Về Bắc Ninh thưởng thức nem Bùi
Nói đến vùng quê Kinh Bắc, người ta thường nghĩ ngay đến những làn điệu quan họ, nhưng ở vùng quê này còn có những món ăn dân dã mang đậm chất quê hương, ăn một lần thì ắt hẳn khó quên như: Bánh tẻ làng Chờ, bánh khúc làng Diềm, bánh phu thê Đình Bảng… Ngoài các loại bánh nghe tên đã muốn thưởng thức thì ở thôn bùi xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành còn nổi tiếng trong và ngoài nước với loại nem Bùi, sánh cùng với các loại nem Phùng, nem Vẽ…
Món quà quê dân dã mà níu chân thực khách.
Chúng tôi đến tham quan làng Bùi vào một ngày cuối tuần, ngôi làng nhỏ giống như bao làng quê khác. Mới vào đến đầu làng, mùi thơm của thính đã ngào ngạt lan tỏa khắp nơi, tiếng chày giã thính rộn rã. “50% hộ trong làng giờ có thêm nghề phụ là làm nem. Ngoài việc đồng áng, chăn nuôi, chúng tôi quay trở về với nghề cha ông, vừa để gìn giữ một món ăn dân dã, đặc sản của làng, vừa có thêm nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. “Nhiều nhà đã “phất” lên từ làm nem này đấy”, ông trần văn thảo, chủ cơ sở làm nem thảo nhàn, tự hào khoe. Điều đặc biệt ở nem làng Bùi là hương vị của thính, mỗi nhà có một bí quyết riêng nhưng nhà nào cũng thơm, ngon không chê vào đâu được. Nhà ông Xuân mỗi ngày trung bình làm 50kg nem; ngày lễ, Tết có khi làm đến một tạ, tùy theo lượng khách đặt hàng. Nguyên liệu làm món nem Bùi phải là giống lợn ỉ đen, lưng gẫy hình yên ngựa, mõm ngắn nuôi bằng cám gạo và bèo cái, hoặc rau chuối. Cả con lợn thịt ra cũng chỉ lấy được hai cái thăn và phần mỡ gáy để làm nem. Công đoạn làm thì phải dùng thịt thái chỉ, rồi gia giảm tỏi, ớt, dấm chua bóp với thính gạo xay, nắm thật chặt rồi gói lại bằng lá chuối. Sau 3 ngày nem tự chín, lúc đó mới ăn được. Mở lá chuối ra, chiếc nem hình vuông được cô chặt có màu hồng nhạt, mùi thơm của thính, vị béo béo, ngậy ngậy, chua chua của thịt. Lấy một nhúm nem quấn với lá sung cắn một miếng ngon tuyệt. Nem Bùi không cần chấm với nước chấm vì nem đã đầy đủ gia vị vừa ăn, nếu thích, thực khách có thể chấm thêm với chút tương ớt. Được biết, nem làng Bùi xưa kia được chọn để tiến vua, còn thời Pháp, các quan Tây cũng bị “nghiện” món này, đến thời bao cấp thì nghề làm nem làng Bùi bị mai một vì thời đó, cả làng chỉ nuôi giống lợn lai kinh tế nên không thể làm được món nem Bùi do thịt xơ lại hôi.
Ông Nguyễn Văn Thành là một trong những người làm nem lâu đời ở làng Bùi, kể rằng: “Cách đây 6 năm, có 3 ông Tây gần 90 tuổi tìm về làng để được ăn lại thứ nem mà trước kia họ đi lính cho Pháp được ăn một vài lần. Khi ấy, nghề làm nem đã mai một nên không có sẵn; vì vậy, họ đã gửi lại tiền đặt người làng Bùi nuôi lợn làm nem. Tết Canh Dần 2010, nhà ông Thành đã xuất 40kg nem Bùi sang Pháp. Năm nay, họ yêu cầu làm nhiều hơn, nhưng cố gắng lắm, cũng chỉ làm được hơn một tạ. Không chỉ mấy ông khách Tây sành ăn, mà bây giờ đám cỗ của các nhà khá giả trong vùng cũng về làng đặt nem Bùi rất đông”. Sau gần 40 năm thất truyền, nem làng Bùi đã được khôi phục lại, không chỉ ngày Tết mà những ngày thường nhà nhà lại rang, xay thính để thúc nem cho kịp phục vụ thực khách cả Tây lẫn ta.
Nem làng Bùi trở thành món quà quê được bao người trong và ngoài nước yêu thích. Vào mùa rét, nem Bùi được “xuất” đi nhiều nước làm quà như: Nhật Bản, Nga, Mỹ… vì mùa này mới gửi nem đi xa được, mùa nắng nem dễ bị ôi thiu nên những người xa quê chỉ chờ mùa đông Việt Nam để được thưởng thức món nem quê mình.
Video đang HOT
Theo QDND.vn
Đậm đà bánh tẻ Phú Nhi
Tôi về Phú Nhi trong một buổi chiều mát mẻ hiếm hoi của những ngày đầu hè. Khắp các con đường, ngõ hẻm trong làng đâu đâu người ta cũng cảm nhận được một mùi thơm nhè nhẹ của lúa gạo, rơm rạ cứ lan tỏa. Một mùa bội thu nữa lại trôi qua, người làng Phú Nhi tấp nập chuẩn bị cho những mẻ bánh tẻ nóng hổi, món quà quê đã làm nức lòng biết bao du khách từng đặt chân tới mảnh đất này.
Nói đến bánh tẻ, người ta thường nhắc tới một số thương hiệu nổi tiếng như: Bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh), bánh tẻ Văn Giang (Hưng Yên) và không thể không kể đến là bánh tẻ Phú Nhi (Phú Thịnh, Sơn Tây). Cũng được làm từ bột gạo tẻ, được gói bằng lá dong và có nhân thịt lợn, mọc nhĩ, nhưng bánh tẻ Phú Nhi lại mang trong mình hương vị đặc biệt mà không phải bất cứ vùng miền nào có được.
Theo lời kể của bác Cáp Văn Quang, một người lớn tuổi trong làng thì gạo để làm bánh tẻ ngày xưa của làng Phú Nhi phải là những hạt gạo được trồng từ giống lúa hóp (thân cao, hạt dài và trong vắt) thuần chủng, duy nhất, không lai tạo và được trồng trên chính cánh đồng của làng. Hiện nay, giống lúa này không còn nữa vì năng xuất thấp và năm tháng mới cho thu hoạch, nhưng người làng Phú Nhi vẫn lựa chọn loại gạo ngon nhất để làm bánh tẻ.
Bánh tẻ làm không hề đơn giản như một số loại bánh khác. Để làm được những chiếc bánh ngon, dẻo, thơm nó đòi hỏi người làm bánh không chỉ có kinh nghiệm mà còn phải thật khéo léo, thật cẩn thận và tỉ mỉ trong từng công đoạn. Gạo tẻ ngon đem ngâm trước khoảng hai ngày, đem gạo đã ngâm đi xay, gạn bỏ nước lấy cái tinh, cho vào nồi, khoảng một nửa bột, một nửa nước rồi đun cho sôi và quấy đều tay liên tục cho đến khi bột sền sệt là được. Đây là một trong những khâu đặc biệt quan trọng khi làm bánh tẻ, bởi nếu chỉ lơ là, quấy không đều tay bột sẽ không mềm, mịn và có thể bị vón cục.
Chuẩn bị nhân để làm bánh tẻ có lẽ là công đoạn đơn giản nhất nhưng cũng không thể làm qua quýt. Thịt lợn sấn ngon sau khi rửa sạch và luộc chín đem thái chỉ, hành khô và hành tươi băm nhỏ, mộc nhĩ ngâm nở rồi thái lát mỏng. Tất cả đem ướp với hạt tiêu, gia vị cho ngấm rồi cho lên bếp xào chín.
Sau khi mọi nguyên liệu đã chuẩn bị xong, người ta đem gói với một tàu lá dong bên trong và lá chuối bọc bên ngoài sau đó buộc lại bằng lạt hoặc dây chuối, đem đồ khoảng một tiếng kể từ khi bánh lên hơi là chín. "Bánh tẻ phải được đồ mới dẻo và giòn. Nếu luộc, bánh sẽ bị ngấm nước, không ngon. Ngoài ra, để bánh được ngon và giữ được hương vị đặc biệt thì nhất thiết phải đồ bánh bằng bếp củi" - bác Vân, một người có kinh nghiệm làm bánh lâu năm trong làng chia sẻ.
Nhìn những chiếc bánh được bọc bởi lớp lá chuối khô mộc mạc bên ngoài, ít ai biết rằng ẩn chứa bên trong nó là cả linh hồn của những người làm bánh từ bao đời. Cầm chiếc bánh còn bốc hơi trên tay, nhẹ nhàng tháo lớp lá chuối, hương thơm bốc lên. Vị mềm, dẻo của vỏ bánh hòa vào trong cái vị ngọt của thịt lợn, vị giòn, dai của mọc nhĩ và thơm lừng của hạt tiêu... tất cả đã mang đến sự đậm đà cho bánh tẻ Phú Nhi.
Và, ở đâu đó trong những phiên chợ quê, người ta lại thấy những cụ già miệng món mém nhai trầu, thỉnh thoảng lại nắn buộc ngay ngắn sợi dây trên những chiếc bánh. Giản dị, mộc mạc và quen thuộc, nhưng từ bao đời nay người làng Phú Nhi vẫn giữ phong tục dùng loại bánh do chính bàn tay họ làm ra để làm quà biếu, quà tặng cho những người bạn hoặc người thân ở xa mới về như là một lời nhắn nhủ nhớ về nguồn cội, nhớ về những hương vị truyền thống.
Theo MonngonHanoi.com
Bánh phu thê hương vị Kinh Bắc "Từ ngày chàng bước xuống ghe Sóng bao nhiêu đợt bánh phu thê rầu bấy nhiêu" Câu ca ấy tự bao đời nay đã ngân vang trong lòng người dân Kinh Bắc. Tục truyền, tên gọi bánh phu thê là do sự tích vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp...