Về bức ảnh Bác Hồ và Tướng Giáp trên ô tô ở Quảng trường Ba Đình
Ông Giáp ngồi bên tủm tỉm cười như hiểu ý tôi. Ông đưa tay lên hạ cái mũ của cụ Hồ đang đội và nhìn tôi, nói: Này thì bỏ mũ xuống. Thế là tôi có được bức ảnh có một không hai: Cụ Hồ ngồi bên có ông Giáp.
Ngày 2.9.1945, có người Hà Nội nào mà ngồi yên được. Tôi cũng vậy, nhất là mình có máy ảnh trong tay. Tôi ý thức được giờ phút trọng đại của dân tộc Việt Nam sắp đến. Ai cũng như ai, nhìn lại 80 năm Tây đô hộ, cứ nghĩ như một đêm đen quá dài. Bây giờ bình minh đến rồi.
Ngày 2.9.1945, cả Hà Nội náo nức đón lễ độc lập. Ai cũng đứng vào một hàng ngũ nào đó để cuồn cuộn chảy về hướng Ba Đình, người người tay cờ, tay khẩu hiệu. Còn tôi làm gì? Chụp, chụp và sẽ phải chụp ảnh thật nhiều. Cái đích của tôi là phải chụp được ảnh cụ Hồ khi đang đọc Tuyên ngôn Độc lập, nếu không thì hỏng hết.
Đúng 2h chiều, từ chân lễ đài, tôi nhìn thấy các vị đại biểu dự lễ xuống xe và bước lên kỳ đài. Tôi thấy rất đông người và có nhiều người tôi không được biết tên… Tôi luýnh quýnh theo chân liền và hoàn toàn không bị ai ngăn cản. Trên kỳ đài diện tích có vài mét vuông thôi mà hàng chục người đứng.
Mọi người hình như chen vai thích cánh, hỏi như vậy làm sao tôi chụp được ảnh cụ Hồ đang đọc Tuyên ngôn Độc lập? Các vị dự lễ cũng rất tế nhị, khi tôi giơ máy lên, người đứng trước cũng khẽ nghiêng mình cho tôi chụp nhưng cái lưng khác lại che lấp ngay lập tức. Biết là không làm gì được, tôi vội tụt xuống cầu thang, đứng ôm máy dưới chân kỳ đài, nghĩ kế khác.
Cuộc lễ diễn ra trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ. Khi bài Tiến quân ca vang lên và buổi lễ vừa dứt, tôi đã thấy một chiếc ô tô tiến sát vào chân kỳ đài. Xe đến đón cụ Hồ đi bên có ông Võ Nguyên Giáp. Đúng lúc cụ Hồ và ông Giáp đã ngồi vào xe và xe chưa lăn bánh, tôi nhào tới đưa máy vào khoang cửa và nói: Thưa cụ, vừa rồi trên kỳ đài đông quá con không chụp được ảnh cụ. Xin cụ cho phép con được lấy một hình của cụ.
Video đang HOT
Cụ Hồ khẽ gật đầu. Nhưng lúc ấy cụ Hồ đang đội mũ. Trời đã về chiều. Cái mũ cát vành rộng lại che mất nhiều ánh sáng. Tôi đánh liều: Thưa cụ, con muốn cụ hạ chiếc mũ xuống ạ.
Ông Giáp ngồi bên tủm tỉm cười như hiểu ý tôi. Ông đưa tay lên hạ cái mũ của cụ Hồ đang đội và nhìn tôi, nói: Này thì bỏ mũ xuống.
Thế là tôi có được một bức ảnh có một không hai trong cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh: Cụ Hồ ngồi bên có ông Giáp, cả hai gương mặt đều cương nghị, nhưng hiền hòa, có chút khắc khổ vì những lo toan cho vận nước ở giờ phút ngàn cân treo sợi tóc. Hơn nữa, đây là tấm ảnh chụp vào ngày lịch sử muôn đời ghi nhớ của dân tộc ta ngay sau khi cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập với quốc dân đồng bào của cả nước và thế giới.
Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp trên chiếc xe đến Quảng trường Ba Đình – Ảnh Võ An Ninh
Một phòng triển lãm ảnh về ngày lễ độc lập đã được tổ chức tại phố Tràng Tiền, Hà Nội, ngay sau ngày 2.9.1945. Một cán bộ Việt Minh đồng thời cũng là bạn tôi thấy tôi có bức ảnh quý giá đó nên đề nghị treo bức ảnh cụ Hồ và ông Võ Nguyên Giáp ở chỗ trang trọng nhất của phòng triển lãm.
Hồi đó, mỗi khi có triển lãm, nhất là những triển lãm về đấu tranh cho độc lập tự do, dân chúng thường đi xem rất đông, cho nên bộ ảnh nói trên được nhiều người biết đến. Riêng tôi, do thời cuộc, đã để thất lạc cả phim và tấm ảnh gốc đó. Nhưng may mắn làm sao, tôi đã gặp lại tấm ảnh đáng quý của đời mình được in trong một cuốn hồi ký viết gần đây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tôi đã “sao” lại tấm ảnh, tác phẩm của chính mình.
Khách đến thăm nhà không ai không ngước nhìn lên tấm ảnh này mà gia đình tôi đã trân trọng treo ở giữa phòng khách. Những đốm nắng chiều rơi trên khuôn mặt hai nhà cách mạng trở thành những yếu tố thật kỳ diệu như khắc họa một thời gian khó và quyết liệt của cả một dân tộc mà Hồ Chủ tịch và Võ Nguyên Giáp cùng nhiều nhà cách mạng khác là những nhân vật đại diện.
Theo Dân Việt
"Ông ơi, sao tim con nghẹn lại!"
"Ông ơi, sao tim con nghẹn lại!" - Võ Thành Trung, cháu nội của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại cảm xúc trên trang cá nhân của mình hôm 5/10.
Bức ảnh Võ Thành Trung thơm ông nội là Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chụp năm 1996
Trên trang cá nhân của mình, Võ Thành Trung - con trai của ông Võ Hồng Nam (là con út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) với bà Mạc Thúy Hường - đã nghèn nghẹn kể lại khoảnh khắc đẹp nhất đời mình: "Ông ơi, sao tim con nghẹn lại. Một ngày mùa đông năm 1996, vừa tiếp khách xong, ông gọi con lại khi thấy con chơi ngoài vườn, "thơm ông nào", ông kéo con lại gần hơn.
Chắc con sẽ không bao giờ nhớ được khoảnh khắc này với trí nhớ không hề tốt của con sau 17 năm. May mắn vào lúc ấy, có một bác trong đoàn khách đã dùng ống kính tele ghi lại. Đôi khi những khoảnh khắc đẹp nhất cuộc đời mỗi người lại được ghi lại bởi một người lạ. Thương ông, nhớ ông!
Cảm ơn bác đã chụp tấm hình này. Ba tôi có 21 tấm tất cả, nếu có ai biết người đã chụp tập hình này, có thể giúp T có những cầm hình còn lại được không ạ? Cảm ơn mọi người".
Còn với Võ Hoài Nam - anh trai của Võ Thành Trung - "thời gian như ngừng lại", Nam viết trên trang cá nhân: "Xin cảm ơn tất cả mọi người về những lời nhắn gửi và tình cảm dành cho ông mình, những lời động viên cho gia đình và Nam!!! Đối với mình, thời gian như ngừng lại và thực sự chỉ biết là nhớ ông rất nhiều".
Theo_VnMedia
Cuộc đời của vị tướng bình dị mà vĩ đại Những bức ảnh trong cuốn sách ảnh "Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp" xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đại tướng phần nào phác họa chân dung nhà chỉ huy quân sự tài ba lãnh đạo nhiều chiến dịch lớn giải phóng dân tộc. Đây là những hình ảnh lựa chọn trong cuốn sách ảnh "Đại tướng...