu Sơn thuộc làng Phúc Mỹ hôm nay.
Trước cách mạng tháng Tám, Hưng Châu (Hưng Nguyên, Nghệ An) là xã chuyên độc canh về nông nghiệp. Đất đai ở đây pha cát, khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, mưa bão, lụt lội xảy ra liên miên. Thêm vào đó là ách áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến làm cho cuộc sống của nông dân vốn đã nghèo khổ càng trở nên điêu đứng.
Làng Phúc Mỹ như một lòng chảo nằm giữa xã Hưng Châu, phía Tây Bắc là núi Nhón, phía Nam là sông Lam. Từ làng Phúc Mỹ ra sông Lam có thể lên ngược về xuôi, ra ga Yên Xuân đi xe lửa vào Nam ra Bắc. Với vị trí như vậy, năm1930-1931, Xứ ủy Trung Kỳ đã chọn làm nơi hoạt động để chỉ đạo phong trào cách mạng vùng Hưng Nguyên, Nam Đàn.
Căn nhà của ông Hoàng Viện nhường cho cán bộ cốt cán Xứ ủy Trung Kỳ ở trong những ngày hoạt động bí mật tại đây.
Tháng 4 năm 1931, Xứ uỷ Trung Kỳ cử phái viên về bắt liên lạc với nhóm cộng sản có bí danh là Trúc – Lam – Giang để phát triển cơ sở Đảng các làng dọc theo sông Lam ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đức Thọ. Lúc này, ở làng Phúc Mỹ đã thành lập được tổ chức Đảng. Được sự giác ngộ, nhiều quần chúng tích cực đã tham gia hoạt động cách mạng, trong đó có ông Hoàng Viện.
Ông Hoàng Viện cùng 3 quần chúng khác được kết nạp vào Chi bộ Phúc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Phúc Mỹ vùng lên đấu tranh hòa chung với khí thế mạnh mẽ của toàn Phủ Hưng Nguyên.
Không chỉ nhường nhà, ông Hoàng Viện cùng vợ, con phục vụ cơm nước, giặt giũ, bảo vệ các nhà hoạt động cách mạng.
Khi phong trào đấu tranh đạt đến đỉnh cao, nhiều cuộc biểu tình lớn diễn ra ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Thanh Chương, Can Lộc, Đức Thọ…, chính quyền Xô Viết ra đời. Tuy nhiên, phong trào cách mạng nơi đây nhanh chóng bị địch đàn áp đẫm máu, nhiều cơ sở Đảng tan vỡ, nhiều Đảng viên bị bắt, tù đày.
Video đang HOT
Chiếc nồi đồng được người dân trong thôn Châu Sơn, làng Phúc Mỹ hiến tặng để dựng mực in truyền đơn, tài liệu.
Trước tình hình đó, Xứ ủy Trung Kỳ quyết định chuyển cơ quan từ Hưng Dũng, Lộc Đa (thị xã Vinh) lên Phúc Mỹ để tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng. Nhà ông Hoàng Viện trở thành trụ sở chính của Xứ ủy Trung Kỳ.
Nhiều hiện vật quý phục vụ cách mạng trong giai đoạn 1930-1931, 1939-1945 đang được lưu giữ tại đây.
Ông Hoàng Viện có hai ngôi nhà. Nhà trên được ngăn thành hai phòng, phòng trong có gác xép làm nơi ăn nghỉ cho cán bộ, phòng ngoài là nơi hội họp, tiếp khách. Phía sau nhà có cửa thông ra núi Nhón. Ngôi nhà ngang nhỏ hơn có 3 gian để nấu ăn. Sau nhà ông Hoàng Viện được đào thêm 2 căn hầm thông sâu vào núi Nhón làm nơi in ấn cất dấu tài liệu và ẩn nấp Khi cần thiết thì cán bộ xuống hầm, vòng ra sau núi để thoát.
Các gia đình trong xóm như nhà ông bà Hoàng Tuân, Hoàng Em, Hoàng Xí, Nguyễn Thị Mỹ, Lê Thị Năm… đều là cơ sở in ấn và nuôi dấu cán bộ Đảng. Tại đây, báo “Lao khổ”, “Tiến lên” số tháng 9, 10 và 11 năm 1930 được in ấn và phát hành, kịp thời cổ vũ tinh thần đấu tranh cho quần chúng nhân dân.
Với kỹ thuật in thạch, nội dung truyền đơn sẽ được khắc trên những khuôn in thạch cao bằng chiếc bút sắt này.
Để đảm bảo an toàn cho cơ quan Xứ ủy, đội tự vệ Hưng Châu được thành lập với 60 đội viên ngày đêm canh gác tuần tra. Một số đảng viên như Hoàng Viện, Hoàng Nhị, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Hứa tích cực vận động quyên góp kinh phí cho Xứ ủy hoạt động.
Những tấm phiếu tặng phẩm của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tặng cho 3 người dân ở Phúc Mỹ vì có những đóng góp trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ cán bộ cốt cán của cách mạng.
Tuy nhiên, phong trào đấu tranh cách mạng ở Hưng Nguyên bị địch đàn áp đẫm máu. Nhiều cán bộ, Đảng viên, quần chúng cách mạng bị bắt giữ. 3 Đảng viên của Chi bộ Phúc Mỹ bị địch xử bắn ngay lại đình làng để uy hiếp tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, Xứ uỷ Trung Kỳ quyết định chuyển đến địa điểm khác để đảm bảo yếu tố bí mật, an toàn…
Tháng 10/1939, các đồng chí Bùi San, Trần Quì, Chu Huy Mân, Trần Văn Quang – cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Trung Kỳ về Hưng Châu hoạt động. Cuối năm 1940, tại nhà ông Hoàng Viện. cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ đã đón đồng chí Mười Cúc (tức Nguyễn Văn Linh) cán bộ Trung ương về trực tiếp lãnh đạo phong trào, chỉ đạo Xứ ủy chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ, tặng Bằng có công với nước cho gia đình bà Hoàng Thị Viện.
Dưới sự lãnh đạo của Xử ủy Trung Kỳ, cùng với nhân dân toàn tỉnh và nhân dân cả nước, nhân dân Hưng Châu đã vùng lên lật đổ chính quyền phong kiến tay sai và là 1 trong 4 địa phương (cùng 2 xã Quỳnh Đôi, Sơn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu và xã Nam Thanh thuộc huyện Nam Đàn) giành được chính quyền sớm nhất tỉnh Nghệ An.
Năm 1964, sau khi cụ Hoàng Viện mất, ngôi nhà chuyển cho con trai ở. Với giá trị lịch sử to lớn trong giai đoạn cách mạng 1930-1931, 1939-1945, năm 1991 nhà ông Hoàng Viện đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Hoàng Lam
(Trong bài có sử dụng tài liệu của Bào tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh)
Theo Dantri
Cà Mau kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước
Sáng ngày 27/4, tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015). Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Tiết mục văn nghệ chào mừng tại lễ kỷ niệm.
Đọc diễn văn lễ kỷ niệm, ông Dương Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau - cho biết, Cà Mau là vùng căn cứ địa của cách mạng miền Nam qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Sau Đồng Khởi, lực lượng cách mạng tỉnh không ngừng lớn mạnh, phát động nhiều phong trào cách mạng quần chúng với khẩu hiệu: "Nông dân làm chủ nông thôn", "Nông dân làm chủ ruộng đất" được đông đảo nhân dân hưởng ứng thành phong trào cách mạng, làm thất bại "quốc sách ấp chiến lược", "khu trù mật" lập ấp, gom dân của Mỹ ngụy khắp nơi.
Sau Mậu Thân 1968, ta củng cố lực lượng, từng bước nổi dậy mở rộng vùng giải phóng, đánh bại kế hoạch "bình định lấn chiếm", "nhổ cỏ U Minh" của địch. Đặc biệt sau Hiệp định Paris, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ tiếp tục viện trợ cho quân ngụy, mở chiến dịch "tràn ngập lãnh thổ" nhằm dốc toàn lực tái chiếm vùng kiểm soát của ta. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Cà Mau khẩn trương mọi mặt, kiên quyết trừng trị địch vi phạm Hiệp định; phong trào tiến công bằng 3 mũi giáp công diễn ra đều khắp; phong trào quần chúng nổi dậy diệt ác phá kềm phát triển mạnh mẽ. Năm 1973, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã chiến đấu trên 2.500 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu trên 7.000 tên địch, giải phóng cơ bản 6 xã, 186 ấp và đưa gần 70.000 dân về quê cũ.
Rạng sáng ngày 29/4/1975, quân ta tiến công từ nhiều hướng vào thị xã Cà Mau, tiêu diệt Phân chi khu Hòa Thành, diệt đồn Cái Nhúc, Phân chi khu Lộ Tẻ, đồn Ao Kho, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên tuyến lộ xe Cà Mau - Cái Nước và thọc sâu vào nội ô thị xã. Sáng ngày 30/4 đến ngày 1/5/1975, lực lượng vũ trang từng bước đánh chiếm các mục tiêu quan trọng và cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền tại thị xã Cà Mau như trại giam, Tiểu khu Cao Thắng, kho vũ khí, trận địa pháo, hậu cứ Trung đoàn 32, Tòa Hành chính... Tỉnh Cà Mau hoàn toàn giải phóng.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khẳng định, Đảng bộ và quân dân Cà Mau mãi ghi nhớ những tên tuổi anh hùng đã ghi vào lịch sử như Tiểu đoàn U Minh, Đội nữ pháo binh Cái Nước, anh hùng Bông Văn Dĩa, Phạm Thị Bay, Hồ Thị Kỷ, Lý Văn Lâm... Với những thành tích to lớn đó, Đảng bộ và quân dân Cà Mau vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến nay, Cà Mau cơ bản hoàn thành việc giải quyết các chính sách sau chiến tranh, tổ chức công nhận và thực hiện chế độ chính sách ưu đãi các đối tượng có công tham gia hoạt động kháng chiến.
Bí Thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình cho biết, toàn tỉnh Cà Mau có 1.463 Mẹ Việt Nam anh hùng, 59 tập thể, 70 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 17.395 liệt sĩ, 16.408 thương bệnh binh. "Đây là những mất mát lớn lao, sự hy sinh vô cùng to lớn, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, đây cũng là niềm tự hào, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của Đảng bộ và quân dân tỉnh nhà. Trách nhiệm của chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau phải tiếp bước cha anh, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhấn mạnh.
Qua 40 năm, tỉnh Cà Mau đã vượt qua khó khăn, tập trung sức người, sức của xây dựng và phát triển tỉnh nhà đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá cao, năm sau cao hơn năm trước, năm 2014 đạt 8,5%, thu ngân sách đạt 3.300 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD. Từ một tỉnh có cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ yếu nay tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế đã giảm xuống còn 36%, công nghiệp- xây dựng tăng lên 36,3% và thương mại- dịch vụ tăng lên gần 28%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt trên 96%; Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là về giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện hơn; TP Cà Mau trở thành đô thị loại II, các thị trấn, khu dân cư tập trung đang trên đà phát triển; Đặc biệt, có các công trình lớn của Trung ương đầu tư trên địa bàn như Khu công nghiệp khí điện đạm, đường hành lang ven biển phía Nam, đường Hồ Chí Minh nối liền Đất Mũi,...đã góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại tỉnh Cà Mau sáng ngày 27/4.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, với những thành tựu trên của Cà Mau sau 40 năm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhiệt liệt biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và quân dân tỉnh Cà Mau đạt được trong thời gian qua.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khẳng định, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi. Đây là cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước ác liệt gian khổ hy sinh nhưng vô cùng anh dũng của Đảng, nhân dân và quân đội ta. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đưa dân tộc ta vào hàng ngũ tiên phong các dân tộc và lực lượng tiến bộ trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, cổ vũ nhân dân thế giới đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội.
Ông Lê Hồng Anh cho biết, Cà Mau là căn cứ địa cách mạng và tại đây, Mỹ ngụy đã tập trung đánh phá ác liệt hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta với nhiều chiến dịch, chiến thuật âm mưu thâm độc. Nhưng với truyền thống yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc, nhân dân Cà Mau đã đùm bọc, chở che bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao; cán bộ chiến sĩ cách mạng xây dựng nên căn cứ lòng dân vững chắc mà kẻ thù không thể khuất phục được. Suốt chặng đường đầy khó khăn gian khổ, Đảng bộ và quân dân tỉnh Cà Mau đã đoàn kết một lòng, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn giành nhiều chiến công vang dội giải phóng tỉnh Cà Mau, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
"Lễ kỷ niệm hôm nay chúng ta cùng bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; chúng ta tri ân các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, của dân tộc, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã không tiếc máu xương, đóng góp trí tuệ và sức lực, tính mạng, của cải cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh bày tỏ.
Thường trực Ban Bí thư cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, kinh tế- xã hội của tỉnh Cà Mau vẫn còn không ít khó khăn. Do đó, ông Lê Hồng Anh đề nghị tỉnh Cà Mau cần phải nỗ lực quyết tâm cao, khắc phục những hạn chế yếu kém, vượt qua khó khăn thách thức, vận dụng đúng đắn và sáng tạo các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp vào điều kiện cụ thể của địa phương, tiếp tục đưa Cà Mau phát triển nhanh, toàn diện và bền vững hơn trong thời gian tới.
Huỳnh Hải
Theo Dantri
Hình ảnh Bạc Liêu những ngày giải phóng 40 năm trước Bạc Liêu chính thức được giải phóng vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất ở ĐBSCL. Tỉnh Bạc Liêu là một trong những địa bàn quan trọng của Tây Nam Bộ. Chính vì thế, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bố trí tại địa bàn này một lực lượng khá lớn với...