Vay vốn trồng chè, hộ nghèo tăng thu nhập
Từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Ba Vì (TP.Hà Nội) đã mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, đem lại thu nhập cao.
Hộ mới thoát nghèo có vốn trồng chè
Chị Đinh Thị Hồng (dân tộc Mường) ở thôn 7, xã Ba Trại là một ví dụ điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Chị Hồng cho hay: Từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng năm 2011, cộng với số tiền tích cóp được, gia đình chị mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây chè, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Quyết định này vừa giúp các thành viên có việc làm ổn định, vừa đưa gia đình chị Hồng thoát khỏi diện hộ nghèo.
Hộ anh Dương Văn Thành (ở thôn 3 xã Ba Trại) nhận tiền vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Vì. Ảnh: N.H
Quan trọng hơn, sau khi thoát nghèo, gia đình chị Hồng tiếp tục được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Vì cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. “Số vốn này tạo bước ngoặt quan trọng để gia đình tôi yên tâm sản xuất kinh doanh, không thấp thỏm bị cái nghèo đe dọa” – chị Hồng nói.
Video đang HOT
Tương tự chị Hồng, đầu tháng 2/2020 vừa qua, anh Dương Văn Thành (ở thôn 3, xã Ba Trại) cũng được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Vì cho vay vốn ưu đãi từ chương trình hộ mới thoát nghèo. Anh Thành phấn khởi cho biết: Với số tiền 50 triệu đồng vay được từ Ngân hàng CSXH với thời gian 5 năm, anh sẽ đầu tư mua máy móc để chế biến chè và cải tạo vườn chè 5.000m2 của gia đình, tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình, từ đó chắc chắn sẽ thoát nghèo bền vững.
Trong những năm qua chính quyền xã Ba Trại luôn quan tâm phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Vì, tạo mọi điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn xã có 22 tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập ở tất cả 10 thôn trên địa bàn; 4 tổ chức hội đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên) tham gia ủy thác, quản lý vốn.
Với 10 chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai với tổng dư nợ gần 34 tỷ đồng, có 778 hộ gia đình hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác đang được vay vốn.
Chất lượng tín dụng luôn đảm bảo, không có nợ quá hạn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã góp phần giúp xã Ba Trại thoát khỏi xã vùng khó khăn, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,9% (năm 2019) xuống còn 1,46% (đầu năm 2020), thấp hơn mức trung bình của huyện, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh – xã hội trên địa bàn xã.
Dư nợ ủy thác cho vay chiếm 99,7%
Bà Đỗ Thị Hồng Minh – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Ba Vì cho biết: Hội ND huyện Ba Vì coi việc hỗ trợ về đồng vốn, khoa học kỹ thuật là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng hội ngày càng vững mạnh. Hiện Hội ND huyện đã đứng ra tín chấp, nhận ủy thác vốn từ Ngân hàng CSXH, NNPTNT và Quỹ Hỗ trợ nông dân TP.Hà Nội số tiền lên tới hơn 500 tỷ đồng giúp trên 12.000 lượt hội viên phát triển kinh tế.
Từ các nguồn vốn nói trên đã góp phần hỗ trợ hội viên, nông dân huyện Ba Vì chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Hiện Hội ND huyện Ba Vì đang duy trì 32 mô hình kinh tế tập thể và chỉ đạo xây dựng 8 mô hình kinh tế mới. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao như mô hình nuôi gà đồi theo chuỗi ở các xã Cẩm Lĩnh; mô hình nuôi bò sữa, bò thịt ở các xã Vân Hoà, Tản Lĩnh; mô hình trồng chè an toàn ở xã Ba Trại…
Ông Hoàng Văn Tứ – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Vì cho biết: Thời gian qua, liên ngành Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH – Hội đoàn thể huyện Ba Vì đã thực hiện tốt chương trình ủy thác vay vốn nhằm chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cụ thể: Đến 31/12/2019, dư nợ ủy thác qua các hội đoàn thể là 577,6 tỷ đồng, chiếm 99,7%/tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn huyện. Chất lượng tín dụng ủy thác qua Hội đoàn thể huyện duy trì cơ bản ổn định, không có nợ quá hạn.
Thu Hà
Hà Nội: Hỗ trợ xây, sửa nhà ở xuống cấp, hư hỏng nặng cho 7.165 hộ nghèo
Đây là một trong những kết quả triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đáng chú ý, toàn thành phố đã hỗ trợ xây, sửa nhà ở xuống cấp, hư hỏng nặng cho 7.165 hộ nghèo.
Theo đó, đối với việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo không có khả năng tự xây dựng, sửa chữa nhà ở, từ năm 2016 đến năm 2019, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện hỗ trợ xây, sửa nhà ở xuống cấp, hư hỏng nặng cho 7.165 hộ nghèo từ nguồn ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa. Năm 2018, thành phố ban hành kế hoạch riêng, mở đợt cao điểm vận động xã hội hóa và cho vay ưu đãi từ ngân sách, hỗ trợ cho 4.166 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, đạt 103% so với kế hoạch đề ra. Sau năm 2018, việc hỗ trợ những hộ nghèo phát sinh nhà ở xuống cấp hư hỏng nặng do địa phương tự huy động hỗ trợ.
Liên quan đến hỗ trợ tiếp cận thông tin bằng đầu thu và đường truyền tiếp cận truyền hình số theo Đề án số hóa truyền hình cho hộ nghèo. Thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho 61.965 hộ nghèo tại 30 quận, huyện, thị xã, bảo đảm 100% hộ nghèo của thành phố được tiếp cận và sử dụng truyền hình số mặt đất. Đồng thời, Viettel Hà Nội đã tặng 2.500 điện thoại di động cho hộ nghèo các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức và Ứng Hòa.
Về hỗ trợ giáo dục, trên địa bàn thành phố: 100% học sinh có cha, mẹ thuộc diện hộ nghèo được miễn học phí và được hỗ trợ chi phí học tập; 100% học sinh có cha, mẹ thuộc diện hộ cận nghèo được giảm 50% học phí theo đúng quy định của Trung ương. Năm 2019, HĐND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ 100% học phí và chi phí học tập tối đa 36 tháng cho học sinh thuộc hộ nghèo sau khi thoát nghèo. Đây là chính sách thiết thực được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhằm vận động nhân dân tự nguyện đăng ký thoát nghèo mà vẫn đảm bảo hỗ trợ cho học sinh trong học tập.
Trong công tác đào tạo nghề, trên địa bàn thành phố hiện có 370 cơ sở dạy nghề. Từ năm 2016 đến nay, đã đào tạo cho 761.514 lượt người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 85.047 lượt người. Với kết quả này đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 56,93% năm 2016 lên 67,51% vào năm 2019. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề năm 2019 là 90,4%,
Qua rà soát, 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được ngân sách thành phố hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ 30% mức đóng. 100% trạm y tế cấp xã thực hiện khám, chữa bệnh BHYT, đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Đặc biệt, thành phố ban hành chính sách hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho hộ gia đình nghèo thoát nghèo trở thành hộ có mức sống trung bình trong thời gian tối đa 36 tháng để trợ giúp hộ đảm bảo được chăm sóc sức khỏe, góp phần giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, thành phố duy trì các chính sách hỗ trợ: Tiền điện cho 100% hộ nghèo của thành phố theo đúng quy định của Trung ương. Trợ cấp hằng tháng tại xã, phường, thị trấn cho trên 192.000 đối tượng bảo trợ xã hội, người chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội của thành phố. Mức chuẩn trợ cấp hằng tháng là 350.000 đồng/hệ số 1. Tổng kinh phí trợ cấp đối tượng bảo trợ xã hội hằng năm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, thành phố trợ cấp hằng tháng cho 3.000 người già yếu không có khả năng tự phục vụ và người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, mức trợ cấp 350.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ hằng tháng cho 8.100 người là người cao tuổi cô đơn, người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc khuyết tật đặc biệt nặng thuộc hộ nghèo, cận nghèo mà trong hộ không có người còn khả năng lao động, mức hỗ trợ bằng mức chuẩn nghèo của thành phố, giúp hộ có thu nhập ổn định để thoát nghèo.
Thành phố cũng đang phát triển mạng lưới cấp nước khu vực nông thôn, mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ người dân khu vực nông thôn, trong đó, có hộ nghèo được cung cấp nước sạch đạt 95-100%.
Được quỹ Hội tiếp vốn, người làm nhang Hoà An lãi 30 triệu/tháng Nhờ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của Hội ND mà ông Nguyễn Đức Công (60 tuổi, ở tổ 25, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) đã đầu tư cơ sở làm hương (nhang) hiệu quả. Từ nghề làm nhang, gia đình ông đã vươn lên khá giả, mỗi năm thu nhập trên 250 triệu đồng. Tiếp vốn...