Vật thể bay bí ẩn gieo thảm họa trên bầu trời Mỹ
Lực lượng phòng không Mỹ nã 10 tấn đạn mà không hạ được vật thể lạ, nhưng lại khiến nhiều dân thường thiệt mạng vì trúng đạn lạc hay đau tim.
Hình ảnh được cho là ghi lại cuộc tấn công trên bầu trời Los Angeles. Ảnh: History.com.
Sau trận Trân Châu Cảng, nước Mỹ luôn đặt trong tình huống cảnh giác cao độ trước một cuộc tập kích đường không của phát xít Nhật vào Bờ Tây. Sau hàng loạt vụ báo động giả, còi báo động phòng không Mỹ vang lên liên hồi vào đêm 24/2/1942, sau khi phát hiện một máy bay lạ xâm nhập không phận, theo HistoryNet.
Lực lượng Phòng vệ Dân sự (CDS) ở Bờ Tây nước Mỹ phát hiện ra dấu hiệu đầu tiên của chiếc máy bay đang tiếp cận lúc 23h, nhưng họ hành động thận trọng vì máy bay thương mại và tư nhân khá phổ biến khi đó. Khi chiếc máy bay này tiếp tục tiến sát đất liền, các khẩu đội pháo được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. CDS yêu cầu cắt điện toàn thành phố.
Đến 2h sáng ngày 25/2, radar phòng không thu được tín hiệu lạ, cách tây nam thành phố Los Angeles khoảng 160 km. Lệnh báo động được đưa ra khi có thông tin xác nhận “một máy bay không xác định đang tiếp cận bờ biển”. 15 phút sau, báo động được tăng thêm một cấp.
Báo động đỏ sau đó được ban hành, các kíp phòng không và đèn pha vào vị trí chiến đấu. Lúc 3h16, pháo phòng không của Bộ chỉ huy Đánh chặn số 4 bắt đầu khai hỏa suốt 20 phút để bắn hạ máy bay lạ. Đến 4h45, lực lượng phòng không tiếp tục khai hỏa trong 10 phút.
Các khẩu đội pháo phòng không đã nã 1.440 quả đạn pháo 76 mm và 37 mm lên bầu trời Los Angeles, đạt mức trung bình 48 phát/phút. Gần 10 tấn đạn dược đã rơi xuống quanh thành phố trong trận đánh này.
Từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc trận chiến vào sáng sớm hôm sau, hàng nghìn người đã chứng kiến các ánh đèn pha chiếu vào một mục tiêu lơ lửng trên bầu trời thành phố Los Angeles, cùng tiếng nổ chát chúa của đạn pháo phòng không trên bầu trời.
Thông tin chi tiết về vụ tấn công tràn ngập trên các báo buổi sáng của Mỹ. Một số báo đưa tin hai máy bay Nhật Bản bị bắn rơi nhưng không tìm thấy mảnh vỡ nào. Hình ảnh những chiếc đèn pha sáng quắc tập trung rọi vào những vật thể phát sáng trên bầu trời được các tờ báo đăng trên trang nhất, dù không rõ đây là ảnh chụp thực tế hay chỉ là hình vẽ phác họa trận đánh của một họa sĩ.
Ngay khi im tiếng súng, người dân bắt đầu xôn xao về điều họ chứng kiến trên bầu trời Los Angeles. Một số nhân chứng cho rằng có từ 25 đến 50 phi cơ Nhật đã di chuyển chậm về Long Beach để tấn công các nhà máy chế tạo máy bay của Mỹ.
Những người khác có cách giải thích rằng đó là một vụ chạm trán với UFO. Các tin đồn cho rằng hai đĩa bay bị rơi đã được tìm thấy, một trên biển và một trên ngọn núi San Bernardino, cho thấy chúng có nguồn gốc ngoài Trái Đất. Tuy nhiên, không ai đưa ra được các bằng chứng tin cậy.
Video đang HOT
Nhiều người cho rằng vật thể bí ẩn này chỉ là một khinh khí cầu thời tiết hoặc khí cầu lửa của Nhật Bản, chỉ trích lực lượng tuần duyên Mỹ liên tục nã đạn vào một khí cầu suốt nhiều giờ mà không hạ được nó.
Miêu tả của các nhân chứng đầy mâu thuẫn, khiến không ai có thể xác định được vật thể đã gây náo loạn bầu trời Los Angeles đêm đó thực chất là gì. Nhật Bản tuyên bố họ chưa bao giờ phát động cuộc tập kích đường không vào lục địa Mỹ và phía Mỹ cũng không thu được bất cứ mảnh vỡ nào để cáo buộc Nhật. Bộ trưởng hải quân Mỹ Frank Knox bác bỏ thông tin về vụ tấn công, gọi đây là một vụ báo động giả do căng thẳng.
Pháo phòng không Mỹ khai hỏa. Ảnh: Wordpress.
Dù vậy, thiệt hại mà vật thể lạ này gây ra cho người dân Los Angeles là có thật. Tờ Los Angeles Examiner khi đó cho biết một số đạn pháo phòng không 76 mm đã không phát nổ trên không trung và rơi xuống đất, làm hư hỏng nhiều tòa nhà và khiến ít nhất 6 người thương vong. Nhiều quả đạn pháo đủ kích cỡ rơi quanh thành phố, buộc quân đội Mỹ phải căng dây với các tấm bảng lớn cảnh báo đạn chưa nổ.
Tổng cộng 8 người thiệt mạng trong cuộc tập kích này, trong đó 3 người chết vì đau tim, số còn lại bị trúng mảnh đạn pháo nổ dưới đất. Sự cố khiến Mỹ bắt giữ hơn 100 người, đa phần là người Mỹ gốc Nhật Bản, với cáo buộc che giấu thông tin hoặc phát tín hiệu cho máy bay địch.
Duy Sơn
Theo VNE
Những chiến hạm hồi sinh từ tro tàn tại Trân Châu Cảng
Bất chấp thiệt hại nặng trong cuộc tấn công tại Trân Châu Cảng, Hải quân Mỹ đã hồi sinh nhiều tàu chiến quý giá.
Ngày 7/12/1941, hải quân và không quân Đế quốc Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ Mỹ tại Trân Châu Cảng, khiến Mỹ thiệt hại nặng nề về người và trang bị vũ khí.
USS West Virginia (BB-48) là một trong số các tàu chiến bị thiệt hại nặng nhất trong cuộc tấn công, sau khi trúng 7 quả ngư lôi ở mạn trái và nhiều quả bom ở boong tàu. Sau đó, nó ngập trong biển lửa lửa từ tàu USS Arizona bên cạnh và chìm xuống đáy vịnh.
Sau cuộc tấn công, USS West Virginia được bơm hết nước và nổi lên mặt biển, các lỗ thủng được hàn lại. Con tàu lên đường tới quân cảng Puget Sound ở Washington để sửa chữa toàn diện, trước khi trở lại biên chế vào tháng 7/1944.
USS Tennessee (BB-43) chỉ trúng hai quả bom, nhưng nó bị kẹt giữa cầu tàu và một thiết giáp hạm bị chìm trong vòng hơn một tuần. Hải quân Mỹ mất hai tháng rưỡi để sửa chữa con tàu và đưa nó trở lại biên chế. USS Tennessee trở thành một trong các thiết giáp hạm chủ lực của Hạm đội Thái Bình Dương cho tới hết cuộc chiến.
USS Nevada (BB-36) là thiết giáp hạm duy nhất không neo tại cầu cảng trong cuộc tấn công. Điều đó cho phép nó cơ động liên tục trong trận đánh, trước khi trúng 6 quả bom và một ngư lôi của Nhật. Tàu bị hư hỏng nặng và mắc cạn.
Sau khi được sửa chữa tạm thời để ra biển, USS Nevada tới cảng Puget Sound để đại tu. Hải quân Mỹ tái biên chế tàu vào tháng 10/1942. Nó trở thành soái hạm của chiến dịch D-Day tấn công bờ biển Normandy, Pháp năm 1944. Để kỷ niệm sự phục vụ tận tụy của USS Nevada, quân đội Mỹ đã biến nó thành mục tiêu của vụ thử bom hạt nhân đầu tiên tại quần đảo Bikini năm 1946.
USS California (BB-44) bị trúng hai quả bom và ngư lôi, khiến nó chìm xuống đáy vịnh, bất chấp nỗ lực kiểm soát thiệt hại kéo dài 3 ngày của thủy thủ đoàn. Chỉ 3 tháng sau, tàu được trục vớt và đưa đi sửa chữa, sau đó trở lại biên chế hạm đội vào tháng 1/1944.
USS Maryland (BB-46) được che chắn khỏi ngư lôi bởi thiết giáp hạm USS Oklahoma, nhưng vẫn bị trúng hai quả bom xuyên giáp trong cuộc tấn công. Tàu lết tới cảng Puget Sound vào cuối tháng 12/1941 và trở lại hoạt động sau đó hai tháng.
USS Downes (DD-375) đang nằm trong xưởng cạn khi quân Nhật tấn công. Một quả bom cháy đã phát nổ sát thùng nhiên liệu, gây nên một vụ cháy khủng khiếp. Thân tàu bị hư hỏng hoàn toàn, nhưng các bộ phận khác vẫn có thể cứu được. Chúng được đưa tới bang California để sử dụng trên một tàu khu trục mới có cùng thiết kế, mang tên gọi và số hiệu cũ.
USS Cassin (DD-372) cũng ở trong xưởng cạn khi cuộc tấn công xảy ra. Con tàu cũng chịu chung số phận như USS Downes. Nó trở lại biên chế vào tháng 2/1944.
USS Cassin (DD-373) trúng 3 quả bom, ngọn lửa lan tới khoang chứa đạn phía trước, gây ra một vụ nổ khủng khiếp. Tuy nhiên, tàu vẫn được sửa chữa tạm thời để tới thành phố San Francisco. Tại đây, nó được hồi sinh và trở lại biên chế vào tháng 6/1942.
USS Curtis (AV-4) bị trúng một quả bom và bị một máy bay Nhật Bản bị bắn rơi đâm vào, gây ra nhiều đám cháy trên tàu. Sau quá trình sửa chữa tạm thời, nó trở về Mỹ để đánh giá và khắc phục thiệt hại. Quá trình này chỉ mất 4 ngày, USS Curtis trở lại phục vụ tại Trân Châu Cảng từ tháng 1/1942.
USS Releigh (CL-7) trúng một quả ngư lôi vào mạn trái, khiến nó bị nghiêng và có nguy cơ bị lật úp. May mắn là con tàu vẫn nổi và được sửa chữa ngay tại Trân Châu Cảng, sau đó bắt đầu hoạt động trở lại vào tháng 2/1942.
USS Vestal (AR-4) trúng hai quả bom, đồng thời bị ngọn lửa từ USS Arizona lan sang. Thủy thủ đoàn chiến đấu với ngọn lửa cho tới khi tàu được đưa tới chỗ nước nông. Trong các tuần tiếp theo, tình trạng thiếu hụt nhân lực khiến chính thủy thủ đoàn của USS Vestal phải tự sửa chữa tàu của mình. Nó trở lại biên chế vào tháng 8/1942.
Tử Quỳnh
Ảnh: Yahoo
Theo VNE
Ký ức của những đứa trẻ chứng kiến trận Trân Châu Cảng Những đứa trẻ tận mắt chứng kiến trận Trân Châu Cảng năm nào giờ đều đã trở thành những ông bà lão nhưng ký ức về ngày định mệnh vẫn hằn sâu trong tâm trí họ. Khói bao trùm tàu USS Arizona khi nó bị nghiêng và chuẩn bị chìm. Ảnh: AP Ngày 7/12/1941, Chick Takara lúc bấy giờ mới 12 tuổi nhưng...