Vatican dùng tiền quyên góp cho người nghèo để bù thâm hụt ngân sách
Theo các nhân vật ở Vatican, khoản quyên góp hàng chục triệu USD cho quỹ Peter’s Pence được chi phần lớn cho hoạt động của Tòa thánh thay vì giúp đỡ người nghèo như quảng bá.
Hàng năm, người Công giáo trên khắp thế giới quyên góp hàng chục triệu USD cho giáo hoàng. Các giám mục khuyến khích tín hữu ủng hộ những người yếu thế và đau khổ thông qua lời kêu gọi từ thiện chính của giáo hoàng, được gọi là quỹ Peter’s Pence.
Theo Wall Street Journal, điều mà nhà thờ không quảng bá là hầu hết khoản thu đó, trị giá hơn 50 triệu euro (55 triệu USD) hàng năm, được dùng để lấp lỗ hổng trong ngân sách hành chính của Vatican, trong khi chỉ có 10% được chi cho các công việc từ thiện, theo những người am hiểu về các quỹ.
Dùng tiền từ thiện đầu tư, bù đắp ngân sách
Sai sót của Tòa Thánh trong việc giải ngân quỹ Peter’s Pence khiến một số lãnh đạo Giáo hội Công giáo lo ngại rằng các tín hữu đang bị lừa dối về việc sử dụng các khoản đóng góp của họ. Điều này có thể làm tổn hại thêm đến uy tín về quản lý tài chính của Vatican dưới thời Giáo hoàng Francis.
Giáo hoàng Francis phát biểu trước buổi thuyết giảng tại Vatican, ngày 11/12. Ảnh: Shutterstock.
Vatican đang bị cuốn vào vụ bê bối đầu tư bất động sản mờ ám ở London. Điều này đã gây ra cuộc đấu tranh quyền lực trong bộ máy quan liêu của Vatican và dẫn đến việc sa thải giám đốc điều hành tài chính. Tháng trước, Vatican đã bị đình chỉ khỏi mạng lưới các cơ quan giám sát chống rửa tiền quốc tế.
Trong khi đó, Tòa Thánh đang phải vật lộn với thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Giáo hoàng cảnh báo các hồng y về “tác động nghiêm trọng” đến tương lai kinh tế của tổ chức. Các vấn đề tài chính liên tục của Vatican phản ánh sự thiếu tiến bộ trong cải thiện quản lý và tài chính, điều mà Giáo hoàng Francis, người được bầu vào năm 2013, ra lệnh đại tu sau các cáo buộc tham nhũng, lãng phí và năng lực yếu kém.
Theo luật nhà thờ, Peter’s Pence có thể được giáo hoàng toàn quyền sử dụng theo bất kỳ cách nào để phục vụ thánh chức của ông, bao gồm hỗ trợ chính quyền. Trang web quyên góp nói rằng để hỗ trợ các công việc từ thiện của giáo hoàng, “Peter’s Pence cũng đóng góp cho sự hỗ trợ của Tòa thánh và các hoạt động của Tòa thánh”, nhấn mạnh các hoạt động giúp đỡ “dân cư, các cá nhân và gia đình có hoàn cảnh bấp bênh”.
Video đang HOT
Tài sản của Peter’s Pence hiện có tổng cộng khoảng 600 triệu euro, giảm từ khoảng 700 triệu euro trong thời kỳ đầu giáo hoàng mới nhậm chức, phần lớn là do các khoản đầu tư không thành công, theo những người hiểu rõ về việc sử dụng quỹ.
Việc sử dụng các khoản quyên góp Peter’s Pence hầu như để bù đắp thâm hụt ngân sách, vấn đề đặc biệt nhạy cảm đối với Giáo hoàng Francis, người đã bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng cách kêu gọi “nhà thờ tằn tiện cho người nghèo” và liên tục nhấn mạnh sứ mệnh của nhà thờ là chăm sóc và bênh vực những người yếu thế nhất.
Peter’s Pence, khoản thu đặc biệt từ những người Công giáo trên khắp thế giới vào tháng 6 hàng năm, được coi là nỗ lực gây quỹ cho người nghèo. Trang web quyên góp của Vatican, www.peterspence.va, mô tả nó như “nghĩa cử từ thiện, một cách hỗ trợ hoạt động của Giáo hoàng và Giáo hội toàn cầu trong việc ủng hộ những người nghèo nhất và các Giáo hội gặp khó khăn. Đó cũng là lời thỉnh cầu quan tâm và theo sát những hình thức nghèo đói và tổn thương mới”.
Một phần của trang web dành riêng cho “các công việc thực tế”, mô tả các khoản tài trợ cá nhân, chẳng hạn 100.000 euro cứu trợ những người sống sót sau trận động đất tháng trước ở Albania hoặc 150.000 euro cho những người bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy Idai ở đông nam châu Phi vào tháng 3.
Quyên góp sụt giảm dưới thời Giáo hoàng Francis
Lãnh đạo các nhà thờ địa phương hưởng ứng chủ trương của Vatican khi kêu gọi đóng góp. Theo trang web của Hội đồng Giám mục Mỹ: “Mục đích của Khoản thu Peter’s Pence là cung cấp cho Đức Thánh Cha phương tiện tài chính để giúp đỡ những người đang phải chịu hậu quả của chiến tranh, áp bức, thiên tai và bệnh dịch”.
Nhưng trong ít nhất năm năm qua, chỉ có khoảng 10% số tiền đã thu – tức hơn 50 triệu euro trong năm 2018 – được chi cho các hoạt động từ thiện được quảng bá cho quỹ, theo những người quen thuộc với vấn đề.
Giáo hoàng tại buổi thuyết giảng vào ngày 11/11. Ảnh: Vatican Media.
Trong khi đó, khoảng hai phần ba số tiền đã được sử dụng để giúp bù đắp thâm hụt ngân sách tại Tòa Thánh, những người này cho biết. Tòa Thánh bao gồm chính quyền trung ương của Giáo hội Công giáo và mạng lưới ngoại giao giáo hoàng trên khắp thế giới.
Năm 2018, thâm hụt ngân sách đạt khoảng 70 triệu euro trên tổng chi tiêu khoảng 300 triệu euro, phản ánh sự yếu kém triền miên, chi phí lương tăng và tổn thất thu nhập từ đầu tư.
Các khoản quyên góp cho Peter’s Pence đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, xuống còn hơn 50 triệu euro trong năm 2018 từ hơn 60 triệu euro trong năm 2017. Những người Công giáo lo ngại về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ, cũng như về sự minh bạch tài chính của Vatican, đã xem xét lại việc quyên góp. Các khoản quyên góp dự kiến tiếp tục suy giảm trong năm 2019.
Quỹ Peter’s Pence, được quản lý bởi Phủ Quốc vụ khanh, giám đốc điều hành Tòa Thánh, đã bị kiểm tra gắt gao kể từ tháng 10, khi cảnh sát Vatican đột kích các văn phòng của Quốc vụ khanh và của cơ quan giám sát tài chính Vatican như một phần của cuộc điều tra về khoản đầu tư lớn trong khu thượng lưu Chelsea của London.
Các quan chức Vatican quen thuộc với các hoạt động của Quốc vụ khanh tin rằng ít nhất một số tiền cho khoản đầu tư gây tranh cãi này đến từ Peter’s Pence.
Vào tháng 11, Giáo hoàng Francis nói rằng ông đã cho phép tiến hành đột kích vì dấu hiệu tham nhũng rõ ràng nhưng ông bảo vệ việc đầu tư từ quỹ Peter’s Pence vào bất động sản và các tài sản khác, thay vì sử dụng nó cho từ thiện ngay lập tức.
“Khi tiền từ Peter’s Pence tới, tôi làm gì? Tôi để nó trong ngăn kéo? Không. Đó là quản lý tồi. Tôi cố gắng đầu tư và khi tôi cần cho đi, khi có nhu cầu, trong suốt cả năm, tiền được lấy ra và số vốn đó không mất giá, nó vẫn giữ nguyên hoặc tăng lên một chút”, giáo hoàng phát biểu tháng trước.
Nhưng không quá một phần tư các khoản đóng góp hàng năm cho Peter’s Pence sẵn sàng để đầu tư, sau khi phần lớn được chi cho chi phí hoạt động của Vatican, theo những người quen thuộc với quỹ này.
Tuyết Mai
Theo news.zing.vn/Wall Street Journal
Giáo hoàng cảnh báo giới trẻ Thái về cạm bẫy của công nghệ
Trong ngày thứ hai của chuyến công du tới Thái Lan, Giáo hoàng Francis cảnh báo giới trẻ về những cạm bẫy của công nghệ và tác hại của việc hoang phí khả năng tập trung.
Theo AFP, hòa hợp tôn giáo và hòa bình là thông điệp xuyên suốt trong suốt chuyến đi kéo dài 4 ngày của Giáo hoàng Francis tới Thái Lan. Người đứng đầu Vatican được cho là sẽ tiếp tục làm điều đó trong chuyến thăm Nhật Bản vào ngày 23/11, đất nước duy nhất trên thế giới từng bị tấn công hạt nhân.
Nhưng tại ngày cuối cùng ở Thái Lan, giáo hoàng đã chuyển sự quan tâm tới giới trẻ, cảnh báo thế hệ tiếp theo về những tác hại của công nghệ.
"Những tiến bộ công nghệ nhanh chóng có thể mở ra những khả năng to lớn giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, nhưng cũng có thể dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa vật chất", người đứng đầu Vatican cảnh báo.
Giáo hoàng Francis trong buổi cử hành thánh lễ ngày hôm nay dành cho các tín đồ trẻ ở Thái Lan. Ảnh: AFP.
Sau đó, giáo hoàng đã cử hành một thánh lễ cho các tín đồ Cơ Đốc giáo trẻ của Thái Lan, nhắc nhở họ hãy kiên định khi có những thứ cố tình muốn thu hút sự chú ý của giới trẻ.
"Chúng ta có thể bị lôi cuốn bới những tiếng gọi của thế giới này nhằm tranh giành sự chú ý của chúng ta. Lúc đầu, chúng có vẻ hấp dẫn và thú vị, nhưng về lâu dài, chúng sẽ khiến các con chỉ còn lại sự trống rỗng, mệt mỏi, cô đơn và bất mãn", giáo hoàng nói.
Thông điệp này là lời kêu gọi rõ ràng đến các tín đồ trẻ ở Thái Lan, nơi số người theo đạo Cơ Đốc chỉ vào khoảng 380.000, tương đương hơn 0,5% dân số.
Giám mục Thái Lan Joseph Pradhan Sridarunil nói rằng nhà thờ Thái Lan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi sự quan tâm đến tôn giáo giảm trong giới trẻ.
"Giáo hội Thái Lan ngày nay đang phải đối mặt với tình trạng tương tự các quốc gia khác thế giới, cụ thể là sự khủng hoảng suy giảm thiên hướng tôn giáo", cha Joseph cho hay
Đối với nhiều người Công giáo Thái Lan, những lời dạy của giáo hoàng dành cho lớp trẻ là đáng hoan nghênh.
"Có những thứ khác thu hút thanh thiếu niên, như nội dung thú vị có sẵn trên YouTube và thật dễ dàng để chúng bị nghiện những thứ này hoặc bị làm cho vật chất hơn", bà Siriyaphorn Phongburut, một người tham dự thánh lễ, chia sẻ.
Bà kêu gọi giáo hội sử dụng phương tiện truyền thông xã hội nhiều hơn để thu hút các tín đồ trẻ ở Thái Lan, nơi phần lớn dân số có điện thoại di động kết nối Internet.
Theo news.zing.vn
Giáo hoàng Francis thăm Thái Lan và Nhật Bản vào tháng 11 Giáo hoàng Francis sẽ thăm Thái Lan và Nhật Bản vào tháng 11 với dự định nêu bật lời kêu gọi giải trừ hạt nhân hoàn toàn và tôn vinh các cộng đồng Công giáo nhỏ ở mỗi nước. Giáo hoàng sẽ đến Thái Lan từ ngày 20-23/11 và sau đó là Nhật Bản đến ngày 26/11, Vatican cho biết trong tuyên bố...