Về An Giang, thưởng thức 4 món ăn vặt ngon nức tiếng từ thốt nốt
Nếu đang trong hành trình du lịch An Giang, xứ sở của thốt nốt, bạn không nên bỏ qua cơ hội thưởng thức thiên đường ăn vặt với các món ngon nức tiếng được làm từ loài cây này.
Bánh bò thốt nốt: Là món ăn dân gian được rất nhiều người ưa chuộng ở miền Tây Nam Bộ, đặc biệt tỉnh An Giang, bánh bò được làm từ những nguyên liệu quen thuộc như bột gạo, nước dừa, đường thốt nốt… Ảnh: Thepetitechef, Thuy_trang3009.
Món ăn này có thể dùng tráng miệng, thay thế bữa sáng và là thức quà phổ biến của du khách mỗi khi đến đây. Hương vị thơm ngon của bánh, ngọt dịu từ đường thốt nốt hòa quyện với chút béo ngậy của nước cốt dừa sẽ đem lại cho bạn cảm giác đặc biệt khi thưởng thức đặc sản này. Ảnh: Sugarstore.
Nước thốt nốt: Dọc theo những tuyến đường về vùng biên giới giáp ranh Campuchia, trái thốt nốt được bày bán ven đường rất hút khách du lịch. Nước thốt nốt thực chất được chắt ra từ cuống hoa của cây.Ảnh: David_dimples.
Video đang HOT
Ruột của trái thốt nốt trắng nõn, bề ngoài khá giống thạch rau câu và không có vị ngọt, được dùng chung với cốc nước thốt nốt. Mỗi cốc nước giải khát thường có giá 10.000 đồng. Ảnh: Vietnamesegod.
Bánh lá thốt nốt: Chiếc bánh lá hấp dẫn, ngon nức tiếng xứ An Giang, được làm từ bột gạo, đường thốt nốt, nước cốt dừa, trái thốt nốt…. Sau khi ủ bột một đêm, người dân ở đây sẽ trộn chúng với các nguyên liệu còn lại, nấu cho đến khi tạo thành hỗn hợp sền sệt. Ảnh: Linh_thuytran.
Khi gói bánh, dừa nạo hoặc đậu xanh sẽ được rắc lên trên rồi đem đi hấp. Mùi vị dân dã, thân quen của quê nhà nhưng hấp dẫn nhiều du khách gần xa. Món ăn trở thành một nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của người dân miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Carmennguyen.ngoc.
Chè thốt nốt: Chè thốt nốt là thức ăn vặt được rất nhiều bạn trẻ mê mẩn. Cách chế biến món ăn này rất đơn giản, bạn cũng có thể tự làm ở nhà bằng cách nấu tan đường thốt nốt rồi cho thêm nước cốt dừa và ruột của trái thốt nốt vào bát chè.. Ảnh: Gom.miu.home.
Dù đơn giản, thành phẩm lại có mùi vị rất ngon và hấp dẫn. Vị béo ngậy của nước cốt dừa hoà quyện với độ dẻo, mềm của cùi thốt nốt thường khiến thực khách nhớ mãi nếu có dịp thưởng thức khi đến thăm các tỉnh miền Tây. Ảnh: Longbay47, Nuna_tran95.
Theo Zing
Đặc sản vùng Bảy Núi (An Giang) khiến nhiều người phải lấy hết can đảm mới dám nếm thử
Nhìn đĩa thức ăn nóng hổi thơm ngon này, có bao nhiêu người sẽ dám gắp ăn ngay mà không chùn tay?
Bảy Núi hay còn gọi là Thất Sơn bao gồm 7 ngọn núi nằm liền kề nhau thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang). Bảy Núi không chỉ có danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều phong tục thú vị mà còn nổi tiếng với các món ăn ngon, độc đáo. Do đó, nếu có dịp ghé An Giang thì bạn không nên bỏ lỡ những đặc sản ngon trứ danh nơi đây. Một trong số đó là món bò cạp Bảy Núi khiến nhiều người "rùng mình" khi nhìn thấy và chắc chắn cũng là một trong những trải nghiệm rất khó quên.
Bò cạp hay còn gọi là "bù kẹp" theo phương ngữ miền Tây, đây là loại động vật không xương sống có màu đen nhánh, 2 càng to như càng cua, kích thước bò cạp to cỡ bằng con dế cơm hoặc có khi to hơn. Bò cạp là loại động vật có nọc độc ở đuôi nếu vô tình để chích phải sẽ bị sưng tấy và rất đau nhức. Thế nhưng, ít ai ngờ loại động vật nguy hiểm này lại trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng Bảy Núi (An Giang).
Một trong những ấn tượng khó phai đối với du khách khi về vùng Bảy Núi là có thể nhìn thấy rất nhiều bò cạp được bày bán dọc hai bên đường. Những con bò cạp này đa phần được người dân lên núi săn lùng bắt được. Bảy Núi là vùng đất có nhiều bò cạp đến mức đôi khi chỉ cần lật bất kỳ tảng đá nào sang một bên là có thể nhìn thấy đầy miệng hang. Lúc này, người dân chỉ cần thò kẹp vào là lôi ra được bò cạp ẩn trú bên trong.
Sau khi bắt đủ số lượng bò cạp thì người ta mang về cho vào thau, chậu bỏ đói vài ngày đợi sạch bụng. Tiếp đó, họ sẽ mang bò cạp đi rửa sạch, để nguyên con và chế biến thành nhiều món ăn đa dạng. Tuy nhiên, do phần đuôi bò cạp có độc nên trước khi nấu thành món ăn thì phần độc này cũng được loại bỏ đi để an toàn hơn cho người thưởng thức.
Món bò cạp phổ biến nhất vùng Bảy Núi này chính là bò cạp chiên giòn thơm phưng phức. Bò cạp cứ để nguyên con như thế và cho vào chảo mỡ hoặc dầu đang sôi. Chỉ vài phút sau thì bò cạp đã chín vàng và bốc mùi thơm ngon hấp dẫn đến lạ lùng.
Ngoài bò cạp chiên giòn thì người dân vùng Bảy Núi còn sáng tạo ra nhiều công thức chế biến món ăn khác nhau. Ví dụ như bò cạp xiên que nướng, bò cạp xào sả ớt, bò cạp chiên bơ... Bò cạp sau khi chế biến xong thì ăn nóng ngay mới ngon và thường được ăn kèm với các loại rau thơm, dưa chuột, cà chua và chấm với muối tiêu chanh. Mặc dù nhìn con bò cạp có hơi đáng sợ nhưng khi thấy đĩa bò cạp được trình bày đẹp mắt thì vẫn đủ sức đánh thức vị giác của rất nhiều người muốn nếm thử.
Bò cạp từ lâu đã được công nhận là món ăn chứa giá trị dinh dưỡng cao, không chỉ phù hợp để chế biến món ăn mà còn được dùng để làm thuốc chữa nhiều loại bệnh. Do đó, bao đời nay, bò cạp Bảy Núi luôn là món ăn an toàn đối với người dân. Tuy nhiên, đối với thực khách phương xa, khi nhìn thấy món ăn này, liệu có bao nhiêu người đủ can đảm nếm thử? Còn bạn thì sao?
Theo Trí Thức Trẻ
Người dân Phú Mỹ đổ xô làm bánh phồng Tết Không khí ở làng bánh phồng Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang những ngày này rất nhộn nhịp, ai nấy đều luôn tay luôn chân bên các công đoạn, người tráng, người đổ bột, người phơi để kịp cho những đơn hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Làng nghề làm quanh năm nhưng tết được coi là thời điểm "bội thu"...