Về Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang
Đến với Bạc Liêu, nhiều du khách đã tìm về Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu) – công trình kiến trúc lưu giữ những giá trị vật chất cũng như tinh thần của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.
Dạ cổ hoài lang được mệnh danh là Tiếng lòng Nam Bộ và là đứa con tinh thần của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, lưu giữ những giá trị nhân văn sâu sắc.
Tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại khu lưu niệm
Cuộc đời lênh đênh của nhạc sĩ tài hoa
Theo sử sách ghi lại, nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh năm 1890, tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An và mất vào ngày 13/8/1976. Ông sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn với 6 anh, em. Từ thuở thiếu thời, nhạc sĩ tài hoa đã lâm vào hoàn cảnh không may, cuộc sống bần hàn, thiếu thốn. Cả nhà phải chịu cuộc sống lênh đênh, cơ cực đây đó ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Sau nhiều năm bôn ba tìm chốn mưu sinh, cuối cùng ông cùng gia đình dừng chân sinh sống tại tỉnh Bạc Liêu. Tại đây, ông vào ở chùa Vĩnh Phước An để học chữ Nho.
Trong thời gian học chữ tại chùa, ông hay tin có thầy đàn nổi danh xứ Bạc Liêu thời đó là ông Lê Tài Khí (còn gọi là thầy Hai Khị). Ông Tài Khí dù bị mù cả 2 mắt và di tật ở chân, nhưng lại có tài đàn hát điêu luyện hơn người. Bằng niềm đam mê của mình, cậu bé Cao Văn Lầu xin phép cha mẹ dẫn đến gặp ông Tài Khí bái sư học đàn mỗi đêm. Vốn là người siêng năng và yêu thích nhạc cụ, cậu bé Cao Văn Lầu tiếp thu rất nhanh và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, đàn cò, đàn kìm, trống lễ. Điều đặc biệt, đàn tranh là loại nhạc cụ được ông sử dụng thành thạo và chơi hay nhất trong các loại nhạc cụ.
Năm 23 tuổi, nhạc sĩ Cao Văn Lầu lập gia đình, lấy bà Trần Thị Tấn làm vợ. Tuy đến với nhau bằng mai mối, nhưng tình yêu giữa ông và vợ rất mặn nồng. Nhưng cưới nhau 3 năm mà vợ chồng ông vẫn chưa có con. Theo phong tục xưa, với quan niệm “Tam niên vô tử bất thành thê”, cha mẹ buộc ông phải trả vợ về nhà cha mẹ ruột. Vì chữ hiếu, ông đành ngậm ngùi xa cách vợ mình trong niềm nhớ thương vô hạn. Thời ấy, phải chứng kiến cảnh biết bao người vợ tiễn chồng lên đường tòng quân tham gia cuộc chiến chống thực dân Pháp còn kéo dài, ông đau cùng nỗi đau của người chinh phụ ngày đêm đợi chồng. Đêm đêm, nghe tiếng trống chùa văng vẳng vọng về, nhạc sĩ Cao Văn Lầu lại nhớ đến hoàn cảnh của chính vợ chồng mình. Tuy không phải là người chinh phu ra trận và vợ mình cũng chẳng phải là người chinh phụ chờ chồng, nhưng lại cùng chung nỗi đau biệt ly, nhớ nhung và chờ đợi. Để rồi, nhạc sĩ Cao Văn Lầu cho ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”. Hằng đêm, người ta lại thấy ông “Sáu Lầu” ngồi ôm đàn thẫn thờ ca bản “Dạ cổ hoài lang” để vơi bớt nỗi nhớ thương người vợ hiền mà ông yêu qúy.
Tứ tuyệt (kìm, cò, bầu, tranh) biểu tượng của văn hóa Đờn ca tài tử Nam Bộ
Tiếng lòng của cố nhạc sĩ
Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ Cao Văn Lầu để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, mở đường cho nền nghệ thuật Đờn ca tài tử và Cải lương mang đậm chất Nam Bộ đến ngày nay và mãi về sau như: Thu phong, Oanh vàng, Bái đường, Ái cầm… Trong đó, nổi tiếng bật nhất trong bộ sưu tập sáng tác của ông là bản “Dạ cổ hoài lang” sáng tác năm 1919, là tiền thân của bài Vọng cổ ngày nay. Cái gốc của bản “Dạ cổ hoài lang” được ông viết theo nhạc dân tộc: Hò, xự, xang, xê, cống. Đến tháng 8/1919, tại Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu công bố bản nhạc lòng bất hủ của mình với công chúng. Trải qua hơn 100 năm, bản “Dạ cổ hoài lang” được các thế hệ nghệ sĩ tài hoa của vùng đất phương Nam như: Trịnh Thiên Tư phát triển thành nhịp 4; soạn giả Lư Hòa Nghĩa phát triển lên nhịp 8; soạn giả Mộng Vân phát triển thành nhịp 16; ông Trần Tấn Hưng phát triển thành nhịp 32 và Lý Phi phát triển lên đến nhịp 64. Sau đó, soạn giả Viễn Châu kết hợp từ một đoạn nhạc những điệu lý, điệu hò cùng với 4 câu Vọng cổ thể loại nhịp 32 để tạo thành Tân cổ giao duyên làm xao xuyến lòng người và được mệnh danh là “Tiếng lòng Nam Bộ”.
Video đang HOT
Đến với Bạc Liêu lần này, chúng tôi được ghé thăm Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu tọa lạc tại Phường 2 (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Cùng với việc tham quan Khu lưu niệm, tại đây, du khách đều được thưởng thức bản nhạc lòng “Dạ cổ hoài lang” qúy giá của nhạc sĩ tài hoa. Qua đó, thấu hiểu và cảm nhận được tình cảm triù mến của người dân Nam Bộ nói chung dành cho tác phẩm. Cùng với đó, là sự kết tinh cho một cuộc tình có hậu giữa nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bà Trần Thị Tấn (vợ cố nhạc sĩ).
“Dạ cổ hoài lang” chứa đựng chuyện tình đủ cay đắng, ngọt bùi giữa cố nhạc sĩ với bà Trần Thị Tấn. Trên thực tế, dù phải chia ly, nhưng chính tình yêu son sắt đã thôi thúc 2 người thường xuyên qua lại với nhau. Ban đầu bản “Dạ cổ hoài lang” chỉ có 18 câu. Để rồi, khi biết tin bà Trần Thị Tấn mang thai đứa con trai đầu lòng, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã viết tiếp 2 câu (19 và 20) “Trở lại gia đàng/Cho én nhạn hiệp đôi í a”. Cũng từ đây, vợ chồng ông sum họp và sinh được 7 người con (5 trai, 2 gái), gồm các ông, bà: Cao Văn Hùng (Cao Kiến Thiết), Cao Thị Phấn, Cao Văn Hoài, Cao Văn Cường (Cao Phương Sở), Cao Văn Bỉnh, Cao Thị Nga và Cao Văn Đàng.
Trong 7 người con của cố nhạc sĩ, thì cậu cả – ông Cao Văn Hùng (Cao Kiến Thiết) từng là cán bộ cấp cao Bộ Ngoại giao, giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Mông Cổ. Trong khi đó, cậu út Cao Văn Đàng bộc lộ tài năng âm nhạc từ sớm được ông “Sáu Lầu” truyền dạy tất cả sở học hứa hẹn nối tiếp xứng đáng người cha tài hoa. Tiếc thay, cậu út mất sớm khi mới hơn 30 tuổi.
Để khắc ghi những đóng góp nghệ thuật của cố nhạc sĩ, năm 1997, Đảng, Nhà nước đã ra quyết định thành lập Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu; năm 2013 đã nâng cấp thành khu di tích quốc gia, tọa lạc ngay trên vùng đất Bạc Liêu. Qua đó, vừa để tri ân một nghệ nhân tiền bối, đồng thời khẳng định Bạc Liêu là một trong những cái nôi đã hình thành và phát triển Nghệ thuật Đờn ca tài tử và Sân khấu Cải lương Nam Bộ. Khu di tích gồm nhiều hạng mục, từ ngoài nhìn vào là đài Nguyệt cầm được xây dựng bằng đá, ở vị trí trung tâm và cao nhất là biểu tượng cây đờn kìm cách điệu – chiếc đờn đứng đầu Tứ tuyệt (kìm, cò, bầu, tranh).
Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một minh chứng hùng hồn về vị trí đặc biệt của Đờn ca tài tử Nam Bộ tại Bạc Liêu, một đặc điểm văn hóa đã đi vào lòng người và gắn liền với đời sống tinh thần dân tộc.
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu: Địa điểm check-in được nhiều bạn trẻ săn đón
Nhắc đến Bạc Liêu, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ đến những giai thoại về ngôi nhà của công tử Bạc Liêu, nghệ thuật " Đờn ca tài tử" hay " Dạ cổ hoài lang" vang danh khắp cả nước.
Không chỉ thế, nơi đây còn nổi tiếng với cánh đồng điện gió quy mô, được thiết kế hiện đại, độc đáo.
Giới thiệu về cánh đồng điện gió Bạc Liêu
Khởi công từ tháng 9/2010, đến nay Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đã lắp đặt được 62 trụ turbine công suất 16 - 83MW trên biển với diện tích 1300ha. Mỗi trụ turbine cao 80m, nặng hơn 200 tấn cùng với 3 cánh quạt dài hơn 40m, được làm từ thép không gỉ và được trang bị hệ thống tự gập khi có bão lớn. Đây là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam và là dự án đầu tiên được xây dựng trên thềm lục địa ở khu vực Đông Nam Á.
Con đường " check-in" dẫn bạn đến gần hơn với các turbine
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu vừa khiến cho ngành công nghiệp điện năng trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu vừa góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống. Nhìn những chiếc turbine khổng lồ, chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng khi biết rằng nơi này trước đây chỉ là một vùng nước lợ với những cánh rừng bần, đước trải dài.
Phương tiện di chuyển đến cánh đồng điện gió Bạc Liêu
Nếu xuất phát từ TP.HCM, bạn có thể chọn đi xe khách hoặc ô tô để xuống Bạc Liêu. Quãng đường này dài tầm 290km, mất khoảng 5-6 tiếng đồng hồ cho toàn bộ quá trình di chuyển. Giá vé xe khách dao động từ 190.000VNĐ - 210.000VNĐ.
Thời gian di chuyển từ TP HCM đến Bạc Liêu khoảng 5 tiếng đồng hồ.
Khoảng cách từ trung tâm thành phố Bạc Liêu đến nhà máy khoảng 20km nữa. Nếu đi bằng xe máy, từ trung tâm Bạc Liêu, bạn đi xe theo đường Cao Văn Lầu ra phía biển ở địa phận ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông. Sau đó, bạn sẽ đến được cánh đồng quạt gió Bạc Liêu.
Chi phí và thời gian tham quan cánh đồng quạt gió Bạc Liêu
Giá vé tham quan cánh đồng điện gió vô cùng "hạt dẻ" chỉ với 30.000 đồng/người. Thời gian mở cửa từ 6h00 - 16h00 hằng ngày. Tuy nhiên thời điểm thích hợp nhất để bạn đến cánh đồng điện gió Bạc Liêu đó là từ 6h00 - 9h00 hay sau 16h00. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để cho ra đời những bức ảnh cực chất dưới ánh bình minh hay hoàng hôn trên biển. Ngoài ra, cánh đồng điện gió không có mái che nhưng nắng và gió lại khá to nên bạn cần tránh đi vào giữa trưa.
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu- điểm du lịch thu hút giới trẻ
Bỏ túi kinh nghiệm tham quan cánh đồng điện gió Bạc Liêu
Nhà máy Điện gió Bạc Liêu tọa lạc tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Theo đường Cao Văn Lầu đi về phía biển, du khách sẽ tìm thấy "cánh đồng điện gió" quy mô và hiện đại nhất Việt Nam. Con đường bê tông rộng 3m, chạy dài hàng ki lô mét trên mặt biển, sau đó được phân tách thành hai ngả, dẫn du khách tới gần những trụ turbine khổng lồ ngoài biển.
Cánh đồng điện gió dưới ánh bình minh "xịn" không khác gì trong phim.
Nếu bạn chọn đến đây vào thời điểm hoàng hôn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp rất riêng của nơi đây. Hình ảnh mặt trời dần lui về khuất sau mặt biển nhường chỗ cho một nền trời vàng rực và những chiếc tuabin gió đứng sừng sững tạo nên một khung cảnh đẹp đến mê lòng. Bức tranh lãng mạn này nhất định sẽ để lại cho bạn những cảm xúc khó quên đấy. Bạn có thể đi vào thời gian này để chụp được những bức ảnh đầy nghệ thuật.
Khung cảnh lãng mạn làm bạn liên tưởng đến xứ sở cối xay gió Hà Lan.
Ngoài vấn đề về thời gian tham quan, bạn cũng nên ghi nhớ một vài lưu ý nhỏ khi tham quan cánh đồng điện gió Bạc Liêu. Bạn nên mang theo một số vật dụng cần thiết như nước uống, ô, và các dụng cụ chống nắng khác. Đặc biệt, để chuyến trải nghiệm của bạn thêm phần thú vị, bạn có thể kết hợp tham quan một số điểm du lịch nổi tiếng khác của Bạc Liêu như Chùa Xiêm Cán, nhà Công tử Bạc Liêu, khu du lịch Nhà Mát,..
Hiếm có du khách nào trong một chuyến có thể tham quan hết mọi cảnh đẹp du lịch tại Bạc Liêu Một vòng trở về Bạc Liêu, miền Tây để khám phá hết công trình, cảnh đẹp của vùng đất hội tụ văn hóa dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Vùng miền Tây sông nước vẫn luôn là nơi thu hút khách du lịch gần xa chính vì phong cảnh hữu tình, nhiều công trình, di tích mang đậm giá trị văn hóa...