Vay Trung Quốc 300 triệu USD làm cao tốc: Họ đến kiếm lợi chứ không làm từ thiện
Lời đề nghị của Trung Quốc về việc vay hơn 300 triệu USD làm cao tốc Vân Đồn- Móng Cái có thể là “mồi câu” để họ đẩy xi măng, sắt thép, công nhân… sang Việt Nam.
Liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét lời đề nghị của Trung Quốc về việc vay hơn 300 triệu USD thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn- Móng Cái, trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải hiểu rõ bản chất đây là quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc chứ không phải hỗ trợ xuất nhập khẩu.
Đặc biệt hiện nay Trung Quốc thừa quá nhiều thép và xi măng. Vì thế lời đề nghị này có thể là “mồi”.
Ông phân tích, mỗi năm Trung Quốc sản xuất 1200 triệu tấn thép nhưng chỉ sử dụng 600 triệu tấn cho nên Trung Quốc đẩy thép ra Liên minh châu Âu, sang Mỹ, sang tất cả các nước và bị chống đối kịch liệt. Vì thế Trung Quốc dùng cái mồi này (cho vay vốn- PV) để anh nhận cái đó, anh phải nhập toàn bộ thép của tôi, xi măng của tôi, nhận thiết kế của tôi, thi công, công nhân của tôi, nhận giám sát của tôi….vì thế mọi thứ đều quyết định bởi người Trung Quốc.
TS. Lê Đăng Doanh- Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương
Mặc dù Trung Quốc chào giá rẻ nhưng khi thực hiện lại đội giá lên và trở thành đắt, minh chứng là dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông.
“Chúng ta ham vốn rẻ nhưng thực chất đó là cái bẫy, mồi nhử để anh rơi vào đấy. Lúc bấy giờ anh giống như con cá cắn mồi, mắc lưới câu rồi thì quấy mãi không ra, đó là gương tày liếp như các dự án ở Hà Nội này. Đó là cái bẫy chứ không phải thiện chí”, chuyên gia Lê Đăng Doanh bày tỏ.
Theo ông, ông không phân biệt vốn ODA của ai nhưng Việt Nam có thể tìm đến những nguồn vốn từ các ngân hàng khác, có điều kiện cho vay đỡ khắt khe hơn. Nếu chấp nhận vay vốn với điều kiện thép, xi măng, công nhân, thi công thiết kế…cũng của Trung Quốc là điều không chấp nhận được.
“Vì nguồn vốn từ Qũy hỗ trợ xuất khẩu Trung Quốc nên tôi đề nghị cần phải xem xét thận trọng, hoàn toàn không nên chấp nhận những điều kiện hết sức áp đặt của Trung Quốc, gây bất lợi cho chúng ta”, ông Doanh kiến nghị.
Bày tỏ quan điểm đây là dự án cần thiết, nằm trong quy hoạch phát triển giao thông, giao thương với Trung Quốc song TS. Lưu Bích Hồ- Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn, vốn liếng trong nước khó khăn thì nên lùi lại, chưa cần thiết phải làm ngay. Khi nền kinh tế tốt hơn thì nên huy động vốn trong nước hoặc nếu có các đối tác khác tốt hơn thì làm.
Ông Hồ lưu ý, đặc biệt khi vay vốn Trung Quốc phải xem xét thận trọng điều kiện vay đi kèm như thế nào về lãi suất, thời gian ân hạn trả nợ, có bị ràng buộc bởi nhà thầu cấp vốn hay không. Sau khi đàm phán xong mới tính xem giao cho ai làm, hình thức BOT hay PPP.
Video đang HOT
“Làm thế nào phải xem xét nhiều yếu tố: hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng. Đừng có để rơi vào tình trạng như Formosa hay Cát Linh- Hà Đông”, ông Hồ cho hay.
Có thể thấy, đến nay các dự án tại Việt Nam có sử dụng vốn vay, nhà thầu Trung Quốc đều có vấn đề về tính hiệu quả, nhưng ông Hồ cũng cho rằng, nguyên nhân một phần do kỹ năng quản lý, trình độ quản lý của Việt Nam.
“Hiệu quả thấp là tại ta, do chúng ta không có trình độ quản lý chặt chẽ. Không nên trách nhà đầu tư nước ngoài vì họ đến đây kiếm lợi chứ không phải làm từ thiện”, ông Hồ nhấn mạnh.
Chính vì thế ông cho rằng, quan hệ với Trung Quốc là vấn đề cân nhắc cẩn thận nhiều mặt nhưng trước mắt hay lâu dài vẫn phải quan hệ, những bài học kinh nghiệm chúng ta phải rút ra để tránh lặp lại.
TS. Lưu Bích Hồ- Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển
Mới đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang đề nghị Bộ Tài chính đàm phán lại để thay đổi điều kiện vay thuận lợi hơn.
Song chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu thay đổi điều kiện cho vay thì phải xem xét điều kiện như thế nào.
“Theo tôi đã là Qũy hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc thì bản chất của nó là đẩy sắt thép, xi măng, công nhân của họ sang”, ông Doanh nhận định.
Mặt khác, theo ông cũng cần phải xem xét vì sao dự án này chỉ có Trung Quốc quan tâm. Ông cho rằng, việc làm dự án này sẽ có lợi cho Trung Quốc. Họ sẽ dùng đường này đưa hàng hóa xuất khẩu của họ ra cảng Vân Đồn, từ đấy đi sang nước khác với chi phí rẻ hơn, còn nếu đi qua Quảng Đông, phải đi đường sắt hơn 1.000 km thì rất đắt.
Theo_Phụ Nữ News
Vay Trung Quốc 7.000 tỷ làm cao tốc: "Ai ăn bánh thì trả tiền"
Điều quan trọng là cần xem xét dự án cao tốc dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có cần phải vay tới gần 7.000 tỷ hay không và hiệu quả đến đâu để không tạo thêm gánh nặng cho đất nước, các chuyên gia khuyến cáo.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng, việc quyết định đầu tư dự án này bằng nguồn vốn vay Trung Quốc hay không đừng chỉ xem xét đơn giản trên phương diện kinh tế. Nếu một dự án mang lại hiệu quả kinh tế thì đương nhiên phải làm, đặc biệt khi dự án đó đóng góp vào giá trị gia tăng cho nền kinh tế, cải thiện thu nhập và tạo ra nhiều việc làm.
Về dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận xét: "Tôi chưa thấy có phương án tài chính, kỹ thuật để thẩm định dự án này có hiệu quả hay không".
Dẫn ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải cho rằng ngoài Trung Quốc, chưa có đối tác nào tham gia dự án, ông Tuấn phân tích: Mục tiêu thúc đẩy cải cách và phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển như Việt Nam là ưu tiên của Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nếu dự án Vân Đồn - Móng Cái thực sự có hiệu quả kinh tế thì khả năng rất lớn là WB hay ADB có thể sẽ tham gia tài trợ.
Quảng Ninh đang muốn đầu tư nhiều dự án cao tốc. Ảnh minh họa: Báo Quảng Ninh
"Họ đang rất muốn tìm kiếm dự án mang lại hiệu quả kinh tế của nước đang phát triển để cho vay, thúc đẩy cải cách. Có lý do gì mà họ lại từ chối tham gia tài trợ một dự án có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? Việc họ không có dự định tham gia vào dự án Vân Đồn - Móng Cái cho thấy còn có sự nghi ngờ về tính khả thi về mặt kinh tế của dự án này", ông Tuấn nhận định.
Ngay cả Nhật Bản, với tư cách là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất của Việt Nam, cũng không tài trợ. "Điều này đặt một dấu hỏi lớn về tính khả thi kinh tế thực sự của dự án", vị chuyên gia Fulbright nói.
Ông Dương Văn Cận, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, cũng cho rằng: Chúng ta thiếu tiền thì phải đi vay, nhưng không vì thế mà chịu quá nhiều sức ép từ phía đối tác.
Theo ông Cận, sức ép thứ nhất của nguồn vốn vay Trung Quốc là về nhà thầu. Chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm qua dự án Cát Linh - Hà Đông, nếu bị sức ép mà nhà thầu không có năng lực thì chúng ta không nên vay.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn bổ sung, việc khát vốn đầu tư không chỉ diễn ra đối với các dự án giao thông phía Bắc, càng không phải chỉ với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Hơn nữa, nếu càng khát vốn đầu tư thì chi phí cơ hội của vốn càng lớn, và do vậy phải ưu tiên lựa chọn dự án thực sự cần thiết.
"Nhìn khắp đất nước, dự án Vân Đồn - Móng Cái có phải là dự án cần nguồn vốn này nhất hay không? Câu trả lời là không hẳn. Bởi, ngoài Quảng Ninh, nhiều địa phương khác thậm chí còn khát vốn hơn. Song chúng ta lại tính dùng nguồn vốn khan hiếm đó để tài trợ cho một dự án còn nghi ngờ về hiệu quả kinh tế và tính cần thiết như Vân Đồn - Móng Cái", ông Tuấn cảnh báo.
Cho nên, việc vay vốn Trung Quốc cho dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là chưa thuyết phục, ông Tuấn khẳng định.
Một đoạn trên Quốc lộ 18, tuyến huyết mạch của tỉnh Quảng Ninh hiện nay.
Ai ăn bánh, người ấy trả tiền
Trong trường hợp bắt buộc phải vay vốn Trung Quốc cho dự án này, ông Dương Văn Cận khuyến nghị: Ngay từ Hiệp định vay, phía Việt Nam phải đề nghị được lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu công khai để chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, không nên chỉ định nhà thầu. Phương thức này chúng ta vẫn thường thấy ở các dự án vay của Nhật Bản.
Ngoài ra, theo đại diện Hiệp hội nhà thầu, rút kinh nghiệm từ dự án Cát Linh - Hà Đông, cần kiểm soát giá gói thầu, không để nhà thầu Trung Quốc sau này muốn đội vốn đầu tư lên bao nhiêu cũng được. Bởi, đó là tiền đi vay và tương lai, chúng ta sẽ phải trả.
Ông Cận khuyến nghị, khi thỏa thuận hiệp định vay vốn phải có các nhà chuyên môn về đầu tư xây dựng cùng đàm phán, giám sát ngay từ đầu để tránh thua thiệt cho dự án.
Còn ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng: Chính quyền Quảng Ninh phải là chủ đầu tư dự án này theo nguyên tắc "ai ăn bánh người đó phải trả tiền", chứ không phải Bộ GTVT. Có nghĩa, nếu Quảng Ninh đầu tư dự án bằng khoản vay gần 7.000 tỷ đồng này từ Trung Quốc, tỉnh này phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ bằng chính ngân sách của địa phương.
Trong trường hợp quyết định thực hiện, các chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT cần có trách nhiệm giám sát độc lập về phương án kỹ thuật của dự án, đảm bảo tiến độ, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng công trình. Nếu dự án không đảm bảo chất lượng thì cơ quan này phải chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính lo giám sát phương án tài chính, đảm bảo khả năng thu hồi vốn và trả nợ của chính quyền Quảng Ninh. Còn Quảng Ninh đóng vai trò là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm trả nợ nếu dự án không đảm bảo thu hồi vốn.
Người dân Quảng Ninh chính là đối tượng hưởng lợi và do đó, cũng phải chịu rủi ro đối với hiệu quả dự án. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế để người dân Quảng Ninh được quyền tham gia giám sát dự án nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ.
"Với cơ chế này sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là tâm lý ỷ lại, xác lập trách nhiệm của các bên liên quan", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn thẳng thắn.
Lương Bằng
Theo_VietNamNet
Vay Trung Quốc 7.000 tỷ làm cao tốc Vân Đồn Móng Cái? Dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng chiều dài 96 km, được đề xuất vay gần 7.000 tỷ vốn của ngân hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, xung quanh việc vay vốn của Trung Quốc, các bộ vẫn còn ý kiến trái ngược nhau. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức đầu tư dự án...