Vay tiền bố mẹ nuôi vịt to đẻ trứng bự, chàng trai 9X thu lãi cao
9X Phùng Văn Thủy, sinh năm 1995 ở tiểu khu 9 (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) nuôi vịt bán trứng trên diện tích hơn 4.000m2. Mỗi năm anh Thủy đút túi hơn 70 triệu đồng, từ việc bán trứng ra thị trường.
Trao đổi với PV Dân Viêt, anh Phùng Văn Thủy, tiểu khu 9, cho biết: Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi về nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế. Thấy nghề nuôi vịt bán trứng có thể mang lại thu nhập cao, để thử sức mình và cũng không muốn ngửa tay xin tiền ăn tiêu mãi, tôi nói với bố là vay vốn để đầu tư chuồng trại và ao thả vịt. Nếu sau 2 năm không thành công, tôi sẽ đi làm thuê ở công ty trả tiền bố bố mẹ. Bố mẹ tôi đã tin tưởng và ủng hộ. Sau đó, tôi xuống mua giống ở các trang trại lớn dưới Sơn Tây (Hà Nội) về nuôi trên diện tích hơn 4.000m2.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Thủy về phụ giúp gia đình, sau đó phát triển mô hình nuôi vịt đẻ trứng.
“Bước đầu, tôi gặp nhiều khó khăn do chưa hiểu về tập tính sinh sống và cách chăm sóc vịt, nên đàn vịt còi cọc và đẻ trứng rất ít. Sau đó tôi lên mạng internet và sách báo tìm hiểu về kỹ thuật nuôi, nhờ vậy mà đàn vịt trong trang trại của tôi phát triển rất tốt, ít bị dịch bệnh” – anh Phùng Văn Thủy chia sẻ.
Anh Thủy phấn khởi, khi vịt phát triển tốt và đẻ nhiều trứng.
Theo kinh nghiệm nuôi vịt của anh Thủy: Cần xây dựng chuồng nuôi gần bờ ao, để thuận tiện cho vịt tắm. Chuồng trại phải đảm bảo thoáng mát mùa hè, ấm về mùa đông. Có bạt che xung quanh để khi mưa, chuồng nuôi luôn được khô ráo. Chuồng nuôi chỉ làm bằng những nguyên liệu dễ kiếm như tre, lứa… Tường bao không cần qúa kín để tiện lợi việc đi lại của vịt, dễ dàng vệ sinh và đảm bảo sự thông thoáng.
Nền chuồng có thể xây bằng gạch hoặc láng xi măng để dễ quét dọn, trong lúc xây dựng phải tạo độ dốc về sau.Tiến hành vệ sinh khử trùng chuồng trại, sát trùng kỹ các dụng cụ máng ăn và máng uống cho vịt trước khi đưa vịt vào nuôi. Kiểm tra các trang thiết bị chăn nuôi, để đảm bảo chúng không bị hư hỏng trong quá trình nuôi.
Bình quân 1 ngày anh Thủy xuất ra thị trường 300 quả trứng vịt.
Video đang HOT
Để nuôi vịt thành công, người nuôi cần chọn những con giống có lông bông và mịn, mắt sáng, to, lanh lợi, chân bóng mượt, nhanh nhẹn khỏe mạnh. Không chọn con bị dị tật, quá bé hoặc quá to so với trung bình của con giống như hở rốn, yếu, khèo chân, nặng bụng bết lông…
Nhiều tiểu thương đến tận trang trại anh Thủy thu mua trứng, nhưng có thời điểm anh không đủ sản phẩm để bán.
Anh Phùng Văn Thủy cho hay: “Vịt rất dễ nuôi, hay ăn, chóng lớn, ít dịch bệnh. Tôi thấy nuôi vịt có nhiều thuận lợi, với đặc thù của vịt là có thể sử dụng thức ăn xanh và các loại phụ phẩm nông nhiệp, vịt có thể vặt tận gốc cây cỏ, cả phần củ rễ. Với số lượng hơn 600 con vịt đẻ, mỗi ngày tôi xuất 300 quả trứng, bình quân 1 tháng tôi cung cấp ra thị trường 9.000 quả. Tôi bán 1 quả trứng tại trang trại với giá dao động từ 2.500 đồng – 3.000 đồng, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 70 triệu đồng/năm”.
Anh Thủy đào ao, để tạo môi trường thuận lợi cho đàn vịt phát triển.
Hiện nay nghề nuôi vịt bán trứng trên địa bàn xã Tân Lập vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường đòi hỏi, nên đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định, ít bị rớt giá như nuôi các loại gia cầm khác. Nhiều tiểu thương và các cửa hàng tạp hóa ở ngoài huyện Mộc Châu, thành phố Sơn La gọi điện đặt mua trứng vịt, nhưng anh Thủy không đủ sản phẩm để bán.
Sau khi trừ chi phí, 1 năm anh Thủy lãi hơn 70 triệu đồng.
Ông Vàng A Thào, Chủ tịch xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, cho biết: Trước nhu cầu tiêu thụ của thị trường về trứng vịt, chúng tôi dự định thời gian tới sẽ phối hợp Hội Nông dân và cán bộ Khuyến nông tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, làm chuồng trại cho các hội viên, nông dân.
“Chúng tôi ưu tiên các hộ có hoàn cảnh khó khăn và những hộ chăn nuôi trang trại, hình thành vùng chăn nuôi tập trung, để trở thành mô hình sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường tiêu dùng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế cho người dân và xóa đói giảm nghèo…”, ông Vàng A Thào.
Theo Danviet
Ảnh: Các "cô bò" trên sàn "catwalk" dự thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu
Các thí sinh bò được tập đi "catwalk", ngày nào cũng được tắm táp sạch sẽ, chải lông mượt mà, cắt tỉa móng chân, massage bầu vú để thêm to và căng tròn,... là những bước "tập dượt" cho các thí sinh bò trước khi tham gia cuộc thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu 2019.
Sáng ngày 15/10, tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, đã diễn ra Hội thi "Hoa hậu bò sữa Mộc Châu" năm 2019 với chủ đề "Thiên đường bò sữa trên đất Việt" - chuỗi các hoạt động mang dấu ấn đậm nét văn hóa đã diễn ra tại vùng đất cao nguyên Mộc Châu.
Những "cô bò" chuẩn bị bước lên sàn "catwalk" tại hội thi. Ảnh: Nguyễn Chương
Đây là lần thứ 16 liên tiếp Hội thi Hoa hậu bò sữa được Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu tổ chức. Sự kiện nhằm tôn vinh những người nông dân chăn nuôi bò sữa, đồng thời là ngày hội truyền thống với nét đẹp văn hóa độc đáo, ý nghĩa của vùng đất Mộc Châu. Theo đó, Hội thi 2019 hướng đến đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, hướng tới thị trường xuất khẩu.
Ông Trần Công Chiến - Tổng Giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho biết: "Mục đích chính của hội thi nhằm tôn vinh những hộ làm nghề chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu, qua đó khuyến khích, động viên những người chăn nuôi bò sữa tạo ra phong trào thi đua mạnh mẽ, sôi nổi để giành những phần thưởng cao nhất. Hội thi Hoa hậu bò sữa đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc và là ngày hội được chờ đợi nhất của vùng đất Mộc Châu".
Cho đến nay, Mộc Châu Milk đang có 3 trang trại chăn nuôi tập trung, cùng 548 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa liên kết với công ty, với quy mô tổng đàn bò gần 25.500 con, sản lượng sữa bình quân đạt gần 100.000 tấn/năm. Quy mô hộ chăn nuôi bình quân 45 con/hộ, hộ nhiều nhất nuôi 230 con.
Các "cô bò" được chăm sóc kỹ càng trước khi vào cuộc thi. Ảnh: Nguyễn Chương
Vòng chung kết của Hội thi Hoa hậu Bò sữa năm nay, có 106 cô bò sữa đến từ 70 hộ tham gia tranh giải ở các hạng mục: Bò vắt sữa, bò cạn sữa, bò hậu bị, bê cai sữa và bê sữa ăn. Trong khi đó, các hộ nông dân có bò dự thi sẽ tham gia thi phần thi kiến thức về chăn nuôi.
Ngay từ sáng sớm, dù thời tiết có mưa nhỏ nhưng hàng nghìn du khách từ khắp nơi đã đổ về sân trung tâm của Công ty sữa Mộc Châu để dự Hội thi bò sữa Mộc Châu 2019, mọi người ai cũng háo hức để tận mắt được chứng kiến những màn trình diễn của các "cô bò".
"Vương miện" của cuộc thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu 2019 thuộc về "cô bò" mang số hiệu 16316, sinh năm 2015, trọng lượng 738kg của hộ gia đình ông Lê Xuân Tiến, thuộc đơn vị tiểu khu 19/5. Ảnh: Nguyễn Chương
Trên sàn diễn ra Hội thi bò sữa Mộc Châu 2019, các "ông bầu", "bà bầu" chăm sóc rất cẩn thận, trang điểm kỹ càng cho các "cô bò" của mình để chuẩn bị tham gia Hội thi. Để thêm phần duyên dáng và tạo điểm nhấn, các "cô bò" được chủ nuôi đeo thêm một chiếc nơ đỏ, massage bầu vú để căng đầy, cắt tỉa móng chân trau chuốt, sấy lông đuôi cho bông mượt trước khi bước ra sân khấu trình diễn.
Điều thú vị trước khi khai mạc Hội thi bò sữa Mộc Châu, trước đó ngày 14/10, "cô bò" mang số hiệu HF13478 của chủ nuôi là bà Nguyễn Quỳnh Liên, thuộc đơn vị vườn đào 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu đã "vượt cạn" thành công khi sinh ra một bê con với cân nặng 45kg. Đây là một điềm may mắn với hộ gia đình chúng tôi trước khi tham gia Hội thi. Từ nhiều tháng trước, tôi đã phải có chế độ chăm sóc riêng cho bò từ chế độ dinh dưỡng, hình thể... để tham gia Hội thi.
Theo Ban Giám khảo, tiêu chí để tuyển chọn "Hoa hậu bò sữa" rất nghiêm ngặt, đó là phải hội tụ đầy đủ những đặc điểm đặc trưng của giống bò Holstein Friesian thuần chủng, có ngoại hình đẹp, cơ thể khỏe mạnh, kết cấu cơ thể cân đối hài hòa, bốn chân vững chắc, tầm vóc to lớn, đặc biệt các chỉ tiêu về sinh trưởng, sản xuất sữa phải nổi trội hơn các con bò khác.
Cũng có "thí sinh" bò tham dự hội thi năm nay, hộ chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Cừ, đến từ đơn vị 77 chia sẻ: "Hiện nay, quy trình chăm sóc bò ngày càng được thực hành tốt hơn, bởi vậy chất lượng của các thí sinh bò tham dự Hội thi năm nay có thể hình to, đẹp và cho sản lượng sữa nhiều hơn so với các năm trước". Ông Cừ cho biết, đây là lần thứ 3 gia đình ông tham gia Hội thi. Theo ông Cừ, ý nghĩa của Hội thi đem lại rất thiết thực, giúp các hộ chăn nuôi giao lưu kiến thức, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc bò và chất lượng sữa được tốt nhất".
Sau một buổi sáng căng thẳng của hội thi, cuối cùng "vương miện" của cuộc thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu 2019 thuộc về "cô bò" mang số hiệu 16316, sinh năm 2015, đạt trọng lượng 738kg của hộ gia đình ông Lê Xuân Tiến, thuộc đơn vị tiểu khu 19/5. Đây là năm thứ 2 liên tiếp "cô bò" của hộ gia đình ông Tiến giành được ngôi vị cao nhất của cuộc thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu.
Giải Á hậu 1 Hội thi hoa hậu bò sữa 2019: Bò mang số hiệu 13394 được nuôi tại chủ hộ Phạm Văn Chuyên thuộc đơn vị Vườn Đào 1. Bò sinh năm 2014 có nguồn gốc bố từ Mỹ, mẹ là Australia. Thành tích của bò đạt được như sau : Trọng lượng cơ thể 727 kg. Bò đã đẻ 4 lứa tháng 10 năm 2019. Sữa 305 ngày đạt 13.889 kg.
Giải Á hậu 2 Hội thi hoa hậu bò sữa 2019: Bò mang số hiệu 8221 được nuôi tại chủ hộ Phạm Thị Thắm thuộc đơn vị Chăn nuôi 2. Bò sinh năm 2012 có nguồn gốc bố từ Mỹ, mẹ là Autralia. Thành tích của bò đạt được như sau : Trọng lượng cơ thể 720 kg. Bò đẻ 6 lứa. Lứa 6 đẻ tháng 8 năm 2019. Sữa 305 ngày đạt 13.656 kg.
Theo Danviet
Xây đắp tương lai tươi sáng cho học sinh nghèo Trước những khó khăn của đồng bào biên giới xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, suốt 8 năm qua, BĐBP Sơn La đã thực hiện mô hình "Bữa sáng cho em" để hỗ trợ, giúp đỡ 47 học sinh Trường Tiểu học Lóng Sập và điểm trường mầm non Buốc Pát, xã Lóng Sập. Việc làm đầy tính nhân văn...