Về An Giang đi chợ nổi
Chợ nổi là nét văn hóa lâu đời của miền Tây sông nước. Chợ nổi mang vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của con người Nam Bộ. Về An Giang, bạn có thể đi tham quan chợ nổi để cảm nhận và trải nghiệm một phần nét đẹp của vùng đất đầu nguồn châu thổ.
An Giang là vùng đất của sông núi hữu tình và trong bức tranh tổng thể đó, chợ nổi tồn tại như lẽ đương nhiên. Dù không tấp nập như chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ), nhưng chợ nổi Long Xuyên và chợ nổi Châu Đốc vẫn có sức hút riêng, với vẻ đẹp hiền hòa, bình dị và pha chút hữu tình.
Chẳng ai biết chính xác chợ nổi Long Xuyên ra đời khi nào nhưng hình ảnh những chiếc ghe từ “miệt trên”, “miệt dưới” tề tựu về khúc sông thoáng đãng cạnh thành phố trẻ để mua bán đã trở nên quen thuộc với người dân vùng đất này. Có một thời, chợ nổi không thể thiếu trong cuộc sống người dân khi đường bộ còn bất tiện. Ngày nay, chợ nổi vẫn tồn tại bên cạnh sự ồn ào, náo nhiệt của một Long Xuyên đang vươn mình phát triển.
“Bẹo hàng” là văn hóa đặc trưng của chợ nổi
Nét đặc thù của chợ nổi Long Xuyên chính là tính nguyên bản của nó. Nhiều người đến với chợ nổi Long Xuyên đều thừa nhận nơi này phảng phất chút gì đó “xưa cũ” nằm ở những nụ cười, cách giao tiếp “nói sao bán vậy” của thương hồ. Đến chợ nổi vào buổi sớm mai, bạn có thể thưởng thức những tô bún riêu cua, bún cá ngon lành rồi nhấp một ngụm cà phê để tận hưởng khung cảnh lộng gió của dòng sông Hậu hiền hòa vừa chớm nắng.
Khoảng 6 giờ sáng, bạn hàng từ trong bờ tất bật “ra ghe” mua nông sản để kịp mang về bán chợ. Cảnh tượng mưu sinh của thương lái, bạn hàng và người bán thức ăn, nước uống ở chợ nổi hiện ra một cách dung dị và bình yên đến lạ. Để từ đó, du khách sẽ cảm nhận được đang có một “dòng đời” hối hả chảy trên một dòng sông! Đến chợ nổi Long Xuyên, bạn có thể cầm trên tay trái dừa Bến Tre, củ khoai ngọt Long An, trái bí Vĩnh Long hay trái khóm Tắc Cậu của xứ Kiên Giang. Bởi, thương hồ chợ nổi Long Xuyên là dân tứ xứ nên nông sản ở đây “gắn mác” nhiều vùng.
Video đang HOT
Thương hồ mua bán ở chợ nổi Long Xuyên
Dạo một vòng quanh chợ nổi, du khách có thể thỏa thích chụp ảnh với khung cảnh những chiếc ghe “bẹo hàng” nằm san sát nhau, hay cảm nhận tình người qua nụ cười chất phác của dân thương hồ. Gần gũi hơn, du khách còn có thể lắng nghe câu chuyện mưu sinh của những con người gắn đời mình với sông nước miền Tây.
Giới trẻ đến tham quan chợ nổi Long Xuyên cũng là để tìm cho mình chút bình yên giữa cuộc sống xô bồ, trở về với văn hóa sông nước đã tồn tại từ rất lâu ở đất Chín Rồng. Ngoài ra, bạn còn có những tấm ảnh “trong veo” về sông nước, về cuộc mưu sinh của những con người tuy vất vả nhưng cởi mở, lạc quan.
Cùng với chợ nổi Long Xuyên, chợ nổi Châu Đốc tồn tại với vài chục chiếc ghe ở khắp nơi về đậu cạnh nhau để mua bán. Khác với chợ nổi Long Xuyên vốn bày bán nhiều mặt hàng rau củ, thương hồ tại chợ nổi Châu Đốc chủ yếu bán trái cây như: chuối, dưa hấu, khóm, dừa… Bởi, cả đời trôi nổi trên sông, nên cách sống của thương hồ cũng phảng phất chút gì đó rất riêng. Đó là những bữa cơm bồng bềnh trên sóng nước, những buổi chiều ngồi “quần ẩm” cùng anh em tứ xứ mà thân như hàng xóm hay sự chân thật trong cư xử của họ cũng tạo ấn tượng đặc biệt đối với du khách.
Gắn với chợ nổi, người ta còn thấy hình ảnh những người đưa đò hoạt bát. Họ đưa bạn hàng ra ghe mua nông sản với tiền công vài chục ngàn đồng mỗi chuyến. Đôi lúc, họ hiểu chợ nổi còn rõ hơn cả thương hồ. Giờ nào chợ đông, giờ nào chợ vãn, ghe nào bán hàng gì, bán mắc hay bán rẻ đều “nằm trong bụng” của dân đưa đò. Bạn hàng từ trong bờ ra chỉ cần nói muốn mua nông sản nào thì họ chở tới ghe, tiếp chất hàng xuống đò rồi đưa trở vô bờ. Khi bạn nói muốn tham quan chợ nổi, họ sẽ là “hướng dẫn viên du lịch” và có thể nói vanh vách về nhịp sống của khu chợ đậm chất miền Tây này.
Bởi chợ nổi mang hơi thở của văn hóa sông nước miền Tây nên vẫn có tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc của ngành chuyên môn và các công ty kinh doanh du lịch với các tour, tuyến tham quan kết hợp ẩm thực hoặc thưởng thức âm nhạc tài tử để tăng tính độc đáo, tạo điểm nhấn cho chợ nổi.
Với vẻ đẹp bình yên, mộc mạc, chợ nổi Long Xuyên, chợ nổi Châu Đốc vẫn có nét hấp dẫn riêng, thu hút du khách ghé thăm để tận hưởng cuộc sống và cách mưu sinh “rặt” chất miền Tây. Bởi thế, bạn hãy đến An Giang và thử một lần đi chợ nổi!
Ngày hội Du lịch 'Văn hóa chợ nổi Cái Răng'
Từ ngày 1 đến 3-8, tại Trung tâm Du lịch quận Cái Răng (thành phố Cần Thơ), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với UBND quận Cái Răng tổ chức Ngày hội Du lịch 'Văn hóa chợ nổi Cái Răng' lần thứ V, năm 2020.
Ngày hội Du lịch "Văn hóa chợ nổi Cái Răng" với nhiều hoạt động đặc sắc, tạo điều kiện cho du khách tìm hiểu và trải nghiệm thực tế đời sống của cư dân chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Phương Nghi
Đây là sự kiện thường niên của thành phố Cần Thơ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Đồng thời, tạo điều kiện cho du khách tìm hiểu và trải nghiệm thực tế đời sống của cư dân chợ nổi cũng như khám phá những nét độc đáo của hoạt động giao thương vùng sông nước; giới thiệu hình ảnh, quảng bá du lịch thành phố Cần Thơ nói chung, quận Cái Răng nói riêng đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ngày hội Du lịch "Văn hóa chợ nổi Cái Răng" năm nay được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc, thể hiện nổi bật chủ đề văn hóa, con người của vùng sông nước miền Tây.
Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Cái Răng cho biết: Đây là dịp để các doanh nghiệp du lịch được trực tiếp gặp gỡ, liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển dịch vụ. Điểm nhấn của Ngày hội Du lịch "Văn hóa chợ nổi Cái Răng" năm nay không chỉ nhằm mục đích phát triển, quảng bá du lịch mà sẽ kết hợp với những hoạt động liên quan đến phát triển an sinh xã hội của địa phương, các hoạt động phát triển và chăm lo an sinh xã hội như: Ra mắt điểm cung cấp nước sạch cho thương hồ tại chợ nổi; tặng ghe cho thương hồ có hoàn cảnh khó khăn; phát động lắp nhà vệ sinh có bồn cầu tự hoại cùng nhiều hoạt động bảo vệ môi trường sông nước khác.
"Sự tương tác của du khách, sự quan tâm của cộng đồng dành cho chợ nổi cũng ngày càng tăng. Đây là tín hiệu tích cực để đưa di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng đến gần du khách, góp phần bảo tồn và phát triển chợ nổi" - Ông Khanh nói.
Bên cạnh các hoạt động truyền thống như diễu hành, trang trí ghe - thuyền, vớt rác trên sông, đua thuyền rồng..., Ngày hội Du lịch "Văn hóa chợ nổi Cái Răng" lần này sẽ có thêm nhiều hoạt động mới đậm nét văn hóa sông nước. Ngoài ra, một hoạt động mới khác là tiệc buffet các loại trái cây và bánh dân gian trên phương tiện thủy, tạo nên cảnh quan mới lạ và góp phần thúc đẩy, quảng bá ẩm thực, nông sản của vùng sông nước Cái Răng. Điều đặc biệt là hai hoạt động trên đều được tổ chức miễn phí cho du khách.
Ông Đặng Ngọc Nhẫn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Cái Răng cho biết: Với khách phương xa, đi chợ nổi Cái Răng là để xem, để khám phá cái nguyên khí của một miền quê lạ.
Du khách không cần ghé vào từng ghe để xem hàng họ bán những gì, chỉ cần chèo chậm, thong thả ngang qua chợ. Du khách nhìn các nhánh cây thon, dài buộc ở đầu ghe kia, trên cây treo gì thì ghe bán thức ấy, lúc la lúc lỉu trông lạ vậy, nhưng đó là tiếng chào mời không lời... Đưa đón khách tham quan đến các điểm du lịch là một hoạt động mới trong năm nay và được các doanh nghiệp du lịch tài trợ, nhằm mục đích kết nối du lịch quận Cái Răng với du lịch thành phố...
Chị Nguyễn Mỹ Phương, du khách đến từ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết: "Chợ nổi Cái Răng rất đẹp, có nhiều ghe xuồng bán đủ loại hàng hóa cùng với những hoạt động mang nét đặc trưng của sông nước miền Tây rất hấp dẫn".
Còn anh Lê Tấn Huỳnh, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Đến với chợ nổi Cái Răng, cảm nhận được không khí đông vui, tấp nập của phiên chợ. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể trải nghiệm thực tế cuộc sống của người dân nơi đây. Có rất nhiều gia đình sinh sống trên những chiếc ghe với đầy đủ tiện nghi như một ngôi nhà nổi trên mặt nước. Những ngôi nhà này được trang bị không thua kém gì bất cứ một ngôi nhà bình thường nào trên cạn".
Chợ nổi Cái Răng là điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long, từ lâu đã hình thành một nền kinh tế văn hóa sông nước mang tính cộng đồng. Việc đi lại giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế hàng hóa bằng đường thủy, nhóm họp buôn bán trên sông, giúp họ dễ dàng hòa nhập cộng đồng, trở thành tập quán trên bến, dưới thuyền.
Phát triển du lịch ở đầu nguồn Với vị trí đặc thù cùng nhiều tiềm năng du lịch (DL), huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) đang từng bước xây dựng, phát triển 'ngành công nghiệp không khói' nhằm tạo bước đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, An Phú đang tập trung phát triển loại hình DL văn hóa, DL...