Vay tiền xã hội đen, người đàn ông bị vợ “hờ” dùng búa đánh tử vong
Bức xúc về việc chồng “hờ” vay tiền xã hội đen rồi bị kéo đến nhà để đòi nợ, người phụ nữ dùng búa đánh nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong.
Nghi phạm Huỳnh Thị Thanh Hương tại cơ quan điều tra. Ảnh: Người Đưa Tin
Theo báo Công Lý, ngày 18/11, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đang điều tra làm rõ vụ án mạng vợ đánh chết chồng “hờ” vừa xảy ra trên địa bàn huyện Chư Păh, Gia Lai.
Danh tính nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Văn H. (SN 1959, trú thôn 1 thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh).
Nghi phạm là Huỳnh Thị Thanh Hương (SN 1968, ngụ cùng địa chỉ), cả hai không có hôn thú nhưng sống chung với nhau như vợ chồng.
Thông tin về sự việc, báo Người Đưa Tin cho hay, ông Hoàng Trọng Hà, Thôn trưởng thôn 1 cho biết, vào khoảng 7h30 ngày 18/11, ông nhận được điện thoại của một người dân thông báo tại nhà riêng bà Hương và ông H. đang đánh nhau.
Video đang HOT
Ngay sau khi nhận được tin báo, ông Hà lập tức chạy đến, nhưng thấy cửa cổng và trong nhà đều đóng kín, trong nhà im phăng phắc.
Ông Hà cho hay: “Tôi đứng ngoài gọi to nhiều lần nhưng không thấy gì. Khoảng 5 phút sau thì thấy bà Hương đi ra mở cửa. Tôi đi theo bà Hương vào trong nhà tại khu vực nhà tắm, thấy ông H. tư thế nằm ngửa dưới sàn, hai chân co, đầu quay ra ngoài.
“Lúc này, bà Hương nói với tôi là bà đã đánh chết ông H. rồi. Tôi có hỏi lý do, bà Hương trả lời do ông H. vay nợ tiền xã hội đen bị nhóm người kéo đến nhà đòi nợ.
Do đó, hai vợ chồng cãi nhau. Trong cơn tức giận bà Hương đã không kiềm chế được, dùng búa đánh nhiều nhát vào người khiến ông H. tử vong”.
Sau đó, ông Hà gọi điện thoại báo cáo với cơ quan công an, đồng thời khuyên bà Hương ra đầu thú.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Thủy Tiên (T/h)
Theo doisongphapluat.com
Hoa dã quỳ trên miệng núi lửa
Nếu Biển Hồ được ví như "đôi mắt" dịu dàng của người con gái, thì hai ngọn núi lửa Chư Đăng Ya (phía Bắc) và Hàm Rồng (phía Nam) phải được xem là "đôi vai" săn chắc của "chàng hiệp sĩ" phố núi Pleiku (Gia Lai).
"Đôi vai" săn chắc ấy có một sức sống mãnh liệt, tâm hồn thoáng đãng, đúng với phong cách của chủ nhân đất rừng Tây Nguyên. Vào tiết lập Đông, "hiệp sĩ" phố núi bắt đầu vươn vai, thể hiện cá tính mạnh mẽ của mình qua lớp áo vàng rực màu hoa dã quỳ...
Núi lửa Chư Đăng Ya mùa hoa dã quỳ. Ảnh: Cẩm Xuyên
Chư Đăng Ya theo cách gọi của người Jrai có nghĩa là củ gừng dại. Hàng triệu năm trước, Hàm Rồng và Chư Đăng Ya là hai trong số những ngọn núi lửa hoạt động dữ dội nhất, góp phần tạo nên cấu trúc địa hình phức tạp của cao nguyên đất đỏ bazan. Dấu tích của sự phun trào dữ dội vẫn còn đó với miệng núi lửa hình phễu khổng lồ giữa đất trời. Do ở độ cao như thế nên Chư Đăng Ya là khu vực có nền nhiệt độ khá dễ chịu, mùa Hè không quá nóng, còn khi Đông về trời lạnh nhưng chưa bao giờ xảy ra hiện tượng rét hại. Có lẽ, từ những đặc tính đó đã hình thành nên Chư Đăng Ya và Hàm Rồng nói riêng, những khu vực trầm tích núi lửa trên cao nguyên đất đỏ bazan nói chung trở thành "vương quốc" của loài hoa dại mang tên dã quỳ.
Dã quỳ trên miệng núi lửa vùng cao nguyên đất đỏ bazan đích thị là loài hoa "báo Đông". Vào khoảng tháng 11 dương lịch hằng năm, khi tiết trời se lạnh là lúc hoa dã quỳ bắt đầu bung nở. Cả một vùng núi đồi trập trùng quanh hai ngọn núi lửa Chư Đăng Ya và Hàm Rồng như được "rắc đầy" một màu vàng rực. Quan sát cả một triền đồi hoa dã quỳ nở vàng rực giữa thiên nhiên cũng giống như ngắm nghía tấm thổ cẩm khổng lồ do bàn tay cô sơn nữ dệt nên. Ở "góc gần" thì có những đường nét thô sơ, chân chất, nhưng khi phóng tầm mắt ra xa là cả bức tranh tuyệt đẹp, thi thoảng lại lắc lư chuyển động theo từng nhịp gió. Bức tranh tự nhiên sống động là thế lại được "phối thêm" màu xanh của cây cỏ và những luống khoai, đồng lúa, nương ngô của bà con cấy trồng theo từng mùa tạo nên một Chư Đăng Ya vừa thực vừa mơ, đầy sức hấp dẫn du khách.
Thuở hồng hoang, các chủ nhân núi rừng Tây Nguyên chỉ cần nhìn thấy hoa dã quỳ chớm nở là đoán biết những giọt mưa cuối mùa đã dứt, để nhường chỗ cho những cơn gió lạnh từ phương Bắc tràn vào. Còn hôm nay, hoa dã quỳ trở thành nét văn hóa đặc sắc, "món ăn" tinh thần không thể thiếu của du khách thập phương trong những chuyến khám phá núi rừng Tây Nguyên. Nếu có cơ hội và đủ năng lượng để chinh phục đỉnh núi Chư Đăng Ya (hay đỉnh Hàm Rồng) vào mùa dã quỳ nở rộ, du khách tha hồ ngắm nghía phố núi Pleiku thoắt ẩn, thoắt hiện trong làn sương mong manh, với "đôi mắt" Biển Hồ mộng mơ tựa vào "đôi bờ vai" săn chắc của "chàng hiệp sĩ".
Thiên nhiên tuyệt đẹp thì đương nhiên sẽ làm đắm say lòng người. Bắt đầu từ một nhóm du khách tìm lên núi khám phá ra mùa hoa vàng, giờ đây, Chư Đăng Ya đã trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Năm 2018, tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ hội hoa dã quỳ với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm âm hưởng núi rừng Tây Nguyên như trình diễn cồng chiêng, biễu diễn nghệ thuật điêu khắc, đan lát, múa xoang, đi cà kheo...
Các nghi thức tín ngưỡng cộng đồng như cúng giọt nước, cúng lúa mới với những món ăn dân dã: Gà nướng, cơm lam trong hơi men rượu cần của dân tộc Jrai tại lễ hội cũng đã ít nhiều thu hút sự chú ý của du khách. Chị Đoàn Minh Phương, trú tại phường Hoa Lư, thành phố Pleiku cho biết: "Mùa dã quỳ nở rộ tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Mình cùng bạn ở Hà Nội đến Chư Đăng Ya vừa để khám phá, vừa lưu giữ những tấm ảnh đẹp nhất để làm kỷ niệm. Mong sao Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya sẽ được đều đặn tổ chức hằng năm để quê hương mình được nhiều người biết đến...".
Đường lên núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Cẩm Xuyên
Niềm mong ước của chủ nhân vùng đất cũng chính là trăn trở của ngành văn hóa ở địa phương. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có gần 450 ngàn lượt khách du lịch đến với tỉnh Gia Lai, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu về du lịch của địa phương theo đó cũng chạm mốc gần 200 tỷ đồng. Để từng bước nâng tầm quy mô của Lễ hội hoa dã quỳ trên núi lửa Chư Đăng Ya, thuộc địa bàn xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh (giáp ranh thành phố Pleiku), địa phương đang dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông để thu hút khách du lịch, tạo thêm sinh kế cho người dân tại chỗ.
Tuy nhiên, việc tổ chức Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya đều đặn hằng năm là điều rất khó để có thể thực hiện, bởi sự biến đổi thất thường của thời tiết khí hậu. Hoa dã quỳ là loài hoa "báo Đông", trong khi tiết trời thì cứ "đỏng đảnh" lúc sớm, lúc muộn, rất khó để ấn định thời gian cụ thể để tổ chức lễ hội. Và đó là lý do năm 2019 không có Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya, du khách đành phải đợi đến mùa sau.
Thái Vân - Cẩm Xuyên
Theo bienphong.com.vn
Bức tranh mùa lúa vàng trên vùng đất đỏ bazan Các cánh đồng Gia Lai đang bước vào những ngày đẹp nhất trong năm với sắc vàng trải dài của lúa chín, và mùi thơm lúa, của rơm mới làm ngọt cả không gian. Nếu có dịp đến Tây Nguyên tháng 11, du khách sẽ bắt gặp cảnh gặt lúa rộn ràng trên ruộng đồng. Trong ảnh là cánh đồng lúa chín của...